Năm sửu nói chuyện trâu

Hoàng Yến

Việt Nam là một quốc gia được xếp vào số những nước nông nghiệp trên thế giới. Nông sản chính là lúa gạo nên hình ảnh con trâu thật gần gũi với thiên nhiên và con người. Còn nhớ, một bài Học thuộc lòng tôi thuộc từ khi còn bé lắm. Bài thơ như vầy:

Trâu ơi! Ta bảo trâu nầy,
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta,
Cấy cày vốn nghiệp nông gia,
Ta đây, trâu đấy ai mà quản công,
Bao giờ cây lúa còn bông ,
Là còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn.

Con trâu cũng là chứng nhân của một cuộc tình quê đầy hạnh phúc:

Trên đồng cạn, dưới đồng sâu,
Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa.


Vì một gia đình dễ thương như vậy nên người xưa vẫn thường nhắc nhở nhau:

Ai ơi! Bưng bát cơm đầy,
Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần.


Nhớ thì phải quý. Vì biết rằng cơm nấu từ gạo. Đã là người Việt Nam thì ai cũng thích cơm. Ăn gì rồi cũng phải ăn cơm. Buổi sáng ăn cơm lót lòng mà phải cho chắc bụng. Trưa cơm, chiều cơm, tối cơm ... Thành ra, cái thời chưa có máy cày con trâu quí lắm, thân thương với bác nông phu lắm. Tôi quên mất một đoạn trong bài thơ của bác nông phu vỗ về con trâu già sắp chết rằng: ngươi hãy còn có ích cho chủ:

.......Thịt mầy tao để nấu ninh,
Da mầy bịt trống tụng kinh trong chùa,
Sừng mầy tao tiện con cờ,
Cán dao, cám mác, lược dày, lược thưa.


Nghe như vậy chắc con trâu già cũng" yên lòng nhắm mắt", vì đã làm chủ vui cho đến hơi thở cuối cùng. Như một qui luật: trâu dùng để cày, ngựa dùng để cỡi. Nên người ta thường nói: Trâu cày, ngựa cỡi.

Tôi có bà chị sinh năm sửu. Đi học về là lo học bài, ăn, ngủ. Vậy thôi! Mẹ tôi chẳng những không la mắng mà còn nói:

- Tuổi con trâu mà trâu trốn cày là vậy. Sướng lắm! Nhàn lắm!

Còn nhiều người không sinh năm sửu sao mà cứ than:

- Thiệt tình! Cái thân sao mà cực như trâu.

Một điều lạ khi một người nặng tình với ai đó, thì hẹn hò, sẽ:

Làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai.

Trong nền văn hoá nghệ thuật dân gian các nghệ nhân thường, vẽ, thêu, sơn dầu, sơn mài những bộ tranh tứ thời, tứ quí... như: Mai, lan, cúc, trúc. Công, gà, trúc, trỉ. Long, lân, qui, phụng. Nhưng người già thường thích treo trong nhà bộ ngư, tiều, canh, mục hơn. Phải có một thời gian tĩnh lặng đủ để ngắm cảnh hoàng hôn, mặt trời sắp lặn giống như chiếc bánh tráng đỏ cam khuất sau rặng tre xanh. Ngắm các chú mục đồng ngồi trên lưng trâu đi theo bờ đê nhỏ. Xa xa, một vài cánh chim chiều tìm về tổ ấm. Phía trước là cánh đồng rộng mênh mông còn trơ gốc rạ. Phía sau lác đác vài mái tranh và con đường quê dường như tiếp giáp tận chân trời.

Những ngày nghỉ, đôi lần tôi nằm dài trên sô pha. Ngắm bộ tranh ngư tiều canh mục cho đỡ nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ quê hương. Hình ảnh con trâu đẹp như vậy mà đôi khi người ta lại dùng để mắng mỏ phường bất nhân là bọn ngưu đầu mã diện ( hay đồ đầu trâu mặt ngựa, hàm răng trên cắn hàm răng dưới). Hồi nhỏ, nghe ai nói như vậy là tôi mắc cười. Hàm răng trên nào chẳng cắn hàm răng dưới chứ! Mặt trâu thì vậy. Mắt trâu thì sao. Người ta thường ví người có cặp mắt hiền như cặp mắt trâu. Có lẽ cả đời không hề quắc mắt nhìn ai cách giận dữ. (?)Hễ nhắc đến mắt, tai, thì phải nhắc đến mũi miệng. Khen có mà chê cũng có. Ngày xưa, môi ai dày thì bị ví như hai miếng thịt trâu. Ngày nay, cái nhìn thẫm mỹ có khác đi nhiều nên lại cho là đôi môi dày đam mê, quyến rũ. Miệng trâu cũng được ghi vào sách Cổ Học Tinh Hoa. Tôi thích chuyện Hứa Do và Sào Phủ. Đây là một câu chuyện có vẻ ví von. Đọc mới thấy cách xử thế của người xưa sao mà thâm thuý quá.

Thời xưa, có ông Hứa Do, là một nhà ẩn dật ở trong đầm Bái trạch. Vua Nghiêu nghe tiếng là người giỏi, mời ra, xin nhường cả thiên hạ. Hứa Do từ chối, lui về ẩn tại núi Trung Nhạc, phía Nam sông Dĩnh Thuỷ.

Sau, Vua Nghiêu lại tìm đến, có mời Hứa Do ra làm Tổng trưởng cả chín châu. Hứa Do thấy vậy, không muốn nghe chuyện nữa, ra bờ sông Dĩnh rửa tai. Ngay lúc bấy giờ, Sào Phủ đang dắt trâu xuống bờ sông gặp Hứa Do, hỏi:

- Việc gì mà bác phải rửa tai như vậy?

Hứa Do thuật truyện. Sào Phủ liền gò cổ trâu lại mà nói rằng:

- Ta toan cho trâu uống nước đây, lại e bẩn cả miệng trâu.

Nói đoạn, dắt trâu lên quảng sông trên cho trâu uống nước.

Thật là lạ. Được cả thiên hạ mà muốn nhường cho người khác là lạ. Người được nhường cả thiên hạ không chịu nhận là điều lạ thứ hai. Nghe chuyện lạ mà sợ bẩn tai là điều lạ thứ ba. Không cho trâu uống nước vì sợ bẩn miệng trâu là điều lạ thứ tư. Đọc xong tôi thấy cái gì cũng lạ!...

Rồi người ta cũng đem lỗ tai con trâu ghép nhạc. Mỗi lần nói hoài mà ai đó không nghe thì bảo : Đàn khảy tai trâu. Nhưng đâu phải lỗ tai trâu dành nói về người chậm nghe, chậm hiểu hay không biết thưởng thức cung bậc trầm bỗng của cuộc đời. Bằng cớ là tiếng sáo diều vẫn vi vu bên lỗ tai trâu cùng năm tháng.

Trong khía cạnh kinh doanh và cả hôn nhân người ta kỵ nhất là " mua trâu vẽ bóng".Bởi vì đôi khi người mua đã tận mắt thấy cảnh "treo đầu dê bán thịt chó "mà. Ngày nay, đâu phải cái thời hôn nhân mẹ cha trọn quyền định đoạt. Đến nỗi:


Lấy chồng không biết mặt chồng,
Đêm nằm cứ tưởng đến ông láng giềng.


Trong tình yêu trai gái, ca dao tục ngữ cũng dùng con trâu để nói đến những ganh tị, nhỏ nhen một mối tình tay ba, khi một người hạnh phúc, còn người kia vì dang dở nên lở cười lở khóc.

Trâu cột ghét trâu ăn.

Những tranh giành, xâu xé lẫn nhau làm hệ luỵ đến người chung quanh một cách đáng tiếc . Người ta cũng đem con trâu ra mà nói:

Trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết.

Lại nói chuyện yêu trâu. Các người nhà giàu thường có thú nuôi chim, cò, cá kiểng. Hoặc con vẹt, con chó kiểng, con mèo Xiêm...
Song, con trai thứ của Chu Trang Vương thời Chiến quốc, tên Tử Đồi lại rất yêu trâu. Trong nhà nuôi đến 200 con gọi là văn thú. Hàng ngày cho ăn bằng ngũ cốc chứ không phải cỏ hay rơm. May áo gấm thêu cho mặc. Trâu ra vào có tôi tớ theo hầu. Sau binh biến vì lo lùa bầy trâu mà bị quân giặc đuổi theo kịp và giết chết.

Người ta cũng chú ý phân trâu để rồi ví sánh những cuộc hôn nhân không xứng hợp ở đời:

Con gái khôn lấy thằng chồng dại,
Như đoá hoa lài cặm bãi cứt trâu.


Một sự sai lệch đáng nói khác là khi một người trí rộng, tài cao chỉ được đem dùng vào việc vặt cũng ví như: vạc trâu nấu gà. Vạc to để nấu trâu làm sao nấu gà gọi là ngon cho được.

Thậm chí lỗ chân trâu người ta cũng không bỏ quên. Hằng năm, vào cuối mùa gặt, khi thửa ruộng chỉ còn lại vùng đất ẩm đầy gốc rạ. Những con trâu băng đồng thường để lại dấu chân. Mà người ta thường gọi là lỗ chân trâu.

Đi bốn phương tám hướng không chết, trở về chết ở lỗ chân trâu. Ý nói bóng gió về những người lừng lẫy một thời, chết trong lúc thất cơ lỡ vận. Một cái chết không những không bình thường mà còn là tầm thường. Hay nói về những kén chọn trong hôn nhân nhiều quá để cuối cùng sập bẫy lưới tình của một đôi vợ chồng mà một trong hai người không lấy làm vừa ý.

Hồi đó tôi có một người tình: Ngày mới quen nhau là ngày tôi đi làm giấy căn cước. Trời mưa như cầm chỉnh mà đổ. Anh học trên tôi nhiều lớp. Cả hai đều từ làng ra tỉnh trọ, lúc chiến tranh đang leo thang. Tôi từ phòng lăn tay ra, anh khoác cho tôi chiếc áo mưa. Cảm ơn quá. Anh đưa tôi về. Đám trẻ bên đường phố vừa tắm mưa vừa hát ghẹo:

Đưa em về dưới mưa,
Nói chi em cũng ừa...


Làm tôi mắc cười và mắc cở quá sức. Đó là lần đầu tiên anh kể cho tôi nghe chuyện tháng bảy mưa ngâu. Anh bảo sách vở có ghi: Chức Nữ là Thiên Tôn Nữ làm nghề dệt vải. Được gả cho Ngưu lang là người chăn trâu. Sau khi lấy nhau, ả Chức, chàng Ngưu đều say men tình ái, chểnh mảng công việc nên bị Thượng Đế phạt. Mỗi người ở một đầu sông Ngân. Đến đêm mùng 7 tháng 7 hàng năm, tất cả con quạ đều liên kết nhau thành chiếc cầu cho Chức Nữ gặp Ngưu Lang. Hai người qua lại nhiều năm nên lũ quạ bị sói đầu. Nước mắt của hai kẻ yêu nhau mà phải cách chia làm ướt miền hạ giới. Nhưng trong đời sống, tình yêu là tất cả nên chưa nghe ai nói ghét mưa Ngâu bao giờ. Biết bao các nhạc sỉ, văn thi sĩ, trái lại, còn viết nên nhiều tác phẩm từ tháng 7 mưa Ngâu. Chẳng hạn bài:

Mưa Ngâu Kỷ Niệm.

Anh! Buổi sáng nay sao quá âm u.
Mây xám xịt, bầu trời như xuống thấp,
Ngồi hồi tưởng buổi ban đầu mới gặp,
Anh trùm cho em tấm poncho xanh,
Mưa ướt sũng người vẫn không đi nhanh,
Sợ mau hết thời gian bên nhau đó.
Trời đổ mưa Ngâu, mưa không tầm tã,
Dìu dặt điệu buồn, thánh thót giọt êm,
Anh bảo rằng: Giữa cuộc chiến có em,
Ngày hành quân nghe như lòng nhẹ hẩng,
Nước lọan: Làm trai xông pha lửa đạn,
Chiều cuối tuần: Dạo phố. Thế là vui!
Mình thức suốt đêm. Thành phố ngủ vùi.
Mai ngày ra trận lại hành quân tiếp.
Chức Nữ Ngưu Lang đời đời, kiếp kiếp,
Đợi chiếc cầu Ô Thước nối yêu thương,
Em hậu phương. Dù anh giữa sa trường,
Xa xôi mấy vẫn không hề ngăn cách...
Đến đây, tôi như còn nghe lời bài hát tôi không nhớ tựa:
Trời làm mưa Ngâu mỗi năm mấy lần...


Mùa Xuân muốn nói chuyện trâu mà không biết nói làm sao và đến bao giờ mới dứt đây...Có lẽ tất cả những người Việt Nam sau tháng 4 năm 1975, tị nạn trên đất Mỹ đều bỗng dưng nhận mình tuổi sửu. Ngày Xuân chúng ta thử hỏi thăm nhau thì sẽ biết. Thí dụ:

- Cuối tuần nầy rảnh không ? Ghé qua nhà ăn bánh xèo nghe.
- Thôi! Cám ơn! Phải đi cày bạn ơi.

Hoặc:

- Kỳ nầy về thăm quê hương anh ở lại lâu hơn được không? Chỉ có 3 tuần thấy sao mà ngắn quá!

- Em à! Anh cũng muốn lắm chứ. Nhưng phải về Mỹ đi cày kiếm tiền thăm em kỳ tới chứ...

Không tin tôi bạn hỏi thử xem!

HY
Chớm Xuân Kỷ Sửu.
1-2009
.