Ngày Ấy Không Quên

Hè năm đệ nhất , thi tú tài tòan phần xong , chúng tôi mới thấm thía hai chữ : "chia tay “ . Nhuần lên Đà Lạt , Ngọc Qúy học sư phạm Quy Nhơn , Phước vào y khoa Huế, Định học nông lâm, Thái Khải Mạn và tôi theo học khoa học Sài Gòn . Hồi ấy , đa số chúng tôi phải dạy kèm để phụ thêm cho cha mẹ . Xa nhà , nhớ thành phố cảng đến da diết . Đang phóng xe như bay giữa sài Gòn hoa lệ , bỗng lòng ấm lại khi thấy bảng số xe của ai đó mang hai chữ Đà Nẵng ( chắc chắn chủ xe gốc Đà Nẵng ) vội chạy đến nhận bà con . Ở Sài Gòn nghe tiếng “ mô , tê ,, răng , rứa . . . mừng như bắt được vàng . Tôi gặp Ngọc Lĩnh ở chợ Bến Thành cũng nhờ nghe Lĩnh hỏi : “ Cái áo ni mấy ri ? “ Hai đưá bỏ cả áo , cả người bán hàng , ríu rít như chim : Chuyện thầy , chuyện bạn , chuyện trường cũ ., lớp xưa . . .

Hồi đó lương sinh viên dạy kèm dễ chi để dành được 52,000 đồng mua vé máy bay Boeng 407 về Đà Nẵng ăn tết với gia đình . Xe đò , tàu lửa ai dám đi trong thời bom đạn ấy …

Mùa xuân đầu tiên xa nhà , nhóm lớp cũ chúng tôi : Lê Quang Định , Nguyễn Đình Bách , Phan Tấn Hiệp , Nguyễn Hưũ Tâm , Trần Kim Vân … đem bánh mứt , hạt dưa lên ăn tết ở … tầng cao khu nghiã trang quân đội Biên Hòa. Bức tượng “ Thương Tiếc “ của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ vẫn cuốn hút chúng tôi cho đến bây gìơ . Chiều đến , cả nhóm rủ nhau đi Bình Dương thăm Đặng Thị Thương lấy chồng trên đó . Cái thời hạt muối cắn đôi, miếng gừng chia nữa ấy không bao giờ phai mờ trong đời chúng tôi .

Ba cái tết xa nhà làm tôi thèm về Đà Nẵng khủng khiếp ! Đà Nẵng có mưa xuân chứ không nắng cháy như ở Sài Gòn . Về Đà nẵng gặp thầy , gặp bạn , phóng xe qua Mỹ Khê, vòng lên Non Nước , đi Hội An và đôi khi hứng bất tử cả nhóm vượt đèo Hải vân đi Huế . Phóng Honda qua đèo sợ đến rụng tim , nhưng vẫn liều . Có hôm về ngang Cầu Hai , đường đang sửa , nhưạ đường đen nhánh , trơn ướt. Nhung và Công bị té xe, mái tóc của Nhung bị dính nhựa khét lẹt . Công phải cởi áo chemise nhúng vào bình xăng lau cho Nhung từng sợi tóc . 16 giờ chiều mới đến Lăng Cô . Đèo Hải Vân bị cấm qua lại , hết gìơ lên đèo . Tụi con gái sợ qúa , khóc sướt mướt như thi rớt . Lỡ nói dối cha mẹ đi biển Mỹ Khê , bây gìơ ở lại đêm chắc cha mẹ sẽ cho xuống tóc đi tu hết . May qúa xin được xe quân dội cho vượt đèo . Về nhà đúng 19 giờ . Mặt cắt không còn chút máu . Tụi con trai phải ở lại , ngũ đêm dưới chân đèo . Đói qúa xin mấy chàng lính Mỹ B1 , B2 ăn cho qua bữa .

Tôi đang mơ màng nhớ về Đà Nẵng mến thương thì nhỏ bạn cùng nhóm thực tập hóa học chạy bay vào phòng trọ đem đến một tin vui bất ngờ .

Nè khoa trưởng cấp vé máy bay miễn phí cho đội văn nghệ sinh viên ra Huế dự thi toàn quốc . Bồ đi không ?

OK . có moi !

Thiên hạ sắm tết , chúng tôi phải ngày đêm tập dợt : múa hát, ảo thuật, dân ca Nam Bộ . 24 tết chúng tôi xuống phi trường Phú Bài , cái rét thấu xương của huế làm mấy tên gốc sài Gòn xanh mặt . Xe của Air VN đưa chúng tôi về Đại học Văn Khoa Huế .Tám giờ sang 25 tết, các đội văn nghệ Huế , Sài Gòn , Đà Lạt dự thi . Đa số khán giả và giám khảo là khách ngoại quốc , họ them nghe dân ca Việt nam như cá them nước.

Với nhóm sinh viên Đà Lạt thì chúng tôi dám chấp hai qủa phạt đền . Nhưng nhìn những chiếc nón bài thơ dễ thương , với tiếng đàn tranh réo rắt câu hò Vĩ Dạ thiết tha , tiếng sáo vi vu của đội sinh viên Huế làm chúng tôi phải dè chừng .

Đoàn sinh viên Sài Gòn chúng tôi khởi đầu chào khán giả bằng bài Lý Ngựa Ô , tiếng vỗ tay vang trời lỡ đất . Tụi tôi phấn chấn lắm ! Ban giám khảo cho chúng tôi 7 điểm . Tiếp theo là đội sinh viên Huế . Họ chưa lên hết sân khấu thì khán giả đã vỗ tay ầm ĩ , tiếng máy ảnh bấm liên hồi khi thấy mấy nàng Văn Khoa , Luật Khoa Huế lên dây đàn tranh . Chiếc khăn vành vàng kiêu sa ôm tròn mái tóc màu đen , áo dài cổ truyền Việt Nam làm sáng cả sân khấu . Nếu là giám khảo tôi cũng sẽ chấm giải nhất cho đội Huế .

Tuy vậy , vì “màu cờ sắc áo “ tôi phải bênh cho sài Gòn . Tôi nháy Thắng : “ Mượn Honda phóng ra chợ Đông Ba gấp ! “

Chỉ 5 phút sau tôi trở lại điểm dự thi . Nhỏ to với nhau 30 giây , nhóm sinh viên Sài Gòn chúng tôi dàn quân cách sân khấu 2m , ngay sau lưng ban giám khảo . Tôi chia cho các bạn sinh viên một chiến lợi phẩm mua từ chợ Đông Ba . Gậy ông đập lưng ông ! Qùa Huế chơi dân Huế !

Mấy nàng chơi đàn tranh khởi xướng , khán gỉa lắng đọng như được đưa vào cung mê , tiếng sáo tiếp theo đang vi vút trầm bổng , bỗng bị ngưng lại bất ngờ . Câu hò Vĩ Dạ chưa cất lên được đã bị đọng lại vì tiếng sáo dẫn câu hò không hiểu vì sao bị đứt quãng . Năm chàng thổi sáo ra hiệu cho nhạc trưởng , vị nhạc trưởng nhìn xuống phía khán gỉa , không thấy chúng tôi có gì đáng khả nghi . Ông ta kiên nhẫn cử lại khúc nhạc dạo đầu của dàn đàn tranh , nhưng đến đoạn thổi sáo lại bị đứt quãng như lúc đầu . . . Câu hò Vĩ Dạ vẫn thiết tha réo rắt nhưng vì “ bể dĩa “ nên đoàn Huế chỉ được 6,5 điểm .

Cuộc thi văn nghệ vừa kết thúc , một chàng sinh viên Huế gọi tôi , mời nàng chủ mưu và đoàn sài gòn qua Cồn hến ăn chè bắp . Trước khi đi xin tặng cho nhóm thổi sáo mấy chùm me và trái khế chua khi nãy .

Bể mánh ! ! ! Bây gìơ tôi mới nhận ra Nguyễn Hữu Tuyên , học lớp 11b với tôi ở Phan Thanh Giản cách đây 3 năm . Trên sân khấu , Tuyên mặc áo dài , khăn đóng nên tôi không nhận rap he mình lỡ “ chơi xấu “ nhau , nay gặp lại ẹ quá ! Tuyên tâm sự : “ Thấy bạn tui mừng qúa . Nhìn bạn ăn me , ăn khế làm sao tụi tui thổi sáo cho được . Nè sài gòn thắng Huế nhờ me nhờ khế đó nghe . Nể tình cựu học sinh Phan Thanh Giản cũ , tụi mình xí xóa cho nhau . “ Cựu học sinh Phan Thanh Giản ơi , các bạn quảng đại và tuyệt vời quá ! Cám ơn ngôi trừơng thân thương đã cho chúng tôi những tình cảm sâu đậm ấy . Để bây giờ , mỗi lần đi qua con đường Lê Lợi đầy kỷ niệm đó , tôi lại thầm nhủ :

Về ngang qua trường cũ ,
Không dưng thèm vu vơ
Trái me ai chia nữa
Đến bao giờ thôi chua .

 

NGƯỜI HỌ TRẦN
Đà Nẵng