Người ta tuổi trẻ khôn lanh
Còn tôi tuổi trẻ khù khờ ngây ngô
Giờ đây tôi đã 60
Tình tiền không có, thấy đời bơ vơ

Nhìn lại tấm ảnh chụp tôi thời thập niên 1980, lúc tôi 26, 27 tuổi, tôi nhớ đến thời kỳ đất nước đang trải qua giai đoạn nhiều khó khăn, cuộc sống thời đó khá thiếu thốn , không còn được như thời trước 1975. Thời đó đi bộ hay xe đạp là chủ yếu, làm gì có bia mà uống, cà phê thì cũng đắt lắm. Đau bịnh gì vào bệnh viện nhà nước cũng phát Xuyên tâm liên, có người nói đùa Xuyên tâm luyên là thuốc trị bá bệnh.

Thời ấy, nếu bạn vừa bán cà phê (hoặc thuốc tây, đồ cơ khí) vừa buôn cà phê (hoặc thuốc tây, đồ cơ khí dĩ nhiên là ít nhiều có buôn lậu) thì bây giờ bạn sẽ thuộc giới giàu có hoặc là đại gia mà đại gia Huỳnh Hiền có tiếng ở Đà Nẵng là một thí dụ.Năm 1979, khi vừa tròn 20, Hiền lấy vợ là một cô gái đẹp nhưng nghèo và học vấn chưa qua nỗi lớp 4, lớp 5. Bản thân của Huỳnh Hiền khi đó chỉ là một lơ xe đường dài học vấn chỉ vừa xong bậc tiểu học, làm không đủ ăn chứ đừng nói nuôi vợ con. Hiền quyết định bỏ làm phụ xe để đi buôn đồ cơ khí máy móc và trở nên giàu có chỉ sau đó vài năm. Đầu thập niên 1980 người ta phải bán nhà cho con vượt biên, còn ăn khoai sắn, cơm độn thì Hiền bắt đầu xây nhà lầu. Đến năm 1990, thị trường ĐN trở đã trở nên nhỏ bé vì thế Huỳnh Hiền bắt đầu mở rộng làm ăn qua Lào nên có biệt danh là Hiền Lào và kết thân cả với giới chóp bu của Lào. Hiền Lào hiện có rất nhiều bất động sản tại Đà Nẵng ở các vị trí đắc địa. Ecstasy Restaurant có phòng tập gym ở số 168 PCT mà các bạn trường PTG đôi lúc ghé vào là mảnh đất mà Hiền Lào bỏ tiền ra mua của khoảng 15 gia đình với giá cao hơn giá thị trường rồi tặng lại cho cô con gái út mới ngoài 20 tuổi làm ăn.

Một thí dụ nữa là Long cà phê. Đầu thập niên 1980, cà phê Long chỉ là một quán cóc nhỏ bán ở vỉa hè thuê đằng trước căn biệt thự rộng ở ngã tư Lê Lợi - Quang Trung. Long cà phê vừa bán vừa buôn cà phê (thời đó cà phê là hàng hiếm, quốc cấm) nhiều năm sau trở nên giàu có và mua luôn một nửa căn biệt thự đó. Căn biệt đó là của ba thầy Khôi dạy Anh Ngữ ở trường Phan Chu Trinh, cũng có dạy ở trường PTG mà nhiều thế hệ học trò ở Đà Nẵng đều biết đến. Sau đó, khi chính sách kinh tế của nhà nước thay đổi, Long thành lập một công ty cà phê và trở nên nổi tiếng ở Đà Nẵng. Khoảng nửa cuối năm 2015, Long cà phê đã mua tiếp nửa căn biệt thự còn lại với giá khá rẻ so với thị trường: 19 tỷ đồng. Nói là khá rẻ vì trước đó vài năm người ta đã trả hơn 30 tỷ nhưng do anh em trong nhà chưa dàn xếp với nhau xong nên không bán, bây giờ muốn bán thì chỉ có Long cà phê nhảy vào mua.

..........Thời cuộc tạo ra những con người như vậy, đúng như người ta nói “Thời thế tạo anh hùng.” Hoặc là “ Có gan làm giàu”. Dù rằng họ khác nhau trong cách làm ăn: Huỳnh Hiền thì táo bạo, khôn lanh biết luồn lách chớp thời cơ để vươn lên thành “big boss”. Long cà phê thì cần cù, chăm chỉ như con ong thợ mặc cho thế sự đổi thay.

Cái thời u mê, tăm tối đó, thanh niên dễ mất phương hướng và nếu có ăn nhậu thì chỉ biết nhậu với thứ rượu màu trắng như rượu đế, Lúa Mới, Nàng Hương hoặc rượu thuốc màu đo đỏ,… sang và hiếm có hơn thì uống rượu nếp hay bần quân, hồng đào…….Bia là thứ chỉ còn trong trí nhớ. Tôi vẫn nhớ một dịp người bạn có chai rượu Vodka của Nga cực mạnh lúc trời lạnh căm căm tôi chỉ uống một ngụm mà thấy hơi nóng từ cuống họng nhè nhẹ tỏa ra toàn thân. Một kinh nghiệm cũng thú vị nhưng nghĩ lại cũng kinh sợ. Chưa nói đến chuyện tìm đến thuốc lá của thanh niên thời đó. Những năm đầu thập niên 1980, có một cô gái người Việt gốc Hoa, bạn của chị tôi thỉnh thoảng hay đến nhà tôi chơi. Thời buổi đói kém đó, thành phố thật là buồn tẻ nhất là vào ban đêm mới 9 giờ tối thì con đường trước nhà tôi đã vắng lặng không như bây giờ thì thời khắc ấy vẫn còn ầm ầm náo nhiệt. Nhất là những buổi tối buồn, chán bị cúp điện hoặc mưa phùn lạnh lẽo. Đôi lúc rảnh tôi chỉ biết đi chơi loanh quanh hay đem cây guitar ra khẩy vài bản. Cuộc sống vật chất và tinh thần mọi người thời đó thật là khắc khổ,nghèo nàn.

Cô gái Việt gốc Hoa ấy, đôi lúc cũng vào phòng tôi ngồi nghe tôi đàn vu vơ những nhạc phẩm ngoại quốc và Việt Nam. Chúng tôi chỉ nói chuyện bâng quơ với nhau thôi. Nàng thường bảo tôi đàn cho nghe bản nhạc Bài không tên số 7 của Vũ Thành An, và im lặng nghe. Khi đã quen thân nhau rồi nàng chẳng nói gì nhiều chỉ đưa 7 ngón tay lên là tôi hiểu và đàn theo ý nàng. Có một lần tôi hỏi nàng sao lại thích bài đó vậy. Em trả lời là vì lời lẽ sầu đau của bản nhạc nói về thân phận buồn bã của một phụ nữ và em e rằng đời mình sau này cũng khổ đau như tâm sự của thiếu phụ trong lời ca.

Sau này quen thân hơn chúng tôi nói chuyện với nhau nhiều hơn và cũng thật bất ngờ khi biết nàng cũng là học trò trường Phan Thanh Giản, nàng học sau tôi 2, 3 lớp. Càng bất ngờ hơn khi biết anh rễ của nàng cũng là bạn học cùng lớp với tôi. Rồi chúng tôi nói chuyện về thầy cô, những thói quen của các cô, các thầy. Thầy Cẩn thì thỉnh thoảng vuốt mặt như lau mồ hôi, thầy Xuân chắp tay sau lung vừa đi vừa giảng giải truyện Kiều một cách ung dung, tự tại lời nói tuôn ra như nước chảy, lôi cuốn, ……Tuy nhiên nàng hay nói tôi sao trông nhỏ tuổi vậy như là mới 18 tuổi! Một lần đến nhà nàng chơi, mẹ nàng cũng có nhận xét như vậy!!! Với người khác có lẽ khó chịu nhưng tôi thì đã quen với nhận xét của người ta về cái tuổi của mình. Từ thời còn học trường PTG hai đứa bạn ngồi gần là Lộc và Hạnh cũng nói “Cái mặt mi trông con nít. Baby face!” Nên tôi cũng nghĩ mình là có lẽ là kẻ có khuôn mặt ngố ngố, ngáo ngáo. Hình như trong các anh em nhà tôi là thằng xấu trai nhất ……Chuyện bình thường cũng chẳng có gì, cho đến một buổi trưa hè, tôi đang ngủ trưa thì em chạy vào phòng tôi kéo tay tôi dậy rủ đi biển. Tôi còn buồn ngủ nên làu bàu không chịu đi, em năn nỉ kéo tay tôi ra khỏi giường rồi chúng tôi cũng đèo nhau trên chiếc xe đạp để đạp từ nhà tôi từ chỗ Bệnh viện Đà Nẵng đến biển Non Nước tận Ngũ Hành Sơn. Đường xa nắng cháy nhưng trên đường đến gần dốc cầu Nguyễn Hoàng bỗng Thái Hiền cất tiếng hát bài “Con đường tình ta đi” của Phạm Duy. Hát xong nàng thỏ thẻ với tôi “Đây là con đường tình của chúng mình!”………..Tôi biết khi ấy em rất hạnh phúc khi đi với tôi. Năm ấy, em 25 và tôi 27…………….

Rồi cuộc sống cuốn đi, chúng tôi còn phải lo mưu sinh, ít còn gặp nhau. Tôi chỉ biết nàng lấy chồng khá trễ khi đã chừng 35 tuổi.

Sau này, trong một lần ghé nhà tôi chơi, nàng dắt theo hai cô con gái tôi khen con nàng xinh đẹp và nàng nói đùa tụi nó giống tôi vẫn thích hơn……Tôi chỉ biết cười cười. Dù sao, tôi cũng hiểu lời tỏ tình năm xưa đã tan theo thời xa vắng ……..

(Phan Lưu An lớp 12B - NK 74-75)