Mỹ Du Ký
(phần 2)

Lê Khánh Thọ ---France


Saint Louis---Missouri

Nhận vé máy bay của hai vợ chồng cậu em trai ở St Louis mời tới nhà chơi, Thọ vui lắm nhưng rồi lo lắng.Trời ơi, tài nghệ Anh ngữ của mình làm sao có thể xoay sở để qua transit. Giọng mụ đau khổ :

- Năm nọ về Việt nam đổi ở Mã Lai xài toàn tiếng Anh làm chị chới với, may mà đợi hơn 1 giờ nên lần mò mới ra. Chị thất kinh rồi, em đổi chuyến bay direct cho chị đi!

Cậu em trả lời:

- Vé sales đổi không được chị à. Dễ lắm! phi trường bên Mỹ tuy rộng lớn nhưng tổ chức đàng hoàng, nhìn số gate là tìm thấy ngay.

- Dễ cho những ai biết tiếng. Ít ra phải có người chỉ dẫn qua một lần mới chắc ăn. Chị không đi đâu. Bỏ vé cũng đành chịu thôi!

Cậu em điện thoại lần nữa thuyết phục:

- Em hỏi kỹ rồi và em dặn cháu Nai… ngày đưa chị lên phi trường xin họ cho người hướng dẫn chị qua Transit với lý do chị không biết tiếng Mỹ.

Thọ tưởng tượng mình sẽ giống bà già ở phi trường ngồi trên xe lăn đeo tấm bảng tên to tổ bố che cả ngực.Mụ ngao ngán hết muốn đi. Mụ có chút ăn năn về cái tật làm biếng không chịu ôn lại Anh ngữ, nhưng rồi mụ an ủi khi nhớ tới những bài báo thuật lại nhiều giáo sư Anh văn là thần tượng của tụi học sinh trong nước, bỗng nhiên trở thành điếc và câm khi qua tới xứ cờ Hoa.

May quá Thọ không bị đeo bảng trước ngực. Họ đưa tấm giấy nhỏ ghi chú mụ biết tiếng Pháp và dặn trao cho chiêu đãi viên hàng không khi sắp rời phi cơ. Mấy bà chiêu đãi viên Mỹ đen, Mỹ trắng của những chuyến bay trong nước Mỹ phần đông mập thù lu và hương sắc kém mặn mà. Nghe nói hồi trước hãng hàng không quốc nội Mỹ bị “những người đàn bà có nhan sắc của người đàn ông không đẹp trai” thưa kiện về tội bất công, chỉ ưu tiên chọn loại chiêu đãi viên sắc nước hương trời. Do đó những nhà làm luật Mỹ đã nhân đạo đối với giới phụ nữ chẳng may Trời bắt xấu. Hơn nữa chính phủ Mỹ cũng khôn lắm! Đàn bà đẹp dễ kiếm việc làm hoặc là có chồng nuôi. Đàn bà xấu vừa ế chồng vừa bị thất nghiệp thì chỉ có nước đói, chính phủ lại phải hao tiền trợ cấp xã hội.

Phi cơ đáp xuống Denver. Một nhân viên nói tiếng Pháp mừng rỡ líu lo với Thọ như đồng hương vì bà là người Pháp chính cống. Bà dẫn mụ tới tận gate. Mụ xin bà giải thích tường tận vì muốn chuyến về sẽ xoay sở một mình, không cần nhờ vả ai. Hệ thống tổ chức phi trường ở Mỹ thật qui mô rõ ràng, khó bị lạc.Vẫn còn sớm, mụ đi dọc xuống phía dưới xem các gian hàng, nơi đây bán nhiều đồ kỷ niệm về mọi da đỏ vùng Colorado. Đi hoài vẫn chưa hết gate cuối cùng, cảm thấy mỏi chân, mụ quay trở lui. Vén tay áo nhìn đồng hồ còn hơn 1 tiếng. Kỳ chưa ! Chỗ gate của mình sao người ta vào rần rần !?Thì ra múi giờ ở Denver đi nhanh hơn Cali một giờ.

Hú hồn suýt bị trễ!Thọ là người cuối cùng bước lên máy bay.

Thọ ngồi gần ông Mỹ trắng sồn sồn bụng bự. Ông thân thiện mời mụ chewingum và bắt chuyện. Sau một hồi lắng tai nghe mụ rặn tiếng Mỹ như rặng đẻ, ông Mỹ chán quá nhắm mắt lim dim ngủ gà ngủ gật.Thỉnh thoảng ông mở mắt để nhả rồi thay chewingum mới, và vẫn không quên phép lịch sự mời mụ.

Sau một lần «Thank you» và bốn lần « No, thank you» chuyện chewingum của ông Mỹ thì phi cơ đáp xuống ST Louis. Phi trường nhộn nhịp người qua kẻ lại vẫn không thấy bóng dáng cậu em út. Vén tay áo nhìn đồng hồ. Ủa ! Máy bay tới sớm cả tiếng, như vậy cậu em sẽ ra đón trễ. Dáo dác nhìn quanh…Ông Mỹ chewingum đang cầm điện thoại di động.Thọ chờ ông nói xong, nhào tới cười nịnh :

- Please !

Thọ chỉ máy điện thoại của ông và chỉ vào tờ giấy có số điện thoại của cậu em. Ông Mỹ thông minh (kém đĩnh ngộ!) hiểu ý người đàn bà rặn tiếng Mỹ như rặn đẻ. Ông Mỹ đang lui cui bấm số dùm thì bỗng có một ông đập vào vai mụ, ra dấu theo ông. Mụ liếc nhanh. Một người đàn ông sồn sồn, da ngăm, tóc đen rậm rạp sát da đầu giống người Phi Luật Tân. Mụ nghĩ thầm : « Ai quen biết ông mà dám theo ông !». Mụ lạnh lùng :

- No !

Mụ tiếp tục theo dõi ông Mỹ đang gọi phôn.Vẫn chưa yên, ông Phi dai như đỉa, lôi cánh tay mụ và nói :

- Đi ! đi !

Ủa ! Cha này dân Việt Nam nhưng mình không quen, sợ thấy mồ ! Mụ giật tay lại, giọng bực bội :

- Cái ông này ! Tui không đi đâu hết ! Tui đợi em tui ! 

Ông Phi nói :

- Chị Thọ, em đây nè, Hưng đây nè!

Mụ chưng hửng và bật cười.

Sáu năm trước hai chị em đã gặp nhau tại Việt nam, vậy mà bây giờ mình nhận không ra em trai của mình. Nó thay đổi hay là mình già lẩm cẩm !? Mụ ngạc nhiên nhìn đầu tóc đen rậm rạp, nói :

- Chị nhớ đầu em hói mà !

- Thì em cấy tóc lại.

- Sao da em đen hơn trước? Bộ mới đi biển hả?

- Biển đâu mà biển! Em cũng không biết vì sao da em bỗng trở nên đen. Bà xã em cũng quở như chị.

Mụ chọc thằng em:

- Hay là em lẹo tẹo với bà Mỹ đen nào rồi bị lây!

Hưng cười khì:

- Chị phá em hoài!

Mụ an ủi:

- Đàn ông đen thấy ra vẻ người hùng mạnh mẽ. Bà xã em chắc mê xỉu!

Chợt nhớ ra, mụ hỏi tiếp:

- Sao em biết máy bay tới sớm hơn mà ra đón ?Cũng may chị đỡ chờ cả tiếng!

- Em tới đón chị đúng giờ mà.

Mụ dí đồng hồ vào mặt cậu em.

Cậu em nói:

- A, đó là giờ Denver chậm hơn St Louis một giờ.

Mụ la lên:

- Trời ơi, nước Mỹ kỳ cục quá! Giờ ở đâu cũng khác nhau. Sao em không cho chị biết trước, may không thôi chị hụt chuyến bay ở Denver rồi.

- Ở Mỹ ai cũng biết điều đó. Sorry! Em quên chị bên Pháp qua.

Quay lui định cám ơn ông Chewingum nhưng ông đã biến từ lâu.

Qua hôm sau hai vợ chồng cậu em dẫn Thọ tới một sòng bài lớn. Người Việt nam ở St Louis họp mặt tại đây đông quá trời là đông vì hôm nay đặc biệt có vài ca sĩ nổi danh tới tham dự. Những nhà tư bản Mỹ khôn thiệt! Dụ dân Việt nam tới xem ca nhạc free, sau đó tiện thể dạo một vòng coi thử cho biết, rồi bỗng ngứa ngáy móc túi đánh thử thời vận. Ai ngờ máu đỏ đen chạy rần rần không thể tự chủ, có người thua sạch số tiền dành dụm từ mấy chục năm, đến nổi con vợ già khằn (tưởng vất không ai lượm!) nổi tức đòi ly dị, vậy là người thua bạc đi cà lơ phất phơ như con chó đói. Gương rành rành ai cũng biết nhưng lạ quá! Dính vô cờ bạc thì cứ nghĩ rằng chuyện đó không bao giờ xảy đến với ta.

Sòng bài nằm trong một shopping rộng lớn. Thật lạ lùng! Giờ này trời tối rồi mà sao còn những áng mây trắng trôi lãng đãng trên bầu trời xanh ngắt. Đẹp quá chừng quá đỗi! Cô em dâu cười thương hại vẻ nhà quê củaViệt kiều Pháp, giải thích:

- Bầu trời giả đó chị!

Restroom ở Mỹ nhan nhãn dễ kiếm hơn bên Pháp.Thọ mới đứng dậy lui cui chưa gài xong nút quần bỗng nghe tiếng nước chảy ào thật mạnh. Mụ giật mình hoảng hồn ngó dáo dác.Trời ơi xứ Mỹ văn minh đáng nể! Có cả máy tự động dội nước dùm cho người.

Ông Bầu show niềm nở đón tiếp cậu em, đặc biệt dành cho gia đình một bàn VIP sát ngay sân khấu.Thọ mù mịt tên ca sĩ mới nổi danh sau 75, mỗi lần hai vợ chồng cậu em thay phiên nhau hỏi :“- Chị biết ca sĩ này không?“ thì họ thêm một lần thất vọng về sự cù lần của bà chị. Khi người ta long trọng giới thiệu ca sĩ Trường Vũ, tiếng hò hét huýt gió mừng rỡ trội hơn những ca sĩ trước. Chắc tay này là con cưng của đêm văn nghệ!

Cậu em chồm qua thầm thì:

- Chị biết ca sĩ Trường Vũ chớ?

Lần này nó chắc mẩm bà chị phải biết.

Mụ trả lời thật nhỏ, lúng túng như học trò lớp nhất không thuộc cửu chương 2:

- Không.

Cậu em lắc đầu chán nản:

- Trời ơi, Trường Vũ mà chị còn không biết!

Cậu em nói thêm:

- Tay này là thần tượng của đám đàn bà con gái.Chả là học trò ruột của Chế Linh đó chị.

Thọ quan sát Trường Vũ hơi kỹ. Nam ca sĩ không có điểm nào giống sư phụ. Ca sĩ được gái mê là phải! Mái tóc rẽ giữa chơi highlight hòa hợp với nét mặt trẻ trung, da dẻ mịn màng điển trai kiểu tài tử HongKong. Áo thun trắng thể thao, khoác ngoài là bộ veste thời trang màu kem lạt tạo sự sang trọng không quá kiểu cách. Mặc dù Chế Linh không phải là thần tượng của mụ, nhưng mụ công nhận cậu học trò ruột có giọng ngọt và mạnh, lối trình bày thoải mái tự nhiên.

Đang say sưa trình diễn thì một khán giả hâm mộ lên sân khấu trao tặng TVũ một ly rượu. Hết bản nhạc, TVũ tiến tới gần cậu em của Thọ, vui vẻ nói trong micro:

- TVũ cám ơn người đã tặng ly rượu.TVũ nảy giờ uống nhiều quá rồi, chơi hết ly này coi bộ hát tiếp không nổi.TVũ xin phép và nhờ ông bạn của TVũ làm dùm TVũ nửa ly.

Cậu em Thọ đứng lên tay cầm ly rượu, tay cầm micro:

- Kính chào quí vị. Tôi là Hưng.Tôi cám ơn Trường Vũ đã chọn tôi cùng cạn ly. Nhân dịp này tôi xin giới thiệu với TVũ và quí vị bà chị Khánh Thọ của tôi ở nước Pháp mới qua thăm tôi.

Mụ ngơ ngác đứng dậy.

Lạ quá! Ủa!? Sao có dính dáng tới mình cà!

TVũ nở nụ cười thân thiện bắt tay mụ:

- Hân hạnh được biết chị Khánh Thọ.

Một tràng pháo tay của hơn 500 người Việt nam trên đất Mỹ vang dội. Mụ lúng túng cúi người chào.TVũ nốc cạn nửa ly rượu còn lại và tiếp tục hát, trước khi ra về thân mật chụp hình với mụ. Cậu em cười khà khà:

- Thiếu gì đàn bà con gái ao ước được chụp hình với ca sĩ TVũ, hãnh diện lắm đó chị!

Mụ cười hóm hỉnh, nói:

- Lần này ca sĩ TVũ phải hãnh diện được chụp hình chung với họa sĩ Pháp hé!


Ca sĩ Trường Vũ và tác giả KT

Họp mặt bạn bè Cali

Sư huynh Tám Thời điện thoại kể chuyện lần đầu tiên gặp mặt ôn Khuê: « Tướng tá Khuê còn ngon lắm em à ! Hai tay chả cuồn cuộn bắp thịt, vai u nần lực sĩ. Chả là dân chơi tenis mà em ! ». Thọ mail vào nhóm chọc ôn Khuê : « Được nghe sư huynh Tám Thời ngưỡng mộ thân hình đáng giá ngàn vàng của ôn, khi nào qua Mỹ cho Thọ đụng thử cánh tay ôn chút xíu xem có đúng như lời sư huynh tả không nhá !». Mấy mụ trong nhóm quậy cũng nhao nhao đòi đụng bắp thịt lực sĩ. Ôn Khuê dễ dãi mail trả lời: « Mấy mụ muốn đụng tui chỗ nào cũng được !».

Bây giờ ôn Khuê đang đứng trước mặt Thọ, blouson không quân che kín hai cánh tay nhưng vẫn phô trương dáng dấp thể thao khỏe mạnh, cái bụng không phải bụng chứa bia. Trên mạng ôn phi công này quậy dữ, nhưng khi gặp mặt ông nói năng chừng mực. Xe chạy độ nửa tiếng, ôn nói nhỏ :

- Khuê quên bức tranh ở nhà Thọ rồi !.

Lần nọ ôn Khuê gởi vào nhóm tấm hình chiếc phi cơ vươn cánh bay trong bầu trời hoàng hôn, Thọ cảm hứng họa bức tranh sơn dầu chiều tím. Mụ nhớ lời ông thầy Pháp căn dặn : « Đừng bao giờ tặng tranh cho ai, sẽ có ngày họ coi rẻ bức tranh và họ vất vào xó bếp. Thà là họ mua và họ muốn làm gì là quyền của họ. Tui không muốn những họa sĩ khác gặp trường hợp không vui như tui ». Nhưng rồi mụ nghĩ hình ảnh chiếc phi cơ A.37 là phần đời kỷ niệm của những ngày tung mây lướt gió, nhất là ôn Khuê thường tha thiết nhắc nhở phi đoàn Thiên Lôi của ôn.Chắc chắn người phi công sẽ mang nhiều cảm xúc và quí trọng bức tranh này.Vậy là mụ đem qua Mỹ tặng ôn Khuê.

Mụ chắc lưỡi :

- Trở về lấy đi Khuê, nó nằm trong cái bao xé rách, không chừng Ba Thọ tưởng rác ổng đem vất thùng rác, tính ổng ưa dọn dẹp.

Khuê trao máy :

- Thọ điện thoại về nhà cho Bác được không ?

- Ba Thọ không bắt điện thoại đâu vì ổng chán quảng cáo gọi tới. Thiệt lạ ! Bên Pháp không có điện thoại quảng cáo nhiều như bên Mỹ.

- Mình đang trên xa lộ, quày xe khó lắm và cũng hơi xa. Thôi mình đi ăn rồi trở lui lấy trước khi tới nhà Trâm.

Nhà hàng ăn Việt nam mang tên Pháp “La Veranda”, kiểu trang trí thơ mộng với những dỏ hoa và ghế mây. Con cá chiên xù thật bự vô cùng hấp dẫn. Thấy mẹ rồi! Hình như hôm nay rằm, nhưng thôi kệ cho con phá giới! Nhiều món ngon ăn no cành hông mà vẫn không hết, Khuê gọi người ta gói đem về cho bạn. Nước Mỹ thật lạ! Bên Pháp mụ chưa thấy ai đem đồ ăn dư về.

Xe quày trở lại nhà Thọ. Vào phòng khách đảo mắt một vòng không thấy bức tranh, mụ hơi hồi hộp:

- Ba à, hồi nảy có bức tranh trên bàn, Ba thấy không?

- Không, Ba chỉ thấy bao giấy và Ba vất thùng rác rồi.

- Trong bao giấy có bức tranh Ba à!

- Ba không thấy tranh nào cả, chỉ có giấy thôi.

- Để con ra thùng rác kiếm thử. Thùng rác ở đâu Ba?

- Xe đổ rác tới đổ rồi, hôm nay thứ năm đúng ngày đổ rác.

Họa sĩ buồn rười rượi vì biết rằng cảm hứng một đề tài ít khi tới hai lần. Ôn Khuê áy náy:

- Lỗi của Khuê. Khuê xin lỗi.

Mụ mở giọng hờn mát:

- Lỗi gì mà lỗi. Mà sao Khuê quên! Có lẻ Khuê không thích!

Ôn dẫy nẩy:

- Giỡn hoài, Khuê định sáng mai Khuê đem bức tranh đi San José dự Đại Hội Không Quân khoe với phi đoàn Thiên Lôi đó.

Một lát sau đôi bạn sôi nổi nói về Đà nẵng và quên hẳn chuyện mất tranh. Thọ tò mò:

- Nghe nói Khuê có cô bồ nhí đẹp lắm, cho Thọ xem hình đi!

Ôn cười:

- Nhí đâu mà nhí, bả cũng bốn chục rồi!

- Thua Khuê hơn chục tuổi thì cứ tạm cho là nhí.

Ôn chợt nhớ ra:

- À, Khuê có thằng bạn mồ côi vợ tính tình được lắm, khi nào Thọ muốn Khuê giới thiệu cho.

Mụ chớp mắt xúc động. Hồi còn đi học ôn vẫn nổi tiếng rộng lượng cho bạn copy bài kiểm, bây giờ ra đời ôn vẫn từ bi lo lắng cho bà bạn già cô đơn không người săn sóc.

Tám người bạn tuổi ông nội, bà ngoại gặp nhau mừng tíu tít như con nít. Ôn Lâm từ Úc qua tặng mỗi mụ một con Kangourou nhồi bông. Thọ trịnh trọng trao cho 3 ôn 3 gói giấy hoa:

- Đàn ông không cần cadeau, nhưng mỗi ôn làm ơn đại diện trao lại cho mỗi mụ.

Ba ôn vui vẻ thi hành lời yêu cầu. Ba mụ hí hửng xé gói quà, cười rú lên:

- A ha ha! String!

Trước đây một mụ gởi mail nhắc bài “String, cơn sốt thời đại!” của Thọ đăng trên Việt Báo.

Một ôn ngạc nhiên hỏi: “- String là gì ?»

Thọ mail trả lời:«- Trời ơi, String quan trọng lắm ôn ơi! Nó giúp cho kinh tế nước Mỹ phát triển, cứu biết bao nhiêu người thất nghiệp. Ôn ở Mỹ mà ôn không biết String thì cũng giống như ôn tới Hội An mà ôn không ăn mì Quảng ! ».

Vậy là Thọ có sáng kiến giúp các ôn mở mắt nhìn thế giới văn minh của xứ Cờ Hoa. Một ôn cầm mảnh vải nhỏ xíu hình con bướm ngắm ngía, cười ngất:

- Phải chi hồi xưa đi học mấy mụ dzui như dzầy thì đỡ cho tụi tui biết mấy !

Nhà hàng TODAI

Nhóm quậy tổ chức họp mặt tại nhà hàng ToDai, 18 mạng thuộc lứa tuổi mãn kinh - đầu hói nhí nha nhí nhảnh không thua gì tụi trẻ.Thọ la lên mừng rỡ mỗi khi có người tự giới thiệu tên. Lạ quá tụi bạn cũ không còn nét gì thời học sinh! Thọ chú ý một ôn không giống Việt nam, ôn đội mũ rơm, thân hình Mỹ Mac Donald, hai má ôn bụ bẩm chao ơi trông dễ …nựng! Ôn cầm caméra say sưa quay, không tới mừng Việt kiều Úc và Việt kiều Pháp như các bạn khác. Có lẻ ông người Mễ này là phu quân của một mụ nào đó. Nghe tên ôn, Thọ giật mình.Trời ơi văn sĩ Tám Thời, cựu hiệu trưởng trường trung học Quảng Ngãi, vẫn thường điện thoại với mình chớ đâu ai xa lạ! Tình cờ gặp lại ôn Sanh ròm, quen từ ngày còn là oanh vũ Phật tử, bây giờ ôn lạ hoắc cao to như Mỹ.

Mụ Cúc khoe nhờ mụ liếc mắt đưa tình với ông chủ quán nên ông đồng ý bớt 10%.Cả bọn ngồi ngoài patio đấu hót thoải mái.Chuyện tiếu lâm nổ như bắp rang.Thọ ngồi giữa ôn Huân và mụ Hoa, tò mò nhìn văn sĩ Hoa ăn Sushi một cách ngon lành, bỗng thấy mụ Trâm đi tới nhét vào túi quần ôn Huân một bì thơ trắng. Ôn Huân ngơ ngác.

Không chừng thơ hò hẹn hay tỏ tình gì đây! Thọ táy máy đụng bì thơ, mụ xúi ôn với âm mưu sẽ liếc qua coi cọp.

- Mở ra coi đi anh.

Trâm đánh khẻ vào tay mụ, nạt nhỏ :

- Con khỉ, mi đừng có đụng tới. Anh Huân khoan mở nghe !

Trâm về lại chỗ ngồi đối diện cuối bàn, gần sát vợ ôn Đại. Vài phút sau mụ Trâm nói to :

- Anh Huân mở coi đi.

Nhiều cặp mắt chiếu tướng vào ôn Huân. Ôn đưa cao String con bướm, cười hi hi. Cúc chạy qua giật lại :

- A, String Thọ tặng. Cúc để quên nhà Trâm.

Thọ xúi:

- Ôn nào chưa biết String thì đây là dịp mở mang kiến thức.

Máy chụp hình thi nhau hoạt động về đề tài hiếm có. Bỗng mụ Trâm bước tới gần Thọ, mặt chầu bậu :

- Tao không ngồi bên đó nữa.

Thọ nhìn qua « bên đó»… Đôi mắt của bà xã ôn Đại đang phát ra những tia nhìn sấm chớp, mụ ôm cứng cánh tay ôn Đại như ôm báu vật, cái đầu xịt keo cứng ngắc âu yếm ngoẽo vào nách ôn, ngầm cho mấy mụ bạn học của chồng biết « ôn này là chồng tui, mấy mụ đừng giỡn mặt ! ».

Ý trời đất ơi, chỉ vì cái String quái quỷ làm mụ Đại lo ngại.

Đoán chừng có « nổ» lớn, Thọ hỏi dồn dập :

- Mụ gây chiến với mi à ?

- Mụ cằn nhằn ôn Đại về tụi mình nảy chừ, mụ lầm bầm : « Chơi kiểu đốt nhà người ta !»

- Ôn Đại dại dột dẫn mụ theo làm chi hè!

- Không dẫn mụ theo thì mụ không cho đi.

- Thì cứ đi!

- Mi làm như dễ! Ôn có đường ôm đầu máu!

Mụ Thọ gật gù... Ôn ni có phước lớn ! Đàn ông ở xứ Mỹ bị vợ đối xử tệ bạc thua cả con chó, vậy mà ôn được vợ lo sợ mất chồng tức là ôn có giá trị, ôn được vợ yêu.

Tiếng nhạc điện thoại vang lên, cả bọn chiếu tướng vào ôn Huân. Ôn thầm thì tiếng Mỹ và mặt ôn bối rối. Ôn là chef Mỹ nhưng ôn dưới quyền nữ tướng Mỹ. Đập chết đúng là mụ vợ Mỹ kiểm soát  hành trình về phương Đông của ôn rồi ! Mấy mụ mấy ôn bạn học cười ré lên chọc : « Honey, I love you». Ôn hoảng hồn cúp máy.

Thọ thầm ngưỡng mộ hai ôn bạn. Ở xứ Mỹ này được đàn bà yêu không phải dễ đâu nhá!

Ăn uống cười giỡn ở Todai xong hơn 3g trưa, ôn Khuê (Thiên Lôi) lên tiếng mời quí bạn đi càfé nhưng chỉ có vài người hưởng ứng. Thọ nghe danh càfé Dĩ Vãng từ lâu và tò mò xúi ôn dẫn đường.Về nhà đọc mail của nhóm quậy hối: “Thọ ơi, báo cáo tình hình Dĩ Vãng lè lẹ đi!“.

 

Mail báo cáo càfé LÚ và càfé DĨ VÃNG

Chiếc xe Infinitit mới ra lò còn thơm mùi trinh nữ từ nhà hàng Todai phóng tới càfé Lú. Thiên Lôi lách qua lách về, qua mặt vù vù hàng trăm chiếc xe Mỹ đen, Mỹ trắng và Mễ Chocolate. Gương mặt Thiên Lôi căng thẳng như phi công đang bay trên bầu trời miền BắcViệt nam, chiếc xe tới đích sớm hơn hai sư huynh Trân và Huân. Nữ Pháp kiều đảo mắt nhìn quanh...Khu phố nào bên Mỹ đối với nàng cũng từa tựa giống nhau. Tuy nhiên chữ LÚ có tác dụng vào mắt nàng mạnh mẽ hơn cả. Nhớ câu chuyện trước khi đầu thai vào cõi dương trần phải ăn cháo để quên chuyện âm phủ. Có lẻ càfégiúp các ông tạm quên nợ nần, quên nổi buồn xa xứ và thân phận hẩm hiu của người đàn ông sống trên đất Mỹ bị vợ ăn hiếp. Ôi cái tên hấp dẫn bao hàm nhiều ý nghĩa sâu xa!

Nàng và Thiên Lôi cùng nhau sánh vai bước vào quán. Khoảng 50 mái đầu đen, muối tiêu và bạc trắng của các đấng mày râu lố nhố trong khung cảnh kỳ ảo. Không ai thèm ngước lên nhìn nàng vì những đôi mắt cú vọ đang bận rộn đảo qua đảo về, hướng vào các tiên nữ mơn mởn đào tơ đang uyển chuyển bưng những ly nước phục vụ khách giải lao. Nữ Pháp kiều gọi một ly rau má uống cho hạ hỏa vì người nàng đang nóng sốt bởi các gò bồng đảo của các em tuổi dưới 25 căng phồng như núi lửa. Chiếc pull xanh mới mua ở ST Louis bó sát thân hình, cố ý khoe chút hương thừa mà nữ Pháp kiều đắc ý ngắm ngía trước gương thật lâu sáng nay trở nên tầm thường. Bỗng nhiên nàng cảm thấy tủi thân...vì đồi thông hai mộ của nàng mặc dù trải qua bao tháng năm thể dục nhưng vẫn khiêm nhường quá đỗi!


Thiên Lôi và tác giả tại nhà hàng La Veranda

Thiên Lôi ngắm các em một cách bình tĩnh. Có lẻ chàng ta đã quen thuộc với những chiếc quần short mini-jupe cũn cỡn. Tuy nhiên có một chút gì thoải mái hài lòng biểu lộ trên đôi mắt người đàn ông lớn tuổi vẫn còn sung sức. Không bao lâu Trân và Huân bước vào. Nét mặt Trân sáng lên chút thư dãn. Ánh mắt Huân rạng rỡ ngạc nhiên.

Khoảng 6 Tivi cở bự treo trên tường nhưng ít người chú ý (nghe nói chỉ trừ khi có mục cá độ). Nói đúng ra chỉ có những tay chơi thường đóng đô ở đây đã no mắt rồi nên đủ nghị lực dán mắt lên màn ảnh truyền hình. Một em trẻ măng tiến tới cất giọng như chim hót:“Anh dùng gì?“. Em này tuổi đôi mươi da trắng nõn nà, tóc màu mạch nha, mặt mũi kiều diễm từa tựa tài tử phim Đại Hàn, bộ mông uyển chuyển lắc qua lắc về theo nhịp đi chao ơi hấp dẫn lịm người! Bộ ngực Hỏa diệm Sơn của em phập phồng chưa phát nổ nhưng trái tim của Huân hồi hộp muốn nổ tung. Đôi mắt Thiên Lôi hấp háy. Đôi môi Trân rung động cười cười che dấu bối rối. Nữ Pháp kiều tròn xoe mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp người cùng phái với tâm trạng của một họa sĩ yêu nghệ thuật. Đùi em nào cũng dài và thon thon thanh nhã, cá độ bao nhiêu cũng không thể kiếm được một vết sẹo nhỏ. Cả chục em thơm phức lượn qua lượn về ru hồn Huân vào biển mơ vì đây là lần đầu tiên chàng tưởng như lạc bước vào cung cấm vua Á Rập.

Ra khỏi càfé , cả bọn trực chỉ hướng càfé Dĩ Vãng 2. Thiên Lôi báo trước khung cảnh hai nơi giống nhau nhưng nữ Pháp kiều không đồng ý. Dòng sông Hương cũng có nước chảy lững lờ như những dòng sông khác nhưng sông Hương vẫn mang sắc thái đặc biệt của sông Hương.

Đúng vậy, Dĩ Vãng 2 có khung cảnh ấm cúng và gợi tình hơn. Các em thiếu vải chỉ mặc soutien và slip nhỏ xíu. Miếng voan mỏng hờ hững bao quanh quần lót càng tăng thêm giá trị bộ mông căng phồng. Các em hòa nhã nói năng mềm mỏng gợi nhớ các ôn niềm đau chôn dấu vào những lần bị bà xã xài xể. Trời ơi, sao mà các em dễ mến thế!



Tác phẩm "Café Dĩ Vãng" của tàc giã / họa sĩ Khánh Thọ

Trong lúc mắt Huân hấp háy ngắm một em mặc silip màu hồng, hai lúm đồng tiền lõm sâu giao tiếp vùng lưng và đôi mông ngất ngây khách mày râu thì nhạc điện thoại vang lên. Ai chơi ác phá đám không đúng lúc! A, không phải ai chơi ác, thì ra bà xã Mỹ theo dõi từng bước chân của người chồng yêu quí đang chập chững hồi xuân. Lần này Huân rút kinh nghiệm đi ra ngoài, đề phòng tụi bạn hét ẩu “I love you“ như ở quán Todai.

Huân trở vào rửa mắt tiếp tục. Bỗng nhiên Trân than tiếc: “Hồi xưa mấy em ở đây mặc áo dài trắng dễ thương lắm!“. Ba người bạn ngạc nhiên nhìn Trân, thiên thần nào nhập hay là Trân có cốt tu!?

Nữ Pháp kiều thu thập thêm một số tin tức mới mẻ cho quí ôn:

Buổi sáng các em mặc áo dài. Buổi chiều các em mặc đồ thiếu vải. Vậy Trân nên tới buổi sáng, Huân buổi chiều và Thiên Lôi vào lúc khuya.

Tin tức cho những người đàn bà không may có vòng số 1 hơi yếu:

Các em được chủ nhân cho mượn tiền bơm vòng số1 (nếu cần thì luôn vòng số 3) vào ngày đầu tiên nhận việc và chủ sẽ trừ lương mỗi tháng.

Tâm hồn nữ Pháp kiều vẫn còn vương vấn hình ảnh trẻ trung xinh đẹp của các em, nhất là em mặc bộ đồ lót hồng ở Dĩ Vãng 2! Ngày mai nữ Pháp kiều sẽ dạo shopping kiếm mua bộ đồ giống kiểu em này.

Nữ Pháp kiều cám ơn các bạn đã nồng nhiệt tiếp đón và giới thiệu những tiết mục hấp dẫn của vùng nam Cali. Merci. Merci.Merci!

Thọ nhận mail trả lời:

- Đúng sư tỷ KThọ có một tâm hồn nghệ sĩ chân chính. Chiêm ngưỡng « đối thủ» với đôi mắt hoàn toàn lạc quan không thiên vị. Muội chắc không  cool được như sư tỷ KThọ đâu ! Hichichic.

Mail một mụ khác :

- Nhớ cho tao biết shopping nào bán bộ đồ lót hồng giống em Dĩ Vãng 2. Tao cũng muốn mua.

Và mail một ôn :

- Kể nghe mê tơi ! Ôn Thiên Lôi ơi khi nào rảnh dẫn tui đi dùm nghe ôn.

San José

Gặp dịp San José tổ chức Đại Hội 30 năm xa xứ trường trung học Phan châu Trinh và Hồng Đức Đà nẵng, Thọ ghi tên đi theo đoàn bằng xe ca, khởi hành từ chợ ABC góc đuờng Bolsa, vùng Nam Cali. Trưởng nhóm Chương sắp 4 người một phòng, không phải tinh thần đồng đội cao mà vì ngại túi tiền nhức nhối. Thọ vái trời được ở chung với bạn cũ. Gần tới khách sạn ôn Chương cho hay cuối danh sách không đủ người, Thọ và Phương sẽ chung phòng với một cặp vợ chồng. Mụ Phương than nho nhỏ:

- Có đàn ông cũng bất tiện.

Giọng mụ rề rề chịu đựng, không vẻ gì phản kháng.

Lo âu và muốn lôi kéo đồng minh, Thọ dọa mụ:

- Khi ngủ không chừng mình ngáy. Chưa kể lúc ngủ say đạp mền rớt xuống đất, đưa nguyên cặp giò nằm trong tư thế chữ V mà lỡ như lọt vô mắt đàn ông thì...mất mặt bầu cua mi ơi! Mi công nhận tao có lý không!?

Mụ Phương thất sắc:

- Ờ há, mi nói có lý!Tao có tật ngủ hay ngáy.

- Tao cũng ngáy.

- Tao hả miệng nữa!

- Hả miệng còn đỡ, không chừng nhểu nước miếng thấy mới ớn!

Người bạn nham hiểm tạo bộ mặt quan trọng hù thêm:

- Khi ngủ mình không thể điều khiển theo ý muốn. Nằm tênh hênh dị lắm!

Mụ Phương điếng người, nét mặt lộ vẻ bần thần lo lắng.

Mụ Thọ đắc ý tỉ tê xúi dục:

- Tụi mình cương quyết không chịu. Tao với mi phải năn nỉ ôn Chương sắp xếp lại.

Một mụ ôn đã khổ rồi, đằng này đến hai mụ càm ràm điếc con ráy, ôn Chương cầm danh sách trầm ngâm tính qua tính về vẫn không ổn. Ôn thở dài:

- Mấy chị chờ chút nữa em tính lại!

Tới khách sạn Four Points By Sheraton, ôn Chương dặn đoàn xe:

- Xin quí vị khoan xuống vội, một số vào trước theo tui lấy chìa khóa phòng. Vì đúng luật một phòng chỉ có 2 người, nhưng mình tới 4 mạng, họ thấy thì rắc rối đó.

“Họ” có nghĩa là Mỹ. Khách sạn sang trọng và rộng lớn nhiều phòng vô số kể. Nước Mỹ thật là giàu, không thèm để ý đến dân da vàng thậm thò thậm thụt thuê phòng ở đông cho rẻ. Nước Pháp đừng hòng giỡn mặt !

Bốn mụ chung một phòng. Thọ mừng rỡ không cần phân biệt lạ hay quen, miễn không có đàn ông là may rồi ! (không phải kép của mụ !). Restroom lúc nào cũng bị canh me, người vừa bước ra có người khác nhào vô ngay.Tuổi già đi tiểu liên tục. Tiền nước dội cầu và tắm gội của 4 mụ tính ra khách sạn vừa huề vốn.

Sáng hôm sau đi San Francisco ngắm Golden Gate bridge, cây cầu đặc biệt màu đỏ gạch nổi danh của nước Mỹ. Ghé qua China town ăn trưa, nhà hàng lớn có nhiều món ngon nhưng cả nhóm bất mãn cằn nhằn vì nước từ restroom chảy ra phòng ăn lênh láng. Ăn xong bước ra khỏi tiệm bắt buộc phải lội nước ướt cả giày dép. Dân Ba Tàu định cư ở Mỹ lâu năm nhưng vẫn không học được lối sống văn minh của Mỹ, đáng lẻ phải đóng tiệm sửa chữa.

Buổi tối tham dự Đại Hội khoảng trên 600 đồng hương. Tha hồ mà kiếm bạn cũ sau 30 năm lưu lạc. Ai cũng tra rụi nếu không xưng tên e khó nhận diện. Thọ ham nói chuyện chẳng chú ý lời giới thiệu chương trình, mụ Thanh Hawaï la lên : « Tranh của mi kìa ! ».Thọ nhìn lên tường thoáng thấy phóng ảnh bức tranh quen thuộc, mụ ngơ ngác mấy giây rồi xúc động, không ngờ mình được nhắc tên trong ngày Đại Hội PCT. Mụ có ăn uống gì đâu, mụ búi rụi no ngang vì mụ được gặp những con bạn cũ thời tiểu học Hòa Vang.

Sôi nổi nhất vụ bán đấu giá bức tranh của cô Mộng Hoàn giúp học sinh nghèo, một cựu học sinh tư bản Mỹ gốc Việt lên giá $10.000 và tay tư bản Mỹ gốc Việt kia chịu chơi cũng giao luôn $10.000 không cần nhận tranh.

Tiệc tiễn đưa Pháp kiều và Úc kiều

Ôn Lưu Phương chủ nhà hàng Royal- Cali lăng xăng tiếp đón thầy và bạn học cũ cùng trường, cả thảy 21 người. Chủ nhân chơi đẹp free một chai rượu chát to tổ bố. Xứ Mỹ lạ quá cái chi cũng to, bên Pháp thông thường người ta dùng rượu loại 750ml.

Thầy trò thay phiên nhau lên sân khấu trổ tài ca sĩ.Vợ chồng thầy Bảo, vua nhảy đầm My quay cuồng theo tiếng nhạc không biết mệt. Mấy ôn bạn PCT nhảy vài bản rồi ngồi ì ra đó. Mấy ôn hết gân cốt hay là mấy ôn chê mấy mụ bạn già!? Thọ chợt nhớ hồi mình còn trẻ, các ôn dành nhau mời mụ ra nhảy thiếu điều vấp té. Mụ đang ngậm ngùi tủi thân thì ôn Quí nói nhỏ:

- Anh Nhật Ngân kìa!

Mụ sáng mắt lên:

- Đâu? Đâu?

Mụ rủ ôn Quí tới gặp nhạc sĩ, giọng nồng nhiệt:

- Tụi bạn em khoái nhạc anh quá trời!

Bỗng mụ cảm thấy mình nhát gan, mình cũng khoái sao mình ngại ngùng gì không nói! Mụ thêm:

- Em thích nhất bản “Tôi đưa em sang sông”.

Nhạc sĩ cười hiền, nói:

- Em hát bản “La Maritza” hay lắm!

Mụ trợn mắt gân cổ cãi :

- Hồi nảy ông đàn orgue đệm lạc ton làm em chới với mà anh còn khen !

- Hồi nảy thì khỏi bàn rồi. Anh muốn nói hôm em hát ở đại hội PCT San José đó.

Được nhạc sĩ đại ca dễ dãi ban cho lời khen, ca sĩ hạng ruồi ngất ngây cười toe toét. Mấy đứa em của mụ thường cảnh cáo CD của mụ biếu không thiên hạ cũng chê, có lẻ hôm đó mụ nhờ micro lọc tiếng và ban nhạc chơi hết sẩy.

Ôn Quí quay qua hỏi Thọ về chuyến đi Việt nam hè năm ngoái. Cuộc đối thoại gặp khó khăn, phải hét khan cả giọng trong tiếng nhạc ồn ào. Ôn Quí rủ:

- Mình ra ngoài sân nói chuyện dễ nghe hơn .

Mụ ái ngại liếc về phía vợ ôn Quí, đang rù rì tương đắc với vợ ôn Đại.

- Nghe đồn bà xã anh ghen dữ lắm!

Ôn Quí nói giọng chắc ăn:

- Bả ghen với ai nhưng với Thọ thì không có chuyện đó đâu. Bả biết Thọ sắp về lại Pháp rồi.

Ngoài sân vài người đứng hút thuốc. Ôn Quí đang hỏi thăm tin tức một bạn cũ thì bỗng tiếng nhạc di động vang lên. Thọ lắng tai theo dõi… Giọng ôn bực bội: “Em nói tầm bậy!”. Ôn thở dài cúp máy. Thọ hỏi:

- Bả phải không?

Ôn gật đầu chán nản.

Thọ nhớ hôm nọ trong quán nhậu Đà Nẵng, một lão cán bộ Bắc Kỳ lè nhè: “Chống Pháptôi chả sợ. Chống Mỹ tôi chả sợ. Tôi chỉ sợ chống…nạnh! Mỗi lần đi nhậu về khuya thấy bà xã tôi chống nạnh là hồn vía tôi lên mây”.

Thọ hối ôn Quí:

-Thôi anh vô lẹ cho rồi. Ở lâu dám có đổ máu .

Mụ cười nói tiếp:

- Anh ở xứ Mỹ được bà xã yêu, sướng quá trời!

Ôn Quí vội vã bước vào tiệm. Thọ đảo mắt nhìn quanh ngoài sân. Ôn Nga playboy đang phì phèo điếu thuốc lá. An tâm vì bà xã ôn Nga vắng mặt, Thọ kể câu chuyện “ôn Quí có phước được bà xã yêu” và xuống giọng:

- Anh Nga đi vô cùng lần với Thọ nghen. Ôn Quí đang bị nướng, anh làm ơn choàng vai Thọ để cứu mạng ôn Quí.

Nga playboy cười ha hả sốt sắng:

- Tưởng gì khó!

Nga playboy thân mật choàng vai Thọ bước vào tiệm dưới đôi mắt lom lom giám sát của bà xã ôn Quí và bà xã ôn Đại. Ôn vui vẻ lẩm bẩm:

- Thiệt đúng là cảnh Lê Lai liều mình cứu Chúa.

Tiệm Nails Cali

Cô em út rủ Thọ ra tiệm Nails chơi. Ngồi ở quầy thâu tiền, Thọ đưa mắt quan sát những sinh hoạt sống động…Khách hàng đông đảo phụ nữ Mỹ đen, Mỹ trắng và lèo tèo vài mống đực rựa. Thợ Nails toàn là Việt nam, nói chuyện ơi ới với nhau bằng tiếng Mẹ đẻ...

- Chị Tâm ơi, con đen tóc xù đợi chị nảy giờ kìa !

- Anh Thái xong là qua bà trắng mông bự nghe, tới phiên anh đó !

- Thằng cha Đại Hàn mắc dịch ! Tui đã nói chị Nga không rảnh mà nó nhất định đòi cho được chị Nga. Cho mày chờ chết luôn!

Một bà Mỹ trắng dẫn đứa con gái độ chừng 6 tuổi xổ một tràng tiếng Mỹ, Thọ ngơ ngác không hiểu, rối rít gọi cô em. Thì ra bà Mỹ hỏi giá tiền sơn móng tay nhưng không cắt da cho đứa nhỏ. Thợ Nails lắc đầu không ai muốn nhận vì khách đang đông, ai cũng ham món bở. Thọ ngạc nhiên sao bà Mỹ không mua chai nước sơn trong chợ cho rẻ, thì được biết phần đông đàn bà Mỹ rất vụng về. Ngay cả hột nút áo bị sút cũng không khâu lại, chơi ngon vất áo luôn.

Một cô gái da trắng bước vào tiệm. Nàng mặc áo đầm hoa giản dị nhưng nàng vẫn nổi bật giữa đám đông với thân hình gọn gàng cao ráo và nét mặt thanh tú. Thọ nhìn nàng không chớp mắt. Chao ơi nàng đẹp quá ! Một bà khách Mỹ nhận diện ra nàng, thầm thì với chị thợ : « Nicole Kidman ». Thợ Nails ờ ờ nhưng không biết nàng là ai. Bà khách Mỹ bực bội ngoắc em gái Thọ nói nhỏ : « Nicole Kidman ». Bà khách hài lòng vì ít ra chủ tiệm cũng biết danh cô đào chớp bóng và chia sẻ nổi vui như bà. Mắt Nga bỗng sáng lên, lăng xăng đích thân chăm sóc nữ tài tử. Tin tức lan truyền nhanh chóng, bao nhiêu đôi mắt ngưỡng mộ hướng vào người đẹp. Thọ tiếc hùi hụi không có máy hình, mất dịp « loè » con gái và tụi bạn Pháp vẫn có cảm tình với nữ tài tử Úc đã từng qua Pháp đóng phim Moulin Rouge.

Gần tới giờ đóng cửa khách thưa thớt. Cô em gái hí hửng khoe :

- Bà Mỹ hồi nảy nói em hên lắm mới được tài tử nổi danh trên đất Mỹ ghé tiệm. Bả biểu em xin hình treo lên tường dụ khách Mỹ. Nicole Kidman hứa sẽ gởi tặng ảnh có chữ ký.

- Em nhớ lộng kiếng cho lâu hư nghen !

Nói xong, Thọ nhảy vào ghế bành ngồi thoải mái, hưởng thú massage độc đáo của cái ghế kỳ diệu biết nắn vai, nắn lưng, mụ còn được một chị thợ săn sóc móng chân. Bên cạnh ôn Bửu tóc bạc phơ, dân H.O, đang ôm bắp chuối một bà Mỹ đen bự con. Đôi mắt bà Mỹ đen lim dim dưới đôi tay nhà nghề của ôn uyển chuyển 4 động tác : chà, thoa, bóp, nắn. Ôn vừa làm vừa hỏi chuyện :

- Chị Thọ thấy Cali thế nào ?

- Tui thấy dân Việt nam ở Cali cày dữ quá, bon chen làm giàu, không tà tà như bên Pháp.

- Cali nổi danh « gió tanh mưa máu » mà chị !

- Dễ sợ rứa à ! Cali gió tanh mưa máu à, từ gì hay quá !

Cô em gái đi ngang, lên tiếng :

- Có mấy chữ đó mà cũng ồn đó chị. Hồi đầu Đặng văn Nhâm ở Đan Mạch nói, nhưng Phạm Duy lên tiếng cãi chánh của ổng nói.

Mụ Thọ ngạc nhiên cười hí hí :

- Chừng đó mà cũng lên báo cãi chánh à !Lạ hí ! Xứ Mỹ đủ chuyện vui hí !

Ôn Bửu lầm bầm :

- Vui gì mà vui, xứ Mỹ chán thấy mẹ !

Lê khánh Thọ
France, 2006