Phan Thanh Giản

- Một Tâm Hồn Đức Độ -


Trần Thị Ngân


PTG tự Tính Bá, có tên nữa là Đạm Như, hiệu Lương Khê, biệt hiệu Mai Xuyên, Ông sinh giờ Thìn ngày 12/10 năm 1796 (Bính Thìn), tại làng Tân Thanh huyện Vĩnh Bình, Phủ Định Vĩnh, nay là làng Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.

Cha là Ông Phan Thanh Ngạn, năm Mậu Ngọ (1798) lãnh phận sự vận lương trên chiếc thuyền “Hồng Nhật” tới Đà Nẵng rủi gặp bão, thuyền lương trôi tấp tận đảo Hải Nam, Ông gặp may sống sót lần về quê quán. Sau nhờ có nhiều công lao Ông được thăng chức Thủ Hạp. Mẹ là bà Lâm Thị Bút, qua đời lúc 26 tuổi.

PTG mất mẹ năm lên 7 tuổi, ở với người mẹ kế là bà Trần Thị Dưỡng. Người mẹ kế này không khắc nghiệt, trái lại rất yêu thương và lo cho PTG, bà cho PTG học với nhà sư Nguyễn Văn Noa ở chùa làng Phú Ngãi.

Năm 1815, cha Ông bị vu hãm can án vì bị các quan lại ghét tính cương trực, bị phạt tù 1 năm, (năm đó PTG 20 tuổi), Ông thân hành lên Tỉnh xin vào yết kiến quan Hiệp Trấn Lương ở Vĩnh Long xin chịu tội thay cho cha nhưng không được, quan Hiệp Trấn chỉ an ủi PTG cố lo cho tương lai và sau này giúp PTG ăn học.

PTG thọ ân, hằng ngày siêng năng học tập, và thường xuyên vào khám thăm cha, chịu cực khổ thay cha, các quan thấy thế rất cảm động.

Nhờ một tấm lòng hiếu thuận hơn người, PTG đã gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp trong thuở thiếu thời. Mặc dù ở với mẹ ghẻ nhưng PTG rất được lòng bà. Ông còn được lòng tất cả mọi người, từ quan trên như Hiệp Trấn Lương, đến bà góa tên Ân đều xem PTG như con mà giúp đỡ cho từ miếng ăn đến tấm mặc.

Được hàm ơn quá nhiều, PTG không phụ bao nhiêu tấm lòng kỳ vọng ở mình, năm Ất Dậu (1825) Ông ra thi Hương tại Gia Định đỗ Cử Nhân, năm sau (1826) thi Hội Tại Kinh Ông đỗ Tiến Sĩ (200 người dự thi, đỗ 10 người), trong đó: miền Bắc 7 người, miền Trung 2 người, miền Nam 1 người là Ông). Qua đó đủ thấy công phu học tập của Ông xuất chúng đến dường nào.

Sau khi đỗ Tiến Sĩ (ngoài 30 tuổi) Ông mới chịu vâng lời cha cưới vợ là bà Nguyễn Thị Mỹ, người làng Mỹ Lộc, huyện Phước Lộc, tỉnh Gia Định.

Một năm sau (1827), bà Nguyễn Thị Mỹ hạ sinh một bé gái, nhưng đứa con đầu lòng không sống được và người vợ trẻ cũng qua đời. Cũng năm này vào tháng 8 Ông được bổ làm Hàm Lâm Viện biên tu, đến tháng 11 được bổ làm Tham Hiệp tỉnh Quảng Bình.

Năm 1828, Nghe ca tụng đức hạnh của bà Trần Thị Hoạch, người làng Đơn Vệ, huyện Minh Linh, tỉnh Quảng Trị, con cụ án Trần Công Án, đã 30 tuổi nhưng chưa có chồng vì rất kén, PTG nhờ cậy mai mối cưới.

Nếu PTG cưới vợ thì là cũng chuyện thường tình, nhưng ở đây chúng ta phải phục vợ chồng PTG là người rất phi thường, vì sau khi cưới nhau rồi, chẳng được bao lâu, PTG ngậm ngùi nổi cha già trong Nam vò võ, PTG than thở với vợ, xin bà tin tưởng mình mà về Nam phụng dưỡng cha già. Vợ chồng tuy mới cưới, ân tình đang còn nồng thế mà bà vui lòng đảm nhận nhiệm vụ của chồng giao cho. PTG sa nước mắt cảm động. Ngày đưa vợ về làng Bảo Thạnh, vợ chồng PTG đều bùi ngùi, riêng PTG đã băn khoăn cảm động rất mực mà đưa tặng vợ một bài thơ lâm ly tình tứ:

“Từ thuở vương se mối chỉ hồng
Lòng này ghi tạc có non sông
Đường mây cười tớ ham dong ruỗi
Trướng liễu thương ai chịu lạnh lùng
Ân nước nợ trai đành nỗi bận
Cha già nhà khó cậy nhau cùng
Mấy lời dặn bảo cơn lâm biệt
Rằng nhớ rằng quên lòng hởi lòng!”

Đừng tưởng PTG đưa vợ về quê là vì còn có hầu thiếp, thật ra Ông là người không ưa sắc đẹp, đàn bà. Điều mình chứng cho việc này là sau đó bà Trần Thị Hoạch có cưới cho chồng người hầu thiếp tên Thịnh ở làng Bảo Thạnh, nhưng Ông cho bà Thịnh về lấy chồng khác, thật tội nghiệp bà Thịnh có lẽ cũng cảm cái đức độ của Ông mà từ đó cứ ở vậy cho đến chết. Lại thêm một bằng chứng nữa, khi Ông làm kinh lược sứ 3 tỉnh miền Tây Nam Kỳ, một hôm có quan Tổng Đốc Trương Văn Uyển đến thăm, nhân vui miệng có hỏi: “Sao quan lớn không có hầu thiếp?” PTG đáp: “Tôi không đủ ngày giờ lo việc Quốc Gia, có ngày giờ đâu mà lo hầu thiếp. Tôi chỉ thích hoa Quỳ, vì sắc đẹp tự nhiên, hương nó thơm dìu dịu, sắc hương người có sánh được đâu. Vả lại tính nó có rõ ràng ngay thẳng nó mới dám nhìn mãi mặt trời mà không chút thẹn. Vậy nên tôi yêu quý nó hơn đàn bà đẹp”.

PTG thể hiện đức độ của Ông qua 4 chữ “sùng nho trọng đạo”, Ông không quên ơn những người Ông đã hàm ơn lúc còn thiếu thời. Bà Ân là người đã chu cấp cho Ông rất nhiều, khi ấy có may cho Ông một cái áo lương, Ông gìn giữ áo ấy cho đến khi chết vẫn còn, ngày thường Ông hay lấy ra xem và nhắc nhở cho con cháu biết gốc tích.

Đối với quan Hiệp Trấn Lương là người đã đỡ đầu cho PTG, Ông luôn luôn kính trọng, thăm nom xem như cha mẹ. Còn đối với thầy học, khi được vẻ vang rồi, mỗi khi có dịp về thăm thầy, đi gần tới nhà thầy thì lật đật xuống võng mà đi bộ vào nhà, rất mực cung kính đối với thầy học.

Năm Nhâm Dần (1842) cha mất, PTG thương tiếc vô cùng. Lúc về chịu tang, PTG tuy là một viên quan, song chỉ dùng một chiếc ghe thường mà đi. Khi ghe đi ngang Ba Lai, cai đồn kêu xét, người bạn chèo bảo là ghe quan lớn, người cai đồn vẫn nạt, nhất định kêu ghe phải ghé lại xét. PTG bảo bạn chèo cho ghe cặp bến, rồi lên trình đồn theo phép, không tỏ ra quan dạng gì cả. Viên cai đồn làm xong phận sự mới cho đi. PTG về đến nhà chịu tang xong rồi, một hôm cho đòi viên cai đồn Ba Lai đến. Người cai đến nơi nhìn biết cụ, lấy làm sợ sệt, nhưng PTG mỉm cười: “Ngươi lo tròn phận sự ta khen lắm, ta dạy ngươi: từ đây cứ lo phận sự như thế. Ta dù ghe quan lớn cũng cứ thi hành phận sự mà thôi”. Sau đó Ông xin cho viên cai thăng chức chánh đội trưởng.

Những ngày cư tang PTG thường ra một phần của cha mà lo sửa sang, dân chúng thấy thế xin làm việc đào đất nhổ cỏ thay cho Ông nhưng Ông bảo rằng “Đây là phận sự của tôi, để tôi làm. Cha mẹ sinh ta, nuôi ta cực khổ nào có cậy ai”.

Năm 1862 Bà Trần Thị Hoạch qua đời, hạ sinh 4 trai:

1. Phan Thanh Quân (chết sớm)
2. Phan Thanh Hương (có vợ, 5 con: 1 trai, 4 gái)
3. Phan Thanh Tòng (có vợ, 4 con: 3 trai, 1 gái)
4. Phan Thanh Tôn (có vợ, 4 con: 2 trai, 2 gái)


PHAN THANH GIẢN CÁI CHẾT ĐỀN NỢ NƯỚC

Sau khi mất 3 tỉnh miền Đông, ngày 18/06 năm 1867, quân Pháp chuẩn bị đánh chiếm Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên, PTG biết thế không chịu nổi, Ông hạ lệnh giao thành cho giặc để tránh tổn thất nhân mạng, Ông than thở với các quan: “Đem sức đọ nhau, mình kém người xa lắm. Tôi nay đã 71 tuổi rồi nếu đem thân ra chốn chiến trường cầu lấy cái chết rạng danh thì có gì hay bằng. Song các quan thử nghỉ tôi có nghĩa vụ giữ đất chăn dân, nay trên đối với vua nếu đành không giữ được thì chết là đáng phận, dưới đối với dân còn nỡ nào bắt chúng chịu lầm than để nhẹ tội mình”.

Sau đó Ông bắt đầu nhịn đói, con cháu thấy Ông tuyệt thực, khóc lóc thảm thiết, Ông cười mà rằng “Ta nay ra người vô dụng, sống không ích lợi cho quê hương, thác cũng chẳng thiệt thòi cho xã hội. Chỉ khuyên các ngươi chớ nên dục lợi cầu vinh mà làm điều nhẫn tâm hại lý. Hãy cố học hỏi cho bằng người Âu Tây, hãy ráng phò vua vực nước, toan lo cho hết sức người, họa may sau này đặng vẻ vang cho Tổ Quốc.”

Con cháu vẫn khóc, Ông vẫn nhất định tuyệt thực và ngồi đọc sách như thường.

Tính lại hơn 71 năm, bao nhiêu là lo lắng, ngày nay tự dứt cuộc đời, sản nghiệp của Ông để lại gồm trong một chòi tranh thanh bạch, và ngót mươi bộ sách:

1. DU KINH
2. TOẠI CẦM
3. KIM ĐÀN THI TẬP
4. MINH MẠNG CHÍNH YẾU
5. VIỆT SỬ THÔNG GIÁM TỔNG MỤC
6. SỬ TRÌNH NHẬT KÝ
7. KHẢO CỔ ỨC THUYẾT
8. LƯƠNG KHÊ THI KHẢO

Tuyệt thực 17 ngày không chết, Ông quyết định dùng thuốc độc để tự vẩn, trước khi chết, Ông cho gọi con cháu đến mà trăng trối lần cuối cùng “Cha không có tài sản gì để lại cho 3 con, chỉ có bao nhiêu sách vở quý báu, 3 con nên giữ gìn và cố học hành cho có phận làm người, 3 con chẳng nên lãnh chức chi của chính phủ Lang Sa cả. Sau khi cha chết thì đem về Bảo Thạnh chôn gần bên mộ tiền nhân”, và đau đớn ngâm lại bài

TOÁI CẦM:

“Tử Kỳ chết mất đập đàn thôi,
Non nước còn ai những ngậm ngùi,
Bốn mặt gió xuân đều bạn cả,
Tri âm muốn kiếm lại không người.”

PTG mất vào ngày 5/7 năm Đinh Mão nhằm ngày 4-8-1867 Việt Nam mất một chí sĩ đáng kính, non nước nghìn thu luống thở dài. Người Pháp cũng cảm phục và thở dài tiếc thương cái chết của Ông, cho một chiếc tàu chiến đem linh cữu của Ông về quê mai táng. Lúc chôn có lính Tây làm lễ chào cờ.

Nguyễn Đức Qui ở La Khê, Hà Đông đã khóc Ông:

“Học rộng tài cao chẳng gặp thời
Cho nên đành chịu bó tay thôi
Gọi hồn non nước công đã uổng
Thấy cảnh tang thương lệ ứa rơi
Liều thuốc tiêu hồn rồi một kiếp
Tấm lòng ái quốc giãi muôn đời
LƯƠNG KHÊ THI TẬP còn lưu đó
Đọc đến ai không cảm nhớ người.”

 

Trần Thi Ngân (NK 68-75)

Lược ghi theo các sách:

1. PHAN THANH GIẢN (1796-1867/ Mai Xuân Thọ)
2. Quốc Văn Giáo Khoa thư toàn tập

 

- Trích từ Đặc San Kỷ Niệm 50 năm trường PTGĐN 2004 -

Quý vị muốn đặt mua đặc san này xin bấm vào Gian Hàng PTGĐN, Đa tạ!