Truyện dài - Thùy An

Để nhớ mãi một thời áo trắng
Thùy An - cựu giáo sư PTGĐN

 

CHƯƠNG BA


Hôm nay, thầy Thọ giảng bài qua micro nhưng tình trạng cũng không khả quan chút nào. Tôi bỏ viết xuống, chống tay vào cằm nhìn qua cửa sổ. Trời đẹp thật, từng làn mây trắng mỏng bay là đà như sắp chạm vào những đọt cây sao. Bên kia đường, những tà áo dài tung tăng đến lớp, cất tiếng cười nói râm ran gợi tôi nhớ đến bao kỷ niệm thời nữ sinh dưới mái trường Đồng Khánh thân yêu. Tôi nhớ những con đường mịn cát, cây phượng hồng thắp lửa mỗi độ hè sang. Tôi nhớ hàng mimosa cạnh văn phòng bà Hiệu trưởng, nhớ thảm cỏ mượt xanh phía sau trường suốt bảy năm trời chứng kiến những trò chơi của chúng tôi từ ô làng, banh đũa… cho đến những phút giây mơ mộng của tuổi dậy thì. Tôi nhớ màu vôi đỏ…

Thu Tâm đập mạnh vai tôi:
- Phương Khanh, sao mày không ghi chép?

Tôi giật mình, quay về thực tế. Trên bục giảng, thầy Thọ vẫn vừa nói vừa ghi bài lia lịa trên bảng đen. Nhìn vào tập Thu Tâm tôi thấy cả một rừng chữ nguệch ngoạc như cua bò, chả hy vọng gì chép lại của nó. Liếc qua Minh Hiền, không thấy tập vở đâu cả, chỉ thấy mặt nó nghệch ra, hướng về phía trước, đôi mắt sững sờ, si dại. Chiếc ghế để dành cho Đoan Trinh bỏ trống, chắc nó ỷ vào anh Phong nên không thèm đi học. Thế này thì thật quá đáng, phải làm mặt giận nó mới được.

Thầy Thọ ngừng giảng, liệng viên phấn xuống đất:
- Hôm nay nghỉ sớm, mai sẽ tiếp tục.

Thầy cười. Vẫn nụ cười chao đảo lòng người. Tôi không ngờ một con người ăn nói cộc lốc, lại có nụ cười lôi cuốn như vậy, đến gỗ đá cũng phải mềm ra.

Minh Hiền biến thành pho tượng. Tôi lôi tay nó:
- Mày làm gì thế? Định ăn vạ à.

- Thầy Thọ đẹp quá mày ạ.

- Không mắc mớ gì mày. Đứng dậy đi.

Minh Hiền lại giở giọng đanh đá:
- Ngồi hay đứng mặc tao. Sao mày vô duyên thế.

Thu Tâm nhanh nhẩu cho sách vở vào cặp:
- Kệ xác nó, Phương Khanh. Tao với mày đi ăn chè - nhìn Minh Hiền - Sao? cô nàng si tình! Đi với tụi này không?

Minh Hiền đứng dậy, vui vẻ trở lại:
- Ngu sao không đi.

Ba đứa chạy ào ra sân. Ngang qua phòng Hóa học, thấy Châu đứng nơi cửa, nhìn tôi chăm chú. Không tránh được, tôi gật đầu chào. Châu tiến lại, đôi mắt anh sáng ngời:
- Phương Khanh - Anh đưa cuốn vở đang cầm trên tay cho tôi - Gửi Khanh cái này.

Tôi tròn mắt. Châu cười, vẻ bí mật:
- Khanh cứ đem về nhà xem, khắc biết.

- Khanh không dám lấy đâu.

Minh Hiền sấn lại, giật cuốn vở từ tay Châu ấn vào tay tôi:
- Cầm lấy - Nó nhìn Châu - lần sau, muốn đưa tặng vật cho nó, anh Châu cứ giao cho em.

Châu vui vẻ:
- Cám ơn Minh Hiền rất nhiều.

- Cám ơn suông không được đâu…

Sợ Minh Hiền phát ngôn bừa bãi, tôi kéo nó ra xa. Thu Tâm nói:
- Châu chấu đưa cho mày cái gì thế?

Tôi mở cặp, nhét đại cuốn vở vào, không đáp. Minh Hiền cười thích thú, rồi nó ngâm nga: “Thư xanh một lá thay lời, Tâm tình anh gửi cho người anh yêu”!

Tôi nhéo nó:
- Mày đừng có sến.

- Mày cũng đừng có đánh trống lảng. Nếu không có lá thư kèm trong đó, sao mày lại dấu cuốn vở như mèo dấu … thế?

Tôi giật mình. Đó là điều tôi không nghĩ ra. Ban đầu tôi ngỡ Châu cho tôi mượn những bài tập Hóa học mà có lần anh đã nhắc đến, giờ thì… nếu thật sự có một lá thư trong đó? Ôi, tôi phải về nhà ngay, kẻo không yên với tụi nó đâu. Tôi rẽ sang một hướng khác, Thu Tâm kéo tay tôi:
- Đi ăn chè đã.

- Thôi, tao phải về… đi công chuyện cho mẹ tao.

Minh Hiền quàng vai Thu Tâm:
- Nó bây giờ không ăn cũng no. Mặc xác nó, hai đứa mình đi càng đỡ hao tiền.

Tôi thoáng thấy một nét buồn trong ánh mắt Thu Tâm. Nhưng tôi không còn thời gian suy nghĩ tiếp, cuốn vở trong cặp đang bốc lửa, thúc dục tôi bước nhanh về nhà.

Chị Phương Lan đang ngồi may, thấy tôi vào, chị ngưng đạp:
- Hoài mới ghé tìm em, lát nữa sẽ trở lại.

- Tìm em làm gì chứ.

Tôi đi ra sau, mặc cho chị Lan than trời:
- Thiệt tao chưa thấy ai vô duyên như mày.

Không kịp thay áo quần, tôi mở cặp lôi cuốn vở của Châu ra. Ô, không phải vở của tôi nhưng sao ngoài nhãn đề tên Phương Khanh? Giở từng trang trong, tôi lặng người đi vì mừng rỡ. Toàn bộ chương trình Sinh học Thực vật của thầy Thọ được ghi chép một cách rõ ràng mạch lạc, cùng những hình vẽ kèm theo đẹp như trong sách in. Một tờ giấy mỏng màu xanh rơi ra, không phải thư tình, tôi thở phào nhẹ nhõm, chỉ có vài dòng tóm tắt của Châu:

“Phương Khanh,
“Biết Khanh đang lúng túng trong việc ghi chép bài của thầy Thọ, tôi đã soạn cho Khanh một số bài dựa vào những tài liệu có sẵn của các sinh viên đã học thầy năm ngoái. Đây mới chỉ một phần thôi, tôi sẽ soạn tiếp cho Khanh. Khanh yên tâm nhé - Châu.”

Như vừa uống xong một viên thuốc hồi sinh, tôi ngả người xuống giường, duỗi thẳng chân, hai tay kê dưới đầu, thoải mái nhìn lên đỉnh màn, cho tâm hồn lâng lâng bay bổng. Vậy là yên chí lớn. Châu đã nhấc đi nỗi lo đè nặng trên vai tôi từ hôm qua đến giờ. Nghĩ đến anh, lòng tôi như được sưởi ấm bởi một ngọn lửa nồng nàn êm ái, đồng thời một nỗi ân hận dâng lên tràn đầy. Tôi đã từng làm lơ khi Châu gọi, đã từng xua đuổi Châu khi anh lẽo đẽo theo sau. Tôi thật bất lịch sự khi đối xử với một người đã dành cho tôi rất nhiều ưu ái. Ngày mai gặp Châu, nhất định tôi sẽ cám ơn anh, kèm theo lời xin lỗi. Tôi mỉm cười một mình. Chà, nếu Minh Hiền và Thu Tâm biết, tôi đang hạnh phúc đến dường nào! Cả Đoan Trinh nữa, dù anh Phong có giúp nó hết sức, vẫn chưa chắc nó có được một cuốn vở tuyệt vời như tôi. Đời đáng yêu quá. Tôi nhìn theo đám mây trắng lững lờ bay qua khung cửa sổ, hân hoan đón nhận làn gió mát thoảng vào thơm ngát hương cau. Có tiếng Hoài và chị Lan nói chuyện lao xao, tiếng mẹ gọi:

- Phương Khanh, ra ăn cơm.

Tôi chìm vào giấc ngủ.

*

Chuyến du khảo Thực vật được tổ chức vào buổi sáng chủ nhật đẹp trời. Tôi dậy từ mờ sáng, chạy sang nhà Đoan Trinh rủ nó cùng đi. Xe buýt hôm nay khá rộng rãi, hai đứa ngồi thoải mái. Tôi tò mò nhìn vào giỏ xách của Đoan Trinh:
- Trưa nay, mày đem theo gì ăn vậy?

Đoan Trinh lấy ra một cái lon nhỏ xíu:
- Mẹ tao làm xôi thịt gà.

- Ít vậy sao đủ cho mày và anh Phong?

Đoan Trinh bĩu môi:
- Mày đừng nhắc đến anh ấy nữa, chán lắm.

Anh Phong của tôi đúng là chán thật. Những tài liệu về Sinh học Thực vật của anh chẳng giúp gì được cho Đoan Trinh, vì đó là tài liệu nước ngoài, người dịch lại không có trình độ, nên câu văn lủng củng, sai nghĩa lung tung, đọc còn khó hiểu hơn những lời giảng lộn xộn của thầy Thọ. Vậy là Đoan Trinh theo Minh Hiền và Thu Tâm bám vào tôi, tranh nhau chép bài soạn của Châu. Tôi tha hồ vênh mặt và thoáng nhận ra rằng tình cảm của mình đã nghiêng về phía Châu rất nhiều.

Chúng tôi vào đến sân trường đã thấy đông đủ bạn bè. Tất cả đều ăn mặc gọn gàng, tay cầm những túi nylon lớn. Xe đón đoàn du khảo cũng vừa đến. Anh Phong từ trên xe nhảy xuống, chạy về phía Đoan Trinh:
- Hôm qua anh có đến nhà em. Em đi đâu vậy?

Đoan Trinh im lặng. Biết nó còn bực, tôi đỡ lời:
- Tụi em đi xi nê.

- Thế à? Phim gì vậy? Hay không?

Tôi ngớ người. Không biết hôm qua rạp Châu Tinh gần nhà chiếu phim gì nhỉ? Tôi đang lúng túng thì Đoan Trinh kéo tay tôi đến nhập bọn với Minh Hiền và Thu Tâm.

Tim tôi chợt đập mạnh khi thấy Châu đứng phía sau chiếc xe lớn, nhìn tôi mỉm cười. Đoan Trinh nói nhỏ:
- Ủa, anh Châu làm ở phòng Hóa học, sao lại theo nhóm Thực vật tụi mình?

Minh Hiền cười, liếc tôi:
- Cái đuôi của con Phương Khanh đó.

Thầy Vinh chở thầy Thọ đến trên chiếùc xe gắn máy màu xanh. Tôi được dịp trêu Minh Hiền:
- Còn cái đuôi của mày kìa.

Minh Hiền lắc đầu:
- Không phải, chính tao mới là cái đuôi của thầy Thọ.

Thu Tâm buồn buồn:
- Tao thì chả bao giờ được hạnh phúc như tụi bây.

Đoan Trinh ôm vai nó:
- Có đuôi chả vui vẻ gì đâu mày ơi.

Thầy Vinh điểm danh xong, dục mọi người lên xe. Châu lên sau cùng, anh ngồi phía trước với những người hướng dẫn cuộc du khảo. Thầy Vinh nhìn anh:
- Châu cũng đi à? Lạ nhỉ, lần đầu tiên thầy thấy em tham dự vào sinh hoạt của phòng Thực vật đấy.

Anh Phong châm chọc:
- Thầy không nên ngạc nhiên, năm nay, Châu nó bắt đầu yêu thiên nhiên đấy.

Thầy Thọ nói một câu rất Tây:
- Thiên nhiên đẹp lắm.

Xe lên đến đồi Vọng Cảnh, trời vẫn còn rất sớm. Sương mờ giăng bàng bạc trên những hàng thông. Lũ hoa dại ven đường vươn vai thức giấc dưới những bước chân rộn ràng của đám sinh viên. Đỉnh đồi tươi mát cỏ xanh. Tôi lặng người trước vẻ đẹp của phong cảnh quê nhà lần đầu tiên nhìn thấy. Quả thật, mười tám năm trời sống giữa thành phố cổ kính này, chưa một lần tôi được đi chơi xa.

Nắng vẫn chưa lên, không gian âm u làm cho cảnh vật trở nên huyền bí. Thầy Vinh nhìn lên trời:
- Lạ quá, hồi sớm trời tốt quá mà. Giờ thì… - Thầy bảo anh Phong - Em hãy tập họp sinh viên lại đi, chúng ta làm việc là vừa.

Tôi vẫn say sưa nhìn dòng sông lặng lờ trôi bên dưới, giữa những hàng tre, mờ ảo như một dải lụa tung bay vũ khúc nghê thường. Thu Tâm kéo vạt áo tôi:
- Nghe thầy dặn kìa.

Thầy Vinh đang đứng trên một mô đất cao, tay trái cầm một tấm bảng đen khá lớn, tay phải cầm viên phấn:
- Các anh chị chuẩn bị đi theo tôi. Tôi hái cây nào, Phong sẽ ghi tên Latin vào bảng đen, các anh chị sẽ hái bỏ vào túi nylon sau khi đã đính vào cây tờ giấy mang tên nó. Để tiện việc, các anh chị hãy chia mỗi nhóm hai người, một người ghi và một người hái. Cứ như vậy đã, tôi sẽ bày cách dán ép sau.
Không còn thả hồn lang thang nữa, chúng tôi chạy theo thầy Vinh muốn hụt hơi. Đám cỏ dại hoa hèn dưới gót chân được phân nhóm, chia loại và trở nên quan trọng.

- Đây là cây Yên Bạch, họ Compositae, đây là cây Ngũ Sắc, họ Verbenaceae, đây là…
Trời mưa. Thầy trò kéo nhau chạy xuống đồi, tấp vào một ngôi miếu bỏ hoang. Thầy Vinh xem đồng hồ:

- Trưa rồi, chúng ta nghỉ thôi.

Bốn đứa trải tấm nylon, chưa kịp đem cơm nắm ra, anh Phong đã dẫn Châu đến bên, nói với tôi:
- Phương Khanh, cho tụi anh ăn với nhé.

Bối rối trước ánh mắt của Châu, tôi nói nhỏ:
- Em… em không biết. Anh xin tụi nó đi.

Minh Hiền vẫn là con nhỏ miệng mồm nhất đám:
- Tụi này chơi kiểu Mỹ. Anh Phong và anh Châu muốn ăn thì bày thêm ra đây. Cho phép hai anh ngồi chung bàn… ý quên, chung đất với tụi này đấy.

Phong hí hửng ngồi xuống. Anh lấy trong túi xắc ra bốn ổ bánh mì và một con gà quay kèm theo đồ chua, tiêu muối. Hương mỡ hành bay lên thơm nức mũi. Minh Hiền reo lên:
- Vậy là tụi này lời rồi, anh Phong ơi.

Thu Tâm đánh vào vai nó:
- Mày sắp chết đói chưa đấy? Thật là xấu hổ.

Châu vẫn nhìn tôi, gương mặt anh mới dịu dàng làm sao. Anh Phong nheo mắt:
- Kìa Châu, sao đứng hoài vậy?

Châu ngại ngùng ngồi ghé cạnh tôi. Chỉ có Đoan Trinh là im lặng. Anh Phong xé một cái đùi gà đưa cho nó, nó lắc đầu. Chà, con nhỏ giận dai gớm. Tôi nói:
- Mày đừng làm khó anh Phong tao chớ.

Minh Hiền chọc:
- Cái đùi gà hấp dẫn quá, sao mày nỡ từ chối hả Đoan Trinh. Hãy vui lòng làm chị của con Phương Khanh đi, biết đâu mày sẽ được làm chị luôn cả... anh Châu nữa.

Tôi đỏ mặt đập ình ình vào lưng Minh Hiền. Đoan Trinh cũng phì cười. Chỉ có anh Phong là vui nhất vì hình như Đoan Trinh đã hết giận anh.

Trời vẫn còn mưa lâm râm. Thầy Vinh đề nghị các sinh viên cùng ngồi vòng quanh, hát hò chờ mưa tạnh hẳn. Và, chính giữa cảnh không gian bao la hùng vĩ đó, tôi đã được nghe giọng hát của Châu.
“ Chưa gặp em, tôi vẫn nghĩ rằng, có nàng thiếu nữ đẹp như trăng, mắt xanh lả bóng dừa hoang dại, âu yếm nhìn tôi không nói năng …”

Châu hát hay quá. Mặc cho các bạn trêu chọc: “Phương Khanh, nói năng đi chớ!”, tôi vẫn mê đắm lắng hồn theo tiếng đàn guitare nâng giọng trầm ấm của anh quấn quít trái tim tôi. Tiếng hát truyền cảm bay bướm của Châu đưa tôi xích lại gần anh hơn. Suốt buổi chiều sau đó, giữa rừng Thiên An chập chùng hoa tím, Châu đi theo tôi và tôi thì không còn ý định lảng tránh nữa. Tôi chấp nhận để anh giúp đỡ bằng cách chạy theo thầy Vinh hái cây, ghi chép, cho tôi được rảnh tay đi thơ thẩn phía sau, tha hồ ngắm phong cảnh. Đoan Trinh cùng nhóm tôi nên cũng thảnh thơi, tung tăng hái hoa bắt bướm khiến nhóm Minh Hiền, Thu Tâm phải la lên:
- Thế là không công bằng. Hai đứa mày sung sướng quá, nỡ nào để cho tụi này vắt giò lên cổ muốn điên khùng.

Hoàng hôn dần xuống. Anh Phong bắc loa tay gọi các sinh viên tập họp, theo thầy Vinh ra xe. Đoan Trinh, Minh Hiền và Thu Tâm chạy trước một cách cố ý, để mặc tôi và Châu tụt lại phía sau. Mưa đã tạnh nhưng đường vẫn còn trơn, tôi vấp phải viên đá suýt té. Theo phản ứng tự nhiên, tôi chộp lấy bàn tay Châu vừa đưa ra để giữ thăng bằng. Châu lo lắng nhìn tôi:
- Phương Khanh có sao không?

Một giọng ngâm thơ chua như giấm cất lên:
- Mặt nhìn mặt, mặt tròn mặt méo

Tay cầm tay, tay béo tay gầy.
Những tiếng cười khúc khích òa vỡ, rồi có ai đó hét to: “Bis, bis”. Tôi mắc cỡ vuột khỏi Châu, nhảy lên xe, tìm một góc ngồi im thin thít. Như không có chuyện gì xảy ra, Châu đến gần, đưa cho tôi túi nylon đựng cây to đùng:
- Tôi đã ghi chép tên cây đầy đủ, Phương Khanh đem về ép và học luôn nhé.

- Cám ơn anh.

Châu lấy trong túi ra một chùm hoa dại đủ màu sắc:
- Xin tặng Khanh. Cám ơn Khanh đã cho tôi một ngày vui.

Các bạn khác ào ào nhảy lên xe, tôi cầm lấy chùm hoa dấu vào lòng mũ. Minh Hiền mở cuộc điều tra:
- Châu chấu đưa gì cho mày thế?

Tôi đưa chiếc túi đựng cây ra. Đoan Trinh nói:
- Gặp trời mưa, cây ướt mèm làm sao mà ép đây.

Thu Tâm nhún vai:
- Cứ ép đại, tới đâu thì tới.

Nghe lời Thu Tâm, tôi chỉ lau khô lá cây rồi đem ép vào những trang báo cũ, lấy ba, bốn cuốn tự điển dằn lên. Đến ngày thầy Vinh ra thông báo nộp mười mẫu cây tượng trưng để lấy điểm, tôi mới tá hỏa khi giở lớp giấy ra, thấy những nhánh cây đen sì không thành hình thù gì cả, lại còn bốc lên mùi ngai ngái của sự úng thối nữa. Tệ hại thật. Tôi chạy qua nhà Đoan Trinh, thấy nó cũng đang méo mặt trước những tác phẩm kinh hoàng đó. Nó bào chữa:
- Tại cây ướt quá.

Hai đứa đạp xe qua Đập Đá tìm nhóm Minh Hiền. Hai con nhỏ này cũng không hơn gì chúng tôi. Đành trấn an nhau:
- Không sao đâu, cá mè một lứa hết. Trời mưa đâu có chừa ai. Thầy Vinh có tặng trứng ngỗng thì cả lớp cùng xơi.

Buổi trưa không ngủ, tôi cố gắng lựa ra những nhánh cây khô tương đối khá nhất, dán vào tập với một tâm trạng chán nản lạ lùng. Chùm hoa Châu tặng chiều hôm du khảo về đến nhà đã héo khô, không nỡ liệng, tôi đem ép vào tập vở, nay giở ra, chả thấy bóng dáng hoa hòe hoa sói đâu cả, rải rác trên trang giấy trắng là những mảnh nhỏ nát vụn úa vàng. Chưa bao giờ tôi thấy bực mình như vậy. Đúng là công cốc. Cả một ngày trời dầm mưa, lội đường trơn trợt, giờ kết quả là một đống lá cây rữa nát. Tôi chống tay vào cằm, nhíu mày nhìn những trang cây mới dán lại. Sao muốn xé toang hết đi cho rồi, xấu xí thấy mà ghét.

Thằng Bách chạy vào:
- Chị Khanh, bạn chị đến kìa.

Tôi bực tức:
- Nói tao ngủ rồi.

- Chị thật là bất lịch sự.

- Mày muốn ăn bạt tai hả.

- Ngu sao muốn.

- Vậy thì cút.

Nó bỏ đi ra:
- Em sẽ nói là chị còn thức.

- Mặc xác mày.

Một lát thằng Bách vào, trên tay cầm cuốn tập khổ lớn, đóng bằng giấy croqui dùng để vẽ. Nó thảy lên bàn:
- Anh “cột nhà cháy” gửi cho chị đó.

Nghe thằng Bách châm biếùm Châu, tôi cảm thấy bị xúc phạm:
- Im đi, mày không được hỗn.

- Nói vậy chớ anh ấy cũng đẹp trai ra phết. Mai mốt chị đem ảnh đi Mỹ viện lột da mặt…

Tôi dợm đứng dậy, thằng Bách lẹ làng phóng mình ra nhà sau. Không thèm đuổi theo, tôi kéo cuốn tập Châu gửi về phía mình. Tim tôi đập mạnh. Một lần nữa, sự quan tâm của Châu đã làm tâm hồn tôi xao xuyến. Tôi có cảm tưởng, giây phút nào, Châu cũng nghĩ đến tôi. Hãy ngắm nhìn những mẫu Thực vật anh đã ép gửi cho tôi. Đúng y số cây thầy Vinh yêu cầu, khô ráo, thẳng đẹp, đặc biệt là màu hoa vẫn giữ nguyên, chỉ hơi nhạt sắc tươi chút xíu. Một mảnh giấy kèm theo: “Đây là tên gọi các mẫu cây theo thứ tự, Khanh hãy ghi vào và gắng học thuộc nhé. Chúc Khanh thành công.”

Tôi ôm quyển tập vào lòng, mường tượng đến ánh mắt, nụ cười của Châu.

*

- Anh Châu, Khanh rất cám ơn anh.

Châu nhìn tôi dịu dàng:
- Khanh đã nộp bài cho thầy Vinh chưa?

- Dạ rồi.

- Thôi, Khanh làm bài đi nhé.

Sáng nay tôi làm kiểm tra, tìm loại ion và cation trong một dung dịch cho trước. Thu Tâm đang ngồi bên tôi, bật đứng dậy đi vào trong. Đoan Trinh ghé vào tai tôi:
- Con Thu Tâm đã biết chuyện rồi.

- Chuyện chi?

- Chuyện Châu đối xử đặc biệt với mày đó, nó buồn lắm.

Minh Hiền bảo Đoan Trinh:
- Mày nói với Phương Khanh chuyện đó làm gì. Nó và Châu có quyền yêu nhau chứ. Hai người hoàn toàn không có lỗi trong chuyện này.

Tôi muốn phản đối lập luận của Minh Hiền. Thu Tâm yêu Châu, nó buồn tôi là rất phải. Tôi và nó chơi thân từ nhỏ, không lẽ bây giờ vì Châu mà tình cảm bạn bè sứt mẻ hay sao? Rồi tôi lại phân vân. Nếu trả Châu về cho nó, tôi sẽ ra sao? Không có Châu bên cạnh, những trở ngại gì sẽ chờ tôi phía trước? Châu là hy vọng, là điểm tựa dịu dàng trong những ngày tôi chập chững bước chân vào Đại Học. Tôi chưa yêu ai, nhưng thú thật với lòng, người con trai mà tôi có cảm tình nhất là Châu. Thằng Bách nói đúng, tôi thật là bất lịch sự khi Châu đến nhà mà không tiếp, nhất là khi anh đến với cả một thiện chí tuyệt vời.

Thu Tâm đặt lọ dung dịch trước mặt. Tôi giúp nó soạn ống nghiệm và các đồ vật lỉnh kỉnh. Nó nói:
- Mày có mẫu sưu tầm Thực vật đẹp lắm phải không?

- Đâu có. Cây ép của tao cũng giống chúng mày thôi, hư hết.

- Sao nghe nói thầy Vinh định đem trưng bày những mẫu của mày nơi phòng triển lãm?

Tôi làm bộ nhớ ra:
- À, đó là những mẫu anh Châu cho tao.

- Anh ấy tốt với mày thật.

Tôi im lặng, cố tỏ ra bình thản. Tôi sợ Thu Tâm thấy được nét hớn hở trên mặt tôi, nên nói lảng:
- Thôi lo làm đi, thầy Kỳ ra kìa.

Cả phòng im phăng phắc. Tôi cầm ống hút đến góc phòng lấy axít. Axít còn quá ít dươí đáy bình, tôi bấm ngón tay liên tục lên ống, vẫn không lấy được giọt nào, các bạn khác đã nhanh tay hơn tôi. Trong giây phút bối rối, Châu đã có mặt bên tôi, hơi thở anh phả nhẹ lên mái tóc tôi âm ấm:
- Khanh làm gì mà cuống lên thế.

- Khanh lấy axít không được.

Châu đỡ ống hút trên tay tôi. Loay hoay một lúc, anh kề miệng vào để hút. Có lẽ vì cảm xúc, anh hút hơi mạnh, một tia axít phụt vào miệng anh. Châu buông ống hút, chạy vội vào phòng trong, để tôi đứng đó, sững sờ. Có tiếng lao nhao xung quanh tôi:
- Cái gì thế? Cái gì thế?

- Anh Châu bị…

Minh Hiền chạy đến, đẩy vai tôi:
- Vào xem thử coi, cũng tại mày hết, còn đứng ì ra đó nữa.

Tôi rụt rè bước vào trong, thấy Châu đang ngồi tựa lưng vào ghế, dùng khăn tay che miệng lại. Tôi ái ngại:
- Anh Châu… anh có đau không?

Châu nhìn tôi lắc đầu, mắt ánh lên vẻ trấn an. Tôi đến gần anh:
- Miệng anh… có sao không?

Châu lại lắc đầu.
- Khanh muốn xem…

Châu để hé chiếc khăn, và khi thấy môi anh ửng sưng lên, tôi đưa tay ôm lấy ngực. Cảm thấy mình có lỗi, tôi òa lên khóc. Châu luống cuống, anh đặt tay lên vai tôi, giọng run run:
- Nín đi Khanh - Châu đổi cách xưng hô - Anh không sao cả, mai mốt sẽ lành ngay thôi.

Anh đứng dậy, mở tủ kiếng, lấy ra một cái lọ nhỏ đưa cho tôi:
- Còn một ít axít đây, Khanh lấy ra dùng nhé. Nhanh lên kẻo làm bài không kịp bây giờ.

Môi Châu bỏng rộp suốt cả tuần. Minh Hiền làm quân sư:
- Sao mày không đem đến cho anh ấy một ít thuốc mỡ?

- Anh ấy làm phòng thí nghiệm, thiếu gì thuốc.

Đoan Trinh góp ý:
- Mày ngu thì cũng phải có mức độ thôi chớ. Chả tâm lý gì cả. Chỉ cần có bàn tay mày đưa thuốc cho Châu, Châu sẽ lành ngay tức khắc.

- Mày làm như thuốc tiên.

- Thuốc không tiên nhưng bàn tay mày đối với Châu là tiên. Nếu cần, mày nên hôn Châu một miếng…
Tôi đập nó:
- Đồ quỷ sứ yêu tinh, ăn nói phạm thuần phong mỹ tục.

Không biết có phải do lũ bạn tôi không, mà từ đó, thiên hạ trong trường cứ trêu rằng, tôi đã tặng cho Châu “nụ hôn cháy bỏng” đó để bắt đầu một thiên tình sử ly kỳ do họ tưởng tượng ra. Lần đầu tiên, Thu Tâm nói với tôi:
- Châu yêu mày lắm, mày đừng làm cho anh ấy buồn nhé.

- Sao mày biết?

- Anh ấy ở cạnh nhà tao mà. Anh thường sang chơi và hỏi thăm về mày, chỉ một mình mày thôi. Nhìn vào mắt anh ấy, tao hiểu tất cả.

- Tao chả nghe anh ấy nói gì cả.

- Mày khờ lắm, nhưng mày cũng thật dễ thương. Tao chúc mừng mày.

Tôi đọc được nỗi thất vọng trong ánh mắt Thu Tâm. Tôi thương nó quá nhưng biết làm sao bây giờ. Trái tim có những lý lẽ riêng. Minh Hiền đánh giá Thu Tâm theo một kiểu khác. Nó bảo Thu Tâm không được Châu yêu nên tỏ ra cao thượng với tôi, nhưng hãy coi chừng, Thu Tâm sẽ giằng Châu ra khỏi tay tôi bất cứ lúc nào thuận tiện. Tôi không tin, tôi thân với Thu Tâm nên đâm ra ghét Minh Hiền. Nó làm như mình hay lắm, trong khi chính bản thân nó lại sa vào vũng lầy không lối thoát. Nó yêu thầy Thọ, yêu thiết tha đến mất ăn mất ngủ, yêu điên cuồng mù quáng bất chấp lời khuyên răn của bạn bè. Nếu chúng tôi không kịp thời ngăn chận, nó đã dám làm bốn câu thơ gởi cho thầy:

Người và tôi hai giòng đời lãnh đạm
Cùng không gian nhưng cách trở linh hồn
Vì đam mê, tôi xây lầu hoa mộng
Trên cát vàng nên sóng biển vùi chôn.

Bài thơ còn nhiều đoạn nữa, nó đã chép cẩn thận định gửi đăng báo với hàng chữ “Tặng TTT” phía trên. Bài thơ như quả bom nổ giữa nhóm bốn đứa chúng tôi.

- Mày có điên không hở Hiền?

- Phải xé ngay bài thơ ấy đi.

- Thầy Thọ đã có vợ con, thầy đâu biết mày là ai giữa đám sinh viên đông đúc thế này.

Minh Hiền không phản ứng. Nó chỉ nói:
- Được rồi, tao nghe lời tụi mày không gửi đăng báo nữa, nhưng đừng cấm tao làm thơ tặng thầy trong nhật ký riêng tao đấy nhé. Nghĩa là tao vẫn yêu thầy, tình đơn phương sẽ làm cho cuộc đời tao có ý nghĩa.

Thầy Thọ đã trở về Sài Gòn từ lâu. Những giờ giảng của thầy trôi qua như một cơn ác mộng, chúng tôi không muốn nghĩ đến thầy nữa, trừ Minh Hiền. Nó đếm từng ngày, mong thầy ra dạy tiếp phần hai dù anh Phong đã nói, qua Tết thầy mới có giờ.

Đêm trăng sáng. Tôi bắc ghế ra vườn ngồi ngắm chị Hằng. Tôi cảm nhận trong không gian, có rất nhiều mùi hương trộn lẫn. Hình như mọi loài hoa trong vườn tôi cùng bừng nở một lúc. Hoa lài, hoa bưởi, thiên lý, ngọc lan… cây bích đào bên cổng nhà tôi cũng thấm đẫm sữa trăng lung linh ánh bạc. Tôi yêu nhất là màu hồng tươi thắm của bích đào, nhưng rất tiếc là hoa không thơm. Mẹ thường bảo, hoa không hương là hoa vô duyên. Ngày xưa, Lý Thái Bạch làm thơ ca ngợi nhan sắc Dương Quí Phi lộng lẫy như hoa thược dược, bị những người xấu dèm pha, tâu với Đường Minh Hoàng rằng, nhà thơ đã ví ái thiếp của ngài là hoa không hương. Tôi có vô duyên không khi đem lòng yêu hoa bích đào có mùi hăng hăng như lá héo? Tôi đứng dậy, đến bên cây, mân mê những ngọn lá dài căng tràn nhựa sống, chợt thèm nghe một tiếng chim hót hay tiếng gió thoảng về xua tan bầu không khí oi nồng.

Anh Thành vừa ghé rủ chị Lan đi xi nê, thằng Bách nằng nặc đòi theo. Cái thằng vô duyên! Vậy mà chị Lan vẫn chiều nó. Sau ngày ba mẹ anh Thành sang bỏ trầu cau, hình như chị Lan dễ dãi và yêu thương chúng tôi hơn lên. Chị nói mai mốt về nhà chồng rồi, biết còn thường xuyên gặp lại các em không. Ba cười, ba nói Đà Nẵng và Huế cách nhau có cái đèo Hải Vân, làm gì mà bi quan quá vậy. Ba nói để chị Lan cứng rắn với thằng Bách hơn. Dạo này nó lười học lắm.

Ba đi công tác mai mới về, mẹ vừa giao xong lô hàng, không được khỏe nên vào phòng nghỉ sớm. Còn lại mình tôi với khoảng vườn đầy ánh trăng. Giá mà tôi có tâm hồn thi sĩ như Minh Hiền, tôi sẽ làm một bài thơ ca ngợi nét đẹp thiên nhiên mờ ảo đang ngự trị trong vườn nhà tôi.

- Phương Khanh.

Tôi giật mình nhìn ra cổng. Một bóng người cao lênh khênh đang lóng ngóng nhìn vào. Chân tôi hơi run khi nhận ra Châu. Tôi đến bật chốt cổng. Giọng Châu reo lên mừng rỡ:
- Không ngờ Khanh ra nhanh thế.

- Khanh đang đứng ngay trong vườn mà, Khanh thấy anh trước.

- Thế à. Thật là hên. Đêm nay trăng sáng quá Khanh nhỉ.

- Dạ, để Khanh đem ghế ra đây ngồi cho mát.

- Để anh đỡ cho.

Từ hôm tôi tặng Châu “nụ hôn cháy bỏng” đó, Châu đã xưng “anh” với tôi, làm tôi sợ bạn bè nghe được, nên cứ tránh gặp anh tại trường. Một lần nữa, Châu lại khen:
- Vườn nhà Khanh mát quá.

- Vườn nhà Khanh nhỏ xíu thì có.

- Nhưng có rất nhiều hoa. Hồi mới đến nhà Khanh, anh thấy khóm bích đào thật đẹp, cánh hoa phớt hồng như mầu nước da của Khanh.

Mặt tôi nóng bừng. Tôi ngồi câm như hến.
- Phương Khanh.

- Anh nói chi?

- Sao cả tuần nay Khanh không muốn nói chuyện với anh?

- Khanh sợ… Khanh có lỗi với anh. Khanh đã làm bỏng …

Châu cười:
- Anh lành hẳn rồi. Khanh đừng lo nữa.

- Thiệt không anh? Anh hết đau rồi chứ?

Châu cầm hai bàn tay tôi đưa lên môi. Tôi hoảng sợ định rút tay ra, nhưng rồi vẫn để yên, tôi cảm nhận một luồng hơi ấm lan tỏa khắp châu thân. Và anh hát: “Ngày đó có em đi nhẹ vào đời, và đem theo trăng sao đến cuối trời u tối…”

Giọng hát trầm ấm của Châu theo tôi vào giấc ngủ, làm xanh thêm nỗi nhớ thương nhau.

đọc tiếp

Chương 1, 2, 3, 4, 5 ,6, 7, 8