Chuyện Được Viết Theo Lời Kể Của Anh Bùi Thông Hiền, CHS Niên Khoá 1963-1970
(Bài Này Sẽ Được Đăng Trong Đặc San "Hội Ngộ PTG-ĐN 2011")


Tôi về lại VN thăm Ba Mẹ già yếu vào cuối năm 2010 và dịp Tết Tân Mão. Cái lạnh buốt xương của miền Trung, của Huế - Đà Nẵng trùm phủ qua cả mùa Tết Nguyên Đán!
Đúng, năm nay lạnh thật !
Nó gợi nhớ cho tôi cái Tết Mậu Thân 1968 cũng lạnh như thế này, cái lạnh dai dẵng kèm với trời động liên tục cả 3 tháng trời, ngoài chợ vắng bóng tôm cá nên giá cả rất đắt đỏ.
Rồi đùng đùng nổi lên sự kiện "Mậu Thân"!! Chiến sự nổ ra!
Và rồi, tôi nằm trong danh sách học sinh Đà Nẵng đi cứu giúp đồng bào Huế chỉ ngay sau khi chiến sự tạm lắng.
Nhớ đến đây, tôi lại nhớ đến trường học PTG ĐN. Tôi đứng trước khu đất của ngôi trường cũ tọa lạc trên đường Lê Lợi và mặc cho ký ức tuôn về...

Không biết từ khi nào, trong tôi đã có cảm giác mình có một người cha thứ hai ngoài cha ruột của mình!
Ông không có công sinh dưỡng nhưng lại dạy cho tôi nhiều điều trong cái buổi hình thành nhân cách con người.
Ông không dạy cho tôi cách làm Toán Lý, mà chỉ bày cho tôi cách ứng xử trong cuộc sống mà lúc ấy tuổi tôi còn rất bồng bột nông nổi.
Ông không dạy tôi làm văn làm luận, mà lại dẩn tôi theo suốt các đợt công tác nhân ái từ thiện làm an vui cộng đồng xã hội.
Lòng hy sinh, bác ái, không lo cho riêng mình, tỏa ra từ ông đã thấm đẩm qua tôi từ đó...
Ngày đó, tôi gọi ông là Thầy.

Thầy Võ Đình Trị.

Nhớ đến trường PTG là tôi nhớ đến Thầy, cứ như là tuy hai mà một vậy!
Và mỗi lần như vậy tôi lại cảm thấy cay cay trong khóe mắt!
Tôi nhớ lần cuối gặp Thầy trong lều bạt dã chiến của bệnh viên Giải Phẩu (nay là BV Đa Khoa ĐN), năm ấy bệnh nhân quá đông nên Thầy phải điều trị bệnh trong khu đó.
Thầy giấu đi tình trạng sức khỏe của Thầy và căn dặn tôi (cùng nhắn nhủ con trai của Thầy cùng tuổi tôi đang còn ở xa) phải làm gì trong hoàn cảnh đất nước lúc đó. Thầy chúc tôi gặp nhiều may mắn trên bước đường đời tôi vừa chính thức dấn thân...

Sau đó tôi trở lại đơn vị.
Một hôm, trên một hòn đảo nhỏ xa miệt Rạch Giá, một anh lính đưa thư bơi thúng chai vào gần bờ rồi gọi vọng vào: "Chuẩn úy Hiền! Có điện tín ở nhà, hình như có người mất nè!"
(Thật ra, lúc ấy, tôi chỉ là Sinh Viên Sĩ Quan Thủ Đức đang đi chiến dịch, mấy anh lính quen gọi như vậy).
Tôi thoáng bàng hoàng không biết hung tin gì từ gia đình mình gửi vào, tôi gác ngang mọi chuyện và chạy vội ra chổ nước nông trên đầu gối, giật vội tờ điện tín từ tay người lính ấy. Đọc lướt nhanh, biết rằng Mạ tôi gửi điện tín vào trường Bộ Binh Thủ Đức và KBC 4100 này của trường chuyển tiếp theo, dưới phần nội dung ghi rõ : "Thầy Trị đau nặng và mới mất !!"
Một khoảng lặng kéo dài bao lâu tôi không còn biết nữa, tỉnh lại tôi biết mình đã khóc, chân khuỵu trên bãi cát...

Những phút sau cùng cuộc đời Thầy tôi không được ở bên cạnh, không được đưa tiển để rắc nắm bông lên mộ Thầy!! Nhiều năm sau tôi vẩn thấy xót xa tiếc nuối. Sau này, tôi mới được rõ hơn: "mùa Hè đỏ lửa" 1972 người dân tỵ nạn từ Huế và Quảng Trị tràn vào ĐN. Trường học phải đóng cửa để chứa dân tỵ nạn mà trường PTG là trường chứa nhiều người nhất, và dĩ nhiên quý Thầy Cô đều phải nghỉ dạy! Còn Thầy Trị, Thầy vẩn phải làm việc (không lương) cật lực hơn ngày thường mới giải quyết nổi công việc phân phát thực phẩm, thuốc men, quần áo... thế mà về đêm còn phải thức khuya để canh chừng không cho người dân tháo gỡ bàn ghế học sinh, hay cửa số để làm củi nấu ăn và... nhiều rắc rối khác về an ninh trật tự!!

Cũng vì lẽ này, Thầy vì quá hăng say công việc xã hội mà không biết rằng mình đang mang trong người một căn bệnh nan y. Đến lúc Thầy kiệt sức, được chở đi cấp cứu, trong cơn mê, bác sĩ quân y Hoàng Đại May (bạn thân của Thầy Võ Anh Dũng) mới cho người nhà biết Thầy bị ung thư thận thời kỳ cuối!!
Tiếc thay! Thầy đã ra đi sau cuộc giải phẩu muộn màng!

"Vĩnh biệt Thầy Trị! Con vĩnh biệt Thầy!"

Một nén hương lòng trong tôi được thắp lên từ hôm ấy.

Những năm tháng làm việc tại trường PTG, Thầy không chịu để mình được "ở không"! Cứ tìm ra nhiều việc rồi vận động quý Thầy Cô cùng học sinh tham gia đi làm công tác xã hội, trong những lần đó, tôi còn nhớ:

Theo ý tưởng của mình, ông lặn lội đi tìm những đơn vị quân đội, dân chính để xin có đủ vật tư xây được 2 cây cầu phao tại Cồn Án (Thanh Bình) và Phú Lộc (Thanh Khê). Khi thi công, Thầy đứng làm chỉ huy đội kỹ sư "Trời sinh" này, thế mà các cây cầu được hoàn thành tốt đẹp, sử dụng lâu dài.
Cách đây 2 năm, tôi có dịp ghé thăm Phú Lộc, còn được nghe nhiều người dân lớn tuổi nhắc lại câu chuyện cây cầu tình nghĩa của tập thể Giáo sư và học sinh trường PTG xây dựng cho năm nào ...
Tôi cảm thấy vinh dự, tự hào về truyền thống làm công tác xã hội của trường Phan Thanh Giản Đà Nẵng, đã giúp cộng đồng nhiều địa phương có được những tiện nghi cần thiết mà chính phủ chưa "với tay" tới được.

Rồi ngay sau dứt tiếng súng Mậu Thân, hòa cùng khí thế sôi nổi của học sinh các trường trong thành phố Đà Nẵng lúc ấy, trường PTG đã tổ chức 3 đợt đi cứu trợ Huế. Lúc nào tôi cũng thấy Thầy lăn xăn bận rộn tổ chức, xung phong đi đầu chỉ huy và học sinh chúng tôi nghe theo Thầy răm rắp, như Thầy là linh hồn của các công việc như vậy.
Phương tiện giao thông là có sự giúp đỡ của ông Clark Brown, thành viên cơ quan tình nguyện quốc tế (International Voluntary Services). Lần đầu, trường PTG đi trên tàu của Hải Quân vùng I, vì thời tiết có gió Bấc nên gần 1 ngày mới ra đến Huế, lúc vào một đoạn sông gần Đông Ba chiến sự chưa hoàn toàn tắt hẳn, chúng tôi được lệnh núp dưới boong tàu...
Lúc bước lên thành phố Huế, một cảnh tượng tang thương, hổn độn hiện ra cùng một số xác người chưa được chôn cất còn nằm trên đường!!
Ban điều hành các trường đóng tại trường Quốc Học.
Trường được phân công dọn dẹp khu vực chùa Từ Đàm và lân cận, trên tường chùa vẩn còn loang lổ, in hằn nhiều vết đạn, vết... chứng tích của chiến tranh khốc liệt vừa đi qua.
Tiếp sau đợt này còn thêm 2 đợt nữa mà trường phải di chuyển bằng xe quân sự, nhân sự có ít hơn nhưng không lúc nào thiếu vắng Thầy Trị.
Trong tuổi lục tuần, tôi không thể kê kết hết các đợt công tác, các chi tiết mà cộng đồng Thầy Cô, học sinh trường PTG đã làm được. Chắc hẳn, phải nhờ sự trợ giúp của quý Thầy Cô, các anh chị các bạn trước và sau niên khóa của tôi.

Nhưng ở đâu đó trong tôi vẩn hiển hiện một người Thầy năng động và hết lòng với tha nhân


Người viết

(Cựu học sinh trường Phan Thanh Giản niên khóa 1963 - 1970)
Viết xong ngày 11 tháng 04 năm 2011 tại Đà Nẵng.