MỘT GÓC THƠ TÌNH
CỦA LUÂN HOÁN

THÁI TÚ HẠP

 

Trong kho tàng Văn Học Nghệ Thuật của nhân loại, đề tài tình yêu bao giờ cũng chiếm một vị thế đáng kể.  Ở đây chúng ta chỉ đề cập đến lãnh vực thi ca.  Không biết tình yêu đã hiện hữu trên quả địa cầu này từ bao nhiêu tỷ năm?  Có cùng thời điểm với sự hiện hữu đầu tiên của đôi tình nhân thời tiền sử?  Hay từ khi có tiếng chim hót trong rừng và khi loài hoa nguyên khai trên những bờ đá mộng mơ?  Bản sắc thi ca tình yêu Việt Nam không biết có phải xuất hiện từ những câu ca dao thần tiên trong tâm hồn dân tộc từ hơn bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước?  Ở Trung Hoa, phát hiện thơ tình nhiều nhất trong đời Đường, được ngợi ca như thời đại hoàng kim của nền thi ca Trung Quốc, đã có hơn một ngàn hai trăm năm.  Cho đến bây giờ ảnh hưởng của những bài thơ tình trong cõi Đường thi đó vẫn còn truyền đạt những ấn tượng tuyệt vời sâu sắc.  Ở cuối thế kỷ 19, những trào lưu thi ca lãng mạn diễm tình của Pháp cũng chiếm một ưu thế đáng kể trong giới sinh hoạt văn học Tây Phương và lan rộng đến khắp thế giới, dĩ nhiên trong đó các nhà thơ Việt Nam tiền chiến chịu ảnh hưởng nhiều nhất.  Những khuynh hướng sáng tạo chuyên chở đề tài tình yêu, đa số đều hy vọng vượt qua không gian và thời gian.  Dĩ nhiên điều kiện tác phẩm thực sự phải tồn tại trong niềm yêu thích của quần chúng.  Chính mỗi tác phẩm định đoạt số phận của nó.  Một học giả Tây Phương đã nhận định: một tác giả cũng như một tác phẩm, có số phận của nó.  Trong văn học sử Việt Nam đã ghi nhận có đến hàng ngàn nhà thơ, nhưng mấy ai đã vượt qua thử thách của thời gian và lịch sử. 

Tình yêu, mỗi ngày mỗi hiện hữu chung quanh đời sống chúng ta, cần thiết như hơi thở, như nhịp đập của trái tim loài người.  Vì lý do đó, đề tài đề cập đến tình yêu bao giờ cũng được ưu ái nhắc nhở đến trong mọi thế hệ.  Những tên tuổi lừng lẫy trên thi đàn văn học nước nhà cho đến nay gần nửa thế kỷ, vẫn còn được nhắc nhở đến như Đinh Hùng, Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Vũ Hoàng Chương, Hồ Dzếnh, Thâm Tâm, TTKH, Lưu Trọng Lư...Trong thời gian trước 75, ở quê nhà như Nguyên Sa, Du Tử Lê, Nhất Tuấn, Luân Hoán, Hà Huyền Chi, Viên Linh, Nguyễn Tất Nhiên, Tô Thùy Yên, Cao Mỵ Nhân,  Vũ Hữu Định...và bây giờ ở hải ngoại, đa số các nhà thơ tỵ nạn đều quy về bản sắc thơ tình.  Tình yêu không phải chỉ đơn thuần giữa đôi trai gái, mà tình yêu tỏa rộng đến quê hương, đến tha nhân với tâm lượng từ ái, bao dung biển trời.  Tình yêu nối kết từ tiểu ngã, đến đại ngã để tan thành mây thành nước, thành vũ trụ ngân hà lấp lánh yêu thương.  Trong những nhà thơ chung thủy với thơ tình khi còn rong chơi trên quê hương nồng thắm, cũng như bây giờ tự tại với kiếp sống nhân sinh nơi hải ngoại, trước sau như một, đó là Du Tử Lê, Luân Hoán.  Một nhà thơ đang định cư tại California, Hoa Kỳ và một nhà thơ đang cư ngụ tại Montréal, Canada.  Đề cập đến Luân Hoán là nhắc đến một thời họp mặt của những người làm thơ Quảng Đà gồm những Hà Nguyên Thạch, Đinh Hoàng Sa, Vương Thanh, Vũ Hữu Định, Khắc Minh, Lê Đình Phạm Phú, Thành Tôn, Hoàng Quy, Hoàng Lộc, Huy Giang, Hà Nguyên Dũng,  Trần Dạ Lữ, Đinh Trầm Ca, Phương Tấn, Nguyễn Nho Nhượn, Nguyễn Kim Phượng, Lê Vĩnh Thọ, Triều Hoa Đại, Chu Tân, Hà Quốc Huy, Nguyễn Nho Sa Mạc, Hạ Đình Thao...đã từng xuất hiện trên Bách Khoa, Văn Học, Văn, Nghệ Thuật... xuất bản tại Saigon.  Riêng với Luân Hoán trước năm 1975, ông đã trình diện với đời, với bằng hữu có hơn hàng chục thi phẩm như Về Trời (Văn Học 1964), Trôi Sông (Văn Học 1966), Chết Trong Lòng Người (Ngưỡng Cửa 1967), Viên Đạn Cho Người Yêu Dấu (Thơ 1969), Hòa Bình Ơi, Hãy Đến (thơ 1970 cùng Lê Vĩnh Thọ, Phạm Thế Mỹ), Nén Hương Cho Bàn Chân Trái (Thơ 1970, với nhiều người viết), Thơ Tình (1970), Ca Dao Tình Yêu (Thơ 1970, với Khắc Minh), Lục Bát Ca (Thơ 1970, cùng với Lê Vĩnh Thọ - Vĩnh Điện), Rựơu Hồng Đã Rót (Thơ 1974)...Khi định cư đến Montréal Canada, Luân Hoán vẫn tiếp tục làm thơ và xuất bản các thi phẩm mới nhất của ông ở hải ngoại như Hơi Thở Việt Nam (Sông Thu 1986), Ngơ Ngác Cõi Người (Nhân Văn 1989), Đưa Nhau Về Đến Đâu (Nhân Văn 1989), Cảm Ơn Đất Đá Trổ Thơ (Kinh Đô 1991), Mời Em Lên Ngựa (Sông Thu 1994), Nuôi Thơm Chùm Kỷ Niệm Xa (Thơ 1995), Cỏ Hoa Gối Đầu (Sóng Văn 1997), Tác Giả Việt Nam (sưu tập, Nhân Ảnh xuất bản năm 2006), Dựa Hơi Bạn Bè (Nhân Ảnh xuất bản năm 2006). Chúng tôi đã có diễm phúc đọc hết gần hai mươi thi phẩm của Luân Hoán, đã cùng chia xẻ buồn vui với thi sĩ hơn bốn mươi năm qua ở quê nhà Quảng Nam - Đà Nẵng.  Luân Hoán sáng tác đều đặn hăng say, phong phú như người ghiền thuốc phiện lâu năm, thơ đã ở trong máu, trong tim, trong nhịp thở hàng ngày của ông.  Qua mười bảy thi phẩm của Luân Hoán vừa đan cử cho thấy tâm hồn ông mênh mông, ông viết về mọi đề tài quê hương đất nước, bằng   hữu đệ huynh từ ngoài đời đến trong cuộc sống quân ngũ, nhưng có lẽ ông thành công và ưng ý nhất vẫn là cõi thơ đầy ắp tình yêu.  Thực sự ông là một người hạnh phúc nhất thế gian, thơ ở chung quanh ông trong đời sống.  Buổi sáng súc miệng bằng thơ, buổi trưa ăn uống, rong chơi, đọc sách với thơ và buổi tối ngủ cùng thơ suốt cả một đời.  Không biết có phải ẩn ý sâu xa, ông muốn mượn ý nói thơ mà chính là ông muốn nói đến ý trung nhân đã sống thủy chung mặn nồng với ông suốt những chặng đời gian khổ buồn vui, chia xẻ ngọt bùi, thăng trầm với định mệnh.

...Lãnh thổ thơ tôi, một cõi Em
Hàng trăm chánh thất, chỉ một tên
Và không cung nữ, không hoàng hậu
Lộng lẫy trong cùng một dáng Em

Em nhận ra chưa hương sắc thơm
Từng trang em đọc, chữ trong lòng
Đừng kinh ngạc nhé, nàng thơ ấy
Đang ngắm mình trong ngôn ngữ hồng

Em thoáng hổ ngươi một chút. Vâng
Lòng em. Ông ấy dám phơi trần
Trái tim. Kỳ quá. Em không biết
Tay chống cằm nghe mộng bâng khuâng

Em thoáng bực mình một chút. Vâng
Ta chăng? Miệng lưỡi kẻ ba lăm
Soi gương. Soi lại. Ai vô nữa?
Mày nhíu không che nổi má hồng

Em thoáng dửng dưng một chút. Vâng
Ai thì ai. Mặc. Gã cù lần
Mà sao giống quá. Hay là chính...
Thơ cứ y như lòng lâng lâng

Thưa đúng là Em đó chớ ai
Những môi những mắt những vành tai
Những lời chưa nói, hơi chưa thở
Vinh hiển cùng tôi, thơ, sánh vai

Thưa đúng là Em, một cõi Em
Giai nhân thiên hạ chỉ một tên
Trái tim lãng mạn không hề cũ
Và nặng bằng cân sợi thơ tình

Em của tôi, không chỉ một người
Mà là tất cả các giai nhân
Trái tim đủ chứa tôi cư ngụ
Sống một đời thơ. Một cõi tâm.
(Mời Em Lên Ngựa)

Cho đến bây giờ ông đã vượt qua khá lâu tuổi tri thiên mệnh nhưng ông vẫn cảm thấy như còn thanh xuân:

Ngoảnh lại, một đời bát ngát thơ
Đời ta lộng lẫy qúa, không ngờ
Cảm ơn thiên địa cho ta thở
Cảm tạ giai nhân dạy ước mơ

Ta đã yêu em đến thế à?
Lòng ta, em còn hiểu hơn ta
Lâu nay cứ tưởng mình vay mượn
Một chút tình em để thở ra

Chợt hiểu rằng: Em quý hơn thơ
Chợt hay ta sống đến bây giờ
Chẳng qua là để làm thi sĩ
Trau chuốt em thành những áng thơ

Tội lỗi này đây sám hối chăng?
Bao nhiêu kinh kệ hẳn không bằng
Thả rơi thân xác vào cát bụi
Trằn trọc làm chi nữa ánh trăng!

Ta đã về sai chỗ ta đi?
Hồn đâu linh hiển mà em quỳ
Câu thơ tuyệt mệnh không đành viết
Em vuốt mắt giùm, có những chi?
(Mời Em Lên Ngựa)

Qua đến Cỏ Hoa Gối Đầu, người chủ trương tạp san Sóng Văn đã nhiệt tình tiếp tay thực hiện cũng tỏ bày chân tình “Cỏ Hoa Gối Đầu hầu hết là những bài thơ tình với bóng dáng của tình thường.  Đó là nỗi mê đời.  Đó là ở trong đời.  Là chứngnghiệm thực tại.  Thực tại chính là tim rung và máu chuyển, là nhựa trong cây, là tình trên lá, nhà thơ cần gì phải chống gậy thiền tăng tìm lật nghiêng sông núi?”.  Thơ của thời điểm ông đang ngồi ngất ngưởng ở cửa tri thiên mệnh, nên thơ đã nhuốm vẻ thong dong mây trời, coi thường lẽ tử sinh của tạo hóa.

Vẽ tâm vẽ dạng vẽ đời
Từ sinh đến diệt treo chơi mấy ngày?
(Chân Tướng)

Thiên đàng một cõi em riêng
Thành tâm đắc đạo ưu tiên tôi thờ
Động vàng tiềm ẩn mạch thơ
Ngấm vào thân thể tôi chờ khai hoa

Em còn cõi niết bàn riêng
Mình tôi tốt phước được quyền nhởn nhơ
Ra vào kính cẩn làm thơ
Sống vương giả bởi biết thờ phụng em
(Nghiệp Phúc)

Ông đã vượt ra ngoài cái tâm thức Bát Nhã, tiếng vọng lại bên kia trời Tử Sinh chỉ là cõi tâm động của tình yêu.  Một thi sĩ Tây Phương nào đó đã tận tình thi hóa mối tình thơ mộng của ông với người yêu Paris tóc vàng mắt biếc...Anh sẽ khắc lên bia đá “Nơi nào em đến, nơi ấy là Thiên Đường”.

Cổ sáp ong vẫn thường đeo thánh giá
Tôi nhủ thầm: em ngoan đạo, từ tâm
Muốn vói tới ngôi trời, tôi xem lễ
Chúa của tôi là em ở trong lòng...
(Chúa Tôi)

Thiên Đàng hay Niết Bàn cũng chỉ ở nơi người tình thủy chung.  Ông quả là một tín đồ ngoan đạo tình yêu, mà tình yêu trân quý cao đẹp nhất chỉ có một người thôi đi bên cạnh ông đến suốt đời.

Trong Cỏ Hoa Gối Đầu, ông xem như tặng phẩm ngọt ngào dành tặng cho người yêu, một vài ý tưởng thầm kín thơ mộng và bộc trực chân tình, ông quả can đảm và tế nhị hơn những nhà thơ nổi tiếng cùng thời với ông. Ông rất thực thà hồn nhiên với chính ông, nên lời thơ giản dị, hài hòa, chất phác, gây cho đối tượng cảm kích một cách thoải mái vì giá trị tự ái được nâng cao như một hoàng hậu không ngai.  Đôi khi ông không quan tâm chải chuốt ngôn từ.  Yêu là nói yêu cái đã.  Tỏ tình thẳng thắn, nhanh như ánh sáng, và con đường tình sử chỉ có từ đường thẳng duy nhất và gần nhất trong không gian một chiều.  Tuy nhiên, trong thế giới thơ ông, phán xét, thẩm định toàn Tình Yêu suông sẻ thì hơi quá hồ đồ, nông cạn, chẳng khác chúng ta mới nhìn cảnh bao quát đầy sắc màu rực rỡ của ngàn hoa, mà không hiểu những tư duy của đá, những thâm trầm của cổ thụ, những vô thường hư huyễn của khói sương suối nguồn?! Thỉnh thoảng trong thơ ông cũng phảng phất hương vị cay đắng, ẩn ức những tiếng thở dài ngao ngán thế sự trầm luân, của tâm trạng u sầu, lưu đày biệt xứ, ngơ ngác trong những thành phố lạ tha phương. 

... Bưng mặt ngó mông, trời bão tuyết
Khí lạnh như tuồng giảm bớt đi
Bài thơ viết dở nằm dưới gối
Lòng rỗng, đầu không một ý gì

Mệt mỏi đang luồn quanh xuơng thịt
Nằm im nghe ngóng bước thời gian
Vô phương chống đỡ tàn phai phủ
Từng tế bào treo trắng cờ hàng

Mười năm đủ để thay toàn bộ
Một giấc mơ thơm, một cái nhìn
Ra đi đâu nghĩ câu cầu thực
Sao rụng rơi dần những niềm tin

Lấy kim chích máu tìm hương vị
Của Hùng Vương, Lê Lợi, Quang Trung
Thừa tự bao đời nguồn nghĩa khí
Để buồn trói đến phút lâm chung?

Ngó quanh trống vắng người tâm huyết
Soi lại mình trơ nỗi chán chường
Già hơn chúng bạn cùng con giáp
Quên phứt từ lâu một vết thương

Chẳng lẽ chưa quen đời lưu lạc
Sống ở nhà thuê, chết hỏa thiêu
Sớm tối đi về cây đất lạ
Cách biệt không hàn băng mến yêu

Ứa bao nước mắt lần tuyên thệ
Khoác thêm một quốc tịch lên người
Thi hành nghĩa vụ công dân mới
Môi mỗi ngày quên một nét cười

Từng tiếp mồ hôi cho nhịp sống
Thay nghề đổi nghiệp đã bao phen
Trăm nghề một nghĩa chung lao động
Sao nhói lòng theo nỗi nhọc nhằn

Xưa kia chưa ngã tay đầu chợ
Chừ gắng đệ đơn để xin ăn
Cũng may chưa hội đủ điều kiện
Bị bác đơn, lòng nhẹ băn khoăn

Mười năm đủ để thay toàn bộ
Một giấc mơ thơm, một cái nhìn
Cũng may chưa thể mòn hao nổi
Trái tim rực rỡ quý yêu em

Mười năm dài thật mà mau thật
Tưởng chừng như mới cách qua đêm
Đoạn dời trước mặt ta còn đủ
Giữ vững cho mình một trái tim?
(Cỏ Hoa Gối Đầu)

Giữa cõi sống mà mỗi ngày, chúng ta thường trực đối diện với thực tế phũ phàng, chạy đuổi theo miếng cơm manh áo, thử hỏi đâu còn chút thì giờ để lắng nghe chính tâm thức mình vọng động những yêu thương khắc khoải?  Giữ được tâm hồn thanh tịnh, an nhiên tự tại với thơ, cho thơ, tất cả trọn vẹn vì thơ như Luân Hoán không phải nhà thơ nào cũng thực hiện được.  Quả thật ông đã ngộ.  Thơ được tôn sùng như một đạo giáo của Tình Yêu.  Là một cõi Thiên Đàng hay Niết Bàn nơi trần thế tuyệt vời.  Cám ơn thi sĩ Luân Hoán đã tạo cho chúng ta cảm giác không biên giới giữa thực và mộng trong cảnh sống chói chang xô bồ, lạnh giá, cô đơn nơi xứ người.