Tình Cha

Trương Hoàng Vân
(CHS PTG NK 69)



Tôi không biết phải mở đầu thế nào khi tôi muốn viết về ba tôi, người cha mà tôi luôn kính yêu, thương mến. Người cũng là thầy dạy tôi suốt những năm học: Lục, ngũ, tứ, tam...

Nửa thế kỷ cho một ngôi trường, 50 năm với bao thế hệ học trò lớn nhỏ. Những cái tên Hoàng Mai, Hoàng Vân, Hoàng Sơn, Hoàng Oanh... của chị em chúng tôi rất dễ bị trùng lặp trong biển tên của ngàn ngàn học sinh Phan Thanh Giản. Nhưng nhắc đến “Hoàng Vân con thầy Thông” thì các bạn đồng môn nhận ra tôi ngay với cái đuôi diễn nghĩa: “Con thầy Thông” sát liền sau tên tôi. Tôi tự hào và tràn trề thương mến với cái “tiếp vĩ ngữ” ấy. Vì tôi thương ba tôi, phục ba tôi và luôn hiếu kính Người, nhất là trong những tháng ngày Người đau yếu, bệnh hoạn với tuổi già như hôm nay.

Quê nội tôi ở Đức An, một thôn xóm nhỏ sát chân núi, thuộc làng Bình Phú, Quận Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam . Ba tôi chào đời ở quê nội hiền hòa, thân thương ấy. Sau này, ông nội tôi đổi ra Bắc làm quan Thú Y tại Hòa Bình nên đem cả gia đình ra đó. Trong một cuộc đi săn ông nội tôi đã đột ngột qua đời, khi ba tôi vừa tròn 8 tuổi. Thuở thiếu thời ba tôi học tại Hà Nội và cũng đã từng là một công tử lịch lãm: học có danh, chơi có tiếng ở đất Thăng Long cổ kính này. Đến bây giờ, ba tôi vẫn còn giữ lại những bức hình ngày xưa với những tấm ảnh chân dung của bao người đẹp nổi tiếng Hà Thành thời ấy với nhiều lời đề tặng hữu duyên và tình tứ.

Rồi ba tôi trở về Quảng Nam, tham gia phong trào vệ quốc quân và dạy học tại trường Trần Dư – Hội An. Sau đó ba tôi đến dạy ở trường Phan Châu Trinh, Cẩm Khê, Hội An. Cũng tại ngôi trường đầu tiên của thời đi dạy, ông gặp má tôi, một cán bộ phụ nữ cứu quốc vừa là một cô học trò giỏi, duyên sắc mặn mà, thua ông đến 8 tuổi. Ông kết hôn với má tôi năm 1947 va đùm bọc cả gia đình bên ngoại suốt thời kháng chiến cho đến lúc hòa bình. Khi chúng tôi đã khôn lớn, ba tôi hay kể lại: “Má chúng con rất hiếu học - Vừa nuôi con dại (hồi đó chị Hoàng Mai mới được 11 tháng) vừa học sư phạm” - Ông ngoại tôi cũng dạy trường Phan Châu Trinh, Cẩm Khê, ông ao ước má tôi tiếp tục đèn sách dù đang bận bịu tay bế, tay bồng.

Lúc tôi mới được mấy tháng tuổi, một hôm ba tôi đi săn về, súng bị kẹt đạn nên ba tôi mở nòng súng để lau chùi, thảo gỡ. Lúc đó má tôi ẵm tôi trong lòng, chị Hoàng Mai đang đi lẫm chẫm bên cạnh. Không ngờ đạn nổ! Chị Mai thất thần khóc thét lên, thấy chị tôi máu me đầy mặt, ba tôi vội chạy đến ôm chị và la lớn: “Trời ơi tôi đã hại con tôi rồi! Tôi làm mù mắt con tôi, Trời ơi!” Người lo cho chị Mai mà quên rằng bàn tay trái của mình cũng đẫm máu. Sau đó, cả nhà mới biết: Đạn nổ làm ba tôi bị cụt ba ngón tay. Cho đến bay giờ, bạn bè còn gọi ba tôi là “ba cụt” và nhiều thế hệ học sinh đã từng thụ giáo với ba tôi cũng đã gọi ba tôi (gọi sau lưng thôi) “Thầy Thông cụt” để phân biệt với “Thầy Thông già” dạy Pháp Văn ở Phan Thanh Giản. Tôi biết họ chẳng có ác ý hay châm chọc gì, các học trò cũ rất mến phục ba tôi, nhưng thuở thiếu thời, ai không tinh nghịch chưa phải là học trò. Và thảng hoặc, nếu nghe được biệt danh ấy, ba tôi vẫn mỉm cười bao dung. Chẳng thế mà nhiều học trò cũ vẫn đến thăm ba tôi, ngồi hàng giờ bên người thầy cũ, hàn huyên, tâm sự với tất cả chân tình. Ngày ba tôi nhập viện, rất nhiều bệnh nhân cùng phòng ngạc nhiên: “Ông ni làm tới cấp chi mà nhiều người đến thăm như vậy?” Má tôi cũng nở mặt với bạn bè: Sao chồng chị được nhiều người thân tình thăm hỏi. Sau khi thoát nạn với ba ngón tay cụt, ba tôi ấm lòng hơn vị chị Hoàng Mai chỉ bị mảnh đạn nhỏ văn trên mí mắt, để lại trên khuôn mặt trắng hồng, duyên dáng của chị một vết sẹo nhỏ, rất nhỏ. Từ đó ba tôi bỏ không dám đi săn nữa. Riêng tôi, tôi vẫn thắc mắc: Không biết có phải nhờ vết sẹo tí hon trên mí mắt ấy mà chị Hoàng Mai được nhiều chàng trai để ý. Trên chuyến bay từ Mỹ về Sài Gòn, có người tóc đã muối tiêu vẫn nhận ra tôi có nét giống Hoàng Mai và gởi lời thăm chị với bao thổ lộ chân tình của một chàng học trò Phan Thanh Giản ngày xưa, ở cái thuở:

“Nàng đến gần tôi chỉ dám... Quay đi

Cả những giờ bên lớp học trường thi

Tà áo khuất thì thầm: “chưa phải lúc...”

Và đến khi “phải lúc” như hôm nay thì chị Hoàng Mai đã lên chức bà nội từ khuya!

Năm 1955, gia đình tôi dọn ra Đà Nẵng, ba tôi tiếp tục sự nghiệp “gõ đầu trẻ” ở trường Phan Thanh Giản, ngôi trường tôi đã theo học suốt 12 năm, từ mẫu giáo lên đến đệ nhất, ngôi trường với bao kỷ niệm thân thương, với bao thăng trầm đáng nhớ.

Ba tôi là người theo Tây học, nên lối giáo dục con cái cũng có phần cởi mở hơn những gia đình khác. Ở trường, ông là một giáo sư nghiêm nghị, ít ai thấy ông cười. Nhưng về nhà, với vợ con, bạn bè, thân tộc, ông là người vui vẻ, trào phúng và hay diễu cợt, nhất là nói chuyện tiếu lâm. Về điểm này chắc ít học sinh nào của ba tôi biết rõ được. Ông sống gần gũi với con cháu, tuy ít khi ông bộc lộ tình thương rõ rệt. Thời chúng tôi còn nhỏ, ông thường chở chị em chúng tôi hai hoặc ba đứa vượt đèo đi Huế bằng xe Vespa. Sau khi thăm bạn bè, tối đến mấy cha con xuống sông Hương, thuê đò ngủ để thưởng thức mấy cô chèo đò ca Huế. Tôi còn nhớ lúc nhà tôi ở phường Thuận Thành, gần biển Thanh Bình, ba tôi đưa bốn chị em đi tắm biển, ông vác theo một chiếc ghế bố quân đội ngày xưa, chúng tôi cả bốn đứa đều còn nhỏ, chưa biết bơi, nên ông trải ghế bố trên mặt nước và cho bốn chị em tôi lên trên đó. Không biết chúng tôi loay hoay thế nào mà ghế bố xếp lại, cả bốn chị em đều lọt xuống biển. Ba tôi vội bơi lại, chụp hết đứa này đến đứa khác, quýnh quáng vì bốn đứa con mà nước thì khá sâu, ba tôi dù có bơi giỏi đến đâu cũng không thể nào trở tay kịp. Ông la lên: “Ai cứu dùm con tôi với!”... May có mấy người đánh cá gần đó thương tình ra kéo giúp. Sau này kể lại ông còn nói: “Ngày đó, nếu có đứa nào chết trôi, tôi không biết làm sao mà sống được”.

Lúc gia đình chúng tôi ở đường Lý Thường Kiệt, thuê căn nhà nổi tiếng là có ma, nhưng ba tôi vẫn không tin. Má tôi là người yếu bóng vía, nên có dạo bị bệnh nặng, các bác sĩ đều bó tay; người hàng xóm mách bảo, khuyên ba tôi nên ngồi đồng, cứu má tôi khỏi cơn bạo bịnh. Ông là người Tây học làm sao tin được mấy chuyện ma quỷ, mê tín dị đoan. Nhưng càng ngày bịnh má tôi càng nặng thêm, bất đắc dĩ ông phải theo bà ngoại tôi đi coi đồng. Ngoại tôi kể lại: Lúc ông ngồi đội sớ, cô Đồng thấy ba tôi đẹp trai,mũi cao như Tây nên nhảy tới, nhảy lui đến vuốt mũi ông cố ý trêu ghẹo... Nhiều lần tức giận ông muốn bỏ về, nhưng bị bà ngoại tôi nhắc nhủ: “Cứ dằn lòng, thành tâm khẩn nguyện”... Nên ông ráng chịu cho qua. Trời thương, má tôi cũng khỏi bịnh, có lẽ gặp trúng thầy, trúng thuốc chứ chắc không phải vì nhờ ba tôi ngồi đồng.

Chúng tôi lớn dần với thời gian và gia đình tôi càng thêm đông đảo. Khi chúng tôi dọn đến đường Nguyễn Thị Giang thì má tôi sanh em thứ bảy tên Hoàng Bảo (bé Tí) nhưng em chỉ sống với chúng tôi có 7 tháng 23 ngày. Khi em trở bệnh nặng, sốt đến 42oC, nửa đêm, không có xe, ba tôi bồng em chạy từ nhà đến bệnh viện ở đường Hùng Vương. Với tất cả tình thương của cha mẹ và các anh chị, em cũng bỏ chúng tôi mà đi. Ngày đưa đám em, từ chỗ xe dừng đến nơi em an nghỉ là một quãng đường xa, mà ba tôi không để ai khiêng phụ cả, chỉ mình ông ôm lấy cái quan tài của đứa con trai xấu số đi suốt quãng đường dài rồi chính tay ông đặt em vào lòng đất. Ba tôi thổ lộ: Đây là cơ hội cuối cùng để ba tôi ôm em Bảo trong lòng.

Khi ba chị em chúng tôi đã đến tuổi hẹn hò, ba tôi không hề cấm đoán việc kết bạn của chúng tôi mà chỉ khuyên bảo, dạy dỗ cách chọn bạn. Hoặc khi có bạn trai đến nhà, sau khi họ về ông mới vạch cho chúng tôi thấy những ưu và khuyết điểm của người đó rồi tùy cho chúng tôi suy nghĩ. Ông cũng chính là người dạy chúng tôi những bước khiêu vũ đầu tiên, những gì chúng tôi có ý tò mò muốn tìm hiểu là ông cho nếm thử: Như uống bia, hút thuốc, đánh bài... Ba tôi tâm sự “Nếu biết rồi thì khỏi hiếu kỳ, tọc mạch và không phải lún sâu vào đam mê”.

Có những đêm chúng tôi đi chơi với bạn, kể cả bạn trai, ba tôi thức khuya làm bánh hoặc nấu chè đợi chúng tôi về ăn, (các bạn có tưởng tượng được một giáo sư nghiêm nghị như ba tôi mà có thể nhồi bột làm bánh hoặc đãi đậu xanh nấu chè không?). Tôi nghĩ có lẻ ba tôi cố ý thức khuya để xem chúng tôi có về đúng giờ qui định không.

Sau 1975, tôi rời xa quê hương và mãi đến 1987 mới có dịp về thăm gia đình. Ba tôi vào tận Sài Gòn đón vợ chồng tôi ở phi trường Tân Sơn Nhất. Đứng trong cửa kính nhìn ra lố nhố những người là người, không thể nào tìm được bóng dáng người thân của mình lẫn trong đám đông ngút ngàn ấy. Khi thấy ba tôi vẫy tay là nước mắt tôi lại trào dâng (tôi đã bắt đầu khóc từ khi máy bay vào tới không phận Việt Nam), chạy vội đến ôm chầm lấy ba, tôi vuốt ve đôi tay gầy guộc của Người và không nói lên lời. Ba tôi gầy ốm quá đâu còn dáng dấp thanh lịch, nghiêm nghị của một giáo sư dạy toán, đâu còn dấu ấn của chàng trai nước Việt đã một thời oanh liệt nơi Thăng Long, Hà Nội 36 phố phường... Những ngày về thăm gia đình của tôi thật quí giá và thời gian trôi nhanh, trôi nhanh. Các con của ba bây giờ, đứa nào đứa nấy cũng đã yên bề gia thất, ba tôi đã có 2 cháu gọi bằng cố. Hiện tại thì ba tôi vẫn có những nỗi lo triền miên, suy nghĩ đến các con, đứa nào hạnh phúc, đứa nào dở dang... Má tôi thường kể lại: Đêm nằm ông hay suy tư và thở dài cho cái cảnh đứt gánh nửa đường của mấy đứa con gái, nhất là tôi (chị và em út tôi đã có gia đình lại sau một lần ly hôn). Đôi lúc, ba tôi lấy đó làm chuyện khôi hài: “Tôi có 5 đứa con gái mà lại có đến 8 chàng rể!”. Tôi biết trong tiếng cười đó có xen lẫn niềm chua xót, đắng cay...

Trong những năm tôi lâm bịnh, căn bệnh nan y mà ít người sống được. Ba tôi thường tìm đọc báo chí, sách vở... Thấy bài thuốc nào nói về phương cách chữa trị cho căn bệnh nan giải này, ông đều cắt báo và gởi sang Mỹ cho tôi. Năm đó, ông gởi thư cho vợ chồng tôi quả quyết: Bên Úc đã có người chữa được căn bịnh đó bằng lá đu đủ; ông mong tôi về Việt Nam một thời gian để ông có thể tự tay săn sóc cho tôi. Ông bảo: “Còn nước còn tát”. Thế là tôi trở về!

Mỗi buổi sáng, khi tôi còn ngon giấc, ba tôi đã đi quanh xóm xin lá đu đủ và tự tay sắc thuốc cho tôi trong chiếc ấm đất. Biết thuốc đắng, ba tôi cầm thêm 2 viên xí muội và xoa đầu tôi dỗ dành: “Ráng đi con, thuốc đắng dã tật, biết đâu nhờ vậy con sẽ hết bệnh”. Tôi cố nuốt vào miệng cái vị đắng của thuốc, nhưng tôi lại cảm nhận thật sâu xa cái ngọt ngào của tình phụ tử bao la... Những buổi trưa nóng bức, ông thường phe phẩy quạt trong lúc tôi ngủ, thay vì đó là việc làm của tôi với người cha già yếu, cũng là người thầy tận tụy thân thương của tôi suốt những năm đầu thời trung học. Tuy không tin bài thuốc dân dã đó nhưng tôi tin tình thương của ba tôi, tôi uống cho ông vui lòng, tôi xót xa khi ba tôi đã bỏ công lặn lội tìm lá thuốc cho tôi và tôi cũng không muốn thấy cảnh tre già khóc măng non. Trời đã không phụ lòng ba tôi, 10 năm qua căn bệnh của tôi đã giảm dần. Thấy tôi khỏe mạnh trở lại, ba tôi mừng như có thể kéo thêm tuổi thọ của ông.

Bây giờ, mỗi năm tôi đều về thăm nhà. Ba tôi ngày càng yếu đi, bước chân không còn cứng như xưa nữa, nhìn ông lần từng bước một, tôi xót xa đến ngạt thở...Nhưng tôi vẫn nhận ra tiềm tàng trong bóng dáng chậm chạp ấy là “Ba Thông” tôi yêu quý, là “Giáo sư Trương Văn Thông” đã từng đào tạo bao thế hệ học trò, là “Anh Thông” thân yêu của má tôi, là “Thầy Thông” của bao đồng nghiệp cũ, là chàng thanh niên trai trẻ Hà Nội kinh kỳ ngày nào. Tuy rất yếu nhưng ba tôi vẫn cố gượng đi, ông không muốn chống gậy để má con chúng tôi lầm tưởng ông vẫn khỏe, ăn uống khó khăn nhưng ông vẫn không muốn phiền đến vợ con. Tôi biết ông muốn cố giấu đi cái yếu ớt của mình, nhưng tôi vẫn cảm nhận được “thời gian của ba tôi” không còn bao lâu nữa, nếu một ngày nào đó ba tôi nằm xuống, không hiểu chúng tôi sẽ như thế nào, chắc sẽ như một bầy chim lạc đàn, sẽ cảm thấy hụt hẫng, không còn nơi tương tựa. Cho dù biết rằng sống chết là do mệnh trời, nhưng tôi vẫn mong ba tôi sống mãi với chúng tôi! Với những người thân thương, với đồng nghiệp, với ngôi trường Phan Thanh Giản mến yêu mà dễ chi có lần thứ hai để tổ chức thêm một lần mừng kỷ niệm 50 năm thành lập.

Vâng, chỉ có một lần, một lần duy nhất cho một đời người để mừng kỷ niệm 50 năm, kỷ niệm Kim Khánh. Tôi sẽ thắp cho Phan Thanh Giản mến yêu 50 ngọn nến và tôi sẽ đem tàn nến đó về Mỹ để nhớ thương, để kể lại cho các con tôi nghe trường tôi đã theo học suốt 12 năm với bao kỷ niệm khó phai... Và để con tôi khỏi thắc mắc: “Má ơi, tại sao các bạn của má đều gọi ông ngoại bằng thầy”.

 

TRƯƠNG HOÀNG VÂN

 

 

- Trích từ Đặc San Kỷ Niệm 50 năm trường PTGĐN 2004 -

Quý vị muốn đặt mua đặc san này xin bấm vào Gian Hàng PTGĐN, Đa tạ!