Tiểu Sử cô Thùy An

 

HOA

Ký –Thùy An


Đi đâu cũng gặp Crepe Myrtle –loài hoa đặc trưng của thành phố tôi đang sống. Trong vườn, dưới phố, trên những đường đi. Cây thuộc loại tiểu mộc, hoa có hai mầu hồng và đỏ, không đẹp, không thơm,  nhưng khi nở, kết thành từng chùm dày đặc trên chót cành phất lay trong gió, nhìn cũng hay hay.

Ở Mỹ, khu nhà ở và khu kinh doanh riêng biệt, rất cách xa. Không như xứ mình, cứ có nhà rộng và nhiều tiền thì muốn mở cửa hàng buôn bán gì cũng được, tùy thích: nhà sách, shop thời trang, tiệm ăn, quán cà phê sân vườn… Có đi chợ, ra phố mới thấy con đường xa lắc, không tính bằng mét, mà thường tính bằng thời gian lái xe, dưới 60 phút là xem như gần rồi.

Phía trước nhà nào cũng có một khoảng đất nho nhỏ, nếu siêng năng chăm sóc,  mình có thể biến nó thành một vườn hoa mini. Không cần phải kỳ hoa dị thảo, chỉ vài cây Hồng, Cúc, Cẩm Chướng… ngồi trong nhà nhìn ra, cũng thấy vui mắt.

Sáng sớm dạo một vòng cư xá, càng thấy vui mắt hơn. Me Đất Hoa Vàng nở tràn lan trên thảm cỏ, những cánh hoa bé xíu đẩm sương mai trông thật mong manh. Cúi ngắt một ngọn lá hình trái tim, đưa lên môi cắn nhẹ, vị chua thấm dịu dàng trên đầu lưỡi khiến lòng không khỏi nhớ đến những món ăn dân dã quê mình. Ngoài hoa Crepe Myrtle, tôi còn tìm thấy rất nhiều hoa trồng trước mỗi nhà, vừa lạ vừa quen. Hoa Dừa Cạn không chỉ hai màu hồng và trắng, mà còn có màu cam, mầu xác pháo, đỏ tươi, đặc biệt là màu cánh sen rất đẹp.

Một vài loài hoa gợi nhớ thời sinh viên, những buổi đi du khảo, tranh nhau hái những chùm ngũ sắc, bông biếc, thông thiên… Ngũ Sắc là hoa dại, thân mềm, mỗi hoa gồm nhiều đóa li ti đủ màu hồng, trắng, vàng, đỏ… mọc trên cùng một đế. Ở đây, lạ là hoa chỉ một màu nhưng rất tươi. Trước vài sân nhà, có những cụm hoa mầu xanh tím, đến gần xem, thấy rất giống bông biếc nhưng chắc là không phải, vì ở xứ mình, bông biếc là dây leo. Lại nhớ đến kỷ niệm hồi nhỏ, mỗi ngày đi học ngang qua ngôi biệt thự có giàn Bông Biếc ngát xanh, cứ dừng lại vài giây để ngắm nghía, muốn hái trộm nhưng sợ chủ nhà, không dám.

Gần lối dẫn ra lộ chính, có những cây cao quá đầu người, lá nhỏ, dài, hoa màu vàng rất giống thông thiên. Cây trồng sát cửa nhà người ta nên không tiện đến gần, chỉ đứng nhìn, lòng vui vui nhớ lại năm học chứng chỉ Thực Vật Đại Cương, những chiếc lá Thông Thiên dày dặn thân quen  biết dường nào, chúng tôi thường dùng dao lam cắt thành từng lát mỏng làm phẩu thức đặt dưới kính hiển vi để quan sát những đường dẫn nước và nhựa trong lá. Lại nhớ những ngày trước kỳ thi thực tập, cả bọn rủ nhau đi “rình” các anh giảng nghiệm viên trợ lý của thầy, xem các anh hái loại cây gì, lá gì, hoa gì… để về nhà tập giải phẫu, phân tích, chuẩn bị học kỹ tên, họ, giống, loài…trước cho khỏi ngỡ ngàng. Có nhiều anh chơi ngẵng, biết chúng tôi đi theo nên cố tình hái một loạt cây A, nhưng vô thi lại tạt vào mặt chúng tôi một đống cây B khiến nhiếu đứa bổ ngữa, té lăn đùng, đành thi lại kỳ hai.

Một kỷ niệm vui vui. Năm đó tôi vừa đậu thi viết, hai ngày sau sẽ vào thực tập. Tin hành lang cho biết ông anh họ tôi sẽ cùng coi thi với thầy. Tôi hối lộ anh một chầu bún bò mụ Rớt: “Anh nhớ nhắc em nghe.” “Nhắc bằng cách nào, khó lắm.” Tôi hiến kế: “Nếu là song tử diệp, anh để 2 ngón tay lên mũi, đơn tử diệp, anh để 1 ngón…” “Vậy gặp khuyết thực vật thì sao?” “Dễ ợt, anh cứ ngoáy ngón tay vào lỗ mũi.” “OK”. Vậy mà khi vào phòng thi môn giải phẫu rễ cây, sự việc xảy ra ngoài ý muốn. Phẫu thức tôi cắt dày quá, nên khi nhuộm màu nhìn hai đường xanh đỏ dính chùm vào nhau, đậm đen, không phân biệt được gì cả. Song tử diệp hay đơn tử diệp đây? Suy nghĩ muốn điên đầu, mồ hôi toát ra như tắm. Tôi đưa mắt tìm ông anh họ, chẳng thấy mặt mũi anh đâu. Ôi anh biền biệt phương nào, sao thấy cô em tội nghiệp chết mà không cứu? đáng ghét! Đồ độc ác, đồ… không còn thì giờ giận dỗi, tôi cố gắng làm một phẫu thức khác, nhưng không còn kịp nữa rồi, thời gian qua như tên bắn. Trong lúc tuyệt vọng, định đoán đại cho xong, bỗng một vị “thần tiên” xuất hiện, cứu vớt tôi trong nháy mắt. Đó là bác cai trường. Thấy tôi mặt mày xanh mét nên bác đã động lòng thương, ghé vào tai tôi, nói nhỏ, giọng Quảng Trị: “Rệ (rễ) cây chuối.” Tôi qua được môn thi ở phút 89. Đi tìm ông anh họ để hỏi tội, mới biết là sáng hôm đó, bác tôi trở bệnh, anh phải đưa bác vô nhà thương.

Trên đường tản bộ, tôi thường thấy chung quanh những gốc cây lớn, loài Sen Đá mọc từng đám tốt tươi, lại nhớ đến bài hát Giọt Nắng Bên Thềm của Thanh Tùng… Lâu lắm rồi anh không đến chơi, cây sen đá lá bạc như vôi… Thời nhạc tình còn hiếm hoi sau 1975, Thanh Tùng là người nhạc sĩ miền Bắc có nhiều bài hát khá hay như Một Mình, Hát Với Chú Ve Con, Mưa Ngâu… không như bây giờ, nhạc sĩ VN nhiều vô số kể, thượng vàng hạ cám, sáng tác lung tung, phổ biến trên mọi phương tiện truyền thông, nghe muốn lùng bùng lỗ tai.

Lại gặp loài hoa quen thuộc: Sao Nháy, có nơi còn gọi là Chuồn Chuồn, Tố Nữ… đủ ba màu vàng, trắng và hồng. Hoa tròn, cánh thon dài thật dễ thương. Nhớ hơn 40 năm trước, hồi mới có phim màu, loài hoa này hiện diện rất nhiều trong những tấm hình lưu giữ nét thanh xuân, tuy bây giờ giấy đã vàng, mầu đã nhạt, nhưng hình hoa vẫn rõ nét tựa những cánh bướm chập chờn trong ký ức. Nấm cũng mọc rãi rác trên đám cỏ hoang, những chiếc dù tí hon đủ màu sắc, khiến tôi liên tưởng đến nồi cháo nấm độc trong truyện Cô Gái Đồ Long, khi cậu bé Trương Vô Kỵ dẫn cô bé Dương Bất Hối đi tìm cha, bị bọn bất lương săn đuổi. Đã có một thời tuổi trẻ, tôi say mê truyện kiếm hiệp Kim Dung, chả biết chi tiết trên tôi nhớ có đúng không?

Hôm đi chơi viện bảo tàng , ghé qua khu vườn thiên nhiên mát mẻ, thác nước chan hòa tung bọt sóng, rừng cây nhiệt đới xanh tươi, dương xỉ đủ loại bám trên những vách đá cheo leo hùng vĩ. Giữa muôn trùng hoa lá, tôi ngỡ đã tìm thấy loài hoa kỷ niệm, gợi ý tưởng cho tôi viết về hoa nơi xứ người. Đến gần, thấy không phải là những cánh hoa xưa, vì màu hoa xanh hơn, lá to và dày hơn, nhìn vào bảng tên Latin thì đúng là cùng họ, cùng giống nhưng khác loài.

Mùa hè ở đây không có Phượng Vĩ, không có nhạc ve, chỉ có nắng và gió… bất ngờ thấy cây Phượng Ta đứng lẻ loi trước một hiên nhà, hoa  mầu đỏ cam rực rỡ… lại nhớ đến cái tên dân gian là Phượng Cúng, rất thông dụng ở xứ ta, thường được chưng bày trên bàn thờ, trong các am, miếu… Còn nhiều hoa nữa, như Sò Lẽ Bạn tím, Dâm Bụt hồng, Huỳnh Anh vàng, Ngọc Anh trắng… đặc biệt, những nhánh Lay –Ơn có màu hoa cà rất lạ.

Tôi còn thấy một loài hoa khác nhỏ bằng đầu ngón cái, tròn trịa, cũng màu tím hoa cà, được đặt tên cho một bài hát nỉ non rất nổi tiếng, nhiều người yêu thích nhưng trong số đó, không có tôi. Đố các bạn, đó là hoa gì?

Houston –mùa hè 2012
T.A