.

NIỀM VUI CÔ ĐƠN


Tạ Xuân Thạc

.

Giả như quý vị nhìn thấy tôi bằng xương bằng thịt ở ngoài đời, thì tôi chính là gốc đàn bà con gái của phương tây có mái tóc vàng óng ả, có mũi cao và cặp mắt xanh lơ của bầu trời mùa thu, vậy thì chẳng cần giới thiệu thì quý vị cũng biết chắc tôi không phải là người con gái Việt Nam. Bề ngoài thì như thế nhưng trong tâm hồn thì tôi lại gần giống như là một cô gái phương đông lấy lễ giáo của phong tục Việt Nam làm chuẩn cho cuộc sống, có thể nói một phần nào đó tôi giống cô Ỷ Lan bên nước Anh, đã học và nói tiếng Việt, làm ký giả cho những cơ quan truyền thông lớn. Nhưng vì Ỷ Lan và tôi cả hai không sinh ra và trưởng thành trong nước Việt nam mà lại được sinh ra tại nước Anh, và nước Mỹ nên chỉ học hỏi được những điều căn bản của tập tục lễ giáo VN qua người khác, riêng tôi thì với người yêu là anh Hoàn.

Tôi gặp Hoàn trong bữa tiệc liên hoan dạ vũ Giáng sinh có tiếng nhạc reo vang mừng Chúa giáng trần. Buổi dạ vũ hôm đó tôi đã khiêu vũ với Hoàn liên tiếp ba bốn bài đủ mọi thể điệu, lúc thì điệu valse tình tứ, có lúc bản tango réo rắt hay những điệu nhảy thật chậm để tôi và Hoàn có thể tâm sự với nhau một cách ngọt ngào êm ái. Quàng tay ngang lưng chàng nói với tôi “I love you – honey” nghe êm dịu quá, tôi ngước mắt nhìn chàng tỏ ý chấp nhận lời tỏ tình đó vì nó đã rót vào tai tôi, đặc quánh lại như mật ngọt hay như ly nước đường lịm ngọt.Tôi hỏi Hoàn:

  • Nếu câu tiếng Mỹ anh vừa nói, mà anh lại nói bằng tiếng Việt thì phải nói thế nào?

Chàng đáp liền:

  • Anh yêu em lắm, cưng ơi!

Tuy lúc đó tôi nghe, chưa hiểu tiếng Việt nhiều nhưng cũng cảm nhận một cách êm dịu ngọt ngào, đó là câu nói yêu đương - Anh yêu em lắm, cưng ơi – và câu nói đó đã in sâu vào tâm hồn tôi, nó đã là châm ngôn trong đời sống chúng tôi vì chỉ cần đổi chủ từ “em” hoặc “anh” là chúng tôi có một cụm từ yêu quí nhau rồi.

Tên Mỹ của tôi là Jacqueline, không biết tại sao cha mẹ tôi lại chọn tên này, có thể vì hai ông bà có cảm tình riêng với đệ nhất phu nhân Jacqueline Kennedy, người vợ của Tổng Thống Mỹ quốc hồi thập niên 1960, hay là cha mẹ tôi muốn con gái mình tài sắc vẹn toàn như bà Jacqueline. Nhưng dù sao chăng nữa cha mẹ tôi cũng được đáp ứng một phần nào mộng ước vì nhan sắc của tôi cũng khá, có thể nói là trên trung bình. Khi Hoàn biết được tên tôi, chàng cười tươi cho là cha mẹ tôi chọn tên thật khéo và có ý nghĩa nên bảo tôi:

  • Ồ đẹp quá, tên em quá đẹp, em cũng đẹp, lại giống đệ nhất phu nhân Jacquelin Kennedy năm xưa.

Nghe vậy, tôi thường tỏ ra không hài lòng vì chẳng thích nghe những lời sáo ngữ, những lời tán tỉnh kiểu này tôi nghe hàng ngày phát ra từ cửa miệng của nhiều chàng trai theo đuổi, bám sát tôi nói hoài bên tai đến nỗi nhàm chán. Nhưng lần này với Hoàn thì lại không nhàm chán nữa, nên nói:

  • Anh là người em đã fall in love, tim em rung động vì anh!

Hoàn trố mắt ngạc nhiên, nói:

  • Thật vậy hả em- Jacqueline?
  • Đúng vậy anh à!

Hoàn ôm lấy tôi âu yếm, nhân cơ hội này tôi muốn có một tên Việt nam như vẫn hằng mong ước:

  • Vậy anh đặt cho em một tên Viêt Nam đi, tên nào mà anh cảm thấy thật đẹp đấy nhe.
  • À há! Anh sẽ tìm một tên thật đẹp để xứng với sắc đẹp của em nhe.

Tôi vui vẻ nói:

  • Vâng, em sẽ sung sướng được nhận tên Việt Nam anh đặt cho.
Hoàn suy nghĩ trong giây lát, nói:
  • Bạch Tuyết! - Em tên là Bạch Tuyết nhé!
  • Thế là từ lúc đó tôi có cái tên thật đẹp là “Bạch Tuyết” – tên này chỉ có tôi và Hoàn biết và cùng chấp nhận - giải thích rằng cái tên Bạch Tuyết có nhiều ý nghĩa và đầy kỷ niệm.

Hoàn còn nói thêm:

  • Em đẹp như công chúa Bạch Tuyết nên cái tên này thật thích hợp với em. Lại mang ý nghĩa kỷ niệm của mối tình chúng mình gặp nhau vào mùa Noel tuyết trắng, như vậy thật là thơ mộng và tình tứ.

 Vừa dứt câu nói, Hoàn ghì chặt tặng trên môi tôi nụ hôn nồng cháy. Quả thật giây phút này tôi bị cuốn hút bởi chàng, chúng tôi ngồi bên nhau mà chẳng nói lên lời. Trong khi tiếng nhạc của mùa Giáng sinh Jingle Bells lại rộn ràng làm xốn xang tâm hồn người nghe, mọi người như tràn đầy sướng vui hạnh phúc, chúng tôi cũng vậy.

 Jingle bell Jingle bell Jingle on the way
Oh what fun it is to ride in a onehorse open sleigh hey

Một trời sáng trong an lành, và một vùng tuyết ôm cây cành
Một ngày sáng bao la tình, một nỗi sướng vui hồi sinh
Mừng ngày chúa sinh ra đời người người đó đây vui cười
Hòa bình đến cho muôn người cùng cất tiếng ca mừng vui
noel ơi đêm ta sinh ơn trên ban hòa bình cho trần thế
Đêm noel chuông vang lên chuông giáo đường vang lên
Đêm Mừng ngày giáng sinh an hòa mừng hạnh phúc cho muôn nhà
Từ thành phố hay đồng quê muôn nơi vui tiếng hát ca vang lừng

Đêm noel đêm noel ta hãy cùng vui lên
Đêm noel đêm noel ta hãy chúc nhau an bình
(Jingle Bells – James Pierpoint)

 Không khí tưng bừng dạ vũ đêm hôm Noel làm cho tình yêu chúng tôi thêm phần nồng cháy.

  • Bạch Tuyết! em hãy nhìn những ánh đèn lung linh “như sao sa” kìa !

Hoàn nói thế, lại rủ tôi cùng nhìn lên bầu trời đen thẫm, rồi cúi xuống nhìn tôi âu yếm, hỏi tôi:

  • Bạch Tuyết có đếm biêt được có bao nhiêu ngôi sao ở trên trời không nào?
  • Chịu thua, nhiều quá làm sao em đếm được?
  • Thế mà anh đếm được đấy!
  • Anh giỏi thật!
  • Anh đếm sao được, nhưng khi anh bảo nhắm mắt lại thì Bạch Tuyết phải làm theo thì mới linh nghiệm, anh sẽ đếm được. Em có chịu điều kiện này không?

Tôi vội vã cười đùa trả lời :

  • “Yes, sir”

Nhưng nghĩ lại, thấy mình lỡ dại nên nói lại:

  • Nhắm mắt để anh ăn gian phỏng? . . .

Tôi chưa nói hết câu thì Hoàn đã đếm

  • . . . một, hai, ba, bốn.

Đếm đến con số bốn thì Hoàn ngừng lại nhìn thẳng vào mắt tôi rồi ra lệnh nhắm mắt lại, tôi làm theo, thế là tôi lại bị vùi dập bởi những nụ hôn đắm đuối, trong khi chàng đọc lên câu thơ nào đó, thú thật lúc này tiếng Việt tôi chưa rành, nói những câu thông thường thì tôi hiểu, nói qua văn chương thì tôi chịu thua vì tôi chưa bao giờ theo học lớp Việt ngữ. Mãi đến sau này, khi chúng tôi cưới nhau rồi mới hỏi và bắt cắt ngghĩa hôm đó Hoàn đọc câu gì - chàng nói là đọc vài câu ca dao ca ngợi đôi mắt đẹp màu xanh của tôi :  

  • Trên trời có bốn ông sao,
  • Hai ông lạc ở phương nào
  • Còn hai ông nữa rơi vào mắt em.

 Khi tôi hiểu thì cười bảo chàng rằng:

  • Sao mà cả dân tộc VN của anh khéo nịnh đầm thế, ngay cả trong văn chương mà câu nịnh hót cũng thật là tình tứ.

Chàng cười khinh khỉnh rồi bảo tôi:

  • Em chịu khó học Việt ngữ anh dậy cho, khi rành rẽ rồi thì sẽ thấy nhiều câu văn chương bình dân độc đáo lắm, ít dân tộc nào sánh bì được.

Mấy năm sau cũng vào dịp Giáng sinh, Hoàn và tôi (Bạch Tuyết), chúng tôi đã kết hôn với nhau. Đám cưới có đông đảo họ hàng của chồng tôi, họ hàng bên phía tôi là đàng gái, có người xì xầm bàn tán cho rằng hôn nhân dị chủng sẽ không hạnh phúc. Riêng các bạn của hai chúng tôi thì vô tư, chẳng đứa nào xì xầm gì cả.

 Nhưng rất may những người có tư tưởng này không nhiều, mà giả thử có nhiều người có tư tưởng giống như thế thì tôi cũng không cần nghe theo họ, tôi cứ thẳng con đường đi đã định là chúng tôi yêu nhau tha thiết.

Điều tôi mơ ước là muốn có một bé trai kháu khỉnh, nằm cạnh bên mẹ Bạch Tuyết

là tôi, phải giống cha nó thật nhiều, có mái tóc đen huyền, có cặp mắt nâu của người Á Đông, mũi không cao như tôi mà cao bình thường như cha nó thì tôi cũng đủ vui rồi. Chúng tôi chung sống với nhau đã hơn một năm, nhưng ước mơ ấy vẫn chưa thành thì nghịch cảnh đã đến với tôi một cách bất ngờ, lúc đó tôi đang miệt mài làm công việc cho hãng South Bell thì chuông điện thoại trên bàn giấy của tôi reo. Nhấc ống nghe lên thì đầu giây bên kia nói là từ ở phòng cấp cứu của bệnh viện Hermann Memorial Hospital báo tin rằng Hoàn chồng tôi hiện đang được bác sĩ khám nghiệm về bệnh tim, hiện đang hôn mê, bệnh tình nguy kịch.

Nghe tin ấy như sét đánh bên tai, tôi lật đật thu gọn hồ sơ lại rồi báo cáo với cấp trên cho tôi tạm ngừng công việc ở đây ngày hôm nay để vào nhà thương thăm chồng đang được cấp cứu tại nơi đó. Tôi nhớ lúc này cũng gần mùa Giáng Sinh, trên những cột đèn của đường phố Houston người ta đã treo những vòng hoa pontisia bằng nylon nhựa mày đỏ chói, có những lá xanh tua tủa, kết đèn nho nhỏ chung quanh vòng tròn treo lưng chừng cột đèn thành dẫy dài thẳng tắp, vào mỗi buổi tối những đèn cuốn quanh vòng hoa đó được bật sáng thành một hàng thẳng lúc chớp lúc tắt đẹp tuyệt vời! Nhưng ngoại cảnh đó đối với tôi bây giờ là vô nghĩa, vì tâm trí đã để trọn vào bệnh tình của chồng, tôi đã lái xe vượt quá tốc lực giới hạn, giả thử lúc này nếu bất ngờ gặp xe cảnh sát thì thế nào tôi cũng bị phạt lãnh ticket như chơi!

Tôi bước vào bệnh viện với một nỗi lo sợ tột cùng, trong lòng nguyện ước lâm râm khấn thầm xin Ơn Trên Thiên Chúa phù trợ cho chồng được bình yên . . .

Nhưng muộn rồi, tôi đã thấy khuôn mặt hồng hào của Hoàn trước đây nay trở nên xanh mét, tôi chỉ còn kịp sờ vào khuôn mặt khả ái của chồng tôi để vuốt mắt chàng lần cuối. Không cầm được nước mắt, hai hàng lệ tự nhiên tuôn trào xuống hai gò má của tôi như giòng suối chảy. Đôi chân đứng không vững tôi quỵ xuống cạnh giường và cứ thế tôi quỳ cầu nguyện cho linh hồn người chồng yêu quý được siêu thoát đến nơi vĩnh hằng. Tôi đang mê man trong dòng tư tưởng tủi buồn mất nguười chồng thân thương thì một bàn tay vỗ nhẹ vào vai, làm tôi tỉnh giấc mộng mị buồn thương. Tôi ngẩng đầu lên coi người vỗ nhẹ tay là ai, thì thấy một người mặc đồng phục trắng, tôi nghĩ chắc ông là bác sĩ thì ổng nhẹ nhàng nói :

  • Thưa bà, tôi là bác sĩ trực hôm nay, tôi có nhiệm vụ xác định sự ra đi của chồng bà.

Tôi nói một cách ấp úng trong nước mắt:

  • Cám ơn bác sĩ, xin cứ làm nhiệm vụ của ông.

Trong khi đó tôi lấy hai bàn tay ôm chặt cả khuôn mặt, và cảm thấy mặt còn ướt những nước mắt, tôi liền lấy khăn giấy trong bóp ra thấm cho khô những dòng lệ ướt, vừa kịp lúc ông bác sĩ làm xong nhiệm vụ bước đi, tôi theo bén gót để hỏi thăm nguyên do cái chết của chồng:

  • Bác sĩ có thể cho tôi biết nguyên do cái chết của chồng tôi không ?
  • Được chứ! Ông nhà chết vì chứng loạn nhịp tim (fatal heart arrhythmia). Thật tiếc ổng ra đi lúc còn quá trẻ!

Trong tâm trạng buồn nhưng tôi chợt nhớ lại lời ưóc nguyện của chồng tôi lúc sinh thời là: khi nào qua đời đột ngột thì bằng lòng hiến các bộ phận trên cơ thể của ảnh cho những ai cần đến, nên tôi hỏi ngay vị bác sĩ này:

  • Chồng tôi mới có buốn mươi hai còn khá trẻ đấy, bác sĩ nói rất là đúng, vậy ông coi xem nếu tôi muốn hiến tặng các cơ thể còn lại theo nguyện vọng lúc sinh thời của ổng thì phải làm thế nào?
  • Thực thế hả, vậy bà vui lòng đi theo tôi.

Nói xong, ông quay mặt đối diện với tôi nói thêm vài câu nữa cho tôi an tâm, khi đó tôi mới chú ý đến tên ông khắc trên tấm thẻ cứng màu trắng “John Justin MD” đeo ở trước ngực, ông nói:

  • Tôi sẽ hướng dẫn bà đến phòng chuyên nhận hiến tặng, nơi đây họ sẽ làm thủ tục nhận lãnh . . .

 Tôi băn khuăn muốn hỏi ông bác sĩ một điều ước muốn thầm kín, nhưng ngập ngừng mãi không nói lên lời. Cuối cùng tôi cương quyết hỏi:

  • Vợ chồng tôi ước ao có một đứa con, nhưng chưa kịp làm ra thì ảnh đã ra đi, vậy không rõ sự tiến bộ của ngành y khoa hiện nay có giúp gì cho tôi nếu tôi muốn có con với ảnh trong hoàn cảnh hiện tại, được không?
  • Ý bà muốn nói lấy tinh trùng của chồng bà để sau này thụ thai nhân tạo cho bà, có đúng không?
  • Dạ, đó là ước nguyện của hai vợ chồng tôi.
  • Có thể được, vậy khi người ta làm thủ tục để bà hiến tặng các cơ thể của ông thì bà nên trình bày ý nguyện này cho người phụ trách nhé.

Tôi mừng quá, trả lời liền:

  • Yes, sir ! tôi sẽ nói với người phụ trách như bác sĩ dặn.

Tôi đến phòng nhận hiến tặng cơ thể con người, trước khi ký giấy, đã nói ý nguyện này cho người phụ trách, mặc dù lúc đó tôi không hề hay biết rằng tinh trùng của chồng tôi chỉ tồn tại trong người đã chết khoảng 24 giờ đồng hồ, mà từ lúc Hoàn vĩnh viễn ra đi đến giờ này đã hơn bốn tiếng đồng hồ rồi. Nhưng thật may mắn tôi được sự giúp đỡ của một người bạn làm nghề luật sư, khi được cú điện thoại của tôi thì Lisa đã mau mắn đến bệnh viện ngay để tiến hành thủ tục pháp lý với văn phòng của bệnh viện. Khoảng bảy tiếng đồng hồ kể từ sau khi chồng tôi nhắm mắt lìa đời thì mọi việc hoàn tất. Công việc xảy ra thật trôi chảy không mảy may khó khăn, tinh trùng của chồng tôi được lấy ra một cách cẩn thận, rồi gởi đến một trung tâm chuyên lo việc giữ gìn.

 Sau khi lo tang ma cho chồng tôi xong, thì nỗi thương nhớ Hoàn, người chồng Việt Nam yêu quí nhất đời lại càng làm cho tôi nghĩ đến chuyện làm sao có một đứa con mang hình ảnh của chồng mình như là có mái tóc đen, mắt nâu, mũi không cần cao lắm nhưng bảnh trai như Hoàn là cha nó vậy. Cũng vì động lực này thúc giục nên tôi đã liên lạc với nhà thương để nói với họ rằng “Tôi muốn tham gia vào chương trình cấy tinh trùng để có thể thụ thai bằng phương pháp nhận tạo (vitro fertilization - IVF) , họ hỏi thêm những chi tiết về sinh lý, tâm lý và nguyện vọng của chồng tôi lúc sinh thời (mặc dầu hồ sơ bệnh lý họ đã có trong tay) và sau đó nhà thương đã bằng lòng sắp xếp chương trình cấy tinh trùng của tôi được tiến hành.

 Sau nhiều tuần lễ thử nghiệm bằng cách chích hormone vào người tôi mỗi ngày để tạo thêm trứng và sau đó tinh trùng chồng tôi được cấy vào người tôi bằng phương pháp chuyên môn, nhưng lần đầu cơ thể tôi không tiếp nhận nên không thụ thai được, lần sau cũng thế. Bác sĩ quyết định là chỉ thử thêm một lần nữa là lần thứ ba rồi thôi và lần này xảy ra vào tháng thứ sáu kể từ ngày chồng tôi qua đời.

Lần thử này thì cách một tháng sau đó, khi tôi đang làm việc ở sở như thường lệ thì bác sĩ phụ trách chương trình vitro fertilization – IVF điện thoại báo tin mừng là tôi đã cấn thai. Thú thật trên đời này không còn nỗi vui sướng nào hơn khi được tin mừng này. Tôi đã reo to như hét lên làm các bạn đồng nghiệp đang cặm cụi làm việc gần đó ngạc nhiên và đến hỏi thăm, tôi kể lại việc đã cấn thai bởi tinh trùng của chồng tôi để lại, vui mừng vì sắp có con. Các bạn đồng sự ai cũng chúc mừng tôi, và bảo nhau sẽ chọn một ngày thích hợp để tổ chức bữa tiệc liên hoan chúc mừng.

 Cho dù việc thai nghén của tôi diễn ra một cách trôi chảy, tôi vẫn cảm thấy buồn và tiếc là Hoàn sẽ không có mặt khi đứa con ra đời.

 Vào Tháng Mười Hai đúng vào ngày lễ Giáng sinh tôi sinh hạ được một bé trai, tôi ghép tên chồng đặt tên nó là Hoàn-Hảo vì tôi cho rằng thằng bé nó giống cha nó như khuôn đúc. Khi nhìn nó tôi cứ tưởng là Hoàn đang mỉm cười với mẹ con tôi vì thấy mơ ước của tôi đã thành sự thật. Tôi cho rằng chồng tôi rất bằng lòng với sự quyết định có con của tôi vì đó là cách để vinh danh cả tình yêu lẫn cuộc hôn nhân mối tình Việt Mỹ hôn nhân dị chủng, vì thói thường thì các cuộc hôn nhân dị chủng như chúng tôi thì ít khi được hạnh phúc vẹn toàn. Tôi nhớ lại kỷ niệm ngày gặp Hoàn lần đầu tiên vào đêm Noel, bài Jingle bells đã vang dội trong cõi mênh mông. Hôm nay bài ca ấy lại vang them một lần nữa:


Jingle bells, jingle bells, jingle all the way.
Oh what fun it is to ride in a one-horse open sleigh.
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

Đêm nay, bài ca này cũng làm tôi vui lắm, tôi có bé trai Hoàn-Hảo nằm bên cạnh, nhưng cha nó thì vắng bóng, niềm vui không trọn vẹn. Tôi có niềm vui cô đơn!

 Tạ Xuân Thạc

Mùa Giáng Sinh 2005