(Viết để tặng thầy Lê Thanh Xuân kính mến của chúng tôi.)



Ôi đẹp sao là thuở ban đầu….nhưng không phải là “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy” của tình yêu mà vẫn làm …. “ngàn năm hồ dễ mấy ai quên” Đó là những ngày đầu tiên thầy tôi: Giáo sư Lê Thanh Xuân đứng trên bục giảng.

Năm đó chúng tôi học lớp 10B5 một tiểu vương quốc vui nhộn, nghịch ngợm với đầy đủ bản sắc học trò. Được tin mật báo giáo sư dạy môn hóa là ông thâỳ mới ra trường, còn mới toanh, lần đầu cầm phấn bước lên bục giảng. Chúng tôi mở cuộc điều tra chớp nhoáng và biết được thầy hơi khá đẹp trai, còn trẻ măng, độc thân vui tính, cận thị hạng nặng… Và lũ học trò chúng tôi ra chương trình hành động ngay là án binh bất động và cùng nhau dò xét tình hình đối phương. Giờ học đầu tiên của thầy, chúng tôi hẹn nhau là cứ ngồi im, thầy nhìn tới ai là người đó cười mím chi và chớp chớp mắt làm như ngây thơ lắm lắm… Chắc ngày đó thầy ngạc nhiên nhiều lắm bởi ở đâu có đám nữ sinh cứ mở to những đôi mắt nai gỉa vờ chớp chớp. Ngồi ở đầu bàn hai nên tôi thấy rõ thầy hơi run run, tay phải cứ cầm phấn mân mê, tay trái đưa lên sửa hoài cặp kính cận, mặc dù chúng tôi thấy cặp kính cứ đứng yên một chỗ có ngọ nguậy gì đâu. Biết thầy hơi khớp , chúng tôi mở chiến dịch ghẹo thầy, mỗi lần thầy gọi bạn nào trả lời, chúng tôi đều kéo dài giọng ra cho nhão nhẹt như băng nhạc bị nhão. Lớp 10 là năm ăn chơi theo quan niệm của học trò ngày đó, nên chúng tôi tha hồ vui chơi, hết đi picnic, đến du ngoạn, đi các chùa, nhà thờ chụp hình rồi quay về lớp tìm đủ trò để chọc thầy phá bạn. Có bạn chê thầy khô khan, khó gần vì thầy ít cười trong lớp, có bạn binh thầy khô khan nên mới dạy môn hóa cho ướt át, có quân sư góp ý, thầy mà cười cho tụi mình lờn mặt làm sao dạy được.

Ngày Ba thầy mất, chúng tôi đến nhà thầy để phúng điếu, nhà thầy ở dưới đường Thanh Thủy hay Thanh Sơn, Thanh Duyên gì đó. Đường xa chúng tôi đi tìm muốn hụt hơi mới ra, hôm đó trời lại mưa tầm tả, đường trơn trợt, làm chúng tôi trợt chân té lên té xuống. Vậy mà khi viết thiệp cám ơn, không hiểu sao thầy gởi cho cả lớp một tấm, một tấm cho Thu Mính, một bạn nữ duy nhất trong lớp tôi có đeo kính cận như thầy. Và nữa hôm làm báo lớp, bạn Tưởng có viết bài phỏng vấn thầy. Thầy trả lời là muốn rút ngắn khoảng cách giữa bục giảng và bàn học trò. Ấy thế là chúng tôi rút ngắn liền, ghép đôi thầy với Thu Mính dù rằng cả hai chẳng có chút tình ý gì cả. Mỗi lần trước giờ học hóa, chúng tôi lên chùi bảng và vẽ ở góc bảng hai khuôn mặt đeo kính cận kề sát nhau kèm theo lời ghi chú: “cụng ly” Người ngoài không ai hiểu ngoại trừ lũ học trò qủy quái lớp 10B5. Hoặc có hôm viết phản ứng hóa học:
“đui mắt + cận thị ----cụng ly”

Thu Mính bực mình, phản kháng nói: tau cầu mong cho tụi bây bị cận hết cho biết mùi. Muốn là được, hôm sau trước giờ thầy vào lớp chúng tôi đã chuẩn bị sẵn nên rút từ hộc bàn ra những cái kính cận làm bằng giấy không tròng đem lên đeo. Thầy chắc không nhịn được cười nên thường quay lên bảng kéo sửa cặp kính. Có hôm chúng tôi rủ nhau xỏa tóc kéo qua bên trái, hôm thì kéo qua phải, có hôm cột tóc đuôi ngựa. Học trò nghịch qúa phải không thầy?

Năm học lớp 11, vào dịp lễ Phục Sinh, tôi thấy thầy nhận bí tích rửa tội để trở thành con chiên. Thế là về lớp chúng tôi sang tác ngay một thiên tình sử đẫm lệ trong đó nhân vật chính là thầy và cô, hai người yêu nhau thắm thiết trong thời sinh viên, nhưng vì cách trở tôn giáo nên không thể kết hôn. Rồi bất ngờ bố thầy ngã bệnh qua đời, thầy và cô lại trở về viết tiếp trang tình sử dỡ dang do kịch tác gia là lũ bạn nghich ngợm của lớp tôi.

Thời đó chúng tôi tuy hoang nghịch nhưng rất chăm học, ai cũng học giỏi nên các thầy cô chưa bao giờ quở phạt hay trách mắng, chỉ có mắng yêu vài câu là con gái mà nghịch như vậy làm sao lấy chồng. Mà cũng không biết ngày đó sao mà chúng tôi bày ra nhiều trò vui quá là vui, giờ đôi lúc nhớ lại vẫn cười một mình.

Thời gian qua đi, chúng tôi cũng qua đi thời học trò vô tư hồn nhiên, bước vào trường đời nhưng chúng tôi vẫn nhớ về trường xưa với muôn vàn kỷ niệm khó quên.

Năm 2010, trong chuyến trở về thăm gia đình, biết tin thầy đang sống bên An Hải, sau khi nhờ Việt Lưu dò hỏi chỗ ở của thầy, chúng tôi 8 đứa chất lên một chiếc Taxi qua thăm thầy. Lên xe chúng tôi thoải mái cười nói, chuyện trò vui vẻ, những chuyện vui buồn thời trung học được nhắc đến, được mang ra kể, mỗi bạn góp vài câu làm câu chuyện miên man kể hoài không hết. Qua bên kia sông rồi bác tài hỏi đi đường nào vậy các cô? lúc này nhỏ Việt Lưu mới giật mình mới hay là mình đã quên mất đì đường nào, nhà số nào? chỉ nhớ mang máng nhà ở gần trướng mẫu giáo Ánh Hồng hay gì đó tôi cũng không nhớ rõ. Lưu nói anh tài cho chạy đường Nguyễn Văn Cừ.

Anh tài bảo thì đây là đường Nguyễn Văn Cừ.
Lưu: à thì anh tìm đường Nguyễn Đình Chiểu rồi quẹo phải.
Đến Nguyễn Đình Chiểu anh tài lại hỏi gìờ quẹo đường nào nữa?
Lưu: anh tìm đường Nguyễn Văn Linh.
Anh tài nói, bên này làm gì có đường Nguyễn Văn Linh.
Tụi tôi chêm vào, thì anh tìm đại đường nào có họ Nguyễn rồi quẹo.
Bác tài xua tay, thôi được rồi để tôi đứng lại hỏi đường cho chắc ăn.

Người đi đường chỉ đúng đường để đi nhưng đến ngã ba anh ta phân vân không biết nên quẹo phải hay trái. Chúng tôi trả lời là cứ quẹo đại nếu trật thi quẹo lại. Bác tài mắc cười qúa phải phì cười, mấy cô tưởng đường hẻm dễ trở đầu xe lắm hay sao?

Khó mà đổi được mới là bác tài năm bờ oăn. Quần tới quần lui mà không biết nhà nào, bởi Lưu không nhớ số nhà, hỏi hàng xóm họ cũng không biết vì ngày thầy về đây thầy đâu còn dạy học nên hàng xóm không biết thầy là ai để chỉ. Đang loay loay hỏi thăm thì thầy xuất hiện với nụ cười hiền hòa trên môi. Thầy nói đã qua giờ hẹn mà không thấy các em, rồi lại chiếc xe taxi cứ chạy qua chạy lại nên thầy đi ra đón các trò. Gặp lại học trò năm xưa thầy mừng rỡ ra mặt làm chúng tôi càng vui hơn. Riêng tôi rất là vui vì thầy nhận ra được tôi, gọi đúng tên, mà tôi khỏi cần tự giới thiệu dù đã gần 40 năm chúng tôi rời trường. Thầy trò gặp nhau câu chuyện rôm rã, không còn ranh giới nên chúng tôi tha hồ phỏng vấn, hỏi thăm những chuyện ngày xưa chưa dám hỏi. Cô ngồi bên chỉ cười cười trông rất hiền hòa, nhìn chúng tôi lau chau hỏi thăm thầy đủ chuyện trên trời dưới đất. Chúng tôi nhắc lại thiên tình sử đẩm lệ mà ngày đó chúng tôi đã vẽ vời làm thầy cô cười nắc nẻ cho sự tưởng tượng qúa phong phú của đám học trò nghịch như qủy phá như ma.

Đến thăm thầy lần này chúng tôi mới thấy được tấm lòng ấm áp của thầy. Trong căn nhà của thầy có ba người đàn bà quan trọng mà thầy hết mực thương yêu trong cuộc đời này. Chúng tôi đùa là thầy đang sống giữa một rừng hoa, cô thêm vào: hoa nào cũng già hết. Ba đóa hoa qúy hiếm đó là: mẹ ruột của thầy đã trên 90 tuổi, cụ bị mất trí nhớ nên như con nít thấy cánh cổng mở là đi ra đường và không biết đi về đâu, nên cứ đi lạc hoài. Thấy chúng tôi cụ cứ cười cười không nói gì hết. Đóa hoa thứ hai là mẹ của cô, bác cũng đã bước qua tuổi thất thập cổ lai hy, nhưng cụ trông còn minh mẫn và nhanh nhẹn. Đóa hoa thứ ba là cô, trông vẫn còn đẹp gái, chắc ngày xưa cô cũng một thời sắc nước hương trời. Nhìn ngắm ngôi nhà hạnh phúc của thầy làm chúng tôi rất đổi khâm phục. Hỏi thăm thầy kể là những năm đầu cũng phải vất vả lắm mới có được thành quả ngày hôm nay. Bước đầu sát nhập hai bà mẹ vô ở cùng một nhà rất khó khăn bởi má thầy là đạo Phật, má cô Đạo Thiên Chúa đó là trở ngại lớn nhất. Tuy nhiên nhờ tình yêu sâu đậm của thầy cô và lòng kiên nhẫn, từ từ mưa dầm thấm đất thầy cô đã san bằng mọi chướng ngại vật để gia đình hòa chung tiếng cười. Thầy ơi, dù không còn dạy học nhưng thầy đã dạy cho chúng em một bài học thấm thía trong đạo hiếu vợ chồng. Tuy muộn nhưng chúng em vẫn gắng học theo để truyền lại cho con cái sau này. Chúng em cám ơn thầy, thầy Xuân kính mến của lớp 10B5 trường Phan Thanh Giản ngày nào. Chúng em mong muốn thầy cô luôn luôn mạnh khỏe, vui vẻ và hạnh phúc. Hẹn gặp lại thầy cô trong lần về thăm gia đình lần tới.