THI CA MÙA THU


Nguyễn Quý Đại 


Mùa thu ở Âu châu khí hậu mát mẽ, cây lá đổi màu từ vàng sang đỏ tạo nên bức tranh tuyệt tác muôn màu. Ngược lại bên Úc Châu là mùa Xuân ấm áp, trên thế giới mỗi nơi đều có đời sống hài hòa với thiên nhiên và con người. Có lẽ không mùa nào trong năm có nỗi buồn lãn mạn như mùa thu. Thu gắng liền với thi ca và âm nhạc, thu đến rồi đi để lại cho đời nhiều kỷ niệm trong thương nhớ, mộng mơ, thi nhân đã chọn mùa thu với một khung trời đẹp ảm đạm qua những đề tài phong phú như: lá thu, sớm thu, rừng thu, ý thu, hồ thu, sông thu, tình thu, giọt lệ thu, tiếng thu…
mùa thu Hà Nội
.

Đời người bé nhỏ trong cái bao la của vũ trụ theo định luật của tạo hóa, thi sĩ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (1888-†1939) miên man “giấc mộng con“ và cảm thu với nỗi ngậm ngùi, thơ thẩn, Tản Đà chịu ảnh hưởng Nho giáo, có những lúc ông đi tìm cái đẹp trong thầm lặng quí phái:

Trận gió thu phong rụng lá vàng
Lá rơi hàng xóm lá bay sang
Vàng bay mấy lá năm già nữa
Hờ hững ai xui thiếp phụ chàng

Trận gió thu phong rụng lá hồng,
Lá bay tường bắc lá sang đông
Hồng bay mấy lá năm hồ hết
Thơ thẩn kià ai vẫn đứng không

Tản Đà diễn tả tài tình từ lá vàng bay đến vàng bay mấy lá, tạo nên mùa thu trong nỗi buồn xa vắng, cảnh biệt ly lá rơi lác đác, tình yêu của Tản Đà tuy nhẹ nhàng nhưng không kém phần đậm đà tha thiết :

Lá thu rơi rụng đầu ghềnh
Sóng thu đưa lá bao ngành biệt ly

Có những mùa thu của xót xa cô quạnh và có những mùa thu với rực rỡ tình người.  Lưu Trọng Lư (1912-†1991) trong thơ có nỗi buồn riêng biệt, từ hạnh phúc đến vỡ tan, từ thực tế đến mộng mơ. Lưu Trọng Lưu yêu đời nhưng cũng yếm thế chua cay! tiếng thở dài trong nỗi nghẹn ngào, niềm đau cô đọng, như con nai vàng cô đơn ngơ ngác giẫm lên chiếc lá thu kêu xào xạc:

Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức ?
Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ ?
Em không nghe rừng thu
Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp lên lá vàng khô ?

Lưu trọng Lư với cái tình say đắm, cái tình thoảng qua, cái tình thân thiết… sẵn chứa trong người nguồn sáng tạo rạt rào về mùa thu trong thi tập tiếng thu :

Em có bao giờ nói với anh
Những câu tình tứ thuở ngày xanh,
Khi thu rụng lá bên hè vắng
Tiếng sáo ngâm nga vẳng trước mành
………………….
Lòng anh như nước hồ thu lạnh
Quạnh quẽ đêm sói bóng nguyệt tà
Ngày tháng anh mong chầm chậm lại
Hững hờ em mặc tháng ngày qua…….

(Khi thu rụng lá)

Nguyễn Khuyến (1835-†1909) là người có tâm hồn rộng mở, giàu cảm xúc trước cuộc sống và gắn bó với thiên nhiên, phải buồn tênh vì cảnh làng vắng vẻ, trời xanh ngắt với gió heo mây của mùa thu tĩnh mịch như một chuỗi ngày buồn …

Áo thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền con bé tẻo teo
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo
Từng mây lơ lửng trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo
Tự gối ôm cần lâu chẳng được
Cá đâu đớp động dưới chân bèo

Thu Điếu Nguyễn Khuyến

Thời tiền chiến, Xuân Diệu (1916-†1985) nổi bật trong làng thơ mới, ông quan niệm "Là thi sĩ, nghiã là ru với gió. Mơ theo trăng và vớ vẩn cùng mây“. Thơ của ông không nằm trong khuôn thước cũ, mùa thu thật buồn bã, lãng mạn với nhiều màu sắc tạo nên một bức tranh thu tuyệt vời diễm lệ :

Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang,
Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng;
Đây mùa thu tới- mùa thu tới
với áo mơ phai dệt lá vàng
Hơn một loài hoa đã rụng cành,
Trong vườn sắc đỏ rữa màu xanh;
Đôi cánh khô gầy xương mỏng manh.
Thỉnh thoảng nàng trăng tự ngẩn ngơ
Non xa khởi sự nhạt sương mờ..
Đã nghe rét mướt luồn trong gió..
Đã vắng người sang những chuyến đò
Mây vẫn từng không, chim bay đi
Khí trời u uất hận chia li       
Ít người thiếu nữ buồn không nói,
Tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi gì?


Hàn Mặc Tử (1912-†1940) định mệnh tàn khốc đã dẫm nát hình hài, ông đau khổ vì bệnh nan y không thuốc thể nào chữa lành, nhưng thơ của ông như những tiếng cười rạng rỡ và đau xót thì thầm… Mùa thu đến với thi nhân, trong âm thầm kín đáo mang một chút buồn man mác...

Ấp úng không ra được nửa lời,
Tình thu bi thiết lắm thu ơi !
Vội vàng cánh nhạn bay đi trớt,
Hiu hắt heo may thoảng lại rồi..
Nằm gắng đã không thành mộng được
Nhâm tràn cho đỡ chút buồn thôi,
Ngàn trùng bóng liễu trông xanh ngắt,
Cảnh sắp về đông mắt lệ rơi.


Trước 1975 thời kỳ phát triển mạnh về sáng tác âm nhạc hay phổ nhạc, Nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác nhiều nhạc phẩm giá trị, và phổ nhạc bài thơ của thi hào Guillaume Apollinaire "Mùa Thu Chết“ do thi sĩ  Bùi Giáng dịch sang Việt ngữ (hình bên cạnh góc vườn muà thu Munich)

            ... Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo
Em nhớ cho: Mùa thu đã chết rồi
Ôi ngát hương thời gian mùi thạch thảo
Em nhớ cho rằng ta vẫn chờ em
Vẫn chờ em, vẫn chờ em, vẫn chờ
Vẫn chờ... đợi em.

Hơn 20 năm chiến tranh Việt Nam khốc liệt, biến tuổi xanh của thanh niên Việt nam thành lá mùa thu! Từ chiến trận những chiếc quan tài phủ cờ vàng mang về nghĩa trang buồn với hàng me già rủ lá, trong gió chiều ảm đạm, đìu hiu, và những chiếc khăn tang của những người thiếu phụ với nước mắt mùa thu! 

Nước mắt mùa thu khóc ai trong chiều
Hàng cây trút lá nghĩa trang đìu hiu
Từng chiếc, từng chiếc lệ khô vàng héo
Buồn thương từng kiếp nằm trong mộ héo tên người đời quên
Nước mắt mùa thu khóc than triền miên
Nước mắt mùa thu khóc trong đêm dài
Mùa thu chới vơi tiếng mưa buồn rơi!

.............................       nhạc Phạm Duy

Trịnh Công Sơn (1939-†2001) nhạc của anh viết cho thân phận làm người trong cuộc chiến, anh băn khoăn hỏi lòng mình "Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi. Để một mai tôi về làm cát bụi"..Bây giờ anh đã trở về với cát bụi, nơi đó anh sẽ không thấy chiến tranh và ngậm ngùi cho giá trị tự do, dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam không được tôn trọng… Trịnh Công Sơn trong nhạc khúc "Nhìn những mùa thu đi" với nỗi lòng chia ly, nuối tiếc. (tôi chỉ đề cập đến một phần nhạc trữ tình, không bình luận về công và tội trong loại nhạc phản chiến)   

"Nhìn những mùa thu đi        
Em nghe sầu lên trong nắng
Và lá rụng ngoài song
Nghe tên mình vào quên lãng
Nghe tháng ngày chết trong thu vàng ..."


Tôi chưa đến Hà Nội vào mùa thu, Hà Nội cổ xưa với 36 phố phường có nét đẹp riêng,  mùa  hạ những hàng cây cổ thụ có nhiều bóng mát, khách bộ hành thoải mái đi dạo quanh Hồ Hoàn Kiếm qua cầu Thê Húc vào đền Ngọc Sơn. Nhiều người có dịp đến Hà nội vào những chiều cuối thu sương phủ mờ mờ và se lạnh, các cô gái Hà Thành mặc áo len quàng khăn tím đi dưới những cơn mưa nhỏ hạt.. Mùa thu Hà Nội cũng là mùa cốm, cốm vốn là món quê hương quen thuộc ở vùng châu thổ sông Hồng. Cốm Hà nội thơm ngon nhất vào giữa thu, có lẽ nhờ hạt lúa sữa hấp thụ khí hậu của mùa thu? Hạt cốm có màu xanh gói trong lá sen, buộc bằng sợi rơm vàng nhạt. Những ngày thu khi nắng đã nhạt và cốm thoảng hương thơm trong gió heo may, cùng trái bưởi vàng, quả hồng mọng đỏ... Mùa thu Hà Nội rõ nét có mùi của hoa sữa „Hà nội mùa thu“ của Trịnh Công Sơn.

Cây cơm nguội vàng,
Cây bàng lá đỏ
Nằm kề bên nhau, phố xưa nhà cổ
Mái ngói thâm sâu
Hà Nội mùa thu, mùa thu Hà Nội
Mùa hoa sữa về thơm từng ngọn gió
Mùa cốm xanh về, thơm bàn tay nhỏ

Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên làm người viễn xứ, với hơn 3 triệu người Việt cùng hoàn cảnh tâm trạng hướng về Quê Hương trong những mùa thu về với lá vàng bay! Sài Gòn ngày xưa vào thu rất lặng lẽ, mùa thu Sài Gòn với những cơn mưa và giọt nắng rơi nhẹ cuối hè. Mùa thu Sài Gòn đẹp lắm  với những con đường trút lá me bay…

Em hỏi anh mùa thu Saigòn
Nắng còn vương vương trên hàng phố vắng
Em hỏi anh mùa thu Saigòn
Nước mắt bây giờ có như mưa tuôn...

Nhà thơ Phạm Chung nhìn em lang thang trên đường Cổ Ngư thơ mộng dưới những hàng liễu rũ xuống Hồ Tây, Hồ Trúc Bạch 

Có phải mùa thu đã qua
Em lang thang qua phố phường Hà Nội
Em nhớ ai mà mưa bụi bay?....

Mặt hồ Gươm pha sương, em soi đời u tối
Mùa cốm hồng không đợi

Tâm trạng của người lữ khách lưu dung trên đất khách quê người, mà nhạc sĩ Vũ Hữu Toàn phổ nhạc "Mùa thu của tôi" thơ của Phạm Ngọc. Kinh thành ánh sáng Paris, có dòng sông Seine mùa thu về dòng nước chảy như mang một nỗi niềm tâm sự!

Paris buồn giữa trời thu
Cơn mưa ùa theo hối hả
Tiếng đàn cùng tiếng gió
Thở dài thành những cơn mưa
Em là mùa thu của tôi
Chẳng đợi chờ saolại đến
Cũng đành một lần lỗi hẹn
Sông Seine buồn quá xa xôi...

Nhạc sĩ Minh Kỳ cảm nhận mùa thu vương nắng ấm quê hương, cuộc đời lưu vong của chúng ta, khó có thể nghe được tiếng tiêu ai thổi trong chiều thu se lạnh… 

Có chiều thu vương nắng cuối thu
tiếng tiêu ai vọng đến thiết tha buồn
man mác niềm vương vấn tình cố hương
mối u hoài trầm tư khi chiều xuống

Thi sĩ  Paul Verlaine, Pháp, cũng cảm nhận được mùa thu như những thi sĩ, nhạc sĩ „An Nam“ mùa thu của ông qua "Chansons D'automne"

Les sanglots longs
Des violons
De l'automne
Blessent mon coeur
D'une langueur monotone
Tout suffocant
Et blême, quand
Sonne l'heure
Je me souviens
Des jours anciens
Et je pleure...;
Et je m’en vais
Au vent mauvais
Qui m’emporte
De cà, de là
Feuille morte

Bản dịch của thi sĩ Cao Yên Tuấn ở Houston Hoa Kỳ tựa "Khúc hát mùa thu“ thật lả lướt và thoát nghiã, mang âm nhạc việt ngữ tuyệt vời

Đàn gieo chi khúc phượng cầu
Nghe như nức nở, như sầu miên man.
Thu về cho lá nhuốm vàng
Lòng ta tê tái theo ngàn lá rơi !
Chìm trong điệp khúc đơn côi.
Chán chường mòn mỏi nối lời xanh xao
Chuông giờ nghe điểm, nghẹn ngào,
Tiếng xưa kỷ niệm đưa vào tâm tri!
Lệ tràn trên bước ta đi,
Mặc cho gió chướng, nói chi cuộc tình!
Mang ta vào ngõ đăng trình,
Lá rơi đây đó ngập hình bóng xưa
Thu ơi nhớ mấy cho vừa

Nhạc phẩm Mùa Thu Lá bay trong bộ phim Thải Vân Phi (彩雲飛) của Đài Loan, từng chiếu ở Việt Nam năm 1973. Lệ Thanh chuyển ngữ, nhạc sĩ Nam Lộc phổ nhạc được nhiều người yêu thích lời và nhạc lãng mạn, trữ tình.

Một ngày sống bên anh sẽ muôn đời
Dẫu cho mưa rơi đá mòn tháng năm
Lạy trời được yêu mãi nhau người ơi!
Đừng mang trái ngang chia lìa lứa đôi
Thế gian ơi! sao nhiều cay đắng
Tình vẫn đắm say, người cũng xa ta rồi
Ngồi ôm vết thương lòng đớn đau
Nghe tình rên xiết trong tim sầu!
Mùa thu lá bay anh đã đi rồi!
Vỡ tan ôi bao giấc mộng lứa đôi
Giờ đành lìa xa thế nhân sầu đau!
Hẹn anh kiếp sau ta nhìn thấy nhau

Mùa Thu đưa chúng ta vào thế giới của mộng, của mơ, của thương, của nhớ làm rung động lòng người, như gợi một niềm luyến tiếc xa xôi. Dù khoa học tiến bộ nhưng con người không thể giữ mãi được thời gian. Đời người như những chiếc lá thu bay, xin giữ lại cái tình vạn dặm, cái tình chưa một lần gặp gỡ vẫn đẹp đẽ long lanh…

  Thân tặng hai người bạn Nhân và Khởi ở Camberra Úc 
Mùa thu Munich 2009