Cái lạnh lẽo dưới bầu trời xám xịt của một mùa Đông sắp tàn, để nhường bước cho một ấm áp, của một nắng mới đón Xuân sang.

Xuân, Hạ, Thu, Đông: bốn mùa của đất trời xoay chuyển, không có điểm khởi đầu cũng không có điểm kết thúc. Bốn mùa quay vòng mãi như một bánh xe Luân Hồi vẫn chuyển.

Đời người, có bắt đầu cho tuổi chào đời, tuổi ấu thơ và từ đó lăn trôi nghiệt ngã như dòng nước từ trên nguồn thượng lưu chảy xuôi xuống, rồi trôi ra biển cả. Tuổi người như con nước thuận, không nghịch lý chảy ngược bao giờ. Tuổi người lăn trôi mãi để một chiều bia mộ khắc ghi tên…

Đêm trôi qua, ngày lại đến, nên những nếp nhăn chân chim tiếp tục in sâu trên khoé mắt, tóc không còn bóng mượt như thuở có bàn tay ai dại khờ ve vuốt, chân Sáo thôi nhảy tung tăng, tiếng hát không bay cao, tiếng cười hết trong trẻo…

Thế mà một sáng, hay tin Hàn Lâm Viện Thuỵ Điển trao giải Nobel Văn Học 2010 cho một nhà văn người gốc Peru: MARIO VARGAS LLOSA khi ông vừa 74 tuổi. Một nhà văn già với tuổi 74 vẫn còn yêu biết bao văn chương! Ông vẫn sáng tạo để mang đến cho người những kiệt tác, viết để hiến tặng cho đời những quay quất cũng như những thú vị của kiếp người. Ông còn tuyên bố: Tôi sẽ viết đến hết cuộc đời.

Một GABRIEL GARCIA MARQUEZ, Nobel Văn Học 1982. Một nhà văn già cũng với tuổi 83, vẫn chưa ngừng để gác bút. Ông vẫn còn thiếu 17 năm để ta thán về nỗi cô đơn:

- Trăm năm cô đơn. (Sách lại tái bản lúc sinh nhật ở tuổi 80)

Hai cây đại thụ của nền Văn Học Mỹ Latin viết bằng tiếng Tây Ban Nha, ở cái tuổi bước lần vào giai đoạn cuối của cuộc sống, vẫn còn dùng văn chương để nuôi dưỡng đời mình…

Tôi không biết hai ông có cái nhìn gì về NÚI, SÔNG? Hẳn là nhìn thấy Núi, Sông theo cái nhìn của thi sĩ biết yêu thiên nhiên của tuổi Tam thập, Tứ thập:

Nghịch ý Trời, đảo lộn càn khôn? (Tâm thập nhi lập).
Khắc phục nghịch cảnh, bằng những bước thăng trầm? (Tứ thập nhi bất hoặc)

Thấm thoát rồi những nhà đại tài này cũng bước lần qua tuổi Tri Thiên Mệnh của Ngũ thập niên. Phiêu lưu từ trên đồi vắng đi lần xuống tuổi Lục thập nhi nhĩ thuận, Thất thập nhi tòng tâm và trải dài cuộc sống để đến… Bát thập cổ lai hy.

Không ai nghi ngờ có rất nhiều đức tính thể hiện từ con Sông với dòng nước chảy không ngừng nghỉ, từ ngọn Núi cao hùng vĩ vẫn sừng sững đứng yên, thách thức với đất trời. Nhưng họ nhìn thấy gì về niềm tĩnh lặng của dòng nước trong trẻo? Tiếp nhận gì về cây lá xanh tươi kiều diễm của núi đồi?

Sông nhìn thấy dòng sông, dòng sông nói lên tiếng nói của dòng.
Núi nhìn thấy núi cây, núi reo vi vu tiếng núi.

Cái mênh mông bát ngát bao trùm của Núi Sông đẹp tuyệt vời. Tôi không nghĩ những nhà đại tài nhận giải Nobel Văn Học thấu hiểu triệt để sự chuyển dịch từ Núi Sông. Một Thiền Sư đã viết:

- Dòng sông không mạnh cũng không yếu, không ướt cũng không khô, không chảy cũng không dừng, không lạnh cũng không nóng, không có cũng không không, không mê cũng không ngộ.

- Núi sừng sững đứng yên nhưng luôn mang dòng máu nóng, mang sức sống cuồn cuộn đến với hàng cây đại thụ, mang mầm sống dịu êm đến với đám cỏ ven đồi.

Sông rộng, Núi cao. Sông Núi nhìn khắp mười Phương thế giới. Sông và Núi biết buồn khi thấy thế giới vô minh. Đây không phải là Sông Núi của thi sĩ. Đây chính là Núi và Sông của Pháp Giới. Sông giống như Núi, luôn có một ý nghĩa đặc biệt của tâm linh.

Trong Phật Giáo, hình ảnh dòng Sông là sự vượt qua, là Prajna Paramita, là trí tuệ từ bờ bên này qua đến bến bờ bên kia.

Hình ảnh nước là dòng sông hữu tình, thơ mộng, thuỷ chung và cần thiết không thể thiếu trong đời sống muôn loài muôn vật, nước rửa sạch cấu uế, đem lại sự sống lành mạnh an vui tươi mát. Sóng nước lăn tăn, sóng nước ào ạt, sóng nước lúc dâng cao, lúc xuống thấp. Một khúc nhạc trường ca, nhịp điệu và linh hoạt. Phong phú như một bài kinh, một bài Pháp… Herman Hesse viết về dòng sông trong cuốn SIDDARTHA, dòng sông đã đóng một vai trò chính trong sự giác ngộ của GAUTAMA: Hãy yêu thương dòng sông này, hãy ở lại bên nó và hãy học từ nó…

Hình ảnh Núi cao vun vút xanh tươi như khoác lên mình bộ y phục mang một màu xanh biếc, hiên ngang hùng vĩ, vững chắc, kiên nhẫn, bao dung và cao cả… Sự tuyệt tác của Núi bốn mùa thay đổi:

Xuân sơn thanh nhã, Hạ sơn xanh thẳm, Thu sơn trong trẻo, Đông sơn thiếp mộng.

Đó chính là sự tiêu biểu cho cuộc sống của đời người, có vinh, có nhục, có cạn, có sâu, có động, có tĩnh, có vui có buồn.

Sông và Núi như đang ấp ủ một kho tàng tài nguyên kỳ diệu của đất trời. Sách thánh hiền có câu:
- Nhân giả lạc Sơn, trí giả lạc Thuỷ.

Sơn và Thuỷ tự bao giờ đã trở thành người bạn tâm giao của bậc thánh hiền. Vững chắc, bao dung, cao cả như tánh Núi và trong sạch thanh tịnh, uyển chuyển dịu dàng như tánh Thuỷ.

GABRIEL GARCIA MARQUEZ hay MARIO VARGAS LLOSA! Hãy nghe nguồn cảm hứng của VŨ HOÀNG CHƯƠNG:

- Ta còn để lại gì không?
- Kìa non đá lở, này sông cát bồi.
- Lang thang từ độ luân hồi
- Vô Minh nẻo trước xa xôi dặm về