Chức Nữ Về Làng 1, 2, 3, 4


Chức Nữ Về Làng

- Phần 3 -


Ngày hội PTG: Kim Long, Khánh Thọ, Tú, Vân, Trung, Trực, Trí

 

Chuyện đàn bà

5 giờ chiều hôm sau điện thoạI reo hốI ôn Tú và Thọ đến nhà mụ Hoàn gấp, cả bọn đang chờ đi ăn mì Quảng. Lật đật tớI nơi nhưng chỉ gặp Như Thủy (em gái Hoàn) cho biết mụ Hoàn và mụ Lý đang ở quán Internet, nhắn sẽ về liền. Thoáng thấy mụ Bảo chường mặt cườI điệu rồI mụ hấp tấp lên lầu sửa soạn nhan sắc. Ngơ ngác về sự vắng mặt của các bạn, Thọ chợt chú ý đến hai nữ nhân lạ mặt cở tuổI sồn sồn nhìn mình đăm đăm, dù không quen nhưng mụ gật đầu chào lấy lệ. Hình như ôn Tú nói câu chi vớI một bà mà Thọ chỉ nghe loáng thoáng.

Không mấy tin tưởng về lờI nhắn “chờ một chút sẽ về liền”, Thọ rủ ôn Tú chở qua tiệm Kodak lấy hình. Trên đường Thọ thắc mắc: “---Bộ Tú quen vớI bà hồI nảy à ?” “---Thì con Tường Vi đó! Tú mớI biết nó hôm ăn nhà con Út”. Thọ sửng sốt: “---Ủa, con Tường Vi à!”. Cách đây mấy hôm mụ Lý rủ Thọ và mụ Bảo đi thăm một ngườI bạn cùng lớp tiểu học Hòa Vang. Vì không nhớ ra nổI Tường Vi là ai, lạI nghe Cẩm Lệ cách xa khoảng 45 km nên Thọ nhụt chí không đi. Ngờ đâu hai chị em Tường Vi lạI đèo nhau lên tận Đà nẵng. Chắc chắn là có bàn tay đạo diễn của mụ Lý!

Khi ôn Tú quay xe trở lạI, hai chị em Tường Vi còn đứng xớ rớ trước tiệm tạp hóa. Vẫn chưa thấy bóng mụ Lý đâu!

Một màn kịch vồn vã diễn ra sôi nổi…

---Trời ơi! Tường Vi phải không !? Thọ nhận ra Vi rồi !

Mụ Vi cười gượng gạo, giọng Cẩm Lệ chua chát :

---Tưởng Thọ quên Vi rồi chớ ! Hồi nảy Thọ mới tới gặp Vi mà lại bỏ đi liền làm Vi hơi buồn !

Thọ ôm chầm lấy mụ Vi, siết mạnh hai vai bạn, chưởi thầm mụ Lý gây chi cảnh oái ăm.

Thọ xúc động thật tình :

---Xin lỗi Vi nghe Vi ! Tại mấy chục năm rồi mà ! Trí nhớ Thọ tệ quá !

Mụ Vi thông cảm, đôi mắt long lanh niềm vui :

---Vi vẫn chưa quên Thọ. Nhớ đến Thọ là nhớ « Bánh xe lãng tử »

(Bản nhạc tủ của nhỏ Thọ độc diễn hát và múa, được trao giải thưởng văn nghệ năm học lớp ba trong dịp các trường tiểu học tổ chức Trung Thu. Kỷ niệm khó quên là tối đó nhỏ Thọ 8 tuổi đã chập chờn không ngủ được, cả đêm ôm trong giường phần thưởng một cartable kéo fermeture, model mới nhất!).

Cả bọn họp mặt đông đủ thì trời gần sập tối. Quán mì Quảng trên đường Hoàng Diệu hôm nay vắng khách. Kéo chiếc ghế thấp lè tè ngồi xuống, mụ Thọ vội dặn dò bà chủ nhớ đừng bỏ rau sống. Một mụ chê :

---Mì Quảng mà không có rau thì dở lắm !

Thọ thở dài :

---Tao sợ đau bụng.

Từ hôm về Việt nam đến giờ chưa tới 3 tuần mà bị Tào Tháo đuổi đã 2 lần. Thọ trao đổI vài câu chuyện xã giao với mụ Vi, nhắc nhở mụ Vi ăn thêm chả và ân cần rót nước…, cố ý hết sức dịu dàng làm như chuộc lỗi. Thọ kín đáo quan sát người bạn gái làm ruộng ở nhà quê và so sánh với người bạn chủ hụi, cũng như người bạn may mắn thường nhận viện trợ Mỹ…Một thoáng ngậm ngùi…

Hai chị em Tường Vi ăn xong vội vã dông xe về vì đường xa tối trời. Thọ vừa xỉa răng vừa hớp ngụm nước chè lá vối, đôi mắt hiền từ của dì ghẻ Tào Thị chiếu tướng ngay con Tấm :

---Ê, Lý ! mi chơi chi mà ác nhơn rứa mi ! Mi kêu con Tường Vi tới rồi mi bỏ nó đi Internet. Tao không hề nhớ nó là ai. Nó đứng chơ hơ chẳng đứa mô tiếp thấy tội hết sức !

Mụ Cám Bảo phẫn uất :

---Tao cũng không biết nó là ai nữa ! Từ đường xa lặn lội lên tận đây chớ phải ít đâu ! Con Lý chi lạ !

Mỗi mụ chêm vào một câu. Trừ ôn Tú nét mặt nghiêm trọng, kiểu như thầy tu lâm râm niệm Phật trong đầu cầu cho tai qua nạn khỏi, mắt ôn ngó lơ chỗ khác nhưng tai vẫn nghe ngóng tình hình đang bắt đầu gay cấn…

Mụ Lý chống chế :

---Tao qua Internet có chút xíu chớ đâu có lâu lắc chi mô !

Thọ cười khẩy :

---Đã dính vô Internet rồi thì sức chi mà chút xíu cho được !

Mụ Tấm Lý thút thít khóc.

Cả bọn về lại tiệm tạp hóa nhà mụ Hoàn. Từ nảy đến giờ mụ Lý cúi gầm mặt xuống như con mèo ướt. Bỗng nhiên con mèo ướt ngẩng mặt lên phân trần :

---Chuyện đó đâu có chi mà tụi mi la tao! tụi mi không biết chớ tao thân với con Tường Vi như thân với con Thọ. Nó hiểu tao lắm! nó không giận tao mô !

Nghe nhắc tớI tên mình, Thọ lên tiếng ngay :

---Nó không giận thì tao mừng cho mi. Nếu tao mà bị mi chơi kiểu đó thì tao sẽ tủi thân và tao từ mặt mi luôn.

Mụ Lý vẫn khăng khăng :

---Tao biết tính nó mà !

Thọ lên giọng :

---Cho dù mi biết tính nó nhưng tao thấy mi xử sự không đúng. Nếu nó giàu thì tao kệ nó không nói làm chi. Đằng này mi đã từng kể với tao là nó nghèo, thấy nó đứng một mình chơ hơ không ai tiếp trong bụng tao thật áy náy !

Mụ Thoa chậm rãi :

---Mi muốn kêu nó tới thì mi phải hỏi ý con Bảo với con Thọ trước. Đương không mi kêu nó làm chi !

Một mụ lẩm bẩm :

---Con Lý ưa làm mấy chuyện tào lao !

Một mụ khác che miệng kề tai Thọ nói thật nhỏ:

---Tào lao xịt bộp !

Thọ nín cười.

Mụ Lý oà lên khóc.

Mụ Hoàn rủ tối nay đi phòng trà nghe nhạc nhưng mụ Lý chưa nguôi giận nhất định đòi về. Cả bọn gồm Thoa, Bảo, Thọ, Tú, Hoàn, Thủy, Mai và hai đứa cháu của mụ Hoàn kéo nhau qua phòng trà Ánh Hà đường Hoàng Diệu.

Năm ngoái Thọ đi xem ca sĩ Ánh Hà hát ở phòng trà Hợp Phố đường Lê đình Lý, nhưng năm nay Ánh Hà mở quán riêng làm ông chủ Hợp Phố chới với mất một lượng khách đáng kể. Ca sĩ Ánh Hà có giọng ca mà nếu ta nhắm mắt lại nghe thì ta tưởng Khánh Ly hát. Bên Pháp các giám khảo tuyển lựa ca sĩ quy định đánh rớt thí sinh nào có giọng ca giống một ca sĩ khác nổi danh, bị chê như vậy là bắt chước, không có tính cá biệt. Xứ Việt nam mình hoài cổ nên ca sĩ Ánh Hà là một hiện tượng sốt dẻo và đang trên đài danh vọng của giới ca sĩ Đà nẵng.

Phòng trà Ánh Hà décor ấm cúng. Những ngọn đèn cầy lung linh quanh các cột trụ soi lờ mờ tấm hình nhạc sĩ Trịnh công Sơn. Cả bọn chọn ngồi bàn gần sân khấu, dụng ý thấy rõ mặt mũi ban nhạc. Nam ca sĩ mặc quần sậm và chemise trắng tinh, cổ thắt khô mực, đầu tóc xịt keo thẳng nếp. Nữ ca sĩ mặc áo dài kín từ cổ tới chân, chỉ để lộ hai bàn tay cầm micro. Chủ yếu hát nhạc buồn nên gương mặt ca sĩ hơi có vẻ táo bón.

Một người trong ban nhạc long trọng giớI thiệu nam ca sĩ Minh Thuận. Một mụ gật gù khen cái tên nghe hay lắm ! Thọ nói «  Nam ca sĩ Minh Thuận ở nhà tên Tèo đó bây ! ». Mấy mụ dễ tin cười rộ lên và mỗi lần Minh Thuận xuất hiện với giọng ca truyền cảm thì mấy mụ lại cười khúc khích nhắc đến tên Tèo. Một số ca sĩ hát dọn đường trước vài bản, sau đó bà chủ xuất hiện hát nhạc Trịnh công Sơn. Ánh Hà thuộc vào lứa tuổi sồn sồn, xấu đẹp còn tùy người đối diện. Đúng là ca sĩ có giọng ca nhừa nhựa ma túy giống như ca sĩ Khánh Ly ! Mụ Bảo viết trên tờ giấy nhỏ yêu cầu bài « Áo lụa vàng ». Mụ Hoàn yêu cầu bài « Như cánh vạc bay». Khi thần tượng Ánh Hà lên hát hai bài này thì hai mụ trịnh trọng thay phiên nhau lên sân khấu tặng bà chủ ca sĩ một nhánh hoa hồng tươi (không phải hoa nylon đâu nhá !). Hai mụ còn chơi nổi quấn quanh nhánh hoa một tờ giấy bạc « nặng ký ». Nảy giờ ca sĩ đang thả hồn theo những bài hát êm dịu vẻ mặt buồn da diết, nhưng khi được fan tặng lộc hai lần thì mặt ca sĩ bỗng tươi lên nhếch môi cười nhẹ cũng hai lần.

Tào Tháo đuổi

10 giờ đêm.

Thọ bước ra khỏi toilettes, nhăn nhó xuýt xoa :

---Trời ơi đau bụng quá  ! Thọ bị Tào Tháo đuổi ba lần rồi. Chắc tại ăn mì Quảng để phơi cả ngày !

Ôn Tú vẫn dán mắt vào màn ảnh truyền hình, giọng bình thản :

---Uống thuốc chưa ?

---Thọ uống rồi nhưng không bớt.

Ôn Tú quơ tay dưới nệm giường lôi chai dầu Nhị thiên Đường nhỏ xíu đưa về phía Thọ mà không thèm ngó lui, cất cao giọng đại đội trưởng ra lịnh cho binh nhì :

---Xoa dầu đi cho hết đau bụng.

Thọ làm bộ không nghe, nằm lăn quay trên tấm nệm mousse trải dưới đất, trong bụng rủa thầm :« Cha này ngon ! lần nào mình đau bụng chả cũng xoa dầu cho mình mà răng bữa ni chả trở chứng rứa hè !? ». Trên màn hình đang chiếu mấy thằng cha khoe cặp đùi bắp chuối chạy qua chạy về dành một trái banh.Thì ra ôn Tú đang mê coi đá banh ! Cái tuổi giận hờn làm mình làm mẩy mang lại nhiều kinh nghiệm đau thương giờ đã xa rồi… Thọ thủ phận kiên nhẫn nằm chờ đợi chương trình đá banh chấm dứt rồi cố ý thều thào như người hấp hối :

---Thọ khi nóng khi lạnh run cả người, chắc là trúng gió !

Lần này ôn Tú cuống quít lo lắng :

---Sốt à ! Uống thuốc sốt chưa ? 

Thọ chưa uống vì chưa thấy triệu chứng sốt nhưng nói“rồi”một cách yếu ớt , nghĩ thầm: “Mình mà dạI dột khai bịnh nhẹ thì có thể sẽ không được ôn Tú quan tâm săn sóc”. Ôn Tú tìm lại chai Nhị thiên Đường và bắt đầu massage vùng bụng của bịnh nhân. Một lúc sau đoán chừng chiến dịch thoa dầu sắp hoàn tất, bịnh nhân tiếc nuối chỉ lên vùng ngực, rồi lật sấp lại chỉ lên vùng lưng, và sau đó chỉ lung tung…Từng cơn đau quặn khó chịu như cơn lốc xoáy tròn trong bụng hồi nảy giờ đây đã biến thành nỗi đau dịu dàng…Bịnh nhân mơ màng đi vào giấc ngủ không biết ôn Tú treo mùng hồi nào. Khoảng 1 giờ đêm, bịnh nhân thức dậy khẩn cấp ôm bụng chạy vào toilettes. Đến 5 giờ sáng bịnh nhân ói mửa ồn ào làm ôn Tú phải tỉnh giấc và bịnh nhân được thoa dầu Nhị thiên Đường. Tính từ tối qua đến giờ bịnh nhân bị Tào Tháo đuổi sơ sơ cả thảy 7 lần.

Thọ quyết định không đi ăn sáng với ôn Tú như thường lệ, hối ôn Tú cứ an tâm đi làm, chút nữa Thọ sẽ gặp Thông. Vào toilettes thêm hai lần, soi gương thấy mới qua một đêm mà mặt mày hốc hác, đôi mắt trảm lơ như con chó đói ! Hối hả mặc áo khoác và bịt khẩu trang, ra ngoài ngoắc xe ôm, bảo chở đến « bác sĩ Lê quang Thông đường Lê hồng Phong » (đường Hàm Nghi cũ). Ông xe ôm rành đường không hỏi lôi thôi. Vừa lái xe ông vừa gợi chuyện :

---Cô lấy phiếu chưa ?

Thọ chợt có cảm tình với ông xe ôm vì ông không gọi mình bằng bà như thiên hạ (có lẻ mình bịt mặt nên ông tưởng mình trẻ chăng ! ? Hay là mình trẻ thật !).

Thọ trả lời :

---Dạ chưa.

---Giờ này mà cô chưa lấy phiếu thì chắc chiều mới khám ! 

Muốn tìm hiểu thêm về em trai của mình, Thọ hứng thú đi vào màn kịch : 

---Bác sĩ Thông có giỏi không ông ? Tui mới ở Sài gòn ra không biết. 

Giọng ông sôi nổi :

---Ông Thông nổi tiếng lắm cô ơi, lúc nào cũng đông khách. Dân Qui Nhơn, Quảng Ngãi còn tới đây kiếm ổng! 

Ông gạ thêm :

--- Tui chờ cô vô lấy phiếu rồi tui chở cô về, chiều canh giờ tui chở cô tới lại, cô cần chi đợi cho mất thì giờ !

---Thôi kệ, tui đợi .

Ông làm thinh hơi buồn nhưng rồi ông vui vẻ cám ơn khi Thọ cho luôn tiền thối, thưởng công ông khen ngợi thằng em mình và sáng suốt gọi mình bằng cô.

Mỗi khi bước vào ngôi nhà cũ, lòng Thọ lại nao nao xúc động…Căn nhà trên đã thuộc về người khác. Thông xây lầu gian sau, phía trên để ở, phía dưới làm phòng mạch. Những người giúp việc lễ phép chào. Bệnh nhân ngồi sắp hàng đông nghẹt hai bên lối đi. Thọ đưa toa thuốc đem từ bên Pháp về cho Thông xem, cười nói :

---Bác sĩ Pháp đầu hàng vi trùng Việt nam rồi, thôi chị phải nhờ em trị tụi nó dùm chị .

Thông không sai người làm, tự tay rót ly nước trao cho chị uống thuốc. Cử chỉ săn sóc nhỏ nhặt đó làm tim người chị bỗng non nớt mềm xèo…Châu ngọt ngào mời chị nghỉ ngơi. Thọ chậm chạp leo lên lầu vào nằm dài trên giường thằng cháu. Thiu thiu được một chặp thì chợt nhớ tới giờ hẹn đi biển với mấy mụ, cảm thấy bụng bớt rêm nên vùng dậy gọi xe ôm tới nhà mụ Hoàn.

Cả bọn thuê chiếc xe hơi vừa từ Hội An về, cười nói ồn ào khoe được ngồi trên xích lô chụp hình. Mụ Thoa mặt mày xơ rơ than thở :

---Tao cũng bị Tào Tháo đuổi.

Vậy là Thọ có đồng minh kể lể tội trạng mụ bán mì Quảng.

Hỏi sao thiếu mặt mụ Lý ? Một mụ sôi nổi báo cáo :

---Sáng sớm nay con Hoàn phôn cho con Lý rủ đi Hội An, xe sẽ ghé ngang nhà đón nó, nhưng con Lý khóc lóc trong điện thoại, kể lể tối hôm qua mất ngủ nên chừ ngã bịnh rồi !

Thọ cười :

---Canh dưỡng sinh dở ẹt ! chỉ mới mất ngủ một đêm mà đổ bịnh à !

Mụ Hoàn kể tiếp :

---Lúc tụi tao đi Hội An về có ghé qua nhà con Lý để rủ đi biển nhưng nó than mệt không đi được. Thấy mặt nó bơ phờ. Chắc nó khóc dữ lắm !

Tài xế chở cả bọn và gia đình mụ Hoàn tới bãi Rạng. Mấy mụ đổi tên thành bãi Rượng. Bãi Rượng, ý quên ! bãi Rạng nằm giữa bãi biển Tiên Sa, cảnh thơ mộng vắng vẻ rất thích hợp cho các đôi uyên ương tình tự. Mấy mụ thả dép phủi chân leo lên ngồi trên chõng tre dưới căn chòi lợp lá. Đến giờ ăn trưa Thủy và Mai bày biện chả, pâté, xúc xích …chao ơi vô cùng hấp dẫn nhưng mụ Thoa và Thọ đành nuốt nước miếng nhịn thèm, nhai từng miếng « bánh mì chay » mắt ngó lơ nhìn mông lung ra biển.

Chuông điện thoại reo. Mấy mụ dáo dác không biết điện thoại của ai, cuống quýt lục túi xách la ồn cả lên. Thì ra của mụ Bảo ! Mụ Bảo nói chuyện xong, thấy bao nhiêu cặp mắt nhìn mình dò hỏi, mụ nhăn mặt kể :

---Con Tường Vi kêu. Nó kể con Lý gọi cho nó khóc lóc rùm beng, nó nói nó không hề giận con Lý.

Thọ định kể công :

---Nó không giận con Lý vì nhờ tụi mình vớt vát !

Nhưng Thọ thấy mặt mụ Bảo bực bội nên im lặng.

Mụ Bảo làm ràm :

  ---Con Lý chi chi mô ! Chỉ tội cho con Tường Vi tốn tiền gọi di động ! Con Tường Vi còn nói tụi mình đừng la con Lý, con Lý khóc dữ lắm !

Một mụ ngồm ngoàm nhai chả vừa lẩm bẩm :

---Khóc chi mà khóc nhiều rứa hè !

Thọ nghe chữ « nhiều». Clic ! tự nhiên nhớ lại bài báo đọc bên Pháp :

Số nhiều là một căn bệnh thời đại. Bất cứ làm việc gì người bị bệnh này cũng phải làm với một số lượng thật nhiều. Họ bị ám ảnh « càng nhiều càng tốt ». Sở hữu thật nhiều, giải trí thật nhiều, bạn bè thật nhiều…  « Số nhiều» là một kim chỉ nam. Có nhiều là thành công, có ít là thất bại. Có nhiều là tốt, có ít là xấu. Nguyên nhân của sự « Có nhiều» phát sinh từ những cảm giác giả tạo về an ninh. Hậu quả của căn bịnh này là gây thêm rối trí, vướng mắc và phiền não. Hiện tượng người mắc bịnh là chỉ chú trọng đến cái Lượng thay vì cái Phẩm.

Hồi mới qua Pháp, Thọ cũng vướng phải căn bịnh này. Mỗi lần đi shopping ham đồ sold cứ mua quần áo chất đầy tủ, có thứ không mặc đến nhưng không vất bớt mà còn tiếp tục mua sắm thêm nữa. Nấu cơm lúc nào cũng dư và luôn luôn phải đổ đi…May mà bịnh không trầm trọng vậy mà 20 năm sau mới bớt. Có lẻ nhờ phương thuốc thất nghiệp !

Từ ngày về Việt nam đến giờ, qua vài mẫu chuyện lượm lặt thì Thọ nhận thấy mụ Lý xuất hiện vài triệu chứng bị vướng vào căn bịnh thời đại « số nhiều ». Đặc biệt là bịnh của mụ thuộc loại nặng.

Thọ lên tiếng :

---Tính con Lý hiền, nhiệt tình với bạn bè. Chẳng may nó mắc phải căn bịnh số nhiều. Hôm đó có lộc nó đã dám chơi 10 cái áo một lần ! Nấu Canh dưỡng sinh ưa tăng thêm liều lượng cho bổ hơn. Đi đâu cũng thích rủ rê thêm người này người kia cho đông và …khóc cũng nhiều ! Tụi mi đừng lo cứ để nó khóc cho đã! Bên Pháp nhiều người bị bịnh ni lắm ! Nhất là giới phụ nữ ! Muốn chữa bịnh phải cúng tiền cho psychologue đều đặn mỗi tuần, ít nhất phải ba năm !

Nghĩ lại thì tao cũng có lỗi với con Lý là vì giọng tao Quảng Nôm dở quá không được êm dịu. Giọng èo ẹo điệu như con Thoa là con Lý thích nhất !

Thọ bị mụ Thoa lườm cho một phát :

---Răng mi nói giọng tao èo ẹo ! 

Thọ cười khì không trả lời, phóng mắt nhìn ra biển cả mênh mông…Chợt nhớ tới kỷ niệm có liên quan đến nước nên chuyển hướng qua đề tài khác :

---Năm ngoái tao tắm biển Mỹ Khê, đã cẩn thận lựa chỗ cạn ngang rún vì tao bơi cũng dở. Ai ngờ khi đặt chân xuống thì bị trúng ngay một vực sâu làm tao hụt chân chới với. Tao nghĩ phen này chắc tao tiêu đời nhà ma! Tao còn nghĩ chết cũng không sao vì con gái tao sắp ra trường rồi ! Tao nghĩ tới ôn Tú côi cút tội nghiệp nhưng rồi sẽ kiếm con vợ mới ! Tự nhiên tao la lên cầu cứu thì may quá thằng cháu tao gần đó bơi giỏi nhào tới lôi tao vô bờ. Tao bị uống mấy ngụm nước muối mặn thấy bà ! Tao kể lại ôn Tú hú hồn. Tao…,tao…

Thọ im bặt... thất vọng…nhận ra không ai thèm chú ý nghe câu chuyện quan trọng sinh tử của mình. Bọn sồn sồn đang lục đục thay đồ tắm biển. Đằng xa tụi trẻ nhấp nhô nô đùa giỡn sóng. Mụ Thoa thất sắc phóng chạy ra sau bụi vì đang lên cơn đau bụng khẩn cấp. Thọ lấy thêm viên thuốc uống cho chắc ăn và tiếp tục nhìn ra biển cả bao la…

Tắm xong cả bọn ăn thêm một chầu nữa. Mấy mụ hối nhau về sớm sửa soạn nhan sắc, náo nức được nhóm Phan châu Trinh mời lên tàu Cát Tiên tối nay. Vài mụ tiên đoán mụ Lý còn giận sẽ không tới. Thọ nghĩ thầm nếu tối nay mụ Lý vắng mặt thì quả thật là mình không có tài chẩn bệnh!

Tàu Cát Tiên

Bến sông Hàn nhộn nhịp vì mấy hôm nay Đà nẵng đang lên cơn sốt chuẩn bị lễ chào mừng văn hóa-du lịch. Hãng máy bay trúng mối. Việt kiều từ khắp nơi đổ về đến nỗi khách sạn không còn phòng trống. Thành phố hứa hẹn nhiều mục du hí đặc biệt, có cả thuyền hoa, thuyền rồng biểu diễn. Một khán đài đặt ngay bờ sông trống nhạc ồn ào thu hút số đông khán giả làm thiên hạ bị nạn kẹt xe. Từ xa chiếc tàu trắng nổi bật chữ Cát Tiên bằng đèn néon đủ màu...Một người đàn ông cao lớn, nặng hơn 80 kg nổi bật giữa đám người lố nhố, mới nhìn từ xa cứ tưởng là Việt kiều Mỹ, tới gần thì nhận ra ôn Trần Quảng. Bên cạnh có một ôn mảnh khảnh, dáng dấp nghệ sĩ đã chiếm trọn trái tim người đẹp Mãi từ mấy chục năm nay, đó là ôn Đỗ Kha. Thọ không hiểu chuyện chi mà hai ôn mặt mày hí ha hí hửng, đứng gần con tàu oai phong như hai chàng ngự lâm pháo thủ, lần lượt cầm bàn tay ngà ngọc của mỗi nữ bá tước.

như trong mấy phim thờI vua chúa xứ Phú Lãng Sa. Thì ra tàu Cát Tiên chưa hoàn thành lối đi, cũng chưa khai trương , tối nay đón đợt khách đầu tiên coi như“làm nháp“. Một miếng ván dài độ 1m rưỡi, bề ngang chỉ vừa đặt chân nối liền bờ và tàu. Trên bong tàu lố nhố đám người đứng xem tiện thể khuyến khích tinh thần mấy nữ bá tước nhát gan sợ té. May là nữ bá tước Thọ mấy hôm nay không quên thoa kem dưỡng da tay. Mụ an tâm đưa bàn tay mềm mại cho chàng ngự lâm Quảng nắm chặc. Mụ run rẩy đặt một chiếc giày cao gót lên miếng ván mỏng manh, nhoài người tới đằng trước đưa tay cho một ngự lâm nào đó trên bong kéo lên tàu. Thành công lên tàu rồi nhưng mụ bá tước Thọ chưa vộI đi, nhủ thầm dại gì bỏ qua một màn hấp dẫn! Mụ theo dõi mấy mụ bá tước thuộc loạI bự con đang oằn oạI trên tấm ván làm nhiều người hồI hộp lo ngạI dùm có nguy cơ bị té nhào xuống nước. Nhất là mấy ôn ngự lâm van vái trong bụng mụ ơi đừng té nghe mụ! Không lẻ đường đường một đấng nam nhi mà lại thờ ơ bỏ qua màn nhảy xuống sông cứu vớt nữ bá tước sắp sửa chầu Hà Bá, nhưng thật tình không ôn nào muốn bị ướt bộ đồ vía.

Thọ lựa chỗ gần ban nhạc, ngồI giữa mụ Hoàn và mụ Bảo. Đồ ăn dọn sẵn để đầy bàn thấy hấp dẫn nhưng phơi gió từ hồi nào làm Thọ sợ đau bụng. May quá Thuận xách theo một dỏ bánh nậm và bánh bột lọc. Đang to nhỏ chuyện trò thì mấy mụ im bặt nhìn ra cửa tàu, Thọ đắc ý mình đúng là nhà tâm lý học! Mụ Lý thấp người bước chầm chậm, hơi dựa vào ông chồng cao lớn như tìm sự che chở. Đôi mắt mụ bụp thấy rõ mặc dù tô đậm hơn ngày thường, nghe đâu từ đêm qua và sáng nay nước mắt tự động trào ra như suối. Mụ Lý cố ý chọn chỗ cuối bàn để lánh xa trần tục, đặc biệt hôm nay mụ chỉ muốn.... thiền!

Ôn Quảng lên cầm micro, nhiều đôi mắt theo dõi ôn từng cử động. Ôn ngứa lưng nhưng ôn cũng không dám gãi. Trước tiên ôn nở nụ cười duyên dáng, đại khái là ôn thay mặt cho nhóm Phan châu Trinh Đà nẵng ngõ vài lời rằng buổi tiệc hôm nay nhằm mục đích mừng ngày hội ngộ với các bạn từ phương xa và Khánh Thọ ở Pháp về thăm quê hương. Ôn Quảng tránh nhắc tên của 5 mụ phương xa là vì tên nào cũng có chữ lót dài dòng, tính ôn lo xa sợ lỡ nói lộn. Điều đó khiến 5 mụ chỉ vui chút xíu, còn mụ Thọ chớp mắt cảm động nhìn ôn và bỗng nhiên thấy ôn ăn nói lưu loát và đẹp trai hơn Nguyễn ngọc Ngạn. Mụ còn nghĩ thầm nếu ôn Quảng xuất ngoại thì không chừng Nguyễn ngọc Ngạn bị thất nghiệp.

Chiếc tàu từ từ dạo trên sông Hàn...Những ngọn đèn đủ màu sắc hai bên bờ soi xuống dòng nước trong bóng đêm thật là thơ mộng. Nhìn qua hai bên tha hồ ngắm cảnh vật An Hải và con đường sông Bạch Đằng lướt qua chầm chậm. Tâm hồn chao ơi êm ả! Có lẻ giống như truyện xưa diễn tả cảnh thanh bình thời vua Nghiêu, vua Thuấn.

Tiếp theo là màn văn nghệ... Mụ Hoa không phải Việt kiều cần gì mơ hồi hương nhưng hát bài “Giấc mơ hồi hương" vô cùng truyền cảm. Mụ Mãi đúng là ca sĩ nhà nghề, điêu luyện trong nhạc phẩm “Em đến thăm anh một chiều mưa“. Khi ôn Vinh và ôn Kha cất giọng hát trữ tình thì hai mụ vợ Lý và Mãi không dấu nổi vẻ mơ màng hãnh diện. Thọ không dám múa rìu qua mắt thợ nhưng vì muốn được tặng hoa và chụp hình nên cũng bon chen lên cầm micro. Mụ Bảo chờ Thọ hát độ nửa bài, tay cầm cành hoa hồng sốt sắng đi lên sân khấu miệng cười toe toét. Mụ tính kỹ rồi! Trước là được chụp bô hình chung, sau làm việc nghĩa. Hát xong Thọ định hỏi:

“---Răng mi không quấn lộc tặng tao như mi tặng ca sĩ Ánh Hà! “ nhưng tính Thọ lo xa, sợ mụ Bảo thiệt thà xổ :“---Mi hát dở ẹt được tặng hoa là may rồi còn đòi hỏi chi nữa!".

Tàu từ từ cập bến...Lần này ba chàng ngự lâm pháo thủ Duẫn, Quảng và Kha thay phiên nhau cầm những bàn tay năm ngón mưa sa của các nữ bá tước nhảy vào bờ. Những bước chân chim cao gót lại thêm một lần run rẩy trên miếng ván gỗ mỏng manh, hồi hộp nhìn xuống dưới là dòng nước cuồn cuộn chảy... Ba chàng ngự lâm pháo thủ cầu mong sao một nữ bá tước (không phải mụ vợ của mình!) hụt chân té vào vòng tay rắn chắc của mình thì đời còn chi vui hơn! Nhưng than ôi chỉ là ảo mộng!

Chiếc vespa quen thuộc của ôn Tú vừa trờ tới. Lần nào dạy học xong thì bữa tiệc cũng vừa chấm dứt. Mấy mụ“phương xa" bỏ về trước. Năm cặp Kha và Mãi, Quảng và Mai, Duẫn và Thuận, Tú và Thọ, Anh và Hoa tà tà đi bộ dọc xuống bờ sông, chiêm ngưỡng mấy tượng điêu khắc nghệ thuật bằng thạch cao từa tựa kiểu ở Paris (chú thích: chỉ trưng bày tạm vài ngày lòe du khách trong ngày lễ văn hóa du lịch). Mấy khi năm cặp có dịp ngồi chung ôm nhau chụp hình! 10 cái miệng cười toe toét, những vòng tay sồn sồn hôm nay thay cho những vòng tay học trò ngày xưa...

Đưa tiễn

Sáng hôm sau bảy mụ Hoàn, Thoa, Bảo, Điệp, Điểu, Lý và Thọ rủ nhau ra musée Chàm chụp hình. Sau đó phóng tới sông Hàn cốt bấm vài tấm cầu Quay. Đang loay hoay đậu xe thì ông bảo vệ trật tự tớI đuổI như đuổI tà. Bảy cái miệng đàn bà nhao nhao năn nỉ:

---Tụi tui ở Sài gòn mớI về, anh làm ơn chụp dùm cho một tấm, chỉ cần một tấm thôi là tụI tui đi liền.

Ông bảo vệ cầm lòng không đậu, miễn cưỡng lấy máy hình bấm đạI để mấy mụ đi cho khuất mắt. Ngờ đâu thừa thắng xông lên, mấy mụ đổI kiểu dụ khị ông bấm thêm vài tấm nữa:

---Tấm ni tui chưa kịp cười mà anh bấm rồi. Thôi anh làm ơn bấm lại dùm.

---Trời ơi tui quên đeo gương! Tui cười xếp plis nhiều lắm. Bấm thêm một tấm nữa thôi anh ơi!.

Vậy mà cũng chưa yên, một mụ giao cho ông một máy khác, giọng ngọt xớt

---Anh đã làm ơn thì làm ơn cho trót! Lỡ cái máy kia hư thiệt uổng công tụI tui từ xa lặn lộI về đây!.

Bảy mụ hài lòng dắt xe đi và cứ tấm tắc khen mãi chưa bao giờ gặp ông bảo vệ nào dễ thương bằng.

Đèo nhau tớI nhà mụ Lý để chào ba má mụ trước khi rờI Đà nẵng. Thọ xin mụ Lý ly nước lọc, giọng tự nhiên vui vẻ làm như không biết mụ giận hờn từ hai hôm nay. Mụ Lý cườI tươi tắn, sốt sắng bưng ra cho Thọ một ly canh dưỡng sinh. Thọ ái ngại:

---Mi cho tao ly nước lọc được rồi!

---Tao nấu nhiều mà. Mi cứ uống cho khỏe!.

Thật là tình bạn thắm thiết.

Mụ Điểu, Mãi, Hoa, Hoàn, Quảng, Kha, Bình và Thọ tới ga xe lửa tiễn đưa mấy mụ lên tàu về lại nhà với chồng con. Nhìn mụ Thoa, Thọ đắc ý mụ Thoa nghe lời mình vì hôm qua mụ phân vân về việc chọn áo, cốt ý cho ông xã chiêm ngưỡng sau 5 ngày xa cách thì Thọ đã làm tài khôn khuyên mụ“---Nên mặc áo bông trắng đen mới mua, tao thấy mi gọn người trẻ ra!". Trông mụ Điệp hơi lạ! Mụ mặc nguyên complet cổ bẻ đứng đắn như nữ cán bộ cao cấp tham dự hội nghị Đảng. Có lẻ mụ tách riêng ra Huế thăm gia đình nên mụ tạo vẻ cho hạp với thành phố cổ kính chăng!? Mụ Hoàn chơi short trắng khoe cặp đùi hết xẩy! giày Bata, dáng dấp Françoise Hardy trông mụ còn chiến hơn Việt kiều!

Trong lúc chờ đợi cả bọn chuyền nhau xem hình chụp trên tàu Cát Tiên. Xem đến tấm hình 5 cặp sồn sồn ngồi trên thềm tam cấp mùi mẫn ôm nhau thì mụ Lý sững sờ nuối tiếc:

---Răng không ai kêu Lý, anh Vinh chụp với!.

Thọ được dịp lên giọng:

---Ai biểu mi lanh chanh về trước!.

Một mụ nói nho nhỏ:

---Tại lúc nớ nó chưa hết giận.

Ôn Quảng chọc ghẹo thêm:

---Hé hé...!Vì tấm hình này mà có người tiếc phát điên hé!.

Vợ chồng mụ Lý về cũng như đi, vẫn là “số nhiều"chao ơi biết bao nhiêu giỏ xách! Ôn Quảng và ôn Kha đã chia nhau xách phụ rồi mà ôn Vinh còn vác trên vai một bao gì to tổ bố, tay kia cầm một túi khá nặng làm vai xuội xuống. Vẫy tay...vẫy tay chào nhau...Biết khi nào mới có dịp họp mặt đông đủ như hè năm nay! Những đôi mắt lưu luyến trông theo chiếc tàu hỏa từ từ khuất dần cuối chân trời...

Đạo hữu

Không khí bớt sôi động từ ngày bốn mụ trở về với chồng con. Thọ và mụ Hoàn thường ngồi tán dóc sau hàng tạp hóa nhà mụ Hoàn. Lần nào mụ cũng gọi sửa đậu nành hay chè mè đen mời Thọ nhưng không bao giờ cho nước uống vì mụ ham nói chuyện say sưa, may mà Như Thủy nhân đạo hôm nào cũng nhớ đem ra chai nước. Tin tức nóng hổi bàn về mụ Thoa và mụ Lý ngọa bịnh nằm bẹp giường sau chuyến đi chơi Đà nẵng. Mụ Điệp bị trặc xương sống vì kéo valise quá nặng... Tiếng máy xe vespa của ôn Tú tới đón nổ ồn cả góc phố. Thọ cười:

---Lái xe này đi bắt ghen thì gian phu, dâm phụ kịp thì giờ nai nịt gọn gàng chạy mất tiêu rồi! Hầu như ngày nào cũng gặp nhau mà vẫn nói chưa đã, đôi khi còn năn nỉ ôn Tú chút nữa trở lại vì hai mụ ấm ức câu chuyện đang dở dang.

Sáng nay Thọ hẹn Phạm thị Bình tại nhà mụ Hoàn.

Mụ Bình là bạn học cùng lớp Phan Châu Trinh từ lớp đệ thất. Sau này về đạo thì cả hai cùng là học trò của sư cô Thích Trí Hải (trước khi xuất gia sư cô từng là giáo sư Phan châu Trinh). Thân phụ của mụ Bình là thầy Khánh dạy vẽ trường Phan châu Trinh. Thọ nhớ thầy đặt một cartable cũ trên bàn thầy, mấy chục nữ sinh vào lứa tuổi 11, 12 hướng mắt vào chủ đề, phóng bút chì và gôm tẩy lia chia trổ tài họa sĩ. Kết quả trò Thọ dưới điểm trung bình. Trong lòng cứ ấm ức sao mình không có năng khiếu hội họa hé!

Mụ Bình cũng được bạn bè gọi Trinh Nữ như mụ Hoàn. Cả hai Trinh Nữ cùng có điểm chung là chiếm được cảm tình và lòng tin cậy của Thọ. Tuy nhiên với mụ Hoàn thì Thọ nói chuyện đời, với mụ Bình thì Thọ học hỏi thêm chuyện đạo. Điểm khác biệt nữa là mụ Hoàn nói huyên thuyên, còn mụ Bình ít mở miệng. Mụ Bình ăn chay trường. Đầu tóc muối tiêu phát triển tự do không thèm nhuộm như các bạn gái khác, vậy mà mụ lại có nét đẹp tự nhiên dễ nhìn với làn da rất ít vết nhăn và nụ cười thiện cảm.

Mụ Bình chở Thọ tới tiệm bán sách Phật giáo. Thọ nhờ mụ Bình:“---Mi lựa dùm tao mấy cuốn nào dễ hiểu vì trình độ tao còn thấp lắm!". Mụ Bình giới thiệu vài cuốn của sư cô Trí Hải dịch, trong đó có cuốn“Nguồn mạch tâm linh" chính sư cô là tác giả và“ Đôi bạn chân tình" của Hermann Hesse. Thọ tìm“Tạng thư sống chết" (sư cô Trí Hải dịch) cốt ý tặng ôn Tú nhưng sách hay nổi tiếng nên mới về là hết ngay (Thấy mụ thất vọng, mấy hôm sau mụ Bình lùng đâu ra được cho Thọ một cuốn).

Hai bạn đồng môn chở nhau tới quán Thúy bán cơm chay ở đường Hoàng Diệu. Hai đứa cùng gọi món bún thịt nướng. Những miếng mì căn được ướp, tạo hình và mùi vị giống như những miếng thịt nướng hấp dẫn. Ăn chay mà cứ tưởng như mình đang ăn mặn!

- đọc tiếp -