Sưu Tầm:
HTT

Lịch Sử Những Con Đường "Xưa Tan Trường Về"

Dưới đây là những con đường nằm chung quanh ngôi trường thân yêu của chúng ta. Ngày ít nhất chúng ta đi qua hai lần, nhưng có ai biết được lịch sử của những con đường đó...Bây giờ về Đà Nẵng tên đường thay đổi nhiều lắm, nếu không có người quen chỉ dẫn thì khó mà nhận ra được.

LÊ LỢI

- Dài 1.190m, rộng 8m, nối đường Đống Đa đến đường Phan Châu Trinh theo hướng bắc – nam.

- Lai lịch con đường: Thời Pháp thuộc, từ năm 1904 đường này có tên là Rue Francis Garnier, sĩ quan của đội quân viễn chinh Pháp bị quân ta giết chết trong trận Cầu Giấy (Hà Nội) vào năm 1873. Đến năm 1956, Rue Francis Garnier được đổi thành đường Lê Lợi và tồn tại cho đến ngày nay

GIA LONG tức LÝ TỰ TRỌNG

- Dài 1.050m, rộng 8m, nối đường Bạch Đằng với đường Hải Hồ, cắt ngang đường Đống Đa, thuộc quận Hải Châu.

- Lai lịch con đường: Thời Pháp thuộc, đường này xuất hiện trên bản đồ Đà Nẵng với tên gọi là đường Gia Long (1904). Sau 1975 đổi thành đường Lý Tự Trọng và tồn tại cho đến ngày nay.

DUY TÂN NGUYỄN TRI PHƯƠNG NGUYỄN CHÍ THANH

- Dài 1.830m, rộng 14m, nối đường Lý Thường Kiệt đến đường Hàm Nghi (Lê Hồng Phong). Đây là một trong các đường trục chính của thành phố theo hướng Bắc – Nam.

- Lai lịch con đường: Thời Pháp thuộc, đường có tên là Rue Guillemin. Đầu năm 1956, đường này chia thành hai: 1. Đoạn từ đường Lý Thường Kiệt đến đường Quang Trung có tên là đường Duy Tân. 2. Đoạn từ đường Quang Trung đến đường Hàm Nghi có tên là đường Nguyễn Tri Phương.

Sau ngày 30-4-1975, đường Duy Tân kéo dài thêm một đoạn đến đường Hùng Vương đổi tên là đường Nguyễn Chí Thanh. Phần còn lại về sau đường Nguyễn Tri Phương (đến năm 1984) được nhập chung vào đường Nguyễn Chí Thanh.

THỐNG NHẤT tức LÊ DUẨN

- Dài 2.050m, rộng 9m, nối đầu cầu sông Hàn, cạnh Bưu điện trung tâm đến ngã ba Cai Lang (đường Lê Duẩn – đường Lý Thái Tổ).

- Lai lịch con đường: Thời Pháp thuộc, đường này mang tên Rue Pigneau de Béhaine, một giáo sĩ người Pháp mà dân ta thường gọi là Bá Đa Lộc, người đã thay mặt Nguyễn Ánh ký hiệp ước Versailles (1779) với triều đình Louis XVI (Pháp).

Năm 1950 đường Rue Pigneau de Béhaine đổi tên là đường Thống Nhất. Tháng 5-1987, đường Thống Nhất đổi thành đường Lê Duẩn. Đây là đường đã 3 lần đổi tên.

NGUYỄN HOÀNG tức HẢI PHÒNG

- Dài 1.720m, rộng 9m, nối đường Lê Lợi đến giáp đường Điện Biên Phủ.

- Lai lịch con đường:

1. Thời Pháp thuộc, đường có tên là Rue Lagrée, nguyên là trung tá hải quân Pháp, người đã từng dẫn đầu đoàn thám hiểm tiến hành khảo sát con đường sông Mê Công, khởi đi từ Sài Gòn qua Phnom Pênh, lên Hạ và Thượng Lào, ngược đến tận biên giới Trung Quốc (1866 – 1893). ĐƯờNG Rue Lagrée nối đường Rue Francis Garnier (nay là đường Lê Lợi) đến ga Đà Nẵng.

2. Cuối năm 1950, đường Rue Lagrée được đổi thành đường Nguyễn Hoàng, thủy tổ nhà Nguyễn, người có công đầu trong việc mở mang bờ cõi về phía Nam.

3. Sau ngày 30-4-1975 đường Nguyễn Hoàng đổi tên thành đường Hải Phòng .

4. Đường Nguyễn Hoàng trước ngày 30-4-75 nối đường Lê Lợi đến ga Đà Nẵng. Đường Hải Phòng sau này kéo dài thêm đoạn từ ga Đà Nẵng đến đường Điện Biên Phủ, bên cạnh Siêu thị Đà Nẵng, có tổng chiều dài 1.720m.

Đà Nẵng ngày nay cũng có con đường mang tên Nguyễn Hoàng.

PHAN ĐÌNH PHÙNG

- Dài 500m, rộng 7m, nối đường Bạch Đằng đến đường Lê Lợi và đường Phan Châu Trinh, thuộc quận Hải Châu.

- Lai lịch con đường: Thời Pháp thuộc, ban đầu (1904) đường này có tên là Rue Palanca – Guttierez. Sau chiến tranh thế giới lần thứ I (1914 – 1918) đổi thành Rue du Maréchal Joffre. Đầu năm 1956, đổi thành đường Phan Đình Phùng và tồn tại cho đến ngày nay.

TRẦN CAO VÂN

- Dài 3.970m, rộng 10,5m, nối đường Quang Trung với đường Điện Biên Phủ.

- Lai lịch con đường: Đường Trần Cao Vân xuất hiện trên bản đồ Đà Nẵng từ năm 1962 và tồn tại cho đến ngày nay.

PASTEUR

- Dài 350m, rộng 6,5m, nối đường Phan Đình Phùng với đường Ngô Gia Tự thuộc quận Hải Châu.

- Lai lịch con đường: Đường Pasteur có từ thời Pháp thuộc trải qua gần một thế kỷ, cho đến nay vẫn không thay đổi.

ĐÔNG KINH NGHĨA THỤC và YERSIN tức NGÔ GIA TỰ

- Dài 720m, rộng 8m, nối đường Hải Phòng (Bệnh viện C) đến đường Trần Bình Trọng, thuộc quận Hải Châu.

- Lai lịch con đường: Thời Pháp thuộc, đường này mang tên Rue Yersin. Đầu năm 1956, thì Rue Yersin tách làm 2 đường:

1. Từ đường Nguyễn Hoàng (nay là đường Hải Phòng) đến đường Hùng Vương đổi tên thành đường Đông Kinh Nghĩa Thục. Sau ngày 30-4-1975 thay bằng đường Ngô Gia Tự.

2. Từ đường Hùng Vương đến đường Trần Bình Trọng còn mang tên đường Yersin, đến năm 1984 mới nhập vào đường Ngô Gia Tự. Như vậy, đường Ngô Gia Tự được lập trên cơ sở hợp nhất đường Đông Kinh Nghĩa Thục và đường Yersin

NGUYỄN DU

- Dài 730m, rộng 7m, nối đường Bạch Đằng đến đường Đống Đa (cắt ngang đường Lê Lợi) thuộc quận Hải Châu.

- Lai lịch con đường: Thời Pháp thuộc đường này mang tên Rue Paul Bert. Đầu năm 1956 Rue Paul Bert đổi thành đường Nguyễn Du và tồn tại cho đến ngày nay.

TỰ ĐỨCNGUYỄN THỊ GIANG tức ̣NGUYỄN THỊ MINH KHAI

- Dài 1.000m, rộng 8m, nối đường Lý Tự Trọng với đường Hùng Vương, thuộc quận Hải Châu.

- Lai lịch con đường: Dưới thời thuộc Pháp, năm 1902, đường này mang tên Rue Barbé, tên của một sĩ quan cấp úy trong đội quân viễn chinh Pháp. Năm 1954, Rue Barbé được chia thành hai đường mới:

1. Từ ngã ba Lý Tự Trọng – Nguyễn Thị Minh Khai (ngày nay) đến đường Quang Trung, có tên là đường Tự Đức.

2. Từ ngã ba Quang Trung – Nguyễn Thị Minh Khai (ngày nay) đến đường Hùng Vương, có tên là đường Nguyễn Thị Giang. Sau năm 1975, đường Nguyễn Thị Giang đổi thành đường Nguyễn Thị Minh Khai. Đến năm 1980, đường Tự Đức đổi tên, nối dài vào đường Nguyễn Thị Minh Khai, nâng chiều dài đến 943m. Như vậy, đường Nguyễn Thị Minh Khai ngày nay có chiều dài tương đương với Rue Barbé thời Pháp thuộc.

LÊ LAI

- Dài 350m, rộng 4,7m nối đường Lê Lợi (cạnh Sở Văn hóa Thông tin Đà Nẵng) đến trường Phổ thông cơ sở Lê Lai, cắt ngang đường Nguyễn Thị Minh Khai.

- Lai lịch con đường: Đường Lê Lai xuất hiện trên bản đồ Đà Nẵng từ năm 1958, cho đến nay không thay đổi. Nhưng đường Lê Lai trước 1975 chỉ dài 210m, nối đường Lê Lợi đến đường Tự Đức. Sau 1975, được nối dài thêm 140m, đến trường Phổ thông cơ sở Lê Lai.

NGUYỄN CÔNG TRỨ

- Dài 3.320m, rộng 6m, nối từ bến phà An Hải cũ đến bãi biển Mỹ Khê. Đoạn cắt ngang đường Ngô Quyền tạo thành ngã năm An Hải, thuộc quận Sơn Trà.

- Lai lịch con đường: Đường Nguyễn Công Trứ xuất hiện trên bản đồ Đà Nẵng từ sau 1965, đến nay không thay đổi.

QUANG TRUNG

- Dài 1.250m, rộng 8m, nối đường Bạch Đằng đến đường Trần Cao Vân thuộc quận Hải Châu.

- Lai lịch con đường: Thời Pháp thuộc đường này xuất hiện trên bản đồ Đà Nẵng từ năm 1902, với tên gọi là Boulevard Montigny, tên của một nhà ngoại giao người Pháp đã từng thương thuyết với triều đình Huế xin mở cửa thông thương cảng biển Đà Nẵng (1856). Đến năm 1919, Boulevard Montigny đổi tên thành Boulevard Clémenceau, một chính khách Pháp, Thủ tướng nước Pháp từ năm 1906 – 1909, thành viên Viện Hàn lâm Pháp. Sau 1955, Boulevard Clémenceau đổi lần thứ 3 với tên mới đường Quang Trung. Tên này tồn tại cho đến ngày nay.

ĐỘC LẬP tức TRẦN PHÚ

- Dài 2.470m, rộng 9m, nối đường Đống Đa đến đường Trưng Nữ Vương thuộc quận Hải Châu.

- Lai lịch con đường: Thời Pháp thuộc, từ 1902 đường này gồm:

1. Đoạn từ Rue P. Poivre (nay là đường Đống Đa) đến ngã tư chợ Hàn, cắt ngang đường Đồng Khánh (nay là đường Hùng Vương) có tên là Rue Jules Ferry.

2. Đoạn từ ngã tư chợ Hàn đến Cổ viện Chàm có tên là Avenue du Musée. Sau 1954, cả 2 đường trên nhập lại thành một đường mang tên Đại lộ Độc Lập. Từ sau ngày 30-4-1975Đại lộ Độc Lập đổi thành đường Trần Phú.

LÊ THÁNH TÔNG

- Dài 190m, rộng 7m, nối đường Lê Lợi với đường Nguyễn Thị Minh Khai, thuộc quận Hải Châu.

- Lai lịch con đường: Đường Lê Thánh Tông xuất hiện trên bản đồ Đà Nẵng từ 1958, đến nay không đổi.

PHAN CHÂU TRINH

- Dài 1.910m, rộng 8,5m nối đường Lê Lợi và đường Phan Đình Phùng đến đường Trưng Nữ Vương. Đây là một trong các đường phố chính và sầm uất của Đà Nẵng.

- Lai lịch con đường: Đường này thời Pháp thuộc có tên là Rue Marc Pourpe. Sau 1956, đổi thành đường Phan Châu Trinh và không thay đổi cho đến nay.