Những bản nhạc của nhạc sĩ Trần Đình Quân viết trong trại tù An Điềm Thượng Đức Quảng Nam từ năm 75 - 80.


Anh Quân,


Phải biết gọi anh là Thầy hay Anh đây, bởi lẽ tôi học ở Đà Nẵng nhưng không là học sinh của anh ngày nào. Cái duyên tôi được gần gủi với anh là nhờ ơn của Bác và Đảng nuôi cơm tù sau ngày mất thành phố Đà Nẵng thân yêu 29 tháng 3 năm 1975 và nhờ sức lao động cải tạo tự làm ra lúa gạo để ăn trong những ngày, tháng, năm, tại trại cải tạo An Điềm Thượng Đức Quảng Nam cho đến ngày anh được phóng thích 29 tháng 3 năm 1980 và nữa năm sau đó tôi cũng được ra trại và anh em mình lại có cơ hội gặp nhau tại nhà của anh trên đường Cao Thắng và sau đó anh đi vượt biên và định cư tại Hoa Kỳ. Tôi đến Hoa Kỳ theo diện H.O năm 1992, anh được tin có gọi điện thoại thăm tôi lúc còn làm việc ở tòa soạn Nhật báo, biết bao là vui mừng khi biết anh em mình có nhau trên vùng trời Tự do và từ đó về sau chỉ được tin anh qua đời vì chứng bệnh Alzheim.

Tôi, từ trại giam Hội An được chuyển về trại giam Đà Nẵng để chuẩn bị cho cuộc hành trình lên miền rừng núi, tôi đã gặp anh đang bị giam giữ ở Khu D trại giam Kho Đạn Chợ Cồn cùng với số giáo chức biệt phái hơn 40 người. Để ăn mừng sinh nhật của Bác, số giáo chức biệt phái được cho đi nhổ sắn ở rừng núi Phú Túc hơn một tháng, khi trở về lại Kho Đạn vợ con chưa kịp đến thăm thì ngày sau các anh lại được chuyển lên An Điềm Thượng Đức, rồi đến lượt tôi cũng nối gót theo anh và chúng mình lại có duyên gặp lại nhau nơi núi rừng.

Cuộc đời chúng ta được đổi đời bằng cách tự làm lấy ăn. Lúc ban đầu anh và tôi phải biết phá rẫy, làm nông, trồng rau, cấy lúa, sau đó thì tôi được bổ sung vào đội xây dựng làm nhà, anh được phân công làm đội trưởng đội gạch ngói, ngày lại qua ngày, những dịp lễ, tết anh và tôi được dịp hát hò và anh đã cho nghe những bài hát sáng tác mới của anh và do chính anh hát, có lần được hát chung với anh mới khám phá ra bài hát của chính nhạc sĩ viết ra nhưng lại không thuộc lời nên khi hát anh phải “ phăng “ là, la, la, la nghe rất vui tai.

Phải nói cái ngày hạnh phúc nhất của anh là ngày trại lập ra cái Đội 6 Văn Nghệ và anh được đặt làm Đội Trưởng của một đội gồm nhiều thành phần chính trị, quân đội, vượt biên và đa số là hình sự. Tôi cũng được gia nhập vào Đội Văn Nghệ để được ở chung với anh một nhà ( nhà tranh, sạp tre, nền đất, toạ lạc gần trạm xá và nhà bếp của trại). Thời gian này, có lẽ cả năm trời anh và tôi không rời xa nữa bước (nằm ngủ gối chân nhau) ngọt bùi chia sẽ với anh và đồng nghiệp, khi cùng viết nhạc, soạn thảo chương trình tập dượt trình diễn ca, vũ, múa, nhạc, kịch. Trong đội có guitar, mandolin, sáo, harmonica, dàn trống v.v. nên lúc nào cũng có tiếng nhạc vang vang để át đi những ngày xa nhà, buồn khổ. Thú vị nhất là những lúc tập múa hát bên những dòng suối, bên chiếc cầu, bên cánh bìa rừng với những nồi khoai sắn và kể cả những miếng cơm cháy mà nhà bếp ưu ái dành cho, nhớ ngày chúng mình đi lên tận Tu Núc để thăm ngội làng người Thượng và sau đó hát hò ở Sườn Giữa cho họ nghe, không có dàn trống và anh em trong đội phải có sáng kiến xử dụng nồi niêu soong chảo thay thế để làm nhạc cụ. Học hỏi cách sống, cách cư xử và học sáng tác nhạc nơi anh mới biết con người mẫu mực và có tài của người sư phạm là như thế nào ( Khúc Tình Ca Xứ Huế ) là bài viết hay nhất của anh.

Anh Quân,

Phải nói thời gian ở Đội Văn Nghệ anh mới thể hiện được tài viết nhạc Hợp ca, hợp xướng của anh, những lúc đóng vai một người nhạc trưởng với dàn đồng ca trên 50 người, được mặc Âu phục, áo bỏ vào trong quần, chính là lúc tôi thấy mảnh đời của anh hạnh phúc nhất vì như vừa được trở lại nghiệp làm thầy giáo và sống lại với phong trào du ca ngày nào. Thời gian này anh đã sáng tác nhiều bài hát để xoa dịu lòng đau cho chính mình, cho trại viên và cho quê hương đất nước. Tôi còn nhớ được một số bài viết ra để ghi nhớ về anh.

Bài 1 : Viết khoảng năm 76-77. 3/4 Valse La trưởng
Hát những lời mừng vui. Đây mùa đã về rồi. Ruộng đồng và lòng người. Náo nức và thắm tươi.

Lúa mới về đầy kho. Ngô và khoai tràn bồ. Nào đầu và nào mè. Chất ngất từng núi cao

ĐK : Mi trưởng Nhanh 2/4

Anh em ta ( quên mất lời ....

Đời màu hồng thực đẹp khắp non sông nhà

Bài 2 : 2/4 Ré trưởng

Quên đề tựa. Bài này viết lúc anh làm Đội trưởng Lò gạch ở cánh đồng Hà Sung bên tê sông của trại khoảng năm 78. Lúc này có một cậu hình sự trốn trại đêm mò về lấy cắp đồ ăn của anh và sau đó cậu hình sự này bị Công an trại bắn chết trên rẫy sắn.

Buổi sáng ta ra đồng. Gió sớm còn vui chơi. Từng hạt sương ngọn lá.

Buổi sáng ta ra đồng, bầy chim cao tiếng hát. Gọi nắng hồng phương xa

Chào từng đọt khoai vươn dài ngón mượt. Chào từng ngọn bắp ngước cao phất cờ

Chào từng giọt nắng chiếu sáng lấp lánh. Chào từng giọt mưa tươi mát trong lành

Chào mùa Xuân xinh tươi. Chào màu xanh bao la. Chào màu xanh hy vọng

A, chào nương khoai. A, chào rẫy bắp.

Có tiếng hát từ xa vọng gió bay về

Đứng bên ni đồng, ngó bên tê đồng mênh mông bát ngát

Đứng bên tê đồng, ngó bên ni đồng cũng bát ngát mênh mông

Đồng xanh được mùa, lúa vàng nặng hột, bắp trái lớn, khoai củ to, người người ấm no.

Bài 3 : LÒ GẠCH CHÚNG TA. Sol trưởng 4/4

Bài này viết khoảng đầu năm 79 khi Lò gạch chuyển về bên này sông gần trại lúc ban đầu mới chuyển lên ( Số giáo chức biệt phái được chuyển lên từ kho đạn Chợ Cồn khỏang 35 người, có nghĩa TĐQ vào kho đạn Chợ Cồn đầu tháng 5 năm 1975 rồi chuyển lên An Điềm Thượng Đức, ngày được phóng thích 29 tháng 3 năm 80, sau gần 5 năm cải tạo )

Nhìn khói lò gạch bốc cao. Lòng ta phấn khởi tự hào. Hăng say đóng góp công lao. Xây dựng quê hương đẹp giàu.

Anh chăm đi củi. Tôi giữ nhiệm vụ đốt lò. Anh chuyên làm đất. Còn tôi ngày ngày lo in.

A, tất cả chúng ta, mỗi người một tay. Quyết tâm khắc phục, vượt khó khăn. Gạch ngày càng nhiều, gạch ngày càng tốt.

ĐK : 2/4 nhanh

Triệu triệu viên gạch hồng nằm xếp hàng chờ bàn tay người xây. Nào nhà máy công trường, nào phố chợ, trường học khắp đó đây.

Thành phố lớn, những tầng lầu cao. Làng thôn vui, những con đường rộng Chiếc cầu xinh sao

Ôi Tổ quốc ta đẹp vô cùng, Ôi Tổ quốc ta đẹp vô cùng.

Bài 4 : KHI CÂY MUỒNG NỞ HOA Valse 3/4 La trưởng. Viết khoảng 76-77

( Một loại cây rừng lá nhỏ, vỏ cây sần sùi, gỗ cứng màu đen thẫm, có hoa màu vàng khi Xuân về, loại cây này đốn về làm củi đốt lò, dọc theo trại có mấy cây ra hoa rất đẹp, tiếc bài valse này rất dễ thương mà không nhớ lời. Có hai lần TĐQ song ca bài này với người bạn giáo chức Phan Thanh Trợ anh qua đời với căn bệnh như TĐQ )

Khi cây Muồng nở hoa.
Nắng trên đồi nhảy múa
Lá trên rừng vẫy tay
Lúa trên đồng ngất ngây

Bài 5 : KHI MẸ VẮNG NHÀ Ré trưởng 2/4

Phổ thơ Trần Đăng Khoa viết cuối năm 79.

Khi mẹ vắng nhà
Em luộc khoai
Khi mẹ vắng nhà
Em cùng chị giã gạo
Khi mẹ vắng nhà
Em thổi cơm
Khi mẹ vắng nhà
Em lo nhổ cỏ vườn
Khi mẹ vắng nhà,
Em quét sân và em quét cổng
Sáng mẹ về nồi cơm đã chín
Buổi mẹ về gạo đã trắng tinh
Trưa mẹ về cơm dẽo và ngon
Chiều mẹ về cỏ đã quang vườn
Tối mẹ về cổng nhà sạch sẽ
Mẹ bảo em, sao mà ngoan thế !
Không, mẹ ơi con chưa ngoan đâu
Áo mẹ mưa bạc màu
Đầu mẹ nắng cháy tóc
Mẹ ngày đêm khó nhọc
Con chưa ngoan chưa ngoan
Con chưa ngoan chưa ngoan

Ngoài ra, đầu năm 80 TĐQ cũng có phổ thêm một bài thơ nữa của Trần Đăng Khoa. Quên đề tựa và quên lời.

Bớ Ông Trời nổi lửa đằng Đông
...............................................
Chị chổi lom khom trong nhà

Trong băng nhạc vườn DÂU XANH ra mắt tại Hoa Kỳ cũng có viết lại mấy bài trên nhưng lời có thay đổi chút ít.

Viết lại đôi dòng để tưởng nhớ đến anh người thầy Phan Chu Trinh, Phan Thanh Giản ngày nào. Thay cho 60 anh em trong Đội Văn Nghệ tù cải tạo An Điềm Thượng Đức thương nhớ đến anh đã dành nhiều tình cảm quí hóa nhất của cuộc đời người thầy làm nghệ sĩ với những tháng ngày long đong.

NNĐ
Tháng 9/2008



"Cầu Treo An Điềm" - Nhạc và lời: Mộc Thiêng