Nhng Ngày Yêu Du Đã Xa

Ngô Văn Dũng (Cựu HS PTG niên khóa 73-74)

Vâng! Tôi xin được mạn phép mượn lời trong ca khúc "Đóa Hoa Vô Thường" của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để đề tựa cho bài viết của mình. Những năm tháng đẹp nhất đời người chúng tôi chính là khoảng thời gian cùng nhau đi học dưới mái trường trung học tư thục Phan Thanh Giản. Hồi đó chắc chắn không ít thì nhiều trong chúng tôi không lấy làm tự hào cho lắm, vì thật ra từ hồi đó cho tới tới bây giờ ai cũng muốn vào cho được trường công lập Phan Chu Trinh. Nhưng khi mái trường Phan Thanh Giản thân yêu không còn tên gọi nữa (cho dù cái gốc của nó vẫn tồn tại cho đến ngày nay) thì nhóm chùng tôi cảm thấy những kỷ niệm lần lượt trở về và niềm tự hào mình là một học sinh Phan Thanh Giản lại trào dâng.

Cuộc sống trong thời bao cấp luôn là vấn đề buộc mỗi con người muốn tự xác lập mình, phải gắng sức vượt qua gian khổ, phải làm mọi công việc để sinh nhai. Trong khốn khó có được một ít vốn kiến thức lúc ấy chúng tôi thấy qúy biết bao. Thật vậy! cho dù là một trường tư thục nhưng Phan Thanh Giản đã có những vị giáo sư (xin gọi đúng cái từ trang trọng cách đây 30-40 năm chúng tôi đã dùng để gọi các thầy cô của mình) thật tâm huyết, các thầy cô đã hết mình vì chúng tôi. Giờ nhớ lại chúng tôi cũng cảm thấy mình có lỗi vì đã không tiếp thu hết các điều hay lẽ phải mà lẽ ra mình phải ghi nhớ nằm lòng. Ra đời, đời dạy cho những bài học, vinh có, nhục có và chúng tôi trong đớn đau hay trong hạnh phúc đều cảm nhận những điều mà mình đã từng học ở mái trường Phan Thanh Giản thân yêu.

Nhóm học sinh tú tài IBM chúng tôi luôn tự hào về tính độc nhất vô nhị trong kỳ thi trắc nghiệm "Tú tài IBM niên khóa 1973-1974". Bởi vì cho đến nay đó là kỳ thi đầu tiên theo phương pháp trắc nghiệm của miền nam Việt Nam và cũng là kỳ thi Tú Tài cuối cùng. Sau đó không ai còn gọi thi Tú tài nữa. Mãi lăn lộn với sinh kế sau khi rời trường Phan Thanh Giản thân yêu, chúng tôi không còn nhiều cơ hội gặp nhau. Người thì có́ cơ may, có trí tuệ để học tiếp, để thành đạt, kẻ thì lăn lộn, kiếm sống với đủ mọi nghề.

Không thể nào quên, có thể nói chúng tôi luôn hồi ức về thời niên thiếu, thời đó những năm tháng học trò thật là tươi đẹp. Năm 1996, bạn Tôn Nữ Yến từ Buôn Mê Thuột xa xôi về học lớp cán bộ điều dưỡng tại trường Trung Cấp Y Tế đã nhắn tìm chúng tôi về hội tụ tại nhà của bạn Kim Tân. Buổi chiều đó chỉ hội tụ khoảng gần 20 bạn, những kỷ niệm tuôn trào, những  vui buồn trong lớp học, những vụ phá phách, những trò đùa tinh nghịch....được các bạn thi nhau kể. Nhóm chúng tôi tự dưng mà thành như vậy đó. Rất tiếc là một lần hội ngộ tình cờ không có ai chuẩn bị làm "phó́ nhòm" cả, cho nên giờ đây buổi chiều đó chỉ nằm trong trí nhớ của một nhóm bạn mà thôi. Kết thúc buổi gặp bất ngờ sau 22 năm xa cách, bạn Ngà tự nhận đăng cai nơi tổ chức lần họp mặt chính thức đầu tiên của nhóm chúng tôi.

1. Năm sau 1997 nhóm cựu học sinh Phan Thanh Giản khóa Tú tài IBM chúng tôi chính thức tổ chức cuộc họp mặt đầu tiên tại nhà của bạn Lê Bích Ngà. Thật bất ngờ số lượng các bạn về tham dự thật đông ngoài dự đoán của ban liên lạc chúng tôi, vì số lượng giấy mời chúng tôi gởi đến các bạn chỉ vài chục nhưng số về dự gần đạt 90 bạn. Tại buổi họp mặt ban liên lạc chúng tôi được thành lập gồm:1: Bạn Ngô Văn Dũng, 2: Bạn Lương Hữu Thiện, 3: Bạn Cam Thảo, 4: Bạn Bích Ngà, 5: Bạn Việt Lưu, 6: Bạn Hồng Xuân thủ qũy. Với số lượng các bạn đông như vậy, nhóm chúng tôi trong năm này chưa quyết định chọn vị trí họp mặt của năm sau. Tuy nhiên chúng tôi thống nhất chọn ngày họp mặt hàng năm là ngày chủ nhật đầu tiên của năm mới sau ba ngày Tết Nguyên Đán hàng năm, nếu trong năm đó ngày chủ nhật là ngày Tết thì sử dụng ngày chủ nhật kế tiếp để tổ chức.

 2. Năm 1998 nhóm chúng tôi chọn nhà hàng Hướng Dương làm nơi họp mặt chính thức lần thứ hai. Cũng như lần trước, do điều kiện tổ chức chưa được chuẩn bị trang nghiêm nên nhóm chúng tôi không dám mời các thầy, các cô tham dự. Lần thứ hai, các bạn đến đông hơn lần trước và toàn thể nhóm thống nhất họp chung cả niên khóa tú tài IBM 1973-1974. Niên khóa 1973-1974 trường Phan Thanh Giản có  5 lớp 12; 4 lớp ban A từ 12A1 đến 12A4 và một lớp 12 ban B. Lớp ban A mỗi lớp đều có chung học sinh nam lẫn nữ, riêng lớp 12A4 chỉ tòan là học sinh nam và lớp 12B có 81 học sinh trong đó có 5 học sinh nữ. Thời đó nữ sinh mà học ban B là số dzách. Nếu họp mặt mà hội tụ đầy đủ sĩ số 5 lớp thì số lượng hơn 350 học sinh. Ban liên lạc chúng tôi lo ngại sẽ khó có đủ điều kiện tốt để tổ chức cho nhóm mình họp mặt. Thật lòng mà nói các bạn đến tham dự thường chỉ biết những bạn cùng chung lớp, cho nên ban tổ chức phải mời các bạn tự giới thiệu mình trước các bạn tham dự. Niềm vui thường xuất phát từ các lời tự bạch, nhất là các bạn vui tính thích pha trò thường làm cho các bạn biết mình bằng các biệt danh thời đi học. Trong năm này, chúng tôi đã có ý tưởng vận động các bạn "mạnh thường quân" tài trợ thêm cho ngân sách của nhóm để có tiền chi phí đến thăm viếng các cụ thân sinh bằng hữu đau ốm hay quá vãng.

Cũng trong năm 1998 nhóm chúng tôi liên lạc được với bạn Thanh Vân ở thành phố Hồ Chí Minh và bạn đã bay từ Sài Gòn về dự buổi họp mặt đông vui của nhóm chúng tôi. Tại thành phố Hồ Chí Minh bạn Thanh Vân cùng một số bạn cũng hàng năm tổ chức họp mặt để hồi tưởng những ngày yêu dấu đã qua.

3. Năm 1999 nhóm chúng tôi chọn nhà hàng Hoàng Hải để họp mặt, và lần đầu tiên ban tổ chức chúng tôi quyết định mời thầy cô đến dự buổi họp mặt của nhóm mình. Chúng tôi phân công nhau đi tìm nhà các thầy, nguồn thông tin ban đầu về địa chỉ các thầy là từ thầy Đỉnh. Phải công nhận thầy Đỉnh có một trí nhớ tuyệt diệu, đến thăm thầy vào các ngày hiến chương nhà giáo hằng năm thầy luôn nhận ra từng bạn, từng khuôn mặt học trò mà thầy đã từng dạy dỗ. Lấy địa chỉ và số điện thoại cuả các thầy cô chúng tôi đích thân đến nhà mời các thầy cô đến dự. Rất vui mừng vì năm đầu tiên các thầy cô đến với nhóm chúng tôi, các bạn ai cũng ao ước gặp mặt các thầy nay có dịp đều vây quanh các thầy hỏi han. Tâm sự giữa thầy trò râm rang không khác chi thời đi học. Trong năm nay nhóm chúng tôi đã thông tin liên lạc được với các bạn ở hải ngoại.

Mùa xuân năm 1999 bạn Huyền Linh từ nước Mỹ về thăm nhà và đã cùng "phu quân" đến dự họp với nhóm chúng tôi. Tôi với các bạn đều mong muốn diện kiến lại khuôn mặt bạn Huyền Linh, tới khi gặp mặt tôi và các bạn trai khác nhất trí đặt thêm một biệt danh mới cho bạn ấy: "bé bự ". Bạn Huyền Linh kể về tâm tư các bạn cùng thời ở tha phương luôn nhớ về cố hương; nhưng nỗi nhớ về mái trường Phan Thanh Giản là nỗi nhớ triền miên không vơi. Để đáp ứng sự mong mõi của các bạn phương xa luôn trông chờ nhìn lại các khuôn mặt cũ, bạn ấy đã tài trợ ban tổ chức chúng tôi quay phim buổi họp để gởi ra nước ngoài. Ban liên lạc kêu gọi thêm nhân lực tham gia để hoạt đông của nhóm được phong phú hơn. Danh sách bổ sung thêm vào ban liên lạc gồm: bạn Đào Ngọc Xuân, bạn Lê Văn Trung, bạn Nguyễn Văn Mùi, bạn Trương Vân, bạn Xuân An, bạn Ngọc, bạn Cúc, bạn Thành, bạn Chuẩn, bạn Thái Truyền.

4. Năm 2000 năm đầu tiên của thiên niên kỷ 21, chúng tôi về dự họp tại địa điểm nhà nghỉ Công đoàn thành phố. Với kinh nghiệm tổ chức đã có; ban liên lạc chúng tôi lại được bổ sung thêm một số bạn rất nhiệt tình và tâm huyết với nhóm. Để cuộc họp đổi mới, ban liên lạc đã cố gắng tổ chức buổi họp mặt có thêm phần lễ. Tại buổi họp mặt nhóm chúng tôi tự mình trang hoàng các câu khẩu hiệu chào mừng thầy cô và các bạn về tham dự. Không phải chúng tôi tiết kiệm chi phí cho việc trang hoàng mà thật ra mỗi người đều cảm nhận những niềm vui tuổi học trò khi chính mình làm việc ấy.

Khi bắt đầu buổi họp chúng tôi tổ chức phần lễ trang trọng hơn và qúy thầy ai cũng tham gia diễn đàn đọc những bài biếu cảm của mình về mái trường xưa. Cả thầy và trò đều chung một tâm niệm là trường Phan Thanh Giản đã đào tạo nên một lớp người luôn tôn trọng tình cảm thầy trò, các bài học "công dân, đạo đức làm người" được thầy cô truyền đạt sâu, khiến sự tiếp thu ở trò thấm nhuần. Phải chăng đó là căn bản để lớp học trò chúng tôi đều thành nhân? Và thật cảm động khi chúng tôi được nghe lại giọng ngâm thơ bất hủ của nhà văn thầy Nguyễn Văn Xuân; thầy ngâm giọng vẫn hay như ngày nào bài thơ đầu tiên của thể loại thơ mới "Tình Già" cuả nhà thơ Phan Khôi. Câu thơ "con tim hồng trái tim nhỏ của tôi ơi" cứ ngân nga mãi trong tâm hồn tôi mãi từ hôm ấy hay tự thuở thiếu thời?

5. Năm 2001 một năm đầy trống vắng. Trong ban liên lạc chúng tôi có bạn Thiện xuất ngoại sang Mỹ theo chương trình đoàn tụ với gia đình. Nhóm chúng tôi bị hụt hẫng, tôi làm trưởng ban lại bận công việc của cơ quan năm ấy qúa nặng nên đành lỡ hẹn với các bạn không tổ chức được ngày họp thường niên.

6. Năm 2002 là một năm đặc biệt; đây là năm đầu tiên bạn Đào Ngọc Xuân thực hiện được lời hứa đứng ra đăng cai tổ chức ngày họp mặt của nhóm mà bạn ấy đã ấp ủ từ năm 1999. Nhóm chúng tôi thật may mắn có được người bạn như bạn Xuân; với cương vị Phó Giám Đốc Khách Sạn Sài Gòn Tourane bạn ấy đã đứng ra lo liệu tổ chức thật hoàn hảo các công việc. Ban giám đốc khách sạn đã trân trọng dành cho chúng tôi một hội trường ấm cúng, sang trọng của khách sạn. Công tác chuẩn bị nghi lễ chu đáo từ khâu trang trí cho đến đội ngũ lễ tân phục vụ có nghề nghiệp "đầy mình".

Như để bù cho một năm 2001 trống vắng; lần đầu tiên chúng tôi mơì được cô Phụng, cô Tịnh, thầy Chanh, thầy Hanh về dự. Thật ngạc nhiên khi thấy thầy Hanh còn rất trẻ, hình như năm tháng không thể đạt lên khuôn mặt thầy một dấu ấn nào về tuổi tác. Thầy trẻ đến nỗi có một bạn nữ lần đầu tiên về dự đã lầm tưởng thầy là một bạn trai cùng thời. Chúng tôi bồi hồi nhớ lại những năm tháng đi học; khi ấy mỗi vị giáo sư là một thần tượng thứ hai trong đời sau phụ huynh của mình. Đã là học sinh Phan Thanh Giản mà được học cô Tịnh thì ai cũng nhớ là cô Tịnh có một bộ sưu tập áo dài nhiều đến nỗi cả một năm học cô chưa hề mặc bộ áo nào cùng màu. Xong phần nghi lễ trang trọng, cô Phụng thay mặt các giáo sư cắt bánh giống như mỗi lần tổ chức hội trường năm xưa. Chiếc bánh chúng tôi tạo hình như một quyển sách đang mở ra để chuẩn bị nhận từ tay cô các kiến thức ngọt ngào trong đó đến mỗi tâm hồn đang khao khát hiễu biết của chúng tôi thuở nào. Ngày đó, theo dòng thời gian sẽ trôi xa nhưng hồi ức ấy làm sao quên?

7. Năm 2003 nhóm chúng tôi lại lo lắng về vị trí tổ chức bởi vì số lượng các bạn của nhóm càng ngày càng nhiều. Bạn Ngà đứng ra đăng cai tổ chức lần thứ hai tại nhà bạn ấy. Tại khuôn viên nhà bạn Ngà có khu vườn rộng, thoáng mát. Sau 6 năm nhóm chúng tôi có dịp gặp nhau tại khuôn viên nhà bạn ấy. Khu vườn của tư gia bạn Ngà sau nhiều năm chăm sóc cải tạo đã đẹp hơn. Các cây cau trổ ra các buồng cau chín đỏ. Các bạn cùng nhau nhớ lại những ngày đầu tiên họp mặt tại khu vườn này. Năm ấy các bạn rất vui nhưng tôi lại buồn vì nhạc phụ lẫn nhạc mẫu đều qua đời khiến cho mong ước được tổ chức họp mặt các bạn tại nhà tôi không thành. Nhóm chúng tôi có thêm một số bạn lần đầu tiên tham dự, các bạn ấy rất vui khi tìm lại được các khuôn mặt thân thương thời học sinh của mình.

 8. Năm 2004 chúng tôi lại quay trở về khách sạn Sài Gòn Tourane theo lời yêu cầu của bạn Đào Ngọc Xuân. Trong không khí vui tươi của mùa xuân Giáp Thân, thầy trò chúng tôi lại có dịp gặp mặt chúc mừng nhau một năm mới an khang thịnh vượng. Đề thay đổi không khí trong lần họp mặt lần này ban tổ chức chúng tôi thống nhất tổ chức cho các bạn tham dự các trò chơi bốc thăm may mắn; mừng thọ các thầy cô bằng các món quà...tuy gía trị vật chất không lớn nhưng chứa chan tình cảm tôn sư trọng đạo của lớp học sinh Phan Thanh Giản luôn ghi nhớ ân tình của qúy thầy cô với mình. Các thầy đều mừng vui trước không khí hân hoan của nhóm chúng tôi. Bạn Ngà dẫn chương trình mời thầy Chanh lên hát; các bạn vây quanh thầy vui sướng hát theo. Các kỷ niệm cũ tuôn trào. Chắc chắn các bạn khi xem hình ảnh này đều có cảm nghĩ như tôi. Thời đi học giữa thầy và trò dĩ nhiên là có khoảng cách của nghi lễ; bây giờ mối thâm tình giữa thầy trò sau khoảng cách của thời gian được kéo gần lại như keo sơn. Trong bài phát biểu trước cuộc họp tôi thay mặt bạn bè bày tỏ sự tiếc thương các bạn cựu HS đã chia tay vĩnh viễn chúng tôi trong năm 2003 như bạn Mạc Như Đức, bạn Minh Trí (tên thường gọi là Lại), bạn An.

 

Trước khi dừng bút, tôi xin mạn phép đại diện cho toàn thể các bạn cựu học sinh Tú Tài IBM niên khoá 73-74 Trường trung học Tư Thục Phan Thanh Giản cũ, bày tỏ lòng tiếc thương anh Nguyễn Bá Toại, trưởng ban biên tập cho tập san kỷ niện 50 năm ngày thành lập trường Phan Thanh Giản đã nằm xuống khi công viêc biên tập tập san còn dang dở.

Nhóm chúng tôi ước mong tập san sẽ được những người còn lại hoàn tất để làm cho nguyện ước của anh được viên mãn. Xin cầu chúc cho tất cả những con người đã qua một thời yêu dấu dưới ngôi trường Phan Thanh Giản giữ mãi được hồi ức tươi xanh trong tâm khảm của mình.

 

Ngô Văn Dũng

Đà Nẵng 2004

 


- trích từ Đặc San Kỷ Niệm 50 năm trường PTGĐN 2004 (Đà Nẵng)-