BA MƯƠI NĂM ĐỜI VIẾT NHỮNG VẦN THƠ
1975 - 2005


-- Trần Huyền Linh --

Thấm thoát đã ba mươi năm rồi đó. Dòng thời gian cứ xoay vòng theo chu kỳ của nó , thời gian như ngưng đọng lại trong tâm trí những khắc khoải , ưu tư và cay đắng nữa, không thể nào tháo gỡ. Ba mươi năm cơn ác mộng dài , thật dài cứ ám ảnh theo ta mỗi lần chợt nghĩ , chợt thấy con số ghi trên tờ lịch

Tờ lịch đầu năm rớt hững hờ
Mới hay năm tháng đã thay mùa
Ra đi từ thuở làm ly khách
Sầu xứ hai xuân chẳng đợi chờ

Chỉ mới có hai năm xa xứ mà Thanh Nam đã ray rức như vậy, huống hồ là ba mươi năm . Càng xa quê lâu năm nỗi nhớ càng thêm se sắt mặn mà . Áo xưa từ độ phai màu đất, hồn đời nghe nặng bước lưu vong . Bước chân người lạc xứ như nặng nề hơn , bởi trong mỗi nhịp chân đều như mang theo hình ảnh quê hương ngậm ngùi thương nhớ

Vừa bắt được nụ cười xa xứ
Đủ cho hồn xao xuyến em ơi
Ba mươi năm thắp tình soi mộng
Để bẽ bàng trong mỗi bước chân

Có ai , trong đời lại không một lần nhớ nhung ? Nhưng chỉ dưới ngòi bút của những nhà thơ , người ta thấy nỗi nhớ nhung hiện ra với biết bao sắc thái , cung bậc và âm điệu khác nhau, làm cho nỗi nhớ như dài ra , như thêm tha thiết đậm đà , nhà thơ Thái Tú Hạp đã tỉ tê

Sông núi vẫn hằng in trong trí tưởng
Đời quạnh hiu như mây trắng bay qua
Kiếp ly hương nuôi sầu trong thạch thất
Em có bao giờ chia sẽ nỗi niềm ta

Mỗi một ngày qua đi chúng ta ngồi nhẩm tính , bao nhiêu giông bão đã có kể từ ngày : cơn bão lốc ngày bảy lăm ập đến, cuốn cuộc tình hai đứa bỗng tan hoang . Nhà thơ Thanh Nam cũng uất ức than rằng

Một năm người có mười hai tháng
Ta trọn năm dài một tháng TƯ

Vâng đúng là thế ! chỉ một tháng TƯ đen đã làm biền biệt thời gian mòn mõi đợi. Không uất ức sao được khi mà :

Cờ còn nước đánh phải đành thua
Canh bạc chưa chơi mà hết vốn
Muốn rơi nước mắt khi tàn mộng
Nghĩ đắt vô cùng gíá TỰ DO

Tự Do ! ôi Tự Do tôi trả bằng nước mắt , Tự Do ! ôi Tự Do em trả bằng xác thân . Chỉ vì hai tiếng Tự Do mà hàng triệu người Việt phải bỏ nước ra đi , phó thác thân mình trên biển cả bao la , làm mồi cho hải tặc. Ra đi quyết sống còn cho hai chữ Tự Do .Nhà thơ Hoàng Xuân Sơn đã nói

Đã mười mấy năm rồi đấy nhỉ ?
Giật mình câu chuyện mới đầu hôm
Ra đi trong túi hành trang chỉ
Một mảnh quê hương , một mảnh buồn

Ra đi , bỏ nước mà đi , đi chưa biết về đâu , nhưng vẫn phải đi , đi để đổi lâý tự do . Chúng ta đi mang theo quê hương . Tình yêu quê hương đã có sẵn từ khi mở mắt chào đời , là lời ru ngọt ngào của mẹ bên vành nôi . Tiếng Việt êm ái nhẹ nhàng đã quyện chặt vào hồn ta , quấn theo sợi tình lưu luyến với quê hương

Bài học lớn từ khi đến Mỹ
Là ngày đêm thương nhớ nước mênh mang
Thù hận bọn làm nước ông nghèo xí
Hận gấp nghìn lần khi chúng đánh ông văng

Ngục tù Nguyễn Chí Thiện cũng đã bày tỏ cảm xúc của mình khi làm thơ mà không phải làm thơ

Thơ của tôi không phải là thơ
Mà là tiếng cuộc đời nức nở
Tiếng tim buồn thoi thóp đập bơ vơ
Tiếng bất lực trước muôn ngàn sụp lỡ
Toàn tiếng của cuộc đời sống dỡ
Và chết thời cũng dỡ, phải đâu thơ

Qúa khứ không chịu ngũ yên , đau thương cũ trổi dậy giữa đám tro tàn , cuộc đời nỗi trôi tiếp nối như phận bèo dạt . Nhớ vô cùng những ngày gian khổ trong trại tù cải tạo nào Sơn La , Cổng Trời , Suối Máu, Tân Lộc Thanh Hóa… Tất cả những hình ảnh , những sự việc không hề phai mờ, trái lại càng ngày càng lún sâu, ghi đậm nét nhu lưỡi dao sắc nhọn cắm hút vào trí nhớ làm nhức nhối đến tận cùng cảm giác

Đêm lập đông lạnh gía vô cùng
Tù ôm tù thay chiếu , thay chăn
Trong hoạn nạn chuyền nhau hơi ấm
Để sống còn địa ngục Việt Nam

Trong trai tù Hà Giang , sống đọa đày gian khổ , cộng thêm cái giá lạnh của miền Bắc đã làm các cựu quân nhân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa thấm mệt . Cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc , sống những ngày dài đầy buồn tủi trong các tầng địa ngục . Nhưng các tù cải tạo vẫn can trường giữ nguyên khí phách của người lính , như nhà thơ Hoàng Dương đã viết

Chớp vội hàng mi ngăn tiếng nấc
Hoa đào rơi bạc áo tù nhân

Đời sống thiếu thốn trong trại tù thì ai cũng rõ , cũng biết, lại phải sống dưới tay của những người quản giáo không có nhân tính . Các tù nhân cải tạo vừa chịu nhọc nhằn về thể xác , lại bị đau đớn về tinh thần . Sống trong địa ngục trần gian , sống quay quắc đau thương

Hãy dừng lại : hỡi bàn tay tàn bạo
Làm mất đi những bóng mát bình an
Hãy dừng lại : những bàn tay thô bạo
Làm cuộc đời nhiều nắng gắt chói chang

Mặc dù sống trong đày đoạ của trại tù cải tạo , những người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa vẫn giàu nhân tính . Tình yêu vẫn đến , vẫn nở hoa trong gông tù Cộng Sản Đến và giữ mãi trong lòng không dám nói ra . Nhà thơ Quan Dương khi còn ở trại tù A.30 Tuy Hòa Phú Yên đã làm thơ tặng cô bạn tù Vũ Thị Tố Loan

Vòng rào đó em phơi chiếc áo
Nắng đâm qua những lỗ rách buồn
Ai cào xé mảnh tình đất nước ?
Gởi sang em vá nỗi đau chung
Xưa chiếc áo tù nhân em vá
Đẩy dậy thì che buổi lao cung

Ra khỏi trại tù tình yêu còn vương vấn nhưng không biết người xưa đi về đâu , anh đã làm bài thơ này với hy vọng người bạn tù xưa đọc được để nối kết sợi dây liên lạc. Cuộc đời là như vậy đó , đầy dẫy những hỉ, nộ, ái , ố, bi , ai . Nhưng chẳng lẽ ta khoanh tay ngồi nhìn, hoặc khóc cười theo mệnh nước nổi trôi . Thi sĩ Nguyễn Đông Giang đã trút bỏ tâm sự mình

Chẳng lẽ khóc để cho đời mai mỉa
Chẳng lẽ cười khi thế sự lao đao
Ta cứ dửng dưng như chẳng có gì
Gỉa bộ yêu đời như mọi khi
Dan díu đời ta những thơ cùng rượu
Còn nắng còn mưa nên chẳng thiết gì

Hay như nhà thơ Ngu Yên hiện ở Houston cũng có lúc rối rắm tâm tư

Cầm bút lên rồi bỏ bút xuống
Thấy bút buồn
Buồn lại cầm lên
Bỏ chữ xuống
Chữ buồn không viết
Cầm chữ lên
Lòng lại buồn tênh

Ba mươi năm viễn xứ, người Việt tị nạn đã gặt hái nhiều thành công rạng rỡ , đáng kể trên tất cả mọi lãnh vực , từ văn học nghệ thuật, phim ảnh đến giáo dục , thương mại và lan qua chính trị . Ở địa hạt nào cũng có người Việt nam . Nhất là thế hệ thứ hai được hấp thụ nền giáo dục tiên tiến của nước người lồng vào tâm hồn chân chất hiền hòa của người Việt Nam nên đã thành công rất đáng kể , rất đáng nể phục . Đâu đó ta nghe người Mỹ gốc Việt được bổ nhiệm vô chức vụ quan trọng này , vô ngành nghề đặc biệt nọ … đã làm rạng danh con cháu Tiên Rồng .

Nhà văn Nguyễn Văn Quảng Ngãi đã làm bốn câu thơ để tặng anh Nguyễn Hữu Lý , một người lính Việt Nam Cọng Hòa , một người dân Quảng Nam Đà Nẵng , qua Mỹ theo diện HO đã đậu cử nhân cao học văn chương vào tháng 8-2000 khi Ông Lý vừa tròn 73 tuổi

Thanh xuân ngang dọc một thời
Nguyện theo chí lớn cứu đời gíup dân
Xế chiều đất khách xa xăm
Nguyện theo đèn sách , rạng danh bảng vàng

Thành công ở quê người như vậy nhưng trong lòng chúng ta , những người Việt ly hương vẫn còn man mác buồn , lòng vẫn còn trĩu nặng mỗi lần nhớ về quê hương . Lòng người vẫn còn như mang một món nợ , món nợ quê hương

Cưu mang tôi hỡi quê nhà
Về đâu cũng thấy lệ nhòa Việt Nam
Tháng TƯ món nợ da vàng
Dân tôi trả nốt bàng hoàng xuôi nam

Vì còn mang nợ nên lòng ta đâu thể thanh thản , mỗi ngày qua là mỗi băn khoăn , ray rức , mỗi toan tính ngậm ngùi . Thương quê nhớ nước và lòng như quắt quay trong muôn trùng kỷ niệm

Ta cứ ngỡ bình yên trong hạnh phúc
Ai ngờ đâu nỗi nhớ bỗng quay về
Con chim xanh không còn màu xanh nữa
Con chim vàng nay đã hóa ra nâu

Nhà thơ Hồ Thành Đức đã cảm thấy như là : Ta đã chết nữa đời xa xứ mẹ. Nữa đời trước ta sống trọn ở quê hương , sống hiến dâng cả cuộc đời trai trẻ cho sự tồn vong của Tổ Quốc.

Nhớ Sài Gòn , một nữa đời ở đó
Bao yêu thương xin giữ lại cho mình
Từng góc phố, từng con đường năm cũ
Vẫn từng ngày theo gót kẻ lênh đênh

Bây giờ qua xứ người ta còn lại nữa đời sau . Cao Tần tự hỏi ta phải làm gì đây ?

Sân gác trọ những tâm hồn bão nổi
Những hào hùng , uất hận nối lên nhau
Kẻ thức tỉnh ngu ngơ nhìn nắng mới
Ta làm gì cho hết nữa đời sau ?

Nhà thơ Song Hồ cũng có cùng thắc mắc

Nữa đời người chưa
Sao gục đầu suy nghĩ ?
Cuộc đời vuông ? tròn ? dài ngắn ?
Tảng đá hay bông hoa ?
Những anh hùng thấm mệt xin nói ra
hòan toàn là một tảng đá
Chúng tôi hết sức rồi
hết cả chờ mong

Hãy khoan ! Đừng thất vọng chứ nhà thơ Song Hồ , lớp tre gìa thì đã có măng mọc . Lớp tuổi trẻ Việt nam sẽ nối bước cha anh .

Mầm cây ngã muôn mầm non đứng dậy
Xuân gieo mầm trong nắng gắt cằn khô
Hạt bắt rễ trên đất này nát mục
Chồi non xanh bứt vỏ dậy như cờ

Trải qua một cuộc bể dâu, qua lao tù Cộng Sản, qua các tầng địa ngục, qua đoạn đường vượt biên, Người Việt tị nạn làm sao tránh khỏi những cơn ác mộng kinh hoàng

Ác mộng không rời người viễn xứ
Quê xa còn ngút lửa kinh hòang

Và :

Lời hứa hẹn bám theo đời lưu lạc
Dạ khúc buồn ray rức sóng trùng khơi

Nhà văn Duyên Anh trong một lúc khôn cùng đã đưa ra nhận định về cuộc đời mình như sau:

Hồn ta thanh sắt đường rầy
Con tàu oan nghiệt tháng ngày nghiến lên
Cường toan nhỏ giọt đêm đen
Lặng thinh ta đếm ưu phiền rụng rơi

Đó là suy nghĩ của Duyên Anh , còn nhà thơ Nguyên Nghĩa lại có ý nghĩ khác thường , ông tự viết về mình

Khi đêm đến tôi khoanh mình như chó
Chó vểnh tai tôi vểnh tâm hồn
Tôi hơn chó : biết nằm mộng dữ
Chó hơn tôi : còn được ngũ ngon

Thôi ta hãy nghe theo Du Tử Lê, cố quên đi , hãy ráng quên đi

Chia nhau nghìn nỗi khác thèm
Hứng trên mắt nọ lệ mềm môi kia
Thôi đành, thôi cố, thôi quên
Núi sông đã khuất, đời vong thân , còn

Hoặc nhẹ nhàng thanh thản như nhà thơ Thanh Nam đưa tay vẫy chào quá khứ.Mong rằng nữa đời sau sẽ êm đềm , sẽ làm ấm lòng người viễn xứ

Về đây chung phận chung đời
Chung tay bếp lửa đẩy lùi bóng đêm
Thôi , chào qúa khứ ngũ yên
Những đau thương cũ vùi quên cuối trời
Gĩa từ luôn nữa nỗi trôi
Cành tươi chim đậu, bến vui thuyền về

Ngày xưa trong ca dao mẹ đã viết : chiều chiều ra đứng ngã sau , ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều . Ngày nay đàn con mẹ phải tha hương biệt xứ nhìn về quê mẹ mà chín chiều ruột đau . Nhà thơ Bạch Thu Hương đã viết

Chiều chiều ra đứng ngã sau
Trông về quê Việt lòng đau đớn nhiều
Mẹ ơi có nhớ con yêu
Lưu vong viễn xứ chịu nhiều đớn đau

Hoặc :

Ở bên đó
Bây giờ mưa hay nắng
Xứ lạ quê người con lạnh ấm ra sao
Và mẹ ơi
Đời lưu lạc thì ở đâu cũng vậy
Tưởng tâm tình đã cạn lúc ra đi
Do vậy cho nên con mẹ phải
Còng lưng gánh nốt đời lưu lạc
Nặng chĩu nghìn cân nhớ nước non

Nhà thơ Nguyễn mạnh Trinh còn da diết hơn

Lần tay đếm nhẩm thời lưu lạc
Trong mình mảnh đạn lỡ nằm quên
Thơ người ta tưởng như ngọn bấc
Se thịt da đau buốt nỗi niềm

Ba mươi năm đời viễn xứ , cảnh quê người tuy có đẹp , có vui lắm đấy , nhưng sao lòng ta vẫn nhớ nắng thương mưa quê nhà . Nắng bên đây vẫn là nắng ấm, nhưng ấm sao bằng nắng ấm quê hương . Ta hãy nghe các thi sĩ đếm mùa qua tren những phiến lá buồn

Còn đôi tay là ta còn đếm nữa
Những mùa xuân trên xứ lạ quê người
Những vành môi đã héo hắt nụ cười
Những thương nhớ úa dần cùng kỷ niệm
Định Nguyên viết về mùa hạ
Ru em còn đó cơn đau
Tan trong đáy cốc xanh màu mắt xưa
Ru em lửa hạ tháng Tư
Có giòng sông chợt nhớ mùa đao binh

Ngày xưa mùa thu là mùa của thi nhân , mùa ra hoa kết trái của những vần thơ tuyệt tác, mùa đem lại nhiều cảm hứng cho hồn thơ thêm lai láng mượt mà. Ở đất người nhà thơ Phan Huy đã viết

Mười mấy năm trời đất tạm dung
Muà thu nhạt nhẽo đến vô cùng
Nàng trăng bạt thếch màu son phấn
Khi cõi lòng ta đã lạnh lùng

Rồi mùa đông đến tuyết rơi trắng xóa , lòng càng thêm buốt gía . lạnh từ ngoài lạnh buốt cả tâm can. Chuyện quê hương vẫn là nỗi lo canh cánh bên lòng

Chưa tháng chạp thư quê nhà đã tới
Cánh thư buồn như giọt nước mùa đông
Dẫu chưa mở ta vẫn thầm đoán được
Chuyện quê hương luôn nhức nhối trong lòng

Thư nào cũng mang ít nhiều giông bão
Những đọa đày , bất hạnh của non sông
Bạn cũng như ta ,làm thân biệt xứ,
sống quê người mà nỗi nhớ quê xưa

Tôi cũng như ông đời biệt xứ
Trẻ ra đi , gìa vẫn tha hương
Hơn chục năm buồn trên đất lạ
Tôi đọc thơ ông , nát cả hồn

Thơ người viết làm ta chạnh lòng là bởi vì chúng ta cùng một lứa bên trời lận đận. Thôi thì bạn hãy cùng ta nhấp chén

Hãy uống cho say trời sắp sáng
Mai này hai đứa đã hai phương
Rồi đây hiu hắt thân bèo dạt
Trôi nỗi quê người ai nhớ thương

Và đây :

Uống đi , uống cạn cơn cuồng nộ
Rót hết cho nhau những bẽ bàng

Nhà thơ Nguyễn Mạnh Trinh cũng nâng chén mời bạn hữu bốn phương

Bạn hữu buồn chi cho tổn thọ
Làm chơi vài ngụm đỡ bâng khuâng
Lao vào cõi chết ai không sợ
Mộng lớn công danh héo hắt dần
Ở đây dăm đứa nhìn trăng núi
Trăng có bao giờ tắm rượu say
Ừ nhỉ cuộc đời như cát bụi
Cùng nhau cụng chén đốt đêm dài

Tưởng đâu đốt hết đêm dài ngày mai rồi sẽ khác . Ngờ đâu trong cơn say ngất ngưỡng niềm nhớ quê hương vẫn dạt dào ray rức . Chỉ một tiếng gà gáy thôi cũng đủ nhắc nhớ về nguồn, về một quê hương khuất bóng hoàng hôn như Phan Ni Tấn đã viết

Có ai nói đã ba giờ sáng
Đang ngà say nghe thoáng giật mình
Ta chợt nhớ , chợt thèm háo hức
Tiếng gà xưa gáy thuở bình minh

Thời gian vô tình vẫn lặng lẽ trôi qua , không chờ , không đợi một ai . Thời gian như bóng câu qua cửa . Ra đi khi mái tóc còn xanh đến bây chừ tóc đã đổi màu sương khóicuộc đời hay là màu thời gian. Nguyễn Văn Sâm đã gởi gắm tâm sự mình qua những vần thơ

Mấy năm ở Mỹ
Tám, mười, hai mươi năm
Âm thầm chừng thế kỷ
Thời gian mộng mị sớm tối đi về lặng lẽ tiếc đời trôi

Và rồi. . . . .

Một thoáng thấy đầu lốm đốm điểm sương
Vài đường nứt nghinh ngang trên vầng trán
Vết chém thời gian
Phủ phàng

Quê người chỉ là vùng đất tạm dung , đất khách . Chúng ta vẫn mong có một ngày được trở về lại làng xưa , phố cũ . Về tìm lại chút kỷ niệm xem có còn dấu vết hay là đã tàn phai theo năm tháng

Về tự một ngày mưa
Em não nùng oan khổ
Cây khẳng khiu đợi chờ
Lá một đời héo úa
Ô ! không ! ta muốn ngày ta về sẽ là
Khi em về trời xanh và gío mát
Con đường mòn thơm lá mục quê hương

Ngày ta về sẽ là ngày quê hương ngập tràn tiếng cười tự do . Người với người sống trong tình nhân ái , không hận thù , không tàn sát lẫn nhau . Ở nơi đó ta tha hồ hít thở không khí tự do . Mọi người đến với nhau bằng tình yêu thương nồng thắm của người Việt Nam da vàng

Ta về như lá rơi về cội
Bếp lửa nhân quần ấm tối nay
Chút rượu hồng đây xin rưới xuống
Giải oan cho cuộc biển dâu này
Chúng ta cùng hẹn nhau trở về để nhìn lại sông núi
Nhìn nhau chợt thấy ra sông núi
Có chút gì nghe rất thốn đau
Hẹn bay về chết trong tay mẹ
Tổ Quốc ngàn năm bỏ được sao

Nhà thơ Du Tử Lê dù sống hay dù chết cũng muốn trở về với quê hương

Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
Đời vong thân không cả một ngôi mồ
Vùi đất lạ thịt xương e khó rã
Hồn không sao đi trở lại quê nhà
Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
Nước ngược dòng sẽ đẩy xác tôi đi
Bên kia biển là quê hương tôi đó
Rặng tre xưa muôn tuổi vẫn xanh rì

Sống ray rức nhớ quê hương là vậy, nhưng nếu cho quay ngược lại thời gian thì nhà thơ Cao Tần vẫn muốn ra đi . Bởi vì ở quê nhà vẫn còn chịu nhiều đọa đày gian khổ , người với người vẫn chưa biết thương nhau . Cây cột đèn nếu biết đi nó cũng sẽ đi .

Cho ta làm lại cuộc đời
Thì ta lại vẫn ra khơi như thường
Vật vờ vượt sóng đại dương
Kiếm đời di tản nghìn cơn nhục nhằn
Mai này tính sổ trăm năm
May chăng lời được cái thân phiêu bồng

Ba mươi năm buồn vui đời tị nạn, chúng ta đau từ vết thương rỉ máu của từng cá nhân hòa chung , lan rộng đến nỗi đau chung của đất nước phải chịu bức tử . Buồn đến muốn bật ra tiếng khóc nhưng phải nén lại trong lòng . hận muốn trào dâng khóe môi nhưng kịp giữ trong tim . Và rôì những cảm xúc này đã thoát ra thành thơ . Thơ đi từ cảm xúc nên thơ đã xoáy động lòng người . Ta làm thơ cho người và cám ơn người đã hiểu ta

Khi hứng đủ những đường dao oan nghiệt
Cám ơn thơ và vô lượng đất trời
Đã cho ta một chút gì hạnh phúc
Để thương đời còn bao nỗi buồn vui

 

TRẦN HUYỀN LINH
Tháng 4 năm 2005