Chập Chùng Kỷ Niệm

GS Võ Anh Dũng

 

Trong đời sống mỗi người đều có một quãng đời đáng nhớ. Với tôi đó là thời gian dưới mái trường Phan thanh Giản Đà nẵng

Tôi có cái may mắn là  một học sinh PTG và sau nầy trở lại trường xưa với  công việc hướng dẫn những người trẻ tuổi hơn mình, được làm một gạch nối giủa thế hệ  của các anh chị  lớn tuổi theo học từ ngày trưòng mới được thành lập và những người trẻ hơn gắn bó với trường cho đến ngày trường bị xóa tên. 

THUỞ HỌC TRÒ

Sau hiệp định Genève, gia đình tôi dọn ra Đà Nẵng. Ba tôi được cậu tôi giao cho công việc điều hành trường Phan thanh Giản  đang trong giai đọan hòan tất.

Riêng tôi, vì vừa thi đậu vào trường trung học công lập Trần Quốc Tuấn nên ở lại Quảng Ngải,  học cho hết năm đệ thất ( lớp 6 ).

Năm sau , ra Đà Nẵng lẻ ra sẽ vào học trường Phan châu Trinh nhưng  ba tôi quyết định cho tôi học tại  Phan thanh Giản  để dễ kiểm sóat việc học của tôi hơn.

Trong 3 năm  tại trường Phan thanh Giản, năm học lớp đệ tứ ( lớp 9 ) đã cho tôi nhiều kỷ niệm về ngôi trường thân yêu nầy. Lúc bấy giờ trường có hai lớp dệ tứ:  lớp đệ tứ 1, lớp tôi học, là lớp  trai gái học chung; lớp đệ tứ 2 tòan là nam sinh.

Tuy đồng lớp,  các nữ sinh trong lớp tôi phần nhiều lớn hơn các chàng húi cua tụi tôi  3,4 tuổi nên các chị xem chúng tôi như em trai.

Khi có các công tác trường, cựu  giáo sư Nguyễn gia Ái và tôi hay bị các chị sai vặt như đi kiếm củi nấu ăn trong những lần cắm trại, mang các vật nặng trong những lần cứu trợ nạn nhân bão lụt ở các vùng quê, quét lớp, kê bàn ghế trước khi quí Thầy, Cô vào lớp.

Trong lớp tôi, anh Ái và chị  DL là hai học sinh bị chọc phá nhiều nhất vì cả hai rất đẹp trai và đẹp gái. Nguời chọc phá nhiều nhất là...tôi vì anh Ái là anh họ tôi.

Mỗi tuần, đến giờ lý hóa của thầyTrương văn Thông,  chờ cho anh Ái và chị L vào chổ ngồi là tôi lên bảng viết :

                    Ái+ L = Vợ, chồng

Và khi mọi người cười xong tôi mới lau bảng và về chổ ngồi. Chị L thì mặt đỏ, chỉ mặt tôi và nói " tau mét thầy Trị cho coi nghe. Sao mi cứ chọc tau hoài rứa. " Nói thì nói nhưng chưa bao giờ chị mét ba tôi. Còn anh Ái chỉ cười tủm tỉm ra chiều thích thú lắm.

Tôi may mắn là còn có được một vài anh chị cùng lớp hiện ở Mỹ. Trong ĐH I, tôi được gặp lại chị L, chị Huy, chị Hồng, anh Dương viết Định, va` mới đây tôi đã liên lạc được với anh Vũ Long ở Texas.. Hôm ăn bún cá ngừ ở nhà chị L, chị vẫn nhắc lại chuyện cũ và nhìn tôi lắc đầu " tui khong biết tại sao hồi xưa ông nghịch ngợm như rứa mà chọn nghề thầy gíao?" Tôi cười " Có hoang nghịch mới trị được đám học trò của tôi sau nầy chị L ơi. Chị cũng biết là học trò Phan thanh Giản mình vừa nghịch vừa học giỏi nhất Đà Nẵng  mà!!".

Ở thời điểm đó chúng tôi học 6 giờ Anh văn và 6 giờ Pháp văn 1 tuần. Thầy Dung dạy Anh văn và thầy Đỗ Quảng dạy Pháp văn. Thầy Quảng rất hiền nên trong giờ của thầy học sinh rất ồn ào. Thầy chỉ la, dọa chứ chưa phạt ai.

Trong lớp đệ tứ I của tôi có 2 người tên Dũng: anh Huỳnh bá Dũng và tôi. Anh HB Dũng rất đẹp trai và la` nhân vật nỗi tiếng trong cuộc tình với 1 trong những người đẹp "Lầu đen" trên đường Nguyễn Hoàng.

Và cũng vì có 2 tên Dũng nên có 1 lần tôi suýt bị ba tôi ( cựu giáo sư, tổng giám thị Võ đình Trị) phạt quì ở cột cờ giửa sân trường.

Số là một hôm trong giờ Pháp văn của thầy Quảng, anh H B Dũng không biết đã chọc chi DL thế nào mà chị bổng la to:" Thầy ơi, thằng Dũng chọc con hoài nì."

Không cần quay lại, thầy đi thẳng xuống văn phòng nói cho ba tôi biết. (lớp tôi nằm sát văn phòng).

Chỉ vài phút sau, tôi bị kêu xuống văn phòng. Ba tôi nhìn tôi  và nghiêm giọng:  "Trường có cả nghìn học sinh. Ba lo về kỷ luật cho trường; không dạy được con thì dạy ai hả? Để làm gương, ba sẽ bắt con quì cột cờ trong giờ ra chơi." Tôi xanh mặt và nói "  Thưa ba, con đâu có chọc chị DL, anh....". Ba tôi ngắt lời :" Việc con chọc DL cả trường ai cũng biết, lâu nay ba làm lơ vì không phiền đến qúi Thầy, Cô. Chừ thầy Quảng hiền như rứa mà còn không chịu được phải xuống PV báo cáo. Vậy mà còn chối nữa hả?"

Trong khi ba tôi chuẩn bị mở hệ thống âm thanh để loan báo tội trạng và hình phạt dành cho tôi, thì chị Mai thị Huy chạy xuống VP nói với ba tôi: " Thưa thầy, không phải thằng Dũng ni mô."

Tôi thấy mặt ba tôi có một thoáng vui và hình như ông vừa thóat qua một sự xung đột nội tâm rất lớn. Ông nói với chị Huy : "  Con về lớp dẫn H B Dũng xuống đây cho thầy." 

Tôi theo chị Huy về lại lớp và mừng vì vừa thoát khỏi đại nạn. Ra khỏi cửa văn phòng chị Huy cười:" HBD thú tội với thầy Quảng nên chị mới báo cho thầy Trị biết. Em mà bị phạt quì ở cột cờ trong giờ ra chơi chắc sẽ ế vợ suốt đời."

Chỉ vài phút sau, anh H B Dũng về lại lớp. Anh nháy mắt và nói nhỏ với tôi : " Thầy chỉ la tau và bắt tau hứa là không phá trong lớp nữa."

Liên lớp của tôi có rất nhiều người đã thành danh. Anh Trần vinh Anh, lớp tứ II đã một thời làm hiệu trưởng trường Phan châu Trinh. Anh không may đã bị tử vong trong khi làm chánh chủ khảo kỳ thi tú tài II tại Nha Trang. Anh Quách Thưởng, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 21 Biệt động Quân đã có công lớn trong việc tái chiếm thành nội Huế trong trận Mậu Thân. Anh hiện giờ đang ở Cali.

THỜI CẦM PHẤN

Số mệnh đã đưa tôi đến với nghề đi dạy chứ không phải do tôi chọn lựa.

Đang học nửa chừng ở Đại  Học Huế thì Mẹ tôi trở bịnh. Gia đình tôi  nghèo, Ba, Mẹ tôi phải hết sức tằn tiện mới có thể chu cấp cho tôi tiền ăn, tiền tiêu để tiếp tục việc học ở Huế. Nay cọng  thêm tiền thuốc, tiền bác sĩ cho Mẹ, nên thiếu hụt về tài chánh là điều tất nhiên. 

Trong một lá thư dài, Ba tôi đã chia xẻ những khó khăn về tài chánh của gia đình và hy vọng tôi sẽ về phụ giúp người trong 1 thời gian và sẽ tiếp tục việc học sau khi Mẹ tôi bình phục.

Và thời gian đó là 10 năm kể từ ngày tôi bước lên bục giảng cho đến ngày bỏ nước ra đi.

Tôi đã có rất nhiều kỷ niệm buồn vui trong thời gian cầm phấn.  Ngoài các thành tích lừng lẩy trong các kỳ thi Tú Tài I và II,  những hoạt động văn nghệ, thể thao, cứu trợ nạn nhân bão lụt, ủy lạo những chiến sĩ Việt Nam Cọng Hòa ngoài tiền tuyến, trường Phan thanh Gian đã được sự tín nhiệm của phụ huynh và số học sinh ghi danh theo học càng ngày càng gia tăng . Đó là niềm vui, niềm an ủi cho ban giám đốc và ban giảng huấn.

Cho đến bây giờ và có lẻ mãi mãi về sau tôi vẫn còn nhớ 1 kỷ niệm thật buồn!

Một buổi sáng, bước vào lớp do tôi hướng dẩn, tôi cảm thấy một không khí khác lạ. Lớp học im phăng phắc và  nét nghiêm trang, buồn bả  hiện trên mặt hơn 80 học sinh thay vì nét tinh nghịch, nụ cười tươi vui  thường lệ.

Chị trưởng lớp rụt rè mang sổ điểm danh, sổ điểm và sổ đầu bài lên cho tôi. Hơi ngạc nhiên, nhưng tôi vẫn điểm danh. Khi kêu đến tên Trần quang K. tôi bổng nghe tiếng nấc ở bàn nữ sinh. Nhìn xuống. tôi thấy nhiều học sinh đang vội lau nước mắt. Chị trưởng lớp đứng lên, nước mắt lưng tròng, giọng run run, đứt quãng: " Thưa thầy, đêm qua..... Việt cọng pháo kích vào phi trường, đạn rơi lạc....... gần nhà anh K. K bị trúng mảnh đạn...bị thương nặng...đưa vào nhà thương nhưng...máu ra nhiều quá ...nên đã....qua đời." Và chị bật khóc . Tôi cũng đã khóc. K là một học nghèo, mỗi sáng phải đi bán bánh mì để phụ giúp gia đình nhưng là một học sinh xuất sắc, hạnh liểm tốt nên được trường cho miễn học phí.

Rồi ngày oan nghiệt 30-4-75  đổ ập xuống miền Nam Việt nam. Trường sau nhiều lần đổi tên , chừ đã không còn hiện hửu. Những cựu học sinh PTG như bầy chim vỡ tổ lưu lạc muôn nơi. Nhưng dù ở góc trời nào, niềm hảnh diện, niềm thương mến về ngôi trường xưa vẫn đầy ắp trong tim.

Tôi biết chắc những người em mà tôi  có cơ hội hướng dẫn, giờ đây đã trở thành thầy tôi về nhiều phương diện. Niềm hạnh phúc lớn lao của đời tôi là sau hàng nhiều thập niên, tôi vẫn còn giử được mối liên lạc chân tình với những đồng nghiệp, những đồng môn và những cựu học sinh thân yêu.

Ra đời qúa trẻ nên vấp váp, vụng về trong nghề nghiệp là chuyện tất nhiên.

Tôi mượn những giòng nầy để cảm tạ những cảm tình, những yễm trợ và lòng rộng lượng  tha thứ của tất cả những người đã có 1 phần đời gắn bó với sinh mệnh của ngôi trường Phan thanh Giản Đà nẵng thân yêu.

Võ anh Dũng

Tháng 3-08