Những kết tụ của nền văn hóa Việt hay Dẫn dụ về chữ Nhân, Nghĩa, Tình trong ngày Xuân
(Nguyễn Hữu Hoạt)

Trong khi mọi người nao nức đón Xuân, trong dòng sinh động của ngày đầu năm, riêng thi hào Nguyễn Du, khác với những tưng bừng nô nức ấy, ông đã ngồi độc ẩm dưới bóng chiều tà ngẩn đầu nhìn về ngọn núi Hồng Lĩnh thốt lên tấm lòng của mình thương nhớ nhà hậu Lê:

Ngã hữu thốn tâm vô dữ ngữ
Hồng Sơn, sơn hạ Quế giang thâm
(Ta có tấm lòng không biết cùng ai bày tỏ
Dưới chân núi Hồng (Lĩnh) sông Quế thẳm sâu)

Còn cái thống thiết nào hơn của một văn hào mang họ Việt nặng lòng cùng cố Chúa. Tấm lòng thủy chung và nhân hậu của thi hào Nguyễn Du thể hiện qua giá trị tinh thần của một nền văn hóa Đông Sơn đánh lên bởi chiếc trống đồng Ngọc Lũ. Khởi đi từ chữ “thủy chung” Nguyễn Du đã thể hiện tính Việt của người Việt. Người Việt cho dù bị ảnh hưởng bởi hơi hám ở buổi giao thừa của sự thay đổi thể chế hay âm hưởng bởi đạo giáo, hoặc tư tưởng nào vẫn luôn luôn coi trọng nguồn gốc và nghĩa tình. Nghĩa tình chẳng những đối với vua tôi mà còn cả tình nước non, non nước. Cho nên trải qua những bể dâu, dâu bể hay trải qua những thăng trầm chinh chiến, cho dù trong cơn dầu sôi lửa bỏng hay ổn định đời sống vật chất những con người Việt sống trong bất cứ không gian nào, tất cả đều hướng về tổ quốc Việt với lòng trân trọng nhớ thương.

Đi từ khởi đầu, sở dĩ dân tộc chúng ta có được tích tụ ấy là nhờ bản sắc văn hóa Việt Nam, cấu tạo vào các giá trị nhân bản do con người thành hình. Hơn nữa, sự cấu tạo trên là do tiến trình lịch sử tạc ghi, nhớ ơn và trân trọng. Từ họ Hồng Bàng cho đến các thời đại Đinh, Lê, Lý, Trần hay những cấu trúc vật hình từ thế hệ nầy đến thế hệ khác, tất cả là những nhân tố của một nền sản xuất tổng hợp. Điều ấy nó đã thoát ra và vượt lên những giá trị vật thể để chuyển tải từ một giá trị tinh thần trở thành một di sản văn hóa của dân tộc, như trường hợp chùa Một Cột là một ví dụ điển hình, qua truyền thuyết báo mộng của vua Lý Thái Tông vào mùa Xuân năm Kỷ Sửu (1049). Mộng rằng: nhà vua đã thấy Phật Bà Quan Âm ngồi trên đài sen, dẫn nhà vua lên đài. Từ đó, tinh thần Vạn Hạnh được lớn lên và yếu tố tâm linh của nhà vua bừng sáng, nên ngài đã ra lệnh xây chùa Diên Hựu có hình dáng giống hoa sen, tức chùa Một Cột ngày nay. Hoa sen luôn luôn có một ý nghĩa đượm màu Phật Giáo, hễ nơi nào có hoa sen là nơi đó có bóng dáng Bồ Tátï. Hoa sen còn thể hiện sự trong sạch và thanh cao, cho dù sống nơi trần gian danh lợi nhưng hoa sen vẫn không bị đồng hóa bởi những tanh hôi của xã hội.

Một ý nghĩa khác của tinh thần Một Cột hay còn được gọi là “nhất trụ” đươc kết hợp bởi tư tưởng Thiền, Mật trộn lẫn Nho giáo, Lão giáo. Để rồi chùa Một Cột được mọc lên giữa hồ nước như một khẳng định giá trị tâm linh của triều đại nhà Lý tin tưởng vào đấng thần linh Bồ Tát, và đây là điểm tựa đầu tiên và cuối cùng trở thành một tha lực nguyện cầu và quyền lực lấy lòng thương dân trị nước qua lời khấn nguyện cho quốc thái dân an, vẹn toàn lãnh thổ. Cũng giống người Mỹ tin tưởng vào Thượng Đế và nhờ bàn tay của Thượng Đế để đất nước nầy có được như ngày hôm nay, qua phạm trù “In God We Trust”.

Vậy thì, chùa ”Một Cột” là một yếu tố văn hóa điển hình còn là một chứng tích của thời đại nhà Lý, nhưng qua thời gian những “yếu tố văn hóa” ấy bị biến đổi. Song song với biến đổi, một chức năng khác lại được khởi sinh và hồi sinh. Như trường hợp những người Việt ly hương, cứ mỗi nơi nào họ định cư đều có sự hoành tráng của các mô hình văn hóa hay kỷ niệm những ngày lễ mang tính về nguồn. Về nguồn là những gì thiêng liêng mà không một người Việt Nam nào lại không nghĩ đến, mặc dầu thời gian được đồng nghĩa với những biến dạng của nó từ thuở ban đầu. Về nguồn còn là một khẳng định có tính cách duy thức thể hiện qua động từ “về quê ăn Tết hay về quê thăm nhà” của 90% người Việt định cư tại hải ngoại hằng năm đã trở về quê quán. Ngoài ra, sự trở về của những người Việt ly hương là một bằng chứng cụ thể, thực tế và khẳng định rằng: các hệ số chính trị chỉ là những hệ qủa của một giai đoạn chính trị và các tương quan ấy chỉ có giá trị ở yếu tố thời gian (nên không tồn tại). Cho nên, chỉ có tổ quốc, dân tộc, đồng bào và những ràng buộc về văn hóa cũng như sự liên hệ gia đình mới vĩnh cữu và sẵn sàng san bằng mọi khác biệt nếu có. Còn tất cả những chính kiến, lý thuyết hay quan điểm rồi cũng sẽ bị đào thải bởi thời gian. Chính vì thế nên có câu hát:

Loài chim đó còn thương cây nhớ cội.
Sao kẻ ly hương không nhớ cội nguồn?

Bằng những tuyệt vời ở nền văn hóa Việt Nam, ràng buộc bởi yếu tố làng xã, dân tộc chúng ta còn luôn luôn tôn trọng chữ hiếu, qua hình ảnh thờ cha kính mẹ hay tưởng nhớ đến tổ tiên. Đây cũng còn là một điểm son ở mỗi người Việt chúng ta. Chính vì những điểm son và nghĩa tình ấy cho nên hằng năm rất nhiều Việt kiều đã lặn lội về tận miền quê để trùng tu lại phần mộ của ông bà, cha mẹ. Thậm chí có nhiều cụ già nhịn ăn tiêu bằng tiền trợ cấp của chính phủ, chiu chít từng đồng để gửi tiền về xây chùa chiền hay nhà thờ tại Việt Nam. Đây chính là chữ hiếu trong chữ đạo. Đao nào cũng thế, hễ đến Việt Nam cho dù đứng trên căn bản nào, rồi thời gian cũng sẽ được Việt hóa. Việt hóa để phù hợp với lòng người và ứng dụng với lệ làng. Lệ làng là đơn vị căn bản trong tổ chức xã hội được cột chặt bởi chức năng văn hóa tự tồn và tự tại, còn là căn cước chính thống khẳng định con người không thể tách rời các định chế làng xã. Như trường hợp đạo Công giáo cho dù không cúng lạy, thắp hương đèn nhưng vẫn giỗ kỵ tổ tiên qua hình thức đọc kinh cầu nguyện. Đi xa hơn, văn hóa Việt luôn luôn đặt nặng trung hiếu làm đầu, chính vì thế hình ảnh Nguyễn Đình Chiểu trong Lục Vân Tiên đã nhấn mạnh rằng:

Trai thời trung hiếu làm đầu
Gái thời tiết hạnh làm câu răn mình

Hoặc

Thà đui mà giữ đạo nhà
Còn hơn sáng mắt ông cha không thờ

Ngoài yếu tố hiếu thảo với cha mẹ qua hình thức phụng dưỡngï khi tuổi già và khi chết con cái thờ cúng. Ở đây cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu đã dùng ngòi bút của mình nói lên cái cốt lõi văn hóa của dân tộc theo tư tưởng “trung quân” của người trai trong tinh thần Nho giáo, được tiếp thu và xiển dương. Ngoài yếu tố trung- hiếu, sở dĩ dân tộc chúng ta đánh bại được ngoại thù là do lòng dân. Lòng dân sinh sản ra lãnh tụ và người lãnh tụ sau thời gian nằm gai nếm mật trở thành lãnh đạo. Người lãnh đạo được trưởng thành từ nhân dân, chia xẻ những chua, bùi, ngọt, đắng nên được nhân dân kính trọng. Ngược lại, lãnh đạo không do dân mà do ngoại bang đưa về dựng nên, thì người lãnh đạo ấy không thể tạo nên huyền thoại chính nghĩa và không sớm thì muộn cũng phải triệt tiêu.

Đối với con người Việt Nam, nền văn hóa tổng hợp của chúng ta luôn luôn tôn trọng nhân, nghĩa, tình. Đây chính là sự khởi đầu và tận cùng của con người Việt Nam. Cho nên tổ phụ Nguyễn Trãi đã bắt đầu Bình Ngô Đại Cáo bằng câu vô cùng quan trọng và ý nghĩa:

Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo
Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu

Riêng thi hào Nguyễn Du đã dùng hình ảnh của Kiều để nói lên cái nhân nghĩa của con người qua câu:

Tấm thành đã thấu đến trời,
bán mình là hiếu, cứu người là nhân

Còn đối cụ Nguyễn Đình Chiểu thì cho rằng:

Ngư rằng tôi chẳng sờn lòng
Xin tròn nhân nghĩa còn hơn bạc vàng.

Theo tinh thần Nho giáo du mục từ Trung Hoa, người Việt Nam chúng ta đã biết cách tập hợp lại rồi “modify” để hợp với cá tính của người Việt. Nếu Nho giáo bên Tàu trọng Nam khinh nữ thì ngược lại người Việt mình hoàn toàn phủ nhận sự bất công bình ấy, qua hình ảnh:

Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

Đạo còn có nghĩa là đạo làm người, đạo người là đạo không có thánh kinh, không có ở chùa cũng chẳng ở nhà thờ, cũng không từ Hòa Thượng, Mục Sư hay Linh Mục giảng dạy. Đạo người đươc lớn lên ở nhân gian, truyền miệng, không có màu sắc hay mùi vị. Có bắt đầu nhưng cũng chẳng có tận cùng. Đạo người được trưởng thành từ miệng thế gian truyền lại, không thành văn, bất thành cú, nhưng thành thông lệ và nó có một sức hấp dẫn thu hút trường kỳ, bất biến. Đạo người trong nhân gian đã dạy con người trung hiếu làm đầu. Và chắc chắn đạo người không dạy cho những con người lãnh đạo làm tay sai cho ngoại bang để vong thân phì da. Nghĩa tình của người Việt lớn lên ở làng xã, bưng biền Việt Nam chạy dài từ ải Nam Quan đến tận mũi Cà Mau, chứ không lớn lên ở Paris, Hoa Thịnh Đốn, Luân Đôn hay Bắc Kinh. Những suy tư ấy là một nguyên tắc không thể vượt thoát ra ngoài nền tản văn hóa Việt Nam đã được chia đều thành ba nguyên sau đây:

Mình về em chẳng cho về
Em nắm vạt áo em đề câu thơ
Câu thơ ba chữ rành rành:
Chữ Trung, chữ Hiếu, chữ Tình là ba
Chữ Trung thì để phần cha,
Chữ Hiếu phần mẹ, đôi ta chữ Tình

Như thế đó, nó giản dị nhưng tuyệt vời làm sao! Nó dân giả nhưng không là dân giả. Nó bình dân nhưng lại được tiếp thu ở tầng lớp sĩ phu và công nhận ở giới công thương. Vì nó lớn lên từ hình ảnh cây đa bến đò hay từ ruộng đồng Việt Nam hoặc hình ảnh cây phướn trước nhà trong ngày đầu Xuân.

Quả thật, nó giản dị vô cùng, nhưng nó luôn luôn được viết hoa và nhấn mạnh, vì nó thể hiện hình ảnh của Nguyễn Du, Nguyễn đình Chiểu, Nguyễn Trải, Lê Lợi, Quang Trung và Nguyễn Việt Nam trong lòng dân tộc.

Dưới ngọn đèn lung linh trên bàn thờ gia tiên trong đêm giao thừa, tôi cúi đầu cầu nguyện Thượng Đế cho dân tộc chúng ta quên đi những tan tác quá khứ, vì quá khứ không thể đổi thay. Tất cả hãy cùng nhau nắm tay xây dựng một Việt Nam hùng mạnh và nghĩa tình.

Nguyễn Hữu Hoạt
Báo Dân Quyền/OK.