DẤU TÍCH TÌNH YÊU

TRONG THƠ

LINH QUÂN LÊ BÁ NĂNG

THÁI TÚ HẠP

Từ nghìn xưa, tình yêu đã là đề tài hàng đầu của các văn nghệ sĩ sáng tạo nên những tác phẩm để đời. Tình yêu chẳng khác nào những bông hoa xinh đẹp điểm tô cho cuộc đời có ý nghĩa, cho trái đất nầy vơi tan những hoang vu sầu thảm. Nhất là tình yêu của tuổi trẻ không khác nào vườn hoa rực rỡ trong mùa xuân hạnh phúc ngọt ngào. Chính tình yêu đã khởi phát bao nhiêu tài năng của nhân loại từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây. Điều đó đã hiển nhiên chứng minh từ Kinh Thi, Cổ Thi đến thời kỳ Đường Thi, với các thi tiên, thi bá, thi hào, như Thôi Hộ, Lý Bạch, Bạch Cư Dị, Lý Thương Ẩn... đến các thi tài lừng lẫy như Victor Hugo, Lamartine, Guillaume, Apollinaire, Jaques Prévert...

Có nhiều nhà bình luận thi ca nhận định; chúng ta không nên bước theo lối mòn xưa cũ, phải tìm kiếm khai phá cái mới, cách mới để thể hiện tư duy, có được như thế mới tạo cho mình một chỗ đứng riêng biệt độc đáo làm khởi sắc và phong phú thêm nền thi ca dân tộc. Nhưng theo quan niệm của tôi, có thể là chủ quan. Thơ là một sự diễn đạt tư tưởng tự nhiên, giản dị nhưng không kém phần sâu sắc. Kỹ thuật, phương cách diễn tả chỉ là phụ thuộc. Trong thơ Tản Đà, trong thơ Phan Khôi, hay xa hơn nữa, cụ Tiên Điền Nguyễn Du xa cách mấy trăm năm, bây giờ chúng ta đọc Truyện Kiều vẫn cảm thấy hay, vẫn mới lạ... Nói như thế, không phải chúng ta lộng ngôn dám so sánh tài năng xuất chúng của các bậc tiền bối. Những bài thơ hay là những bài thơ được truyền tụng nơi quần chúng và vượt qua thử thách thời gian.

Sự hiện hữu của quả đất nầy đã hơn hàng tỷ năm, vạn vật đã thay nhau qua từng trạng thái xuân, hạ, thu, đông, mà trưởng thành đơm hoa kết trái, nên chúng ta không ngạc nhiên những rung cảm trước thiên nhiên, trong tình cảm con người có một vài sự trùng hợp bất ngờ... có thể những ý tưởng, những tư duy, những rung động của Vũ Hoàng Chương, Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Nguyên Sa, Đông Hồ... loáng thoáng vài nét của hơi thơ Vương Duy, Lý Bạch hay của Lamartine, Jaques Prévert... một sự trùng hợp tình cờ của những tư tưởng lớn. Điều đó, tôi không ngạc nhiên khi đọc qua những bài thơ của Linh Quân Lê Bá Năng, người đồng hương Quảng Nam, mà tôi đã có dịp đọc thơ anh xuất hiện trên các tạp chí văn học ở hải ngoại. Anh đã đi qua những con đường thơ mộng mà tiền nhân đã đi... Cũng như nhà thơ Huyền Kiêu thời tiền chiến diễn tả hoài nghi:

...

Người xưa lưu luyến ra sao nhỉ?

Có giống như mình lưu luyến không?

Người xứ Quảng làm thơ thật nhiều, nhưng làm thơ để được người xứ Quảng công nhận là nhà thơ đúng nghĩa quả thật khó. Có lần Trần Trung Đạo đến California ra mắt các thi phẩm của anh, anh đã nói đùa: Xứ Quảng Nam tôi nhiều nhân tài (Địa linh nhân kiệt) như lúa mọc lên đầy không còn chỗ cho cỏ mọc... Câu nói chơn chất bộc trực của anh đã giúp cho mọi người đến tham dự một nụ cười tế nhị thông cảm, muốn hiểu sao tùy ý.

Trở lại thế giới thi ca của Linh Quân Lê Bá Năng, tôi tìm thấy nhiều bài thơ hay trong thi tập Dấu Tích đa số đề cập đến tình yêu. Một thời thơ mộng của tuổi trẻ. Với nét thư họa tuyệt vời của họa sĩ Vũ Hối dẫn vào cõi thơ tình của Linh Quân Lê Bá Năng, những ý tưởng gợi động nhân tố từ tiềm thức như làn gió mơn man thổi qua chao động mặt hồ tĩnh lặng:

Ai vẽ giùm tôi nỗi thiết tha

Có màu son phấn nét hương hoa

Để tôi níu lấy thời gian ấy

Tìm lại ngày xanh "Dấu Tích" qua...

Nếu tất cả những tình yêu trên địa cầu nầy, giữa đôi trai gái, đều thành tựu hạnh phúc, thì chắc chắn nhân loại không có những vần thơ sầu muộn đầy tuyệt tác bất hủ của thi nhân. Những đau khổ da diết, những nhớ nhung tương tư kiệt cùng ly tan, mới tạo nên chất liệu sáng tạo xuất thần của người nghệ sĩ. Là cảm hứng nội tâm để viết nên những dòng thơ trác tuyệt. Nhà thơ Linh Quân Lê Bá Năng cũng không tránh khỏi ước lệ thường tình đó, trong toàn thi tập Dấu Tích với hơn một trăm hai mươi bốn bài thơ sáng tác qua nhiều thể loại, nhưng hầu hết anh đề cập đến những nỗi buồn về cuộc tình của một thời để nhớ, để thương:

Có nỗi buồn nào không khổ đau

Không đau hiện tại đau mai sau

Có tâm nào vọng mà không nhớ

Có nhớ nào không thương mến nhau

...

Tôi đếm thời gian soi đáy nguyệt

Bao mùa yêu nhớ vẫn in sâu

Em cười thơm dấu tình thân thiết

Tôi đắm tình em tự buổi đầu...

...

Trong ý thơ tôi có mắt nàng

Nhưng rồi đôi mắt cũng sang ngang

Mùa đi trăng lũng sầu nhân thế

Tôi đắp chăn đau giấu phũ phàng.

Em nhốt hồn tôi trong giếng mắt

Như vần thơ đẹp buổi giao duyên

Rồi em thầm lặng đi phương khác

Loang lỡ tim tôi dấu muộn phiền

...

Tôi nhớ thương nhưng người cứ quên

Để dòng hạnh ngộ lẽ buồn tênh

Sầu cơn mưa giọt soi bong bóng

Tan biến về đâu em hỡi em!

Chỗ em đi có bóng tôi về

Ngày nhớ buồn theo giọt ủ ê

Chắc chẳng bao giờ em trở lại

Chia nhau dang dở một lời thề...

Không phải bất cứ một nhà thơ nào cho dù tài danh lỗi lạc đến mấy cũng không thể viết nên hàng ngàn hàng trăm bài đều xuất sắc tuyệt tác cả. Đôi khi chính tác giả cũng công nhận trong cái tài sản thi ca đồ sộ của ông, cuối cùng ông chỉ yêu thích thực sự vài ba bài, đôi khi trong vài ba bài đó, ông chỉ thích dăm ba câu và chỉ dăm ba câu đó đã xứng đáng đưa ông lên địa vị thi hào được dân gian truyền tụng và đã hiển nhiên vượt qua thời gian.

 

Thi ca là cõi chơi tao nhã của các bậc tao nhân mặc khách, cửa vào thi đạo nầy có bao giờ khép kín riêng tư, ai cũng có thể bước vào tham dự cuộc chơi. Dĩ nhiên, không có ai đến trước đến sau, nhất là thơ tình không bao giờ có tuổi. Nhà thơ Nguyễn Bính làm thơ tình lúc ông 13 tuổi. Ông Xuân Diệu lúc 18 tuổi. Ông Phan Khôi nổi tiếng bài thơ Tình Già 45 tuổi và thi sĩ Bàng Bá Lân sáng tác bài thơ Em ở Đâu lúc ông vừa mới 70 tuổi. Nhà thơ Linh Quân Lê Bá Năng đã làm thơ tình vào năm 24 tuổi và đã ấn hành sau đó vài năm, các thi tập Vùng Dậy và Ngọn Hồng. Đến thi tập Dấu Tích mà bản thảo anh vừa gởi cho chúng tôi, chúng tôi rất vui khi khám phá trong cõi thơ tình của anh có nhiều câu dễ thương:

...

Hạt mưa Anh gửi cho Người

Tắm cơn nắng hạn đã mười năm qua

Tìm đâu dấu ấn son ngà

Vẽ trên khung lụa đẹp tà áo bay

(Dấu Tích 1)

...

Để nghìn năm cũ thành sông hận

Em vướng giữa hồn một vết đau...

(Giọt Lệ Vô Tình)

...

Còn chăng giọng nói oanh vàng

Rơi trên khung lụa giọt hoang sơ buồn

(Ngõ Tương Tư)

...
Heo may lạnh thấm hồn hoang

Từ trong hạnh ngộ ngỡ ngàng chiêm bao

...

Bàng hoàng tâm thức ngàn câu

Ai về cuối bể giang đầu nhặt trăng.. .

(Vết Đau Ngày Cũ)

Với cung cách thơ tình mang sắc thái Đông Phương, dòng thơ của Linh Quân Lê Bá Năng như dòng sông Hương trầm mặc lững lờ đẩy đưa tiếng hát Nam Ai của nàng Tôn Nữ tiếc thương cho một thời đại tình yêu đã nhạt nhòa trong khói sóng mùa thu hiu hắt. Tình yêu chỉ là ảo ảnh vang bóng một thời. Cái đẹp trong thơ anh chỉ còn là những nét chấm phá của vương cung diễm lệ tàn phai. Ở đó, tình yêu như là những giọt sương long lanh trên cành lá biếc, trong khu vườn tình cảm bi ai của cuộc tình dang dở. Còn lại chăng chỉ mơ hồ như tiếng chim vút qua bầu trời tâm thức, để lại trong lòng anh những Dấu Tích hoang vu... 

Thái Tú Hạp