Anh Nguyễn Hữu Hoạt giới thiệu về tập thơ "Như Sợi Tơ Trời Bay"



Anh Nguyễn hữu Hoạt, một cựu học sinh PTGDN cùng lớp với anh Ký đã được tác giả mời để giới thiệu thi tập "Như Sợi Tơ Trời Bay".
 
Anh Nguyễn hữu Hoạt là chủ nhiệm bán nguyệt san "DÂN QUYỀN" tại Oklahoma.

Sau đây là bài giới thiệu của anh:

 

Kính thưa quý vị cựu giáo sư trường Phan Thanh Giản, Đà Nẵng,
Kính thưa tất cả quý vị

Trong quá khứ tôi có duyên “văn chương” nên được nhiều văn, thi sĩ nhờ tôi viết lời bạt hoặc giới thiệu tác phẩm. Đây là một trong những cái khó của người cầm bút khi nhận định về tác phẩm văn chương. Khó hơn nữa, tác phẩm ấy lại do người bạn cùng lớp và cùng trường của mình viết lên. Chính vì thế để tránh đi tình trạng “bận áo rộng vái nhau”, tôi chỉ nói lên tính nhân bản và tấm lòng trung hậu của nhà thơ Chính Tâm Nguyễn Hữu Ký.

Tự căn bản, con người Nguyễn Hữu Ký khi chọn cho mình Bút danh Chính Tâm, nghĩa là trong anh đã toát lên sự chính trực và lòng ngay thẳng thủy chung. Bên cạnh đức tính ấy tôi còn cho rằng nhà thơ Chính Tâm đã can đảm viết lại khúc quanh lịch sử mà anh là một nạn nhân đối diện với những ngày tù đày gian khổ qua hình ảnh thơ văn. Vượt xa hơn, Nguyễn Hữu Ký không nở làm thơ tình của tuổi 20, anh cũng không nở kể lể những rung động của con tim ở tuổi học trò. Mặc dầu anh biết rõ thơ tình sẽ tạo nên ấn tượng để được mọi nguời mến mộ vỗ tay. Thế nhưng anh đã can đảm đi ra ngoài cái thông lệ của một thi sĩ bằng tất cả tấm lòng của anh đối với gia đình, bằng hữu và hoài bão đối với đất nước.

Trên góc cạnh nào đó, tôi bước nhịp cùng Ký. Vì theo tôi, thơ tình bị giới hạn đến mức chỉ phô diễn có hai đối tượng là bản thân và người đươc yêu, xen kẻ bởi cỏ, cây, hoa, lá hoặc xuân, hạ, thu, đông. Ngựơc lại Ký đã vượt ra, bước ra ngoài những hạn chế đó, để rồi anh đã dùng thơ thay lời trần tình trong duy thức, vẽ lên bức tranh hồi tưởng lại những cuộc bể dâu trong đời, với đầy ấp nghĩa cả ơn sâu và nghĩa cả ân tình chẳng những cho người thân mà còn cả cho đời. Phân số hơn nữa, ở đức tính nhân hậu và thủy chung, Ký đã nhớ ơn người vợ, người bạn đời, người đã đem lại ân tình nhân ngãi, chịu đắng nuốt cay, gánh vác những thăng trầm trong đời sống từ vật chất đến tâm hồn, trong những ngày tù tội hoặc nơi xứ lạ quê người. Vì thế, Ký đã nói và đã viết bằng ân tình ấy, qua:

Anh sinh ra giữa thời có giặc
Lớn lên trên quê hương què quặt
Cằn cỗi bởi đạn bom
Và đầy dẫy thù hận héo hon
May mắn có em giữa đường đời lận đận
Buổi sa mù cùng tháp cánh tung bay


.. …May mắn có em giữa đường đời lận đận, buổi sa mù cùng tháp cánh tung bay.. Ở trong sự tận cùng, Ký có bắt đầu. Trong khốn đốn Ký đã tìm thấy hạnh phúc tuyệt vời và lòng tin tưởng ở người vợ. Trong tối tăm Ký đã có ánh sáng tình yêu để vực Ký lên. Đó chính là tình nghĩa phu thê và nhân bản tính của một con người biết trân trọng và nhớ ơn tình yêu xuyên qua tình nghĩa vợ chồng. Ở đó, chặn đường đi qua Nguyễn Hữu Ký còn trăn trở cùng mẹ của anh và mẹ Việt Nam bằng vần điệu của thi ca:

Mẹ cho anh trái tim
Nóng bỏng tình yêu người và đất
Mẹ chỉ cho anh
Con đường truớc mặt
Về Hướng Mặt Trời.

Cả hai, từ tình mẹ, tình nghĩa vợ chồng đã quấn quyện vào nhau kết thành chiếc nôi văn hóa được để lại cho đến ngàn năm. Đây là một bảo vật của văn chương, một kết tụ của nhân bản tính và còn là một hình ảnh giữa con người đối với quê hương khi nhà thơ Chính Tâm Nguyễn Hữu Ký nói rằng:

Những tấm bảng chỉ đường vô tình đáng ghét
Không chỉ lối về quê hương tôi-Việt Nam

Vâng, Quê hương tôi Việt Nam, Ký cho rằng:

Đã ba mùa sứ nở
Lỗi hẹn bước quay về
Qua ngõ đường đá sỏi
Mùi lúa rạ đồng quê

Anh Ký đã nói đúng và nhà thơ Chính Tâm đã nói rất nghĩa tình. Bởi vì, từ thẳm sâu Ký đã dẫn chúng ta về cùng đại lộ quê hương. Nơi đó có mùa hoa sứ nở, có tiếng chim kêu, có lúa rạ đồng quê. Tất cả những “quê hương” ngập đồng lúa chín trộn lẫn hương đồng gió nội đã làm cho tâm hồn thi sĩ Chính Tâm không thể nhạt nhòa nơi anh, qua những vầng điệu:

Nhốt ưu phiền trong túi
Nhẹ hành trang rong chơi
Tưởng mình đang có mặt
Nơi quê nhà xa xôi 

Nói cho cùng, Chính Tâm Nguyễn Hữu Ký không làm thơ để cho những kẻ vô tình mua vui trong phút chốc, anh cũng không làm thơ để viết lên những bi kịch xã hội hoặc những kịch tính thời đại. Anh chỉ làm thơ nói lên những trăn trở cùng với quê hương và tính nhân bản, đôn hậu cùng lòng tự hào làm người Việt Nam.

Vì những cốt lõi trong thơ mang man mác hồn Việt. Và cũng bởi tấm lòng nghĩa tình với quê hương, tôi xin được trân trọng giới thiệu thi phẩm "Như Sợi Tơ Trời Bay" của nhà thơ Chính Tâm Nguyễn Hữu Ký đến quý vị cùng các độc giả bốn phương