Lại một lần nữa sắp đến ngày 30/4, cái ngày mà 36 năm trước tôi phải rời xa quê hương. Hai chử quê hương đó đã làm cho tôi bồi hồi xót xa khi ôm con theo chồng từ trên trực thăng bước xuống chiếc tàu Oklahoma City của hạm đội Hải Quân Mỹ.

Những ngày tháng 4, Saigon thật là hổn loạn, miền Trung đã mất, Cao nguyên nóng bỏng, miền Tây hổn loạn. Mọi người như không còn tìm được nụ cười, ở đâu cũng bàn tán xôn xao. Đi tới đâu cũng nghe người ta tìm cách để thoát khỏi cái mãnh đất đang bùng cháy nầy!

Tôi lo lắng nhiều cho gia đình còn kẹt ngoài Đà Nẵng, không được một chút tin tức nào kể từ ngày Miền Trung bắt đầu di tản. Chồng tôi cho biết trước đó đã nhờ bạn bè ở Đà Nẵng đưa gia đình tôi vào, nhưng tất cả đểu từ chối. Biết làm sao hơn! Những ngày hổn loạn ấy, tôi chỉ biết khóc; tôi không thể nào quyết định cho mình một con đường để đi. Ở lại để mong còn gặp lại cha mẹ, chị em hay cùng chồng ra đi đễ vĩnh viễn rời xa tất cả.

Chỉ còn mấy ngày nữa là hết tháng 4, ngày nào cũng có những tin tức mới làm cho người ta không còn biết tin vào đâu. Anh Long không còn đi Biên Hoà mà ngày ngày vào Tân sơn Nhất để ngóng tin. Mẹ và gia đình người chị của anh định đi Pháp, anh muốn cho tôi đi theo nhưng tôi không chịu. Tôi đã mất gia đình thì bây giờ cái gia đình nhỏ bé nầy là gia đình độc nhất của tôi. Tôi chỉ còn biết chồng đâu vợ đó mà anh thì chưa thễ rời đi được. Chính phủ đã ra thông báo, lính đào ngủ sẽ bị tù và ngay cả những hảng hàng không đi nước ngoài cũng không bán vé cho đàn ông, thanh niên đang còn trong lứa tuổi quân ngủ. Những ngày đó, tôi không dám ra đường, ở nhà ôm hai con, cứ lo rằng nếu buông các con ra, tôi sẽ mất luôn chúng nó. Lúc đó con gái tôi mới ba tuổi, con trai hai tuổi và tôi còn đang mang cái bụng bầu, lúc nào cũng trong tình trạng báo động, thu xếp hành trang để chuẩn bị lên đường mà không biết sẽ đi đâu!

Cuối cùng chiều 28/4, chồng tôi và một người bạn từ TSN trở về, hối hả đưa tôi và các con vào phi trường. Trên đường từ nhà vào phi trường, người đông như kiến, ai cũng tới lui vội vã và cổng phi trường kẹt cứng, mọi người đều muốn chen qua để vào được bên trong. Người bạn của anh xuất trình giấy tờ và đưa chúng tôi về nhà của anh trong khu nhà sĩ quan phía sau lưng câu lạc bộ Huỳnh Hữu Bạc. Vợ và hai đứa con nhỏ của anh cũng đang sửa soạn hành trang gọn nhẹ cho một chuyến đi. Tôi không suy nghĩ được gì cả, tâm trạng âu lo, bối rối làm cho tôi ngồi đứng không yên. Tôi phụ chị ấy lo vội một mâm cơm sơ sài cho qua bửa. Chiều tối lại thêm gia đình một người bạn của anh Việt đến nữa. Vậy là trong ngôi nhà bé nhỏ đó có tất cả ba gia đình. Tin tức trên truyền hình liên tục loan ra những tin nóng bỏng và đến tối, ông TVH đã thoái vị và ông DVM lên thay nhưng tình hình cũng không có gì sáng sủa hơn. Tôi không còn thiết đến những tin tức chính trị nữa, chỉ muốn biết số mạng của chúng tôi sẽ ra sao! Cơm nước xong, Long và anh Việt chở nhau vào sân bay để xem xét tình hình. Tôi và chị Việt ở lại nhà cùng các con trong khi gia đình anh Luận từ giả, nói là về lại nhà ngoài Sài Gòn. Nhưng sau đó mới biết là họ đã qua nhà một người bạn trong khu cư xá phi đoàn C130 với hy vọng là đi dễ hơn.

Chúng tôi thu xếp chổ ngủ cho mấy đứa nhỏ, còn người lớn thì chắc là không thể nào chợp mắt được. Trời vừa tối, tiếng pháo kich bắt đầu nổ dòn, có những tiếng rất là gần giống như ngay bên cạnh nhà làm cho mấy đứa con nít giật mình thức dậy. Chúng tôi qua một đêm trong kinh hoàng, chỉ mong trời mau sáng vì suốt đêm những tiếng rít như xé không gian kéo theo những chòm lữa đỏ như pháo hoa bay trong đêm đen rồi những tiếng nổ long trời lỡ đất làm mọi người kinh hãi, không biết tai họa sẽ giáng xuống đầu mình lúc nào. Hai người đàn ông trở về với cái tin gia đình anh Luận qua bên kia bị trúng ngay một quả pháo kích, chết cả mấy gia đình. Số trời, muốn tránh cũng không khỏi!

Qua một đêm thật dài, chúng tôi mòn mõi mong trời mau sáng! Tôi bắt đầu nghe tiếng nhốn nháo bên ngoài, từng tốp người qua lại trước mặt, ai nấy đều mang bộ mặt hãi hùng. Tôi bước ra sân, trời chưa sáng hẳn! Long và anh Việt lại đèo nhau ra đi sau khi dặn dò chúng tôi ở nhà phải chuẩn bị sẳn sàng.

Mấy tiếng đồng hồ sau, tôi nghe tiếng trực thăng quần trên mái nhà nên chạy ra ngoài. Thì ra chồng tôi và anh Việt đã trở về trên chiếc trực thăng đó và đang sửa soạn đáp xuống bãi đất trống trước nhà. Anh Việt phía sau ra dấu cho chúng tôi chạy ra nhưng có rất đông người ùa đến và muốn lại gần máy bay để trèo lên dù các bui bay ngập trời. Anh phải nhảy xuống và máy bay lại cất cánh lên cao. Kéo chúng tôi vào trong nhà, anh Việt xách vội cây súng và mở cửa sau, bảo chúng tôi vượt qua bức tường thấp để anh Long có thể đón ở sân sau của câu lạc bộ HHB. Anh bồng mấy đứa nhỏ đưa qua và giúp chúng tôi trèo qua tường với một ít hành lý. Khi chiếc trực thăng kia quay lại và sắp sửa đáp xuống cũng là lúc người ta bắt đầu tràn tới. Họ chen lấn nhau để trèo lên nhưng anh Việt đã lên đạn và la to:

-Ai đến gần tôi sẽ bắn đó. Gia đình chúng tôi lên trước!

Câu nói đó có hiệu quả và anh Việt kéo chúng tôi lên được trên máy bay. Cho lên thêm mấy người nữa và anh Long cất cánh bay lên giữa tiếng la hét của đám đông. Họ vẫn chạy theo giữa đám gió bui tung mịt mù cho đến khi chiếc trực thăng đã lên cao.

Bình tỉnh ngồi được trên máy bay, tôi mới biết có thêm một người ngồi ở phòng lái với anh Long mà tôi chưa hề gặp mặt. Tôi hỏi Long mình sẽ đi đâu, anh nói cũng chưa biết, có lẽ là sẽ đi Phú Quốc. Cứ cất cánh lên đã, biết đâu sẽ bắt được tin tức trên những tầng số. Cứ thế máy bay cứ lên cao dần và chuyển về hướng biển. Anh Việt cho biết là có nhiều người bay ra Phú Quốc, có lẽ sẽ có tàu Mỹ đón ngoài đó!

Bay trên không trung cho đến khi ra khỏi đất liền, thì các anh nhận được tin tức là bay ra, hạm đội của Hải quân Mỹ đang chờ đón ngoài khơi. Khi không còn thấy đất liền nữa là bắt đẫu thấy những chiếc tàu lớn trên mặt nước, từ từ lớn dần khi chúng tôi đến gần hơn. Trên làn sóng truyền tin và theo sự hướng dẫn, Long đáp xuống một chiến hạm của Hải quân Mỹ mà sau nầy tôi được biết có cái tên là Oklahoma City.

Chiếc trực thăng vừa đáp xuống sàn tàu là một nhóm lính Mỹ qua làn gió cuồn cuộn, chạy đến để phụ đỡ đàn bà con nít xuống và kéo chúng tôi ra khỏi vùng ảnh hưởng của cánh quạt vẫn còn đang quay chậm dần rồi dừng hẳn. Chúng tôi nhập vào với đòan người đông đảo trên sân rồi theo chân những ngưởi lính kia xuống dưới hầm tàu để được sắp xếp chổ ở. Họ đưa vào một căn phòng có những chiếc gường nhỏ được sắp xếp hai tầng ở hai bên rất là ngăn nắp và sạch sẽ. Gia đình chúng tôi chiếm hai giường trên và dưới. Anh chị Việt cũng hai giường ngay đối diện. Sau một đêm dài thức trắng, nay được yên tâm dừng chân tại một nơi chốn an toàn, tôi đã ôm đứa con nhỏ ngủ một giấc ngon lành. Khi tôi giật mình thức dậy, nhìn lên giường trên chỉ thấy đứa con gái, còn Long thì không thấy đâu cả. Hỏi thăm chị Việt thì mới biết là anh và anh Việt đã lên trên sau khi có người lính thủy xuống gọi. Chúng tôi đều không biết việc gì xảy ra, nhưng sau đó, khi hai anh về tới, kể chuyện lại mới biết là vì những chiếc trực thăng đáp xuống quá đông và sẽ còn những chiếc khác sẽ tới nữa, cho nên ông hạm trường muốn các pilot phải đem bỏ những chiếc máy bay của mình vừa lái tới vào lòng biển. Long cho biết, cũng may là năm ngoái, anh được theo học khoá “survivor” cho nên anh đã hoàn thành được nhiệm vụ và trở về với quần áo ướt nhem. Anh kể rằng, sau khi lái chiếc máy bay của anh ra ngoài một đoạn cách xa với chiếc những con tàu nằm rải rác ngoài khơi anh phải tắt máy cho máy bay đâm xuống nước và anh phải bơi ra làm sao cho không bị cánh quạt chém phải (những việc chuyên môn đó, tôi không nhớ rỏ), và sau đó anh được ca-nô của tàu ra đón trở về. Đối với anh đây chỉ là việc bình thường, nhưng với những pilot chưa từng theo khoá học đó, có thể sẽ không làm được và cũng có thể bỏ mạng trong lòng biển không trở về được với vợ con. Cũng may là tôi ngủ, không biết gì, chứ nếu tôi biết được anh đi làm việc nguy hiểm như vậy, tôi đã không thể nào yên tâm được. Tôi cũng được biết, người co-pilot của anh Long đã theo trực thăng khác trở về đất liền để tìm cách cho vợ con vượt thoát vì họ đang ở Cần thơ, cách xa thành phố Sài Gòn.

Chúng tôi được phát những khẩu phần ăn giống như những thủy thủ trên tàu trong khi người tới càng thêm đông. Đứng trên boong tàu, lại chứng kiến thêm những chiếc trực thăng được bay lên rồi thả rơi vào lòng biển cả làm cho xoáy động cả một vùng nước, rồi những chiếc ca-nô liên tục vớt lên những pilot mà có thể đó là phi vụ cuối cùng trong cuộc đời của họ.

Trời đã về chiều, chúng tôi đang ngồi trên giường chuyện trò cùng những người chung quanh thì có một anh lính thuỷ xuống tìm Long nói nhỏ một điều gì đó và Long đi theo anh ta sau khi cho tôi biết là ông hạm trưởng tìm anh. Tôi luôn luôn hồi họp với những việc như vậy nhưng không làm sao hơn được nhưng đợi mãi cho đến trời gần tối mà vẫn chưa thấy anh trở về. Tôi gởi Cẩm Linh cho chị Việt và đắt Công lên boong. Tìm hoài không thấy Long đâu, tôi nhờ một người lính dẫn tôi vào phòng chỉ huy và được gặp ông hạm trưởng. Qua lời ông, tôi được biết vì có một pilot sau khi đáp xuống đã bỏ xuống dưới không chịu đi bỏ chiếc trực thăng của ông ta cho nên ông hạm trưởng phải nhờ anh Long đi bỏ dùm để tránh chổ cho những chiếc khác đáp xuống. Nhưng rồi sau đó đoàn tàu di chuyển và không biết anh ấy đã được tàu nào vớt, ông nói là ông ta sẽ cố tìm kiếm. Tôi nghe mà rụng rời vì nếu không có anh Long, tôi không thể nào cùng với hai con đi đến bất cứ nơi xa lạ nào. Tôi nói ý đó với ông hạm trưởng và xin ông cố tìm dùm tông tích của Long, nếu tìm không được chắc tôi sẽ ôm hai con mà nhảy xuống biển. Nếu không có anh, tôi sẽ hoàn toàn sụp đổ. Ông hạm trưởng an ủi tôi và hứa sẽ ráng liên lạc với cả đòan tàu để tìm xem anh lưu lạc nơi nào.

Tôi dắt con trai tôi trở xuống dưới với tâm trạng rã rời và lo sợ. Đêm đã khuya, tôi để hai con ngủ và lên trên tìm vị hạm trưởng thêm lần nữa nhưng vẫn chưa có tin tức gì nhưng khoảng một tiếng đồng hồ sau, đích thân ông ta xuống và cho tôi biết là đã tìm được anh ở một tàu khác. Ông sẽ tìm cách đưa anh trở về lại đây để đoàn tụ với vợ con. Tôi phân vân không biết là ông ta nói thật hay chỉ nói vậy để trấn an tôi, nhưng tôi cũng cố ráng tin, để tự cho mình một tia hy vọng.

Trời gần sáng, mẹ con tôi đã mòn mỏi trong giấc ngủ, thì tôi nghe tiếng gọi tên tôi khe khẻ, mở choàng mắt ra, tôi thấy Long đang cúi xuống bên tôi. Mừng quá, tôi ôm choàng lấy anh và tạ ơn Trời Phật đã trả lại cho tôi người chồng toàn vẹn.

Trời sáng hẳn, những người thuỷ thủ trên tàu kéo đến bắt tay chồng tôi, tỏ ý cảm phục việc làm của anh. Họ đem đến nhét vào túi mấy đứa con tôi bánh kẹo, những thỏi chocolat ngọt ngào và ngay cả những đồng dollar xanh đầu tiên đóng góp cho chúng tôi những bước đầu trên con đường đến đất hứa. Các con tôi không biết gì, nhưng có bánh kẹo để ăn và chia cho các bạn khác, chúng nó cười toe toét nhưng tôi lại bảo nhỏ chồng tôi là anh không thể làm việc đó thêm lần nào nữa cả, vì anh đã đem lo lắng và sợ hãi cho tôi. Tôi vừa mới mất gia đình,bây giờ chỉ còn có anh là cột trụ nương tựa tinh thần cho tôi. Anh chỉ vổ vai tôi an ủi nhưng tôi biết anh vẫn sẽ làm như vậy khi cần thiết phải làm!

Sau khi chúng tôi ăn sáng trong nhà ăn của thuỷ thủ, họ cho biết sẽ dời chúng tôi qua một trong những chiếc tàu khác. Đó là những chiếc tàu hàng lớn mà chính phủ Mỹ đã thuê họ qua VN để chuẫn bị cho một cuộc di tản to lớn khi miến Nam sụp đổ.

Chúng tôi từng đòan xuống xà lan để qua một chiếc tàu lớn. Ở đây đã có rất nhiều người VN chia ra từng nhóm nhỏ. Mỗi gia đình đã chiếm lấy một khoảng nào đó trên boong tàu. Gia đình tôi và gia đình anh Việt cũng nhập vào với đám đông, tự tìm cho mình một chổ để che mưa nắng. Khi an vị được thì trời đã quá trưa, mọi người đều phải tới nơi phát thức ăn để nhận những khẩu phần đồ hộp. Trong hành lý tôi có đem theo được một thùng mì gói và sửa bột. Tôi đi xin nước sôi để pha sửa cho Công và nấu mì cho Cẩm Linh. Văng vẳng đâu đây có tiếng radio phát thanh từ Sài Gòn, cũng toàn những tin nghe mà đau lòng.

Chiều hôm đó, 30/4 vị chỉ huy cuối cùng của Việt Nam cộng hoà đã đầu hàng và kêu gọi quân nhân buông súng. Đàn ông trên tàu tức tối, nhưng cũng không làm gì hơn được. Con tàu vẫn còn buông neo để chờ đợi thêm những người vượt thóat được và khi đã không còn sức chứa nữa, nó bắt đầu nhổ neo tiến về Subic Bay của Phi Luật Tân. Ngày ngày trên con tàu lênh đênh giữa biển khơi đó, trông thấy những cảnh tượng trái ngược nhau. Những vị tướng lãnh như ông Phó một thời, vẫn hách dịch với đàn em chầu chực bên cạnh, hầu hạ, bợ đỡ dù đã sa cơ thất thế. Ông ta chiếm hẳn một khu riêng giống như một tổng hành dinh điều binh khiển tướng, không nhớ ra rằng thân phận bây giờ không khác chi một hàng thần lơ láo. Một vị tường khác, cô độc với gương mặt buồn bã, dùng một thành gổ dài gác từ một thành hơi cao xuống tới sàn tàu, ngã lưng trên đó với cánh tay vắt ngang qua trán, không nói chuyện với ai, chỉ thỉnh thoảng thở dài não nuột. Cũng có những vị với những hoa mai bạc lấp lánh trên cổ áo, hống hách với đàn em làm họ nỗi giận phang cho những câu nói làm đụng chạm đến tự ái của nhau.

Thôi thì đủ hết mọi hoàn cảnh mà những người phải bỏ nước ra đi phải trải qua. Mỗi người một suy nghĩ riêng, nhưng mỗi ngày con tàu mỗi rời xa quê hương yêu dấu của mình làm ai cũng buồn khi nghĩ đến có thể là mình sẽ không còn cơ hội để trở về nữa.

Tàu chỉ ghé qua Subic Bay một đêm rồi hôm sau lại tiếp tục lên đường qua đão Guam. Đây là lần đâu tiên từ khi rời khỏi VN chúng tôi được đặt chân lên đất. Khi đến đây, trời cũng đã tối và qua thủ tục kiểm tra, chúng tôi được sắp đặt cho vào ngủ trong những chiếc lều lớn. Sáng hôm sau, mấy chiếc máy bay lớn đưa chúng tôi qua Wake island vì ở đây đã quá đông người. Tại đây, chúng tôi được ở trong nhà, mỗi gia đình được một phòng và tại đây, chúng tôi gặp lại gia đình người chị của anh Long và mẹ của ảnh. Chúng tôi được ở chung trong một căn nhà và những ngày sống tại đây, tôi có cảm tưởng như mình đang đi nghỉ mát. Ngày ngày, chúng tôi chỉ có việc giặt đồ là tự mình làm, còn việc ăn uống, cứ đến giờ là đi sắp hàng lãnh đồ ăn.

Ngày tháng qua mau, chúng tôi ở Wake được 1 tháng thì cả gia đình lên máy bay đi Hawaìi vì tôi bị sa thai. Cái thai 6 tháng rưởi của tôi quá yếu ớt; thời gian ở trên tàu, người ta xã nước tằm rửa, tôi hay bị trượt té. Suốt hai tuần tôi phải nằm trong bệnh viện ở Hawaìi, chồng tôi phải lo cho các con cho đến lúc tôi khoẻ được chút là lên máy bay qua California. Chì mấy ngày sau khi đến Cali, tôi sanh thiếu tháng và đứa bé chỉ có 4 pounds phải nuôi trong lồng kính nhưng bé Ly Hương cũng chỉ sống với chúng tôi được 6 tuần rồi cũng bỏ chúng tôi mà đi. Cuốc sống tiếp diễn và tôi phải tạm quên đi cái buồn mất con để còn cố gắng hòa nhập vào cuộc sống mới, cho tương lai của những đứa con còn lại.

Thời gian như thoi đưa, thắm thoát đã 36 năm. Chồng tôi cũng không còn trên cõi đời nầy nữa, những đứa con tôi cũng đã có cuộc sống riêng, vui với gia đình hạnh phúc riêng của từng đứa. Còn tôi, mỗi lần đến 30/4, tôi luôn luôn nghĩ lại cái ngày nầy của năm ấy, mãi mãi hoài niệm những phút giây tôi đã buông xuôi cuộc sống, mặc cho hoàn cảnh đưa đẩy, để bây giờ sống tha hương, tự lập cho mình một gốc rể cho các con nương tựa và không biết khi sau khi tôi nhắm mắt xuôi tay, các con tôi có còn nhớ một chút gì về quê mẹ nữa không! |


25/4/2011

(Kỷ niệm sinh nhật cháu ngoại Alex
)