Rượu Qua Thi Ca Việt Nam

Dương Viết Điền
nk 57-61

Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi,
Dục ẩm, tì-bà mã thượng thôi.
Túy ngọa sa-trường, quân mạc tiếu,
Cổ lai chinh-chiến kỷ nhân hồi

(Rượu đào chén ngọc kề môi,
Chớm say, nhạc đã giục người ra đi.
Sa-trường say khướt cười chi?
Xưa nay chinh-chiến mấy khi trở về!)


(Chi-Điền dịch)

Nhan đề của bài thơ trên đây là Lương Châu từ (Bài hát Lương-Châu) của thi-sĩ nổi tiếng Vương-Hàn đời nhà Đường bên Trung-quốc. Trong những giờ rổi rảnh ở chốn sa-trường, bi lính thường hay uống rượu để tiêu sầu, để quên đi những tháng ngày xa gia-đình, xa vợ xa con. Lắm lúc họ cũng uống để quên đời vì nghĩ rằng trong tương lai, không biết có trở lại quê nhà không hay là cổ lai chinh-chiến kỷ nhân hồi. Nói chung, nhiều khi vì buồn chán một việc gì người ta hay uống rượu để quên đi những nỗi buồn da-diết. Các nhà thơ cũng vậy, khi trong tâm-hồn có những chuyện gì sầu tình lai-láng, các thi-nhân thường hay uống rượu để tiêu sầu. Bởi vậy mỗi lần đi đâu họ luôn luôn mang theo túi thơ và bầu rượu để làm bạn đường, lắm lúc cũng là bạn đời luôn. Người ta cho rằng trong số 2200 thi-sĩ đời nhà Đường bên Trung-quốc, hầu hết đều uống rượu hằng ngày. Các thi-sĩ nỗi tiếng về rượu phải nói là Thôi-Hiệu, Giả-Đảo, Vương Hàn, Lý bạch, Đỗ-Phủ vv...Họ say sưa suốt ngày đêm, vừa uống rượu vừa làm thơ vừa làm thơ vừa uống rượu. Lắm lúc đi chân xiêu bên nọ vẹo bên kia, chếnh-choáng hơi men triền-miên suốt năm tháng. Thời Ngũ-Đại bên Trung-Hoa khi soạn sách "Chính ngôn", Vương Định Bảo đề-cập đến thi-sĩ Lý-Bạch viết rằng: "Lý-Bạch mặc áo cẩm bào, chơi trong sông Thái-Thạnh (ở huyện Đang-Đồ), ngạo-nghễ tự-đắc, xem như không có ai bên cạnh; nhân say rượu, nhảy xuống nước bắt bóng trăng rồi chết". Còn thi-sĩ Giả-Đảo mỗi năm cứ đến đêm trừ-tịch, ông đem tất cả thơ sáng tác trong năm đặt lên bàn, đốt hương vái lạy rồi rót một ly rượu thật đầy xong đổ xuống đất và nói rằng: "Đó là nỗi khổ tâm của ta trong suốt năm nay!" Nói xong ông liền uống rượu, ngâm thơ cho đến lúc say túy-lúy. Còn tại Việt-nam thì sao, các thi-sĩ có hay uống rượu tiêu sầu, đêm ngày say túy-lúy như các thi-nhân đời nhà Đường nói trên hay không? Điểm qua một số thi-sĩ của Việt-nam ta, ta thấy họ uống rượu cũng không phải là ít. Nhiều thi-nhân say mèm suốt ngày đêm không kém gì các bợm rượu bên Trung-Hoa đời Đường. Mặc dầu nhiều người dở duyên với rượu nhưng khi có ai mời thì sẵn-sàng uống ngay, không từ chối:

Trời đất cho ta một cái tài,
Giắt lưng dành để tháng ngày chơi.
Dở duyên với rượu không từ chén,
Trót nợ cùng thơ phải chuốt lời.
Cờ sẵn bàn sơn, xe ngựa đó,
Đàn còn phím trúc, tính tình dây
Ai say, ai tỉnh, ai thua được,
Ta mặc ta, mà ai mặc ai.

(Bài "Cầm kỳ thi-tửu" của Nguyễn công Trứ)

Bởi vì trót đã khuya sớm với ma men, trót đã nghiện rượu triền-miên nên nhà thơ ngày đêm vẫn uống rượu cho dù mặc người đời khen hay chê thì cứ bỏ ngoài tai thôi, miễn sao vào vòng cương tỏa chân vẫn không vướng, tới cuộc trần ai, áo cũng chẳng hoen:

Trót đà khuya sớm với ma men,
Mặc kệ người chê, mặc kệ khen.
Ngó lại hàng rào hương cúc lộn,
Trông ra cửa sổ bóng trăng chen.
Vào vòng cương-tỏa chân không vướng,
Tới cuộc trần ai áo chẳng hoen.
Cứ những ai hay tình thú ấy,
Có chăng Bành-Trạch với Thanh-Liên

(Bài "Uống rượu tự vịnh" của Nguyễn công Trứ)

Bởi vì uống rượu thì phải say và đành chấp nhận tiếng say. Khi say thì sẽ quên đời, quên những nỗi buồn man-mác chia phôi đang tung-hoành và giày xéo tâm-hồn. Vì vậy mà buồn ruột cho nên men phải nhấp, vui với ma men thế mà hay để rồi khi ma men tác-oai tác-quái trong cơ-thể, hai tay bắt đầu quờ-quạng vơ đũa, vơ chén trước mặt; lắm lúc say mèm nằm gục đầu bên cạnh mâm thức ăn mà ngủ li-bì không ngồi dậy được:

Đời này thực tỉnh những ai đây?
Ai tỉnh cho ta chịu tiếng say.
Buồn ruột cho nên men phải nhấp,
Dở mồm nào biết giọng là cay.
Bạn cùng quỉ dẫy chi cho bận,
Vui với ma men thế cũng hay.
Ngất-ngưởng hai tay vơ đũa chén,
Đố ai đã được cái say này.

(Bài "Say rượu" của Trần kế Xương)

Có nhiều thi-nhân vui với ma men vì nhung-nhớ người yêu đã thành người thiên cổ. Vì thế càng nhớ người yêu càng say túy-lúy. Nếu cổ chưa khô, đầu chưa nặng, mắt chưa hoa, thi-nhân lại uống thêm rượu vào sao cho cổ nóng lên như có lửa đang rực cháy, đầu nhức như búa bổ rồi thấy trời đất đang quay cuồng trước mặt. Lúc đó chàng đi xiêu bên nọ vẹo bên kia, miệng thốt lên liên hồi rằng say đi em! Say đi em! Say cho lơi-lả ánh đèn. Thế rồi chàng quá say, chân chàng đã rã-rời quay cuồng không được nữa, gối mỏi gần rơi, say rồi chàng không còn biết chi đời. Say như thế mà chàng vẫn thấy thành sầu vẫn chưa sụp đổ, nỗi buồn tê-tái vẫn còn ngự-trị trong lòng chàng!:

Hãy thêm say, còn đó rượu chờ ta!
Cổ chưa khô, đầu chưa nặng, mắt chưa hoa
Tay mềm mại bước còn chưa chuếnh-choáng.
Chưa cuối xứ Mê Ly, chưa cùng trời Phóng Đãng.
Còn chưa say, hồn khát vẫn thèm men.

Say đi em! Say đi em!
Say cho lơi-lả ánh đèn
Cho cung-bực ngả-nghiêng, điên rồ xác-thịt.
Rượu, rượu nữa, và quên, quên hết!
Ta quá say rồi Sắc ngả màu trôi
Gian phòng không đứng vững
Có ai ghì hư ảnh sát bờ môi.
Chân rã rời Quay cuồng chi được nữa
Gối mỏi gần rơi
Trong men cháy, giác quan vừa bén lửa
Say không còn biết chi đời
Nhưng em ơi, Đất trời nghiêng-ngửa
Mà trước mắt thành Sầu chưa sụp đổ;
Đất trời nghiêng ngửa
Thàng Sầu không sụp đổ, em ơi!

(Trong bài "Say đi em" của Vũ hoàng Chương)

Nhiều người uống rượu lâu ngày đến nỗi ghiền bỏ không được. Vì thế nhiều kẻ đã trở thành những Ông nghiện rượu suốt đời. Họ uống hết ngày này sang ngày khác, tháng nọ đến tháng kia. Nhiều khi để thỏa-mãn sự thèm khát, họ đưa chai lên miệng rồi "tu" một hơi cạn hết nửa chai! Thế rồi họ uống suốt tháng quanh năm không bao giờ ngưng được:

Một năm mười hai tháng,
Một tháng ba mươi ngày.
Hũ lớn cạn, hũ bé cạn,
Hay!

(Bài "Người say rượu" của Phạm đan-Phượng)

Chính vì uống rượu liên-tu bất tận suốt đời ở dương-gian như thế nên khi thác về dưới âm-phủ, Diêm-vương thấy anh chàng say rượu này mang kè-kè bên mình một vật gì liền hỏi thì chàng ta trả lời rằng đó là cái BE!:

Sống ở dương-gian đánh chén nhè
Thác về âm-phủ cắp kè-kè
Diêm-vương phán hỏi mang gì đó,
Be!

(Bài "Anh nghiện rượu" của Phạm đan-Phượng)

Tuy-nhiên không phải người nào uống rượu cũng muống say mèm đề rồi đi chân bên nọ đá chân bên kia. Trái lại nhiều người uống rượu chỉ để tiêu sầu, hay mỗi lúc xuân về nhắp đôi ly rượu để đón xuân sang. Cũng có lúc chán-chê đường danh vọng, họ chỉ muốn về quê vui thú điền-viên. Thế rồi một tay cầm cuốc một tay cầm cần câu, họ tìm nơi vắng-vẻ ngồi nhìn trời xanh mây trắng nắng hồng, lưng dựa vào gốc cây, miệng nhắp vài ly rượu hồng rồi thưởng thức cảnh thanh-bình nơi miền hoang-dã:

Một mai một cuốc một cần câu
Thơ-thẩn dù ai vui thú nào
Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chốn lao-xao
Thu ăn măng trúc đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao
Rượu đến gốc cây ta sẽ nhắp
Nhìn xem phú-quý tựa chiêm bao.

(Nguyễn Bỉnh-Khiêm)

Thật thế, nhiều người uống rượu để ngồi nhìn thế-thái nhân tình xảy ra trong đời như thế nào thôi. Vì thế ngày nào họ cũng uống lai-rai năm ba ly nho nhỏ để rồi mang tiếng là uống rượu hay nhưng hay chẳng là bao nhiêu, nhiều khi mới nhắp năm ba chén đã say rồi:

Rượu tiếng rằng hay hay chẳng mấy,
Độ năm ba chén đã say nhè.

(Trong bài: "Thu ẩm" của Nguyễn-Khuyến)

Vì có nhiều người mới uống một hai ly nhỏ đã thấy say ngà ngà rồi nằm ngủ luôn một giấc chẳng đụng chạm tới ai cả, nên người yêu thỉnh thoảng mua rượu cho chàng uống đề chàng say vài ba giờ cho đời thêm tươi mà trong lòng không có gì hậm-hực hay buồn lòng:

Đốt than nướng cá cho vàng
Đem tiền mua rượu cho chàng uống chơi

(Ca-dao Việt-nam)

Nhưng thường thường khi tửu nhập thì ngôn xuất, mà ngôn lại xuất lúc trí óc không sáng suốt nên lắm lúc nói năng lung-tung, lời qua tiếng lại đụng chạm tha-nhân làm mất lòng người. Đó là chưa nói đến những anh chàng say sưa suốt ngày suốt đêm, miệng luôn luôn lẩm-bẩm những lời lẽ thiếu nhã-nhặn, lắm lúc nói dai-dẳng không bao giờ ngưng khiến ai cũng sợ nên phải tránh mặt:

Ở đời chẳng biết sợ ai
Sợ thằng say rượu nói dai cả ngày

(Ca-dao Việt-nam)

Ai cũng biết rằng khi say rượu thì không thể làm gì được cả. Bởi vì khi ma men đang điều-khiển thì lý-trí bị lu mờ làm sao có thể kiềm soát được mà chỉ thị cho cơ-thể hành-động. Cuối cùng đành phải bỏ dở công việc vì đầu nhức như búa bổ sau khi say tít cung thang:

Ai ơi uống rượu thì say
Bỏ ruộng trâu cày bỏ giống ai gieo.

(Ca dao Việt-nam)

Đã thế, khi say lại nói năng đủ điều. Chuyện gì bí-mật trong đời cũng cho tuôn ra ngoài như thác đổ. Thảo nào một nhà tư-tưởng phương Tây đã nói rằng khi yêu và khi say rượu, người ta thường nói hết sự thật:

Mang bầu đến quán rượu dâu
Say sưa quên hết những câu ân-tình

(Ca dao Việt-nam)

Đã thế gặp lúc chuếnh-choáng hơi men, người đi không vững, mặt mày đỏ lên khiến mọi người trông thấy ai cũng chê cười và nguyền rủa. Chính điểm này mà nhiều người muốn chừa không uống rượu nữa. Tuy-nhiên nhiều lúc họ nghĩ rằng khi say rượu, tâm hồn họ thấy lâng-lâng thích thú như đang bay bỗng trên mây. Vì thế mà nhiều khi chừa cũng được nhưng họ lại chẳng muốn chừa!:

Những lúc say sưa cũng muốn chừa,
Muốn chừa nhưng tính lại hay ưa.
Hay ưa nên nỗi không chừa được.
Chừa được nhưng mà cũng chẳng chừa.

(Bài "Chừa rượu" của Nguyễn-Khuyến)

Nói thế không phải những người say rượu lỡ nghiện rồi không thề bỏ được. Mà nhiều người cũng có thề bỏ được khi họ bị dồn vào thế phải chọn lựa giữa việc bỏ rượu và bỏ cái khác ngon hơn rượu nữa. Cuối cùng họ đành quyết-định bỏ rượu nhưng vẫn còn nằm trong ý-nghĩ "may ra" hay là "họa chăng" mà thôi:

Một trà một rượu một đàn bà
Ba cái lăng-nhăng cứ quấy ta
Chừa được cái nào hay cái ấy
Họa chăng chừa rượu với chừa trà.

(Trần kế-Xương)

Tóm lại, chẳng khác gì các thi-sĩ bên Trung-Hoa như Lý-Bạch, Đổ-Phủ vv…, tại nước ta các thi-sĩ cũng uống rượu như điên nên họ đã mang rượu vào trong thơ khiến lắm lúc khi đọc thơ, ta cứ tưởng ta cũng đang uống rượu rồi say mèm đến tít cung thang vậy.

Dương viết Điền