Tản mạn đầu năm...

 

Mỗi lần ra đường, tôi có cái tật quên mang theo điện thoại di động, nên thỉnh thoảng, một vài người bạn trách: “Bà biến đâu mất tăm vậy? gọi hoài không được.” Tôi thường hỏi lại: “Có chuyện chi không?” “À, không có chi quan trọng.”

Khoảng giữa năm ngoái, Diệu Bích gặp tôi: “Cô đi đâu mà em điện hoài không được? Có buổi họp mặt các học sinh trường Phan Thanh Giản tại quán Vườn Cau gần nhà cô đó. Thầy Văn gọi về nhà cũng không có ai nhấc máy.” “Lâu chưa em? buổi họp bàn về chuyện gì vậy?” “Dạ cũng không có gì quan trọng.”

Mọi cuộc gọi nhỡ đều không quan trọng! như vậy lòng không phải áy náy, mà tâm cũng nhẹ nhàng khỏi thắc mắc vấn vương. Cho nên, quên sạc pin điện thoại là chuyện thường ngày của tôi !!!.

Hôm trước tết, Diệu Liên ở Mỹ về, gọi điện mời tôi tham dự buổi họp mặt Tất Niên ở quán Tre trên đường Cao Thắng. Lần này đông vui quá, đủ mặt bá quan văn võ đứng chật cả sảnh đường. Thấy mặt tôi, anh Văn trách liền: “Bà ở đâu sao phone hoài không được? Tưởng bà đi Mỹ rồi chớ.”

Buổi họp phổ biến việc in ấn cuốn Kỷ Yếu Kỷ Niệm Đại Hội PTGDN, sau đó là các học sinh chúc tết và tặng quà cho thầy cô. Ngoài món quà của các học sinh PTG hải ngoại, tôi và các đồng nghiệp còn được các cựu giáo sư và học sinh PTG Đà Nẵng ưu ái tặng hai bức thư pháp rất đẹp (do em Ngân từ Đà Nẵng mang vào): LƯƠNG SƯ HƯNG QUỐC và TÂM kèm 2 câu thơ ý nghĩa “Tất bật hơn thua rồi cũng bỏ, thong dong tự tại vậy mà vui”, rất hợp với tuổi chạng vạng của các thầy cô.

Lần này, Nguyễn Hữu Cứ làm MC rất duyên dáng, đặc biệt Cứ còn dành tặng cho mỗi người một cuốn tạp chí Doanh Nhân Cuối Tuần, bên trong có bài phỏng vấn Cứ và ngoài bìa là chân dung Cứ –một doanh nhân thành đạt, đường bệ và tươi tắn như một diễn viên truyền hình!

Trong buổi tiệc, anh Văn cho biết, Trần Văn Chánh ở Mỹ bị ung thư gan, không chữa được, nên đã trở về Đà Nẵng, thời gian sống đếm từng ngày… Tôi nghe lòng xót xa, không biết nói gì.

Tối mồng 4 tết, Diệu Bích và Thu Thủy ghé nhà chơi. Diệu Bích báo tin Chánh mất hôm mồng 2 tết. Bích còn nói :”Hôm bọn em đón Chánh từ Mỹ về, đưa vào khách sạn Phương Đông, Chánh yếu lắm nhưng vẫn gượng đi, không chịu ngồi xe lăn. Chánh muốn gặp cô nhưng em điện hoài không được.”

Tôi lặng người. Lần này đúng là cuộc gọi quan trọng rồi!!!

Nếu tôi nhận được tin Chánh, dù mưa gió bão bùng hay đêm hôm khuya khoắc, tôi nhất định đến khách sạn thăm Chánh lần cuối.

Nếu tôi đừng có thói quen để điện thoại ở nhà, hoặc nếu tôi siêng sạc pin điện thoại, và nếu tôi không vắng nhà hôm ấy … thì mọi việc sẽ khác.

Tất cả đều đã muộn màng. Đêm đó, tôi thao thức hoài. Bao nhiêu kỷ niệm về Chánh cứ hiện ra, rõ mồn một. Chánh học cùng lớp với Diệu Bích, Nguyễn Tuấn, Hà thị Nga, Mai Trần, Mai Nguyễn, Thu Thủy, Nguyễn Văn Hải…Nhóm này thân thiết với tôi nhất. Mỗi lần từ Đà Nẵng vào, Chánh thường nhờ Bích mời tôi và ông xã cùng đi chơi đây đó, uống cà phê, nghe nhạc… và đôi khi còn đến… vũ trường. Tôi không biết nhảy, trong khi các bạn khác như Bích, Nga, Mai… rất sành điệu, vậy mà Chánh vẫn muốn mời tôi ra piste. Từ chối hoài không được vì Chánh tha thiết quá:“Cô đừng lo, em dìu cô đi mà” hoặc “Cô yên tâm, không sao đâu.” và cuối cùng là “ Em năn nỉ cô đó.” Thôi đành chiều ý cậu học trò nhiệt tình và sốt sắn này. Một bờ vai vững chải, một dáng dấp cao lớn, một gương mặt hiền hòa với nụ cười luôn nở trên môi, Chánh yêu đời, yêu người, vậy mà yểu mệnh sao?

Nhớ hôm Chánh cùng gia đình vào Sài Gòn làm visa xuất cảnh, sức khỏe Chánh có vấn đề, phải ở lại chữa bệnh một thời gian. Bạn bè xúm lại cùng lo. Nhưng rồi Chánh cũng qua được miền đất hứa… và Chánh lại trở về quê hương. Kiếp người  vô thường quá… đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt?!!!.

Đầu năm đi chợ không biết mua gì. Nhìn chỗ nào cũng thấy độc. Cá ướp urê, thịt tiêm hóa chất, trái cây bơm chất bảo quản, rau củ nhiễm thuốc trừ sâu… báo chí lại la ầm lên là có chất gây ung thư trong hạt dưa, gia vị nấu cà ri, bò kho, ớt bột… Vậy mà những nhà hàng, quán ăn vẫn mọc lên hàng hàng lớp lớp, thôi thì đủ các loại món ăn, quảng cáo rầm rộ trên báo chí, ti vi… một thổi thành mười, mười thổi thành trăm, con nhái hóa thành con bò, thực khách nào dại, cứ chui đầu vào. Tôi cũng có lần choáng ngợp vì cách tiếp thị quá hoành tráng đó, ghé vào một nhà hàng Huế có rất nhiều chi nhánh, ăn thử một tô giấm nuốt (lâu ngày không ra Huế nên rất nhớ món này), thấy thất vọng hoàn toàn! Có quán bánh xèo, ghi mấy chữ dạ quang rất lớn nơi vòm cửa “ Bánh Xèo, ăn là ghiền.” Tôi và bạn bè sửa lại cho đúng vần điệu hơn “Bánh Xèo, ăn là nghèo!” Tại sao các bạn biết không? Đắt quá, không nghèo cũng uổng !

Quán Karaoke cũng phát triển không kém, nhiều vô số kể, thu hút biết bao nam thanh nữ tú đến luyện giọng với ước mơ làm ca sĩ –một nghề thời thượng, không cần hát hay lắm (vì bây giờ khán giả “nhìn” nhiều hơn “nghe” ), chỉ cần mặt mày dễ coi, ngoại hình gợi cảm, túi tiền nặng ký, gặp “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”  đúng lúc, thì việc biến thành ngôi sao cũng không khó khăn gì.

Đêm giao thừa Tây (31 -12 -09), Diệu Bích mời tôi đến nhà ăn mì Quảng do chính tay Bích nấu, rất ngon (quảng cáo cho cô học trò cưng của ông xã một chút), sau đó, Nguyễn Văn Hải mời cả nhóm đi Karaoke ở quán Mi Thứ trên đường Phan Xích Long. Hải nói: “Em phải đặt chỗ trước hai ngày đó cô.” Nhóm Bích, em nào cũng biết hát, đơn ca, song ca, hợp ca… Vui thật là vui. Tôi như trẻ lại khi hòa đồng cùng các em qua những bản nhạc vui nhộn như Ô Mê Ly, Bánh Xe Lãng Tử, Bức Họa Đồng Quê… Khoảng hai năm nay, danh sách các bài hát có thêm nhiều bài mà ngày xưa ông xã tôi rất thích như Hoa Soan Bên Thềm Cũ, Kiếp Dã Tràng, Giọt Lệ Cho Ngàn Sau… tiếc là giờ đây, người đã không còn.

Hôm nay, Hải lại gọi điện mời tôi và cả nhóm đi ăn cơm gà Tam Kỳ. Không ngon lắm. Lại nhớ đến quán cơm gà Hải Nam ở Ngã Năm Đà Nẵng hồi còn đi học, thịt gà ở đó mềm mại, thơm tho đậm đà, đặc biệt là món nước chấm hương vị tuyệt vời mà nửa thế kỷ trôi qua vẫn không thể nào quên.

Ăn xong, Hải rủ đi Karaoke nữa. Tôi hỏi: “Em đặt chỗ chưa ?.” “Dạ chưa, nhưng ngày thường mà cô, chắc là có chỗ, khỏi lo.” Nào ngờ, cả nhóm đi đến chỗ nào cũng bị xin lỗi vì hết phòng, cuối cùng, quán Mimosa trên đường Vạn Kiếp còn một phòng VIP, giá cao hơn bình thường.



Từ trái sang phải: Nguyễn Tuấn, Thùy An, Thu Thủy, Diệu Bích

Lần này, nhóm Bích vắng hai ca sĩ là Hà Nga và Mai Nguyễn, chỉ còn bốn người là Hải, Tuấn, Bích và Thủy… không sao, hát hay không bằng hay hát. Đầu mùa Xuân, Bích có thêm nhiều bài hát mới, Hải thích hát dân ca, Thủy vẫn hát những bài nhạc nhẹ quen thuộc, chỉ có Tuấn là gây bất ngờ thú vị với giọng ca cải lương rất mùi , nên được vỗ tay hoan nghênh nhiều nhất. Tôi nói: “Rứa mà lâu ni Tuấn dấu nghề, phải yêu cầu ca thêm mới được”  Mọi người càng hát, càng hăng say. Thủy nhìn tôi: “Mình hát đến 11 giờ nghe cô.” Hải hăng hái hơn: “Hát đến 2 giờ sáng đi cô.” “Tùy các em. Cô thì sao cũng được” Bích cười: “Cô ơi, nếu vậy thì sáng hôm sau, cô sẽ thấy Hải đội đầu tóc giả cho mà xem.”.

Diệu Bích

Thùy An & Thu Thủy

Bỗng … phụp! Chắc tại thương Hải nên Nhà Đèn cúp điện tối thui. Xem đồng hồ, mới hơn chín rưỡi. Chủ quán xin lỗi và yêu cầu khách chịu phiền chờ họ mở máy phát điện riêng. Hải hỏi: “Sao cô?” Tôi đứng dậy: “Cô không thích chờ. Mình về thôi.”

Nguyễn Văn Hải

Từ trái sang phải: Nguyễn Văn Hải, Diệu Bích, Nguyễn Tuấn, Thu Thủy

Chưa bao giờ tôi được dự một buổi họp mặt PTG vui như hôm ở quán Tre (11 giờ ngày 30 -1 -10). Gần như có mặt đông đủ học sinh nhiều niên khóa, tay bắt mặt mừng, chuyện trò rôm rả. Chương trình văn nghệ khá xôm tụ, ngoài các ca sĩ “cây nhà lá vườn”, còn có vài ca sĩ chuyên nghiệp trẻ trung, xinh đẹp, phong cách rất dễ thương. Tôi thấy các em chụp hình rất nhiều, nhất là khi ra mắt Ban Chấp Hành mới (nhóm tú tài 75 gồm có Diệu Bích, Nguyễn Tuấn, Yến Dung, Hà Nga, Bích Nga). Nhưng chờ mãi vẫn không thấy bài tường thuật kèm theo hình ảnh minh họa trên trang Web PTG, nên tôi viết ít dòng, đồng thời gửi vài tấm hình buổi du xuân vừa rồi với nhóm Diệu Bích, xem như món quà đầu năm tặng các anh chị đồng nghiệp và các em học sinh thương yêu.

                                    

THÙY  AN