Sưu Tầm: Lê Thị Thúy

Ngày Xuân nói chuyện Phong thủy
Fung-Shui

 

Nói về phong thủy (fungshui), học giả Rosk Kowski thuộc khoa địa lý đại học New Zealand đã viết: “Phong thủy là một hệ thống đánh giá cảnh quan nhằm tìm một địa điểm tốt lành cho các công trình kiến trúc. Nó là nghệ thuật lựa chọn địa điểm và bố cục địa lý của Trung Quốc cổ đại”. Trong quyển sách “tìm hiểu sự lành dữ trong phong thủy nhà ở” do nhà xuất bản dân tộc trung ương Trung Quốc ấn hành, tác giả cho rằng cái gọi là phong thủy - nói theo ngôn ngữ hiện đại - là “khoa học về mối quan hệ giữa từ trường trái đất và cơ thể con người”.

 Phong thủy là gì?

Phong là gió, là hiện tượng không khí chuyển động làm nên điều kiện vi khí hậu cho không gian sống. Thủy là dòng nước. Nước chính là thành tố cơ bản tạo lập nên sự sống của sinh vật. Thủy Pháp, tức là phép xem nước, chọn cuộc đất dựa vào các yếu tố của nước. Phong thủy là bộ môn nghiên cứu thiên nhiên, địa hình, núi non, phong cảnh và xem xét nó trong bối cảnh có liên quan mật thiết đến sức khỏe con người. Phong và Thủy vì thế có quan hệ chặt chẽ với nhau. Có phong mà không tụ thủy thì khí dễ bị phát tán đi mất. Xem xét phong thủy (PT) của một nơi chốn là xét đến sự thuận lợi của nơi đó đối với việc cư ngụ hoặc an táng dựa vào hình thế của núi non, cây cỏ, đất đá, dòng nước. Hay còn gọi là tướng địa. Do đó, thầy phong thủy còn được gọi là thầy địa lý.

Về lý thuyết, PT khác với Thuật phong thủy. Thuật PT - sự cân bằng của yếu tố âm và dương, sự hòa hợp của đất trời - từ lâu đã trở thành một yếu tố quan trọng trong đời sống riêng tư và công việc làm ăn của người Hoa. Phong thủy là tồn tại khách quan, còn thuật PT là dùng những quan điểm chủ quan để giải thích và tác động lên thực tế khách quan đó. Khi nói ông thầy này giỏi về PT, ông thầy nọ… kiếm cơm (!) bằng PT là ta đang nói đến những người chuyên sử dụng la bàn để tìm hiểu về phương vị, long mạch... của một ngôi nhà hoặc một ngôi mộ để xét đoán (một cách chủ quan) về sức khỏe và sự thành bại trong cuộc sống của những người đang sống trong ngôi nhà ấy, hoặc của... con cháu người đang nằm trong ngôi mộ đó (!). Trên thực tế, ngày nay theo thói quen, khi nói đến PT có nghĩa là thuật phong thủy.

“Khí” trong Phong thủy

Quan niệm phổ biến và quan trọng nhất của PT là Khí. Nói ngắn gọn, khí là nguồn gốc và là năng lượng tồn tại khắp trong vạn vật. Có sinh khí, tử khí, dương khí, âm khí, thổ khí, địa khí. Khí của quả đất gọi là “địa khí”. Thuật PT rất coi trọng địa khí. Ở những điểm hội tụ nhiều địa khí, PT gọi là Huyệt, đây chính là trọng tâm của cuộc đất. Nói cách khác, huyệt chính là điểm ngưng tụ năng lượng trên vỏ trái đất. Huyệt lại được chia ra Dương huyệt (đối với nhà ở) và Âm huyệt (đối với mồ mả). Huyệt của một cuộc đất rộng hay hẹp là tùy theo hình thế và địa khí tại đó. Việc tìm huyệt (điểm huyệt) là tìm ra thế đất có Án che phía trước (gọi là Tiền án), có Chẩm làm chỗ dựa phía sau (Hậu chẩm), bên trái có Long và bên phải có Hổ tạo thành thế Tả thanh long, Hữu bạch hổ.

Vài ứng dụng cơ bản vào đời sống

Trong xem xét nhà đất, người ta thường chú ý đến Ngũ hư, là 5 điều bất lợi về PT. Một, nhà lớn mà ít người. Hai, nhà nhỏ mà cửa lớn. Ba, không hoàn tất tường rào vây quanh. Bốn, bếp và giếng không đúng vị trí tốt. Năm, đất rộng mà nhà quá nhỏ, sân thì nhiều.

Nhà ở gần hay kế bên mặt nước như sông, ao, hồ thường luôn có gió mát (gió cục bộ do quá trình bốc hơi nước) cho dù hướng nhà không nằm ở hướng gió chủ đạo. Khi mở cửa thông gió, cần cân nhắc để đón gió vừa phải. Gió mạnh, lồng lộng quá thật ra không tốt vì mang nhiều bụi và tiếng ồn từ xa đến, gây tâm lý bất ổn do trường khí vận động nhanh.

Nước có thể giúp điều hòa khí hậu tốt hơn. Nước ngầm có khi làm nền móng chắc hơn hoặc làm hỏng chân. Dòng nước chảy ào ạt thì không tốt với nhà đất lân cận vì địa khí phân tán quá nhanh (tương tự nhà ở sát bên đường cao tốc cũng vậy). Nếu nước tù đọng thì sinh ruồi muỗi, lưu lại những khí xấu, do đó khi trong nhà có hòn non bộ hoặc hồ cá thì nên thường xuyên thay nước định kỳ để chất lượng nước và môi trường xung quanh luôn tốt. Các biện pháp dẫn nước thải, thoát nước trong phạm vi nhà ở để môi trường sống luôn trong lành, khô ráo gọi là phép Bài thủy. Bài thủy tốt tức là tạo được độ dốc tối ưu cho các bề mặt cần thoát nước.

Một khu đất dù có địa hình, địa thế đẹp mà không gần nguồn nước thì giá trị giảm hẳn.

Ứng dụng phong thủy trong kiến trúc

Trong thuật PT không nói đến việc cát hung và làm sao vận dụng được sức mạnh của địa khí để tăng thêm năng lượng cho con người. Người quan sát PT phải phán đoán được chỗ đó có địa khí hay không, nếu có thì hướng của dòng chảy ra sao và địa hình mặt đất thế nào? Khi xây nhà, nếu ngôi nhà được thiết kế thông khí tốt, ta sẽ cảm thấy thoải mái dễ chịu, sống động và sáng sủa. Ngược lại, ngôi nhà tối tăm, chật hẹp, dòng khí bị dồn nén, tù hãm sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người sống trong nhà.

Theo lý thuyết của thuật PT, nếu biết được địa khí ở chỗ nào, thì sau khi được táng ở đó, đời con đời cháu sẽ thịnh vượng, hưởng phúc... lâu dài. Thực tế ngày nay, đất chật người đông, tìm được một ngôi nhà để ở hoặc một nấm đất chôn người quá cố có PT tốt không phải là chuyện dễ. Thế nên, các thầy PT phải “ra tay” để xác định phương vị, chỉnh sửa lại thế đất. Công việc này gọi là “lý khí”, tức là chỉ cần xử lý thỏa đáng để cuộc đất tiếp nhận được sinh khí, loại bỏ tử khí là đạt được mục đích. Xem ra, thuyết “lý khí” rất mông lung, mù mờ vì ai nhìn thấy được khí? “Lý” của thầy thế nào thì mọi người phải nghe theo thế ấy (!).

Ngày nay, khi xây nhà hoặc mua nhà (dương trạch), hầu hết mọi người đều thích những căn nhà xoay mặt về hướng nam hoặc đông nam với quan niệm hướng nam là dương, tràn đầy ánh sáng và sinh khí, còn hướng bắc là âm, lạnh lẽo, chỉ đón toàn... tử khí (!). Thật ra, hướng nhà ở phía nam hoặc đông nam sẽ nhận được nhiều nắng buổi sáng, mùa đông ấm, mùa hè mát, có lợi cho sức khỏe của người cư ngụ. Tuy nhiên, có “thầy” đã phán rằng những cửa hoặc cửa sổ mở ra hướng nam nên có mái hiên che bớt nắng, nếu không sẽ sinh cãi vã trong nhà. Thậm chí còn khuyên không nên mở cửa sổ ra hướng bắc vì sẽ làm phụ nữ sống trong nhà bị kinh nguyệt không đều (!).

Các triết gia cổ chủ trương công trình kiến trúc phải hài hòa với thiên nhiên, gần kề núi sông, đất đai màu mỡ, cây cỏ xanh tốt, để con người có thể “nhận khí thiêng của sông núi, tinh hoa của nhật nguyệt”, có lợi cho việc tăng cường những tố chất của cơ thể. Đây gọi là phép xem hình thế (địa hình và địa thế): chỉ chọn những cuộc đất có địa thế tốt, chứ không phải chỉ chọn hình dáng thuận mắt, vì hình có xấu vẫn có thể điều chỉnh được. Như khi mua một căn nhà cần phải xem xét cả qui hoạch xung quanh, tương lai đường sá, hạ tầng ra sao, có gần trường học, bệnh viện, chợ búa? Đừng mua một ngôi nhà chỉ vì ngôi nhà ấy xây đẹp, vì khi ấy ta đã bỏ qua thế lớn mà theo hình nhỏ.

Việc xem xét PT một ngôi nhà ngày càng trở nên cần thiết và dần dần trở thành một nhu cầu có thật của người dân.

Phong thủy: chuyện dài nhiều tập

Khó có thể phân định rạch ròi PT chỉ là mê tín dị đoan hay thật sự cần thiết cho xã hội. Hiện trên thị trường ngày càng có nhiều sách viết về PT và thuật PT. PT liên quan đến mọi khoa học xã hội như sử học, địa lý, tâm lý học, kiến trúc, xã hội học, triết học, tôn giáo, quân sự... Mỗi bộ môn đều có những nghiên cứu về PT dưới các góc độ khác nhau. Chỉ riêng trong lĩnh vực kiến trúc, đã có rất nhiều sách viết về những ứng dụng của thuật PT trong việc chọn đất, xây nhà, bố trí nội thất, và... cả chuyện đắp mộ (!). Tuy nhiên, trong khi những lý thuyết PT về dương trạch (nhà ở) ngày càng phổ biến thì những quan niệm PT đối với âm trạch (mồ mả) ngày càng bộc lộ sự mê tín rất nghiêm trọng, bao gồm nhiều điều cấm kỵ vô lý và những lý luận mà ngay cả “thầy” cũng không thể giải thích được, chỉ đơn giản cho rằng “thiên cơ bất khả lậu” (!).

Ngày nay, PT đã trở thành một hiện tượng văn hóa, xã hội khá phổ biến. Tốt nhất, chúng ta nên nhìn nhận mặt tích cực của nó và cùng nghiên cứu dưới cái nhìn khoa học để ứng dụng vào cuộc sống.