Một Thời Đề Nhớ...

Lê Quang Văn
Cựu Hiệu Trưởng Trường Phan Thanh Giản

Thầy hiệu trưởng Lê Quang Văn (giữa) và thầy Trương Hồng Minh (bên trái) cùng cac em học sinh niên khóa 68-69


Tôi bắt đầu vào dạy Phan Thanh Giản từ tháng 8 năm 1961, do trường mới mở lớp đệ tam đầu tiên, chỉ có một lớp duy nhất, tôi dạy 8 giờ toán một tuần. Lứa học sinh đầu tiên của tôi là: Lê Tự Lào, Nguyễn Lương Lựu (em này viết tay trái, vì tay phải bị liệt), Thái Sĩ Phu (sau này đổi tên thành Thái Quang Đại để bớt tuổi trong mùa chinh chiến), Ngô Quế Lâm, Hoàng Bá Hường, Vũ Thị Diệp, Nguyễn Thị Ái Lệ... Tôi cũng nhận dạy thêm 3 giờ Lý - Hóa cho lớp đệ ngũ: Phạm Văn Hà học giỏi nhất lớp, Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Trần Kim Sánh (sau này Nguyệt và Sánh yêu nhau), tôi còn nhớ đến nhiều em khác như: Quách Thị Hồng, Lê Bích Hà... cũng học lớp đệ ngũ ấy.

Mỗi tuần tôi dạy từ 9h30 sáng thứ hai (2 giờ sau) đến sáng thứ tư. Trưa thứ tư, tôi ra Huế học tiếp Đại Học, 6 giờ sáng thứ hai mới vào lại Đà Nẵng. Hồi đó tôi thường đi xe Traction An Lợi hoặc Phúc Xuân, giá vé 60 đồng một chuyến. Vì đèo Hải Vân chỉ chạy một chiều (phải đợi mỗi ca lên xuống 30 phút) nên thời gian Huế - Đà Nẵng; Đà Nẵng - Huế phải mất đến 3 giờ hoặc 3 giờ 30 phút.

Hè năm 1962, tôi ở lại Đà Nẵng để vui chơi và dạy hè, tôi chỉ dạy 4 giờ trong một tuần. Vui chơi cho quen biết là chính.

Từ niên khóa 1962-1963; 1963-1964 trở đi, tôi dạy nhiều: chuyên toán lớp đệ tam và đệ nhị. Thời đó tôi dạy rất hăng say, trường Phan Thanh Giản cũng có nhiều học sinh giỏi, giúp tôi yêu nghề hơn. Cả thầy lẫn trò đều đam mê, tìm tòi và giải nhiều bài toán khó:

* Chỉ động từ Avoir với 2 thì hiện tại và quá khứ mà tôi có bài toán trứ danh, ít ai giải được: “Tuổi tôi bây giờ bằng 2 lần tuổi anh có lúc tuổi tôi bằng tuổi anh bây giờ. Bao giờ tuổi anh bằng tuổi bây giờ thì hai ta có 63 tuổi. Hỏi tuổi bây giờ của mỗi người.”

* Hoặc tìm 2 số nguyên dương a và b sao cho: ab =ba

* Bài toán làm mất thời gian suy nghĩ nhiều nhất là: “Chứng minh tam giác có 2 phân giác bằng nhau thì cân” (không dùng phản chứng). Với bài toán này, tôi phải mày mò tới mấy ngày, may cũng tìm được cách chứng minh. Vì tự ái với học trò khi thầy còn quá trẻ (vừa tròn 22 tuổi) và mới ra dạy năm đầu tiên.

* Bài toán khác mà tôi rất tâm đắc:

“Hai cây nến: cây cao, cây thấp
Cây thấp ngang lại gấp bằng hai
Cây cao, cao cũng gấp đôi
Hai cây thắp ngọn đồng thời với nhau
Một giờ sau hai cây cũng tắt
Khúc dư cao ngăn ngắt bằng nhau
Hỏi rằng ví để cây cao,
Thắp cho đến hết được bao nhiêu giờ?”

Tháng 8/1964, tôi nhậm chức hiệu trưởng (thay thế thầy Nguyễn Văn Đương làm hiệu trưởng được 6 tháng. Chưa kịp nhậm chức thì rút lui, không rõ lý do). Trên giấy tờ, tôi chính thức thay cho thầy Lê Chí Vịnh bị gọi nhập ngũ.

Hồi đó tôi còn quá trẻ, lần đầu đứng trước đám đông, trên vài ngàn, quỷ ma đâu không thấy mà chỉ là học trò và học trò, từ mẫu giáo đến đệ nhị! Khớp quá, nên bài diễn văn nhậm chức ra mắt ban giáo sư, nhân viên và toàn thể học sinh, tôi chỉ viết được hơn một trang giấy học trò và chỉ đọc chưa đầy 2 phút!!! Anh Yến (bảo vệ trường, phụ trách luôn ampli, micro) nói: “Giọng thầy đọc run quá và nhanh nữa, không ai nghe kịp được chi thì đã... hết bài!!!” Thầy Võ Đình Trị mới giới thiệu xong, chưa kịp lui xuống thì đã bị mời lên lại ngay... thầy Trị đành chữa cháy bằng cách nói về nội quy, kỷ luật của trường. Thật là một kỷ niệm nhớ đời cho thời làm hiệu trưởng!!!.

Đến năm 1965, tổ chức lễ 10 năm thành lập trường, cuộc lễ kéo dài suốt một tuần: Các hoạt động, hội thi để mừng lễ rất quy mô, sân trường được trang trí thật hoành tráng, không khí rất tưng bừng, náo nhiệt... Lúc này tôi đã quen thạo việc, bài diễn văn trơn tru, ngon lành, dài đến 3-4 tờ pelure đánh máy, tôi vẫn soạn và đọc rất trôi chảy, rất diễn cảm.

Tôi cảm ơn các nhận xét chân tình của cô Phụng, thầy Dung, thầy Xuân, thầy Đỉnh, thầy Quý, thầy Thông... “Thời thầy Lê Quang Văn làm hiệu trưởng là “triều đại” hưng thịnh và huy hoàng nhất của trường Phan Thanh Giản”. Tôi vẫn nhớ như in: đã hai niên khóa liên tiếp trường Phan Thanh Giản thoát khỏi duyên phận thứ phi để lãnh cúp vô địch trong làng khoa bảng thời đó:

Niên khóa 1967-1968: Trần Gia Phước đậu tối ưu

Và năm học 1968-1969: Nguyễn Đình Bách lại chiếm bảng vàng: tối ưu toàn hội đồng (cả Huế lẫn Đà Nẵng).

Kỳ thi hồi đó được phân loại như sau: điểm trung bình các môn, tính trên 20; kể cả nhân hệ số, nếu là:

Trên 10, dưới 12/20 : Thứ

Trên 12, dưới 14/20 : Bình Thứ

Trên 14, dưới 16/20 : Bình

Trên 16, dưới 18/20 : Ưu

Trên 18/20 : Tối ưu

Tôi góp ý với ban giảng huấn: phải biết rõ tâm lý của phụ huynh và học sinh về việc thi cử, nên Phan Thanh Giản luôn có kết quả thi tú tài I, tú tài II sớm nhất (trước cả Phan Châu Trinh và các trường tư thục khác). Hồi đó hội đồng thi đóng đô tại Huế, tất cả các tổ chức thi đều do Huế đảm trách.

Trước năm 1966 trường Phan Thanh Giản chưa có lớp đệ I, nên nhiều học sinh giỏi sau tú tài I đều phải bỏ trường. Mãi đến 1966-1967 trường mới được phép mở lớp đệ I. Cũng niên khóa này, trường Phan Châu Trinh chọn ngay 5 học sinh đứng thứ hạng đầu lớp đệ II của các tư thục cho vào học. Tôi liền có biện pháp đối phó: miễn phí cho 5 học sinh đứng đầu mỗi lớp đệ II để giữ học sinh giỏi lại, thế nên Phan Thanh Giản mới có tối ưu toàn hội đồng và nhiều, rất nhiều học sinh giỏi khác. Hằng năm, tỷ lệ đậu tú tài I, tú tài II luôn luôn dẫn đầu các trường tư thục tại Đà Nẵng.

Bên cạnh học tập, tôi và ban giảng huấn của trường còn tổ chức cho học sinh rất nhiều sinh hoạt đáng nhớ:

- Trại “Giữ chặt mối dây” tại Cồn Áng, nhà trường đã xây dựng một phòng học rồi giao cho một cựu học sinh Phan Thanh Giản mở dạy và điều hành lớp mẫu giáo.

- Trại ở Phú Lộc: thầy trò Phan Thanh Giản làm cầu nổi bằng thùng phuy hàn ghép lại, giúp đồng bào thoát cảnh lội qua khe nước hiểm nguy.

- Rất nhiều trại du ngoạn ở Sơn Trà, Nam Ô, Cửa Đại Huế... mà bây giờ nhìn lại những tấm ảnh đen trắng của thời thầy còn trẻ, trò còn khỏe... tôi vẫn thấy ấm lòng.

Để học sinh toàn trường có sân chơi lành mạnh và bổ ích, tôi đã mời ban nhạc trẻ do nhóm nhạc Spotlight (Đức Huy, Billy Shane...) biểu diễn. Dí dỏm và vui tươi nhất là nhóm hài kịch Minh Luận giao lưu với thầy trò Phan Thanh Giản. Văn nghệ dân tộc do Phương Oanh, Nguyễn Đức Quang và nhóm Phượng Ca cũng đã 2 lần ra Đà Nẵng trình diễn, giúp tầm nhìn về dân ca của học sinh Phan Thanh Giản được mở rộng. Tôi còn đề nghị học giả Nguyễn Văn Xuân (cũng là giáo sư Việt Văn của trường) thuyết trình về Hát Bội với cô đào Thúy Liễu minh họa. Phong trào văn nghệ của học sinh Phan Thanh Giản cũng rất nổi nang nên đội văn nghệ nhà trường đã được mời đến biểu diễn nhiều nơi và có cả chương trình riêng trên đài truyền thanh, truyền hình thời ấy.

Cũng trong thời điểm đó, đội bóng rổ của trường Phan Thanh Giản đoạt chức vô địch Đà Nẵng và rồi lên chức vô địch cả vùng I (từ Quảng Ngãi ra đến Huế). Có lần tôi đã mời đội bóng rổ sinh viên Huế vào đấu giao hữu tại sân trường Phan Thanh Giản. Thấm thoát một năm sau trường lại có đội bóng rổ nữ đầu tiên tại Đà Nẵng.

Cả một loạt “Cúp” vô địch, á quân và rất nhiều giải khác nhau được trưng bày trong dịp lễ 10 năm thành lập trường (1965) và càng về sau, thầy trò Phan Thanh Giản còn đoạt được nhiều giải vẻ vang hơn nữa.

Trường Phan Thanh Giản còn tổ chức làm báo trường (Bích báo) có thưởng cho học sinh toàn trường, nổi bật nhất có Thi Lý Tình trình bày Bích báo rất đẹp.

Tập báo “Gió Hiền” của nhóm học sinh IIA1 đã gây ấn tượng sâu xa cho các học sinh thời đó. Tập báo này do Võ Thị Sĩ, Nguyễn Thị Liên, Ngô Thị Kim Cúc (bây giờ là nhà văn), Lê Thị Hảo, Ngô Phúc, Đào Ngọc Lý (nay là họa sĩ), ... thực hiện.

Tôi cũng xin ban giảng huấn mở lớp hè đặc biệt miễn phí để dạy hội họa, ca múa, nữ công gia chánh... cho học sinh. Các em đã hưởng ứng nhiệt tình. Nên suốt 3 tháng hè, phượng đỏ, ve kêu trên sân trường vẫn có nhóm học trò tinh nghịch, dễ thương, hiếu học của chúng tôi làm bầu bạn.

Mỗi độ xuân về, nhà trường còn tổ chức triển lãm và hội chợ Tết cho học sinh. Sinh hoạt này đã giúp nhiều em phát triển được năng khiếu chuyên môn mà vài chục năm sau trong các buổi thầy trò giao ngộ, tôi mới được các em thổ lộ chân tình.

Độc đáo nhất vẫn là cuộc thi Táo Quân, tôi nhận vai Ngọc Hoàng Thượng Đế. Các học sinh không ngờ thầy hiệu trưởng vui tính đến thế: Tôi oai phong trong dáng vẻ Ngọc Hoàng, quần dài trắng, áo dài xanh điểm chữ Thọ vàng rực rỡ, chân mang ghệt, đầu đội khăn đóng... Có 2 nam sinh làm kiệu tay, rước thầy ra sân khấu trong tiếng nhạc theo điệu Kim Tiền do thầy giám thị Võ Đình Trị hát vọng ra từ hậu trường. Tôi chưa kịp bước lên kiệu thì đã bị 2 tiên nữ học trò (họ năn nỉ xin tôi đừng nêu tên ra ở đây, vì sợ con cháu cười: Bà ngoại hồi đó quá chừng!) không hiểu vì lo xa hay tinh nghịch đã dám kéo áo dài Ngọc Hoàng lên xem: Thầy mặc quần dây rút hay dây thun? Và đã nai nịt kỹ càng chưa! Tôi yên tâm, tự tin lướt mây, ngự giá trong tiếng vỗ tay rộn ràng và những trận cười như nước vỡ bờ của các giáo sư đồng nghiệp, nhất là của nhóm học trò thân yêu sau những phút giây miệt mài đèn sách.

Năm mươi năm, không hẳn là 50 tuổi của một ngôi trường! Song cũng là năm mươi năm của một dấu ấn khắc ghi trong tâm hồn bao con người, bao thế hệ đã từng đi qua ngôi trường ấy. Dấu ấn của tình đồng nghiệp, dấu ấn của nghĩa thầy trò...

Và, thì ra, dấu ấn kia đủ đậm, đủ sâu, để từ muôn hướng, những cánh chim còn cất tiếng gọi đàn.

Các thầy cô đồng nghiệp kính quý, các thế hệ học trò thân mến, tôi cám ơn tất cả, tôi tri ân từng người: kẻ còn, người mất... những học trò nay đã công thành danh toại và đặc biệt những học trò đang trăn trở, gian nan... tôi ước mong có dịp nối vòng tay lớn để gặp gỡ, để hàn huyên cho thỏa ý, toại lòng. Nhờ các bạn đồng nghiệp tận tình, nhờ các thế hệ học trò thân thương mà tôi đã góp được nhiều, thật nhiều trí lực của thời trai trẻ cho một “triều đại” hưng thịnh nhất, tươi sáng nhất của trường Phan Thanh Giản mến yêu.

- Trích từ Đặc San Kỷ Niệm 50 năm trường PTGĐN 2004 -