Truyện dài - Thùy An

Để nhớ mãi một thời áo trắng
Thùy An - cựu giáo sư PTGĐN

 

CHƯƠNG BẢY


Chiếc xích lô quẹo vào vườn, dừng ngay trước hiên nhà. Ba gọi:
- Thằng Bách đâu, ra giúp ba một tay.

Ba đem vào nhà đủ thứ linh tinh. Sơn, vôi, bột màu, chổi quét… Thằng Bách vừa chạy loanh quanh, vừa hát om sòm:
- Cô dâu chú rể làm bể bình bông đổ thừa con nít…

Chị Phương Lan gắt:
- Mày có đứng yên không, chóng mặt quá.

Tuần sau là đám cưới chị Phương Lan. Để tiết kiệm tiền mướn thợ, ba định tự mình quét vôi và sơn lại mấy cánh cửa cho tươm tất, đón tiếp đoàn rước dâu.

Anh Thành đưa chị Phương Lan đi sắm sửa áo quần từ tháng trước. Chị may hai áo dài, một gấm đỏ và một gấm hồng. Riêng tôi, chị mua cho một xấp vải màu xác pháo để làm phụ dâu, nhưng tôi không thích vì lòe loẹt quá.
- Ngày đó em sẽ mặc áo dài lụa hồng của em. Áo còn mới lắm, chị đừng lo.

Trong thời gian này, chị Phương Lan tươi như hoa mùa xuân. Chẳng còn bao lâu nữa, anh Thành sẽ dìu chị bước vào vùng thiên đường hạnh phúc, biết chị còn nhớ đến cô em gái của mình không nhỉ. Tâm hồn tôi lúc nào cũng bị những nỗi buồn vu vơ xâm chiếm. Tôi buồn đủ chuyện. Thứ nhất là chẳng có đứa bạn nào sang chơi với tôi, Minh Hiền đi Đà Lạt nghỉ hè, Thu Tâm về quê mãi không thấy lên, Đoan Trinh thì có anh Phong rồi, lâu lâu nó mới ghé mắt đến tôi chút xíu. Thứ hai là viễn ảnh ngày mai ngôi nhà này vắng bóng chị Phương Lan, thà chị làm dâu tại Huế còn đỡ, đằng này, chị theo anh Thành vô tuốt Đà Nẵng, cách tôi cả cái đèo Hải Vân sừng sững to đùng, mỗi lần muốn gặp chị khó ơi là khó. Nhưng điều làm tôi buồn nhất là sự biến mất của Châu ra khỏi cuộc đời tôi. Kể từ đêm đó, tôi ý thức được rằng, tôi đã mất Châu. Hãy chờ anh. Châu đã nói với tôi như thế chỉ cốt giữ mối dây liên lạc với tôi mà thôi. Sau nhiều đêm thao thức suy nghĩ, tôi đi đến một kết luận xót xa cả lòng, đó là Châu không thành thật yêu tôi. Vì ích kỷ, muốn giữ tôi cho anh, anh đã bảo tôi chờ đợi bằng những lời hứa hẹn bâng quơ, mơ hồ. Tôi thật là ngu muội, cả tin. Tuy nhiên, dù muốn dù không, tôi vẫn không sao xóa được hình bóng anh trong trái tim mình.

Ba chuẩn bị tháo các cánh cửa ra. Mẹ nói:
- Để kêu thằng Phong qua phụ với.

- Tôi đã gọi, chiều nó qua. Có nó với thằng Bách là được rồi.

Thằng Bách nhăn nhó:
- Còn chị Khanh nữa, sao ba không sai?

Ba trợn mắt:
- Chị mày có công chuyện khác.

Thằng Bách nhìn ra cổng:
- Chị Thu Tâm đến kìa, công việc của chị Khanh đó chắc.

Mẹ nạt:
- Đồ con trai nhỏ mọn, tao muốn tát tai mày quá.

Thu Tâm đạp xe vào đến cửa:
- Cháu chào hai bác ạ. Chào em Bách.

Tôi mừng rỡ nắm tay Thu Tâm kéo vào nhà:
- Trời đất, tao tưởng mày về quê lấy chồng rồi chớ.

- Lấy khỉ. Tao lên lâu rồi nhưng không rảnh để qua mày.

- Có bận học thi kỳ tới thì cũng ráng thăm tao chút xíu chớ.

- Tao còn bận dạy kèm cho mấy đứa con bác sĩ Phú nữa. Mày biết không? Anh Châu kỳ lắm. Anh nhờ tao dạy kèm cho chúng nó ba ngày thôi, không ngờ ảnh đi mất tăm làm bác sĩ Phú nhờ tao dạy luôn. Ngoài ra…

Thu Tâm ghé vào tai tôi thầm thì:
- Sau ngày Châu đi, cảnh sát tới lục lọi nhà bác Phú hoài, mới tuần trước, họ còn mời bác lên điều tra, khi về, mắt bác bầm và má bác sưng một cục.

- Trời đất, bác bị tra tấn à?

- Người ta muốn biết hiện anh Châu ở đâu, nhưng bác chẳng biết mô tê chi cả.

Tôi muốn kể cho Thu Tâm nghe chuyện Châu đến từ giã tôi đêm ấy, nhưng rồi lại thôi. Chuyện không phải giỡn, có thể liên lụy đến gia đình tôi nữa. Lần đầu tiên tôi nghĩ đến sự nguy hiểm khi lỡ yêu Châu. Thu Tâm nói:
- Trước khi bỏ Huế mà đi, anh Châu có nói gì với mày không?

- Ảnh bảo tao hãy đợi.

Thu Tâm trầm ngâm:
- Nếu đợi được, mày cũng nên đợi, tao tin chắc rằng, anh ấy không làm điều gì xấu đâu.

Lòng tôi hoang mang dữ dội. Nỗi nhớ Châu lại dấy lên bóp nghẹn trái tim tôi. Tôi bảo:
- Thôi đừng nhắc đến anh ấy nữa.

Tôi mở hộc bàn đưa cho Thu Tâm tấm thiếp báo hỷ của chị Phương Lan. Mắt nó sáng lên:
- Đám cưới chị Lan hả. Thảo nào tao thấy ba mày sửa soạn tranh hoàng nhà cửa. Tao sẽ giúp bác một tay.

Tôi cười:
- Mày giúp nếm đồ ăn hả?

- Đừng coi thường tao chớ. Tao quét vôi số một đó nghe.

Thu Tâm quả là số một. Nó làm việc rất nhanh, gọn gàng, đầy sáng tạo. Chỉ trong một ngày, nó đã quét vôi xong phòng khách và nhà ngang, đường chổi đều đặn, đẹp như thợ chuyên nghiệp khiến ba và anh Phong cũng phải chào thua. Giờ thì hai người chỉ lo sơn mấy cánh cửa nữa là xong. Chị Phương Lan khâm phục Thu Tâm quá, nên đi chợ mua nhãn bọc hột sen, nấu chè đãi con nhỏ.

Tiệc đón dâu được tổ chức trong vườn nhà. Chị Diệu Hương đứng ra làm đầu bếp với sự phụ tá của chị Thảo Sương và Diệu Hạnh. Bánh trái do nhà cô Sâm làm. Nói chung, tất cả đều là cây nhà lá vườn nhưng đầy chất lượng. Mọi việc diễn tiến tốt đẹp trừ một điều khiến mọi người không được hài lòng, là anh Tùng và anh Hải không thể về Huế dự ngày vui của chị Phương Lan được, vì tình hình chiến sự không cho phép.

Buổi chiều, nhà trai đãi tiệc ở nhà hàng Quốc Tế. Minh Hiền đi Đà Lạt vẫn chưa về, chỉ có Thu Tâm ngồi cạnh tôi, nhưng chúng tôi không nói chuyện với nhau được, vì bên tôi lúc nào cũng có Hoài. Hoài làm phụ rể cho anh mình, tôi làm phụ dâu cho chị mình, thế là mọi người tha hồ chọc ghẹo trước những đôi mắt tán đồng của hai họ, nhất là hai bác Tuân và ba mẹ. Tôi thẹn chín người trong khi Hoài vẫn thản nhiên gắp đồ ăn cho tôi, anh chăm sóc tôi từng ly từng tí như một người yêu thật thụ. Có lẽ anh đã lớn nên không biết mắc cỡ hoặc vì quá yêu tôi, anh không còn để ý đến mọi người xung quanh nữa cũng nên. Tiệc sắp tan, chị Diệu Hạnh vẫy tay gọi tôi, tôi xin lỗi Hoài và Thu Tâm rồi chạy ra cửa với chị. Có chị Diệu Hương đứng sẵn ở đó, mặt đầy vẻ trịnh trọng. Tôi ngạc nhiên:
- Có chuyện gì thế, hai chị?

Chị Diệu Hạnh kín đáo chỉ người đàn ông bên họ nhà trai, đang ngồi cạnh chị Thảo Sương nói cười thân mật, ánh mắt ông nhìn chị rất thiết tha:
- Phương Khanh có biết ông ta là ai không?

- Em chưa hề thấy ông ta. Không biết có họ hàng gì với bác Tuân không.

Thằng Bách chạy đến, tò mò nhìn theo ánh mắt của chị Diệu Hương, nó nhanh nhẩu:
- Chị muốn hỏi thăm cái ông mặc bộ vét xám, cà vạt bông bông ngồi gần chị Thảo Sương phải không? Ba thằng Văn đó.

- Văn nào?

- Văn bạn em chớ Văn nào. Bác sĩ Phú đấy. A, giờ tôi mới thấy được người chủ nhà cho Châu ở trọ, người đã từng bị liên lụy vì anh. Hình như dấu bầm nơi mi mắt của ông vẫn chưa tan. Nghe Thu Tâm gọi ông là bác Phú, tôi tưởng ông già lắm, ai ngờ trông ông rất phương phi, cao lắm chỉ đến năm mươi tuổi là cùng.
Tôi trở về chỗ ngồi, nhà hàng vừa dọn món tráng miệng ra. Hoài lấy miếng cam đưa cho tôi, tôi lơ đãng cầm, mắt vẫn nhìn về phía chị Thảo Sương. Đêm nay chị diện đẹp quá, áo dài nhung tím làm nổi bật làn da trắng ngần.

Trông chị rất trẻ, trẻ hơn nhiều so với tuổi của chị. Thu Tâm đập vào vai tôi:
- Mày nhìn gì chăm chú thế.

- Phải ông đó là bác sĩ Phú không?

- Đúng rồi, hiện tao đang dạy kèm hai đứa con của ổng là thằng Văn và thằng Vũ. Nãy giờ tao cũng để ý như mày, coi bộ ổng khoái chị dâu của mày lắm.

- Mày đừng có nói tào lao, rủi đến tai vợ ổng thì phiền.

Thu Tâm cười hích hích:
- Vợ ổng đi chầu Diêm Vương từ hồi thằng Văn nhỏ tí, còn đâu nữa mà nghe. Nè, chị Thảo Sương mày đẹp quá chừng, đáng được phủi chân leo lên làm bà bác sĩ lắm.

- Thôi mày tốp bớt cái mỏ lại. Chị Thảo Sương đã có anh Trí, ba của thằng Thanh, bộ mày không biết hay sao?

- Biết chớ. Nhưng hơi đâu mà đợi, mười mấy năm rồi biết anh ấy còn nhớ đến vợ con không?

Tôi bẻ nó:
- Vậy sao mày khuyên tao đợi Châu?

- Tại mày mới mười chín, còn ba năm nữa mày ra trường, nếu Châu không về, mày có quyền yêu người khác. Tuổi xuân qua nhanh lắm, Phương Khanh à.

- Mày nói giống bà già quá.

** *


Mùa hè qua đi, tôi bước lên năm thứ hai cùng Minh Hiền, Đoan Trinh học lại năm dự bị, còn Thu Tâm ở nhà phụ mẹ buôn bán. Bộ tứ của tôi tuy rã đám nhưng cũng không đến nỗi nào. Thỉnh thoảng chúng tôi lại gặp nhau trong vườn nhà mỗi đứa, hoặc cùng đạp xe đi chơi khắp đó đây. Ông Trầm, ba Đoan Trinh đã được thả về. Ông bỏ hẳn thói quen chăm sóc cây cảnh, đổi sang nghề đi buôn chuyến, vắng nhà luôn. Theo ông, có như vậy mới phụ giúp được cho kinh tế gia đình, vì cửa hàng tạp hóa của bà Trầm không kiếm được bao nhiêu.

Ngày hai buổi, tôi cắp sách đến lớp. Khuôn viên trường vẫn chan hòa ánh nắng, giảng đường C rộng thênh thang vẫn mát rượi dưới những tàng cây điệp hồng, nhưng bên cạnh tôi đã vắng bóng Châu. Từ đó, tôi thường nghĩ đến câu danh ngôn: “Sự xa cách đối với tình yêu cũng như gió đối với lửa, gió dập tắt những ngọn lửa nhỏ nhưng làm bùng lên những ngọn lửa lớn.” Ngọn lửa lớn thiêu đốt cõi lòng tôi, ngọn lửa lớn chi phối đời sống tôi, và ngọn lửa ấy cũng đã ảnh hưởng nhiều đến khả năng nhận thức của tôi. Tôi học hành giảm sút thấy rõ. Nỗi nhớ thương Châu thường ray rứt tâm tư tôi mọi lúc, mọi nơi. Càng yêu anh, tôi càng căm tức anh. Đồ ích kỷ, đồ giả dối. Đôi lúc tôi muốn ngả vào vòng tay mở rộng của Hoài để trả thù anh, nhưng rồi tôi kịp dừng lại. Tôi không thể dối được lòng mình. Nụ hôn đêm nào vẫn còn mặn đắng môi tôi.

Chị Phương Lan đã theo chồng đi xa, nhà càng quạnh vắng. Tôi thường đạp xe qua nhà cô Sâm chơi với các chị, có khi tôi xin ba mẹ ở hẳn bên cô cả tuần, để tiện nhờ anh Phong giảng bài, hướng dẫn học tập.

Trong tiệc cưới chị Lan, bác sĩ Phú đã làm quen với chị Thảo Sương, sau đó, ông thường sang nhà cô Sâm, đem theo nhiều quà cáp. Chị Thảo Sương rất dè dặt trong việc tiếp đón ông. Ban đầu, chị tránh mặt nhưng sau cô tôi khuyên không nên làm như vậy, cứ xem ông như một người bạn bình thường, hoặc hơn thế nữa cũng được. Cô cho phép chị nghĩ đến tuổi xuân của mình mà xử sự cho hợp lý, vì thực ra, giờ này không biết anh Trí còn sống hay đã chết, chẳng lẽ chị cứ âm thầm chờ đợi mãi sao. Bác sĩ Phú mới bốn sáu tuổi, cái tuổi sung sức nhất của người đàn ông. Vợ mất sớm, ông sống trong cảnh gà trống nuôi con hơn mười năm nay. Ông là một bác sĩ có tư cách, giỏi tay nghề, giàu lòng nhân hậu, rất xứng đáng với chị Thảo Sương. Ông có họ hàng với bác Tuân gái, nên sau ba tháng thăm viếng, ông nhờ bác đánh tiếng với cô tôi, trước khi ra Quảng Trị thưa chuyện với mẹ đẻ chị Thảo Sương, xin phép được cùng chị bước tiếp đoạn đời còn lại.

Lúc đầu, tôi nhận thấy chị Thảo Sương rất vui khi tiếp chuyện với bác sĩ Phú, họ có đi chơi với nhau một vài lần. Nhưng dần dà, chị tỏ ra bối rối mỗi lần bác sĩ Phú tới thăm. Trong nhà không ai phản đối chuyện này cả, mà trái lại, từ chị Diệu Hương, Diệu Hạnh cho đến anh Phong, ai cũng mong chị Thảo Sương tìm được hạnh phúc mới cho khỏi uổng phí những ngày xuân dần qua trên mái tóc còn xanh của chị. Chỉ có cô Sâm là buồn, nhưng tôi biết, cô cố nuốt nước mắt vào lòng, giả vờ vui để người dâu thảo khỏi mang mặc cảm có tội với người chồng đã chia xa.

Sau khi bàn bạc với bác Tuân, cô Sâm hứa sẽ hỏi ý kiến chị Thảo Sương rồi trả lời dứt khoát, vì cô hoàn toàn để cho chị quyết định. Chị hẹn bốn ngày. Đến ngày thứ ba, chị nói với cô:
- Thưa mẹ, xin mẹ cho con gửi thằng Thanh ở lại học cho hết niên khóa. Con sẽ ra Quảng Trị sống với mẹ con.

- Con nói gì lạ thế? Còn vụ ông bác sĩ?

- Thưa mẹ, con đã suy nghĩ kỹ rồi. Trong đời, con chỉ yêu có một người là anh Trí. Con sẽ tiếp tục ở vậy, nuôi con của anh ấy để chờ ngày anh ấy trở về bên con.

Những ngày đợi chờ mòn mỏi vẫn hững hờ trôi qua trên mái tóc bạc trắng của cô Sâm, trên mái tóc xanh của hai chị Diệu Hạnh, Thảo Sương và… cả tôi nữa, dù không muốn nghĩ đến Châu nhưng lòng tôi vẫn luôn mong ngóng một điều gì.

Nghỉ Tết. Đi chơi, đấu láo mãi với tụi bạn cũng chán, tôi ở nhà tập làm mứt bánh. Làm biếng đạp xe xa, nên thay vì vô nhà cô Sâm, tôi đi bộ ra nhà bà Thị, em của bà ngoại tôi, phụ các mợ in bánh và xên mứt. Sáng hăm tám Tết, thằng Bách ra gọi:
- Chị Khanh, anh Thành và chị Lan ra tới rồi.

Tôi vui mừng quăng đũa xuống chảo mứt sen, làm chao nghiêng lò sấy. Bà Thị lắc đầu, cười khoan dung:
- Thôi, để đó cho bà.

Tôi nhảy chân sáo theo thằng Bách về nhà. Mọi người cùng ngồi nơi phòng khách, trong bầu không khí tết rộn vui. Chị Phương Lan mới chớm thai, bụng còn nhỏ xíu. Mẹ nói:
- Vậy là cháu ngoại của mẹ cầm tinh con khỉ.

Anh Thành hớn hở:
- Nó sẽ có bảy mươi hai phép thần thông của Tề Thiên Đại Thánh.

Cô Sâm ra thăm, bảo chị Lan:
- Sang năm Thân, là năm tuổi của cháu, đi đứng cho cẩn thận. Đáng lý có bầu cháu không nên đi xa như vậy, đường đèo Hải Vân quanh co nguy hiểm lắm.

Anh Thành đỡ lời:
- Thưa cô, thai của Phương Lan rất khỏe. Hơn nữa, phải về ăn Tết với gia đình chứ. Ba cháu cứ viết thư kêu hoài.

Vợ chồng chị Phương Lan về nhà bác Tuân cho đến chiều ba mươi. Cúng kiến xong, anh chị trở về bên tôi ăn Tết. Ba vạch chương trình du xuân:
- Sáng mồng một, mấy mẹ con đi chùa hái lộc, tôi trông nhà cho. Chiều Thành sẽ đưa tôi sang anh chị Tuân, chị Sâm, nếu kịp sẽ ghé một vài chỗ thân tình khác. Mồng hai thì tự do xả cửa, ai muốn đi đâu thì đi, cứ việc khóa cổng nhà lại.

Mẹ phản đối:
- Ông này nói hay chưa, Tết nhất ai lại bỏ nhà mà đi hết bao giờ. Tôi ở nhà tiếp khách, ai đi đâu thì đi.

Sáng mồng một, ngôi vườn nhà tôi rộn ràng thay áo mới. Hình như tất cả các nụ hoa đều nở đúng kỳ. Những màu sắc tươi trẻ lung linh trong khoảng đất nhỏ bé quanh tôi, hoa lài, hoa khế, hoa bông biếc tím ngắt hàng rào. Chị Phương Lan reo:
- Khanh ơi, bích đào nở hoa nhiều quá.

Anh Thành xách máy hình chạy ra:
- Nào, hai chị em đứng dưới khóm bích đào. Anh chụp vài pô xem.

Mẹ ngăn:
- Phương Khanh thì được, còn Phương Lan có bầu không nên chụp hình, mai mốt đẻ con mất duyên đi.

Anh Thành cười:
- Phương Lan có duyên như vậy làm sao đẻ con vô duyên được ạ.

Chị Phương Lan lườm chồng:
- Anh không được cãi mẹ - rồi chị bảo tôi - Khanh chụp hình một mình đi, hay là qua rủ Đoan Trinh cùng chụp cho vui.

- Mồng một ai dám qua đạp đất. Để sáng mai đi.

Chiều, ăn cơm xong, anh Thành bảo chị Lan:
- Em ở đây chơi với ba mẹ và hai em, anh về bên nhà, sánh mai qua sớm đưa em đi thăm bạn bè nhé.

Đến chín giờ, ba bảo:
- Thôi đi ngủ sớm một bữa.

Mẹ than van:
- Cái thằng Tùng sao không chịu về ăn Tết với gia đình. Tôi nhớ nó quá.

- Khi nào xin được phép thì nó về, hơi sức đâu mà trông. Đời lính mà, dù sao nó còn độc thân cũng đỡ buồn hơn thằng Hải, vợ con đó mà không về được, con Diệu Hạnh sầu héo như tàu lá khô, tội quá.

Tôi định ra cài cổng thì thấy cậu Khuê, con bà Thị hấp tấp bước vào:
- Ba cháu đâu?

Ba đi ra:
- Cậu ngồi chơi đã. Có chuyện gì mà cậu đến khuya vậy?

Cậu Khuê nói nhỏ:
- Tôi vừa ở bên An Cựu về. Ngang qua các ruộng lúa, sao tôi lạnh cả người. Anh tin đi, tôi thường có linh tính ít khi sai lắm. Hình như… họ đang có mặt chung quanh đây thôi. Tôi ghé để dặn anh chị, vườn nhà này trống trải quá, có gì hãy kéo cả nhà ra chỗ tôi nhé.

Cậu Khuê đi rồi, mẹ tái mặt:
- Chết cha, làm sao bây giờ, ông?

Ba bình tĩnh:
- Không có gì đâu, cậu ấy thường hay quan trọng hóa vấn đề lắm. Phương Khanh, ra đóng cửa, cài cổng cẩn thận nghe con.

Tôi vào phòng, nằm cạnh chị Phương Lan. Chị đã ngủ, hơi thở đều đều. Đồng hồ trên tường gõ mười tiếng, rồi mười một, mười hai. Không gian yên tĩnh lạ thường, tôi nghe cả tiếng gió nhẹ luồn qua khóm cây, tiếng lá khô lìa cành rụng xuống vườn chạm nhau lao xao. Bỗng… một tiếng nổ không lớn lắm, kéo theo nhiều tiếng nổ khác râm ran… râm ran… Ngoài kia, mẹ trở mình:
- Không biết nhà ai điên vậy, giờ này còn đốt pháo.

Ba khẳng định:
- Súng nổ đó, pháo chi mà pháo.

Giọng mẹ run rẩy:
- Trời ơi, súng hả ông. Gần nhà mình quá.

- Đâu ngoài bờ sông ấy, để tôi ra xem sao.

Mẹ cuống quít:
- Tôi lạy ông, tôi van ông, đừng ra ngoài mà tên bay đạn lạc, ông làm ơn làm phước ở nhà giùm tôi.

Ba gắt:
- Cái bà này, tránh ra coi.

Ba mở cửa ra ngoài một lát rồi trở vào:
- Không có gì hết. Thôi, ngủ đi bà.

Tất cả bỗng trở nên tối đen. Điện cúp. Ba cằn nhằn:
- Cái ông nhà đèn này ác thật, Tết nhất cũng không tha cho người ta.

Đến sáng, nước máy trong nhà chảy yếu hẳn rồi cúp luôn. Mẹ la lên:
- Tết nhất kiểu gì vậy không biết. May mà mình có trữ sẵn nước trong hồ.

Thằng Bách dậy thật sớm, diện bộ đồ vía, lấy xe đạp của tôi đi chơi. Một lát sau, nó lật đật chạy về, mặt mày tái xanh tái xám:
- Việt Cọng…Việt Cọng đứng nơi cầu Gia Hội… Họ không cho em qua, họ đuổi em về.

Tôi hết hồn:
- Mày đừng có bịa chuyện.

Chị Phương Lan vừa thức dậy, la nó:
- Mày lúc nào cũng trông gà hóa cuốc.

Thằng Bách dậm chân xuống đất:
- Em thề danh dự mà.

Ba nãy giờ ngồi yên bên bàn nước, cất tiếng:
- Hai đứa im đi, để ba hỏi nó. Bách, kể đầu đuôi ba nghe.

Thằng Bách vẫn chưa hoàn hồn:
- Mấy ông đó về thiệt ba ơi. Ngoài Gia Hội không có nhà ai mở cửa hết, đường sá vắng hoe.

- Có ai đi ngoài đường không?

- Ít lắm. Ngoài bờ sông có một người nằm thẳng ro, không biết chết hay sống. Nghe nói ông ta bị đạn lạc.

Ba đứng dậy, vẻ mặt trầm ngâm:
- Vậy là cậu Khuê đoán đúng.

Chị Phương Lan gặng hỏi Bách:
- Họ đuổi em về, những họ có cho phép người bên kia cầu Gia Hội về đây không?

Thằng Bách lắc đầu:
- Họ cấm tuốt. Nội bất xuất ngoại bất nhập.

Chị Lan xí một tiếng, liếc một cái dài. Tôi tò mò:
- Em thấy họ thật à? Họ mặc đồ gì?

Thằng Bách được dịp kể:
- Họ mặc đồ bộ, màu đen có, màu rêu có, có nhiều người mặc quần ngắn ngang đầu gối. Đầu đội mũ tai bèo, vai mang súng, băng đạn vòng qua thắt lưng. Ban đầu em tưởng là nhân dân tự vệ, nhưng sau nghe người ta xì xào em mới biết là mấy ổng đó chớ.

Chị Phương Lan lo lắng:
- Trời ơi, như vậy sáng nay làm sao anh Thành qua đây.

Thằng Bách ngồi xuống ghế, duỗi thẳng hai chân:
- Mười anh Thành cũng không dám qua đâu.

Ba la nó:
- Chị mày đã lo, mày còn chọc tới. Đi thay áo quần mau, rồi ở nhà, xớ rớ ra ngoài là chết với tao.

Mẹ bưng lên dĩa bánh tét chiên:
- Cả nhà ăn sáng đi. Tình trạng này chắc cũng chả có chợ búa gì đâu.

Chị Phương Lan bỗng khóc tấm tức:
- Ba mẹ ơi, con lo cho anh Thành quá.

Mẹ vuốt tóc chị:
- Không sao đâu con. Đang có bầu, đừng nghĩ ngợi nhiều, không nên.

Có tiếng bước chân nhiều người xôn xao ngoài cổng, thằng Bách chạy đến cửa sổ hé màn nhìn ra, lưỡi nó líu lại:
- Ba mẹ ơi, họ… họ ngoắc con.

Ba nói:
- Bình tĩnh, đừng có cuống. Cứ ra mở cửa bình thường.

Mẹ nắm tay ba lôi vào nhà trong:
- Ông lánh mặt đi.

Hai người thanh niên rất trẻ mặc đồ đen, đội mũ, mang súng giống y như lời thằng Bách đã tả, bước vào vườn. Họ không vô nhà, chỉ nhìn mẹ và nói bằng một giọng là lạ, không phải giọng Huế:
- Má cứ mở cửa sinh hoạt bình thường, không có gì phải sợ cả.

Mẹ gật đầu, nhưng bà vẫn bắt đóng cửa im ỉm từ sáng cho đến chiều, lòng cứ thắc mắc: “Tại sao người ta gọi mẹ bằng má?” Chị Lan đi tới đi lui, lo cho anh Thành đang ở bên Vỹ Dạ, không biết nhà bác Tuân có bị gì không. Điện nước vẫn cúp, tôi nói:
- Cái hồ nước nhà mình giỏi lắm là dùng được ba ngày.

Ba trấn an:
- Trong xóm mình cũng có hai ba cái giếng mà, lo gì. Để ba và thằng Bách xách nước cho.

Khoảng gần tối, có tiếng gõ cửa nhà tôi. Chị Phương Lan mừng rỡ chạy ra với hy vọng đó là anh Thành. Nhưng không, tôi nghe tiếng Đoan Trinh:
- Chị Lan về Huế ăn Tết hả. Chúc mừng chị năm mới. Phương Khanh có nhà không chị?

Giọng chị Lan ấp úng như đang sợ hãi một điều gì:
- Có… em… vào chơi đi.

Tôi bước ra, định cùng Đoan Trinh chia sẻ nỗi lo âu. Nhưng tôi bỗng đứng sững lại như bị chôn chân xuống đất. Con nhỏ bạn trước mắt tôi thật lạ lẫm. Nó không mặc những bộ đồ hoa quen thuộc, mà thay vào đó là màu đen từ cổ đến chân. Chiếc mũ tai bèo lật ra phía sau, nổi bật chiếc khăn ca rô quàng qua vai nó. Điều làm tôi hãi hùng nhất là khẩu súng và băng đạn mang trên người Đoan Trinh khiến nó mất hết vẻ yểu điệu thường ngày.
Nhìn tôi, Đoan Trinh cười:
- Sao? Trông tao lạ lắm hả?

Môi tôi dính chặt vào nhau.
- Phương Khanh, mày bị bất ngờ phải không?

Tôi gật đầu, im lặng. Đoan Trinh lại gần tôi:
- Ngày mai sẽ có một cuộc họp mặt giữa các sinh viên tại nhà tao, lúc chín giờ. Mày nhớ qua, tao đợi. Thôi, tao còn phải đi mời các bạn khác. Chào mày nghe. Em chào chị Lan.

Tôi rũ người xuống ghế. Chị Lan run rẩy để tay lên vai tôi:
- Phương Khanh ơi, em đừng đi.

Tôi ôm chầm lấy chị:
- Ôi con bạn thân của em, em sợ quá.

Mẹ dọn mâm cơm ra. Không ai buồn cầm đũa. Cả nhà bàn ra tán vào việc tôi có nên đi họp không? Ba bảo:
- Không sao đâu, chỗ bạn bè không lý nó làm hại con. Cứ đi đi, nếu sợ, cho thằng Bách theo hộ tống.

Thằng Bách có vẻ khoái trá vì được ra khỏi nhà, nó tán đồng ngay:
- Được rồi, mai chị đi với em, chả có gì phải sợ cả.

Không có điện, mọi người đi ngủ sớm. Ba lấy cái radio trasistor bỏ mấy cục pin vào nghe. Mẹ lại sợ:
- Ông làm ơn vặn nhỏ lại giùm tôi.

- Bà sao nhát hơn thỏ đế.
- Thiệt tôi không ngờ con Đoan Trinh lại như vậy. Con Diệu Hạnh nói mà tôi đâu có tin.

- Nhà ông Trầm có hai đứa con đi tập kết, ổng thân với họ cũng chẳng có gì lạ.

Nửa đêm, trời bỗng đổ mưa, mưa như trút nước rồi sau đó tí tách dầm dề khiến không gian trở nên lạnh căm. Tôi xổ mền ra cho hai chị em đắp chung. Chị Phương Lan thì thào:
- Ngày mai, chị muốn đi với em. Thằng Bách lóc chóc quá, sợ nó phát ngôn bừa bãi thì gay lắm.

- Chị bầu bì mà đi chi.

- Chị lo cho em, chị lo cả cho anh Thành.

- Thôi ngủ đi chị. Việc tới đâu hay tới đó.

Buổi sáng thức dậy, tôi nghe đầu nặng trĩu, miệng nhạt đắng, cổ buốt đau. Tôi đã ngã bệnh. Lần đầu tiên, tôi cảm thấy mừng rỡ vì cơn bệnh ập đến thật đúng lúc - một lý do rất chính đáng để tôi vắng mặt trong buổi họp sáng nay.

Chị Phương Lan cũng có ý nghĩ như tôi, chị reo nhỏ khi sờ vào trán tôi:
- Hay quá, vậy là em khỏi phải đi tới chỗ con Đoan Trinh. Để chị lấy thuốc cảm cho em nhé.

Uống xong viên thuốc, tôi nằm thiếp đi. Khoảng trưa, tôi nghe tiếng Đoan Trinh hỏi chị Phương Lan:
- Con Phương Khanh đâu? Sao không thấy nó sang nhà em?

- Nó bị sốt em à. Không tin em vào thăm nó coi, người nó nóng như cái lò lửa.

Tiếng Đoan Trinh cười nhẹ:
- Em tin chị chứ. Đáng lý em vào thăm nó nhưng bận quá, hẹn chị khi khác. Chị bảo nó ráng mau lành bệnh rồi đi sinh hoạt với tụi em.

Đoan Trinh không vào thăm tôi, may quá. Quả thật, tôi rất sợ màu áo đen của nó.

** *

Những ngày Tết Mậu Thân trôi qua lặng lẽ, cái lặng lẽ bề ngoài của mặt biển, che dấu những đợt sóng ngầm sẽ òa vỡ bất cứ lúc nào, làm thành cơn phong ba bão tố, nhấn chìm, cuốn phăng đi tất cả. Trời lạnh và không có nắng. Cả nhà tôi, không ai bước chân ra khỏi cổng, và cũng chẳng có ai lạ mặt đến gõ cửa nhà tôi. Đã mười ngày qua. Cơn sốt của tôi đã giảm kéo theo nỗi lo sợ bâng quơ. Từ hôm đó, Đoan Trinh không sang nhà tôi nữa, kể cả việc thực hiện lời hứa là sẽ vào thăm bệnh tình của tôi. Suốt ngày, thằng Bách than van:
- Ăn cơm với rau mắm hoài chắc con chết quá.

Nhiều lần, cậu Khuê vào thúc dục gia đình tôi dọn ra nhà bà Thị, theo ý cậu, ở đó đông người sẽ yên tâm hơn.

Sáng nay, cậu ghé thật sớm báo tin:
- Tôi đi thăm dò rồi. Họ chỉ kiểm soát vùng Gia Hội mình thôi. Trong Thành Nội đang đánh nhau. Bên tòa Khâm vẫn còn Quốc Gia, tụi Mỹ dồn về đó hết. Như vậy là rất nguy, Mỹ sẽ có thể pháo kích sang đây và chúng ta lãnh đủ.

Nhà anh chị có tấm phản nào tốt không?
- Có một tấm lớn.

- Được lắm. Bắt đầu từ tối hôm nay, cả nhà nên nằm ngủ dưới tấm phản, xung quanh che chắn cho kỹ, sẽ an toàn hơn. Hay là anh chị khóa cửa ra chỗ tôi cho chắc?

- Cám ơn cậu. Để rồi chúng tôi liệu sau.

Cậu Khuê đúng là tiên tri. Ngay tối hôm đó, Mỹ mở cuộc pháo kích đầu tiên. Ầm… ầm… cứ một lát lại có một tiếng nổ rung chuyển trời đất. Có ai chết không? Có nhà ai sập không? Nửa khuya, cả nhà tôi lục đục chui xuống dưới tấm phản, với muôn ngàn thắc mắc quay mòng mòng trong đầu óc. Mẹ nói:
- Hay là mai, mình dọn ra nhà dì Thị đi.

Ba gạt:
- Nhà mình, mình ở. Ra ngoài đó tù túng lắm, tôi không thích.

Thằng Bách nằm ngủ quẫy lung tung. Mẹ bảo ba:
- Ông nằm chặn lại đi, kẻo nó đạp trúng con Phương Lan.

Chị Phương Lan nói:
- Không sao đâu mẹ, con xây lưng lại rồi.

Từ khi nghe cậu Khuê nói ở Vỹ Dạ vẫn bình yên, chị Phương Lan vui hẳn ra. Giờ thì chị lo ngược, chị bảo tôi: “Tội anh Thành ghê, chắc là anh ấy lo cho chị lắm.”

Buổi sáng, không gian còn phảng phất mùi thuốc súng. Thằng Bách dậy sớm và biến đâu mất tăm. Mẹ nóng ruột đi lui đi tới. Tôi đoán:
- Chắc là nó đi xách nước.

Chị Phương Lan lắc đầu:
- Hôm qua ba và nó xách đầy hồ rồi. Chị nghĩ nó đi coi mấy chỗ bị pháo kích.

Ba chép miệng:
- Cái thằng điên. Phải cho nó một trận mới được.

Chỉ một lát sau, thằng Bách trở về, trên tay cầm một gói to:
- Mẹ ơi, hôm nay nhà mình có thịt ăn rồi.

Ba la lên:
- Mày đi giựt dọc ở đâu thế? Mang trả ngay.

Thằng Bách nhăn mặt.
- Để con nói ba nghe. Tối qua, chuồng heo nhà thằng bạn con bị pháo kích trúng, chết một con heo. Ba má nó xẻ thịt bán cho hàng xóm, con cũng mua được một miếng chớ bộ.

- Tiền đâu mày mua?

- Hôm mồng một, con được lì xì tùm lum, ba không nhớ sao?

Mẹ can:
- Nó nói đúng đấy. Thôi ông đừng la nó nữa. Bách, đưa thịt đây rồi mẹ trả tiền lại cho.

- Con có mua xà lách nữa. Dưới bến Đò Cồn, người ta gánh lên bán nhiều lắm.

Tôi khen:
- Không ngờ Bách của chị đảm đang quá.

Chị Phương Lan phụ họa:
- Lâu nay nhà mình ăn toàn rau dền với mắm đuôi (muối đâm), chán muốn chết. Bách của chị lanh thật.

Thằng Bách nở lỗ mũi:
- Em sẽ phục vụ hai chị hết mình.

Ba nói:
- Hai đứa xuống bếp phụ mẹ nấu cơm đi. Còn thằng Bách, ráng ở nhà, đừng đi lông bông nữa nghe con. Mẹ đang lo đấy.

Chị Phương Lan theo ba đi vào trong. Thằng Bách dợm bước ra cửa. Tôi kéo tay nó lại:
- Ở nhà. Em không nghe lời ba sao?

Thằng Bách đứng sững, lắp bắp:
- Chị Khanh, anh Châu kìa.

Từ cổng, Châu bước vào và đến bên tôi lúc nào, tôi cũng không hay. Hình như nỗi tủi hờn dâng lên làm tôi tê liệt hết thần kinh.
- Phương Khanh, em có khỏe không?

Tôi vẫn đứng im và cảm thấy giữa chúng tôi xuất hiện một hố sâu ngăn cách càng lúc càng rộng ra.
- Anh có thể ngồi được chứ?

Thằng Bách nhanh nhẩu kéo ghế:
- Anh Châu ngồi chơi. Để em đi rót nước.

Châu cười, vẫn hàm răng trắng đều đặn và con mắt có đuôi.
- Bách ngoan lắm.

Thằng Bách khuất sau tấm màn, tôi càng thêm lúng túng. Bộ áo quần trên người Châu đã làm tôi sợ hãi.
- Phương Khanh, hai bác vẫn khỏe chứ?

Tôi gật đầu.
- Trông em xanh hơn trước. Đoan Trinh nói em bị bệnh, phải không?

- Em bị sốt, nhưng lành rồi.

Châu dìu tôi ngồi xuống ghế và ghé ngồi gần tôi. Đôi vai tôi run lên dưới tay anh.
- Phương Khanh, em vẫn học tốt chứ?

Tôi không trả lời. Việc gì anh phải quan tâm đến chuyện học hành của tôi, một khi anh đã bỏ tôi mà đi.
- Những ngày qua, anh luôn nghĩ về em và mong đến ngày được gặp lại em.

Tôi chua chát:
- Và ngày đó đã đến…

Châu ngắt lời:
- Chưa, nhưng không còn lâu đâu em.

Tôi trút mọi nỗi bực tức lên Châu:
- Anh biết không, từ hôm mồng hai Tết đến giờ, gia đình em sống trong lo âu, hồi hộp, sợ hãi, cái chết và cái sống chỉ gần nhau trong gang tấc. Mọi người như muốn điên lên.

Châu cầm bàn tay tôi:
- Đó là qui luật của chiến tranh. Rồi tất cả sẽ trôi qua tốt đẹp, chúng ta sẽ có nhau trong suốt cuộc đời. Em đợi anh nhé.

Tôi rút bàn tay ra:
- Rất tiếc, khi đó em đã biến thành tượng đá vọng phu.

Ngẫm nghĩ một lát, Châu hỏi:
- Đoan Trinh đã nói gì với em chưa?

Tôi giật mình:
- Chưa. Nhưng em không muốn gặp nó nữa.

- Phương Khanh - Giọng Châu trở nên tha thiết - Chúng ta có thể đi dạo một vòng, nhé.

- Ba mẹ không cho Khanh ra khỏi nhà.

- Anh sẽ xin phép hai bác cho em đi với anh.

Tôi hoảng hốt:
- Anh đừng làm cho mẹ Khanh sợ, mẹ Khanh bị yếu tim.

Châu thở dài:
- Biết làm thế nào cho Khanh hiểu nhỉ.

- Hãy để cho thời gian làm việc đó.

- Phương Khanh, em phải tin rằng, anh yêu em, rất yêu em. Đừng nghi ngờ anh điều đó.

- Nhưng em không phải là con búp bê.

Bầu không khí chùng xuống. Mặc cho Châu cười, Châu nói, Châu kể cho tôi nghe những điều kỳ diệu trên những chặn đường mới anh đã đi qua. Tôi vẫn ngồi yên, câm lặng. Em yêu anh, em yêu anh, tôi muốn hét to lên, em yêu anh nhưng không thể hiểu được anh. Trái tim anh bốc lửa nhưng ngọn lửa đó không đủ sức xua tan niềm băng giá trong cõi lòng em.

Đôi môi Châu nghiêng xuống, hơi thở anh phả nhẹ lên cổ tôi, tôi thèm nụ hôn của anh biết bao. Tôi khép hờ bờ mi, ngả đầu lên vai anh, điểm tựa dịu dàng ngày nào vẫn ấm nồng êm ái. Tôi khóc lặng lẽ.
- Nín đi em. Rồi chúng mình sẽ sống mãi bên nhau.

Có tiếng ba tằng hắng sau bức màn. Tôi rời Châu, đưa tay chùi vội dòng nước mắt. Ba bước ra. Châu đứng dậy:
- Thưa bác.

- Chào cậu Châu. Cậu cứ ngồi chơi tự nhiên. Bách ơi, nãy giờ sao không đem nước ra.

Thằng Bách bưng khay trà, trên có dĩa mứt:
- Xin lỗi anh Châu vì em phải chờ mẹ nấu nước.

- Không có chi. Em đừng khách sáo như vậy.

Ba kéo ghế ngồi đối diện với Châu:
- Mời cậu uống nước, ăn miếng mứt cho vui. Lâu quá không gặp, giờ trông cậu có vẻ khỏe hơn trước.

Châu cầm tách trà lên:
- Cháu mời bác ạ.

Tôi đi vào nhà trong. Mẹ và chị Phương Lan đang đứng bên nhau nhỏ to xầm xì. Thấy tôi, mẹ ngoắc:
- Cậu ta nói gì với con vậy?

Tôi nói dối:
- Anh nói chuyện trên trời dưới đất, con chẳng hiểu gì cả.

Chị Phương Lan đồng tình:
- Phải rồi, mình làm sao hiểu được chủ nghĩa của họ.

Ba khoát màn bước vào:
- Cậu ta gửi lời chào cả nhà - Ông ngồi xuống chiếc ghế xếp, thở dài đánh sượt - Bà ạ, chắc là ngày mai chúng ta dọn ra nhà dì Thị cho rồi.

Mẹ tái mặt:
- Có chuyện gì thế? Cậu ta hăm dọa ông à?

- Không phải, nhưng cậu ta xin phép tôi cho con Phương Khanh đi họp hành gì đó. Trưa mai, cậu ta sẽ ghé đón.

- Ông trả lời sao?

- Mười tôi cũng không dám lắc đầu.

Mẹ cầm tay ba:
- Không được đâu, tôi sợ lắm.

Chị Phương Lan bàn:
- Mình dọn nhà ra bà Thị ngay bây giờ đi ba.

Ba đứng dậy, ra nhà sau rửa mặt:
- Để chiều ba ra nói trước với cậu Khuê, sớm mai mình dọn.

Tối hôm đó, ba lấy mấy tấm nệm che chung quanh tấm phản, cả nhà lại tiếp tục chui vào gầm phản ngủ qua đêm. Cũng như đêm trước, vừa tắt mặt trời là cuộc pháo kích bắt đầu. Cả nhà thao thức lo sợ, không ai chợp mắt được. Ầm… ầm… mặt đất chao qua đảo lại… Mẹ niệm Phật liên tục, thằng Bách nằm đếm bao nhiêu tiếng nổ, chị Phương Lan thì khóc rấm rứt vì nhớ anh Thành. Tôi lăn qua sát mé ngoài, nghĩ đến ngày mai, khi Châu ghé thấy nhà tôi cửa đóng then cài, không biết anh sẽ xử sự ra sao? Yêu anh, tôi rất muốn gặp anh, nhưng quả thật, tôi chẳng hề mong ước một cuộc hội ngộ như thế này.

Chỉ có ba là bình tĩnh, ông đang ôm chiếc radio nghe đài ngoại quốc. Chiếc radio cà tàng, thỉnh thoảng lại phát ra những âm thanh tít tít làm mẹ hoảng lên:
- Ông có tắt đi không. Coi chừng họ tưởng ông đánh truyền tin, họ vô bắt cả nhà bây giờ.

Ban đầu ba chỉ cười, không nói, nhưng sau mẹ mè nheo quá làm ông chả nghe gì được cả, ông gắt:
- Bà im đi. Họ đâu có ngu như bà.

Có lẽ tôi chợp mắt được một lúc lâu. Đến gần sáng, một tiếng nổ long trời lở đất dựng tôi dậy… Loảng xoảng… loảng xoảng… Hình như có một núi mảnh chai ụp xuống người tôi. Có tiếng mẹ rú lên:
- Chết tôi rồi ông ơi.

Giọng ba hoảng hốt:
- Bà ơi, bà ơi. Phương Khanh, dậy đốt đèn mau lên.

Tôi rên rỉ:
- Con dậy không được ba ơi.

Chị Phương Lan òa lên khóc:
- Mẹ ơi, đừng bỏ con. Phương Khanh ơi, đừng bỏ chị!

Thằng Bách tung mền chui ra ngoài:
- Nhà mình trúng pháo kích rồi ba ơi, để con thắp đèn cho.

Ba vừa dẹp xong mấy tấm nệm thì trời sáng hẳn. Trái đạn rơi đúng hiên nhà tôi bật tung cánh cửa lớn. Sức ép làm vỡ nát tấm kiếng tủ đổ ập lên người tôi, vì lúc đó tôi nằm sát mé ngoài. May thay, tôi đắp mền quá kín người nên không bị sây sát gì cả. Chỉ có mẹ tôi bị một mảnh pháo cắm vào phần mềm ở ngực phải, máu tuôn dầm dề. Mẹ ngất xỉu trong tay ba. Hai chị em tôi ôm nhau khóc. Ba ôn tồn:
- Không sao đâu. Để ba băng bó tạm cho mẹ rồi chúng ta cùng ra nhà cậu Khuê. Có cậu Khương ngoài đó, các con yên tâm.

Cậu Khương là em ruột cậu Khuê, hiện là một bác sĩ khá nổi tiếng của khu Gia Hội. Cậu mở phòng mạch ngay tại nhà. Sau khi xem xét vết thương của mẹ, cậu nói:
- Chị đừng lo. Em sẽ làm một phẫu thuật nhỏ để gắp mảnh đạn ra.

Nhà bà Thị là một ngôi nhà đúc ba tầng, có thêm sân thượng. Mọi người tụ tập ở tầng dưới cùng, hầu hết là những bà già hàng xóm, bạn đi chùa với bà Thị. Họ lý luận rằng, sân thượng và hai tầng lầu phía trên sẽ không cho phép một trái pháo nào lọt nổi xuống tầng dưới để làm hại đến các bà. Trong số đó, có bà Tham Quế, giàu nhất phố Gia Hội. Nhà bà đồ sộ hơn nhà bà Thị nhiều, nhưng vì con cái đi xa, không dám ở nhà một mình, nên bà ôm cả gia tài qua ở nhà bà Thị. Cứ trông vào bà thì biết, lúc nào bà cũng mặc một cái áo nâu dài tay rộng thùng thình, người bà không mập nhưng hai cánh tay phồng lên tròn lẳn rất lạ thường. Mợ Khuê nói cho tôi biết, bà đeo xuyến vàng từ cánh tay cho đến cổ tay, cũng như trong người bà đầy cả vàng lá. Cũng may, chung quanh bà toàn là người lương thiện nên biết là biết vậy thôi, không ai dòm ngó gì nhiều.

Gia đình tôi tập trung vào một diện tích vừa đủ trải hai chiếc chiếu, dưới chân cầu thang. Mẹ đã được cậu Khương chăm sóc chu đáo, mảnh đạn có vụn nên cuộc phẫu thuật gặp nhiều khó khăn, gây sốt nhiều lần, nhưng giờ mọi việc đã êm đẹp, vết thương đang trên đà bình phục.

Những ngày nối tiếp buồn tênh. Suốt ngày, tôi và chị Lan phụ mợ Khuê nấu cơm, rửa chén và kiểm soát thằng Bách. Từ hôm dọn ra đây, nó theo mấy đứa con cậu Khuê đi chơi lung tung, đến bữa không thèm về ăn cơm khiến ba rất bực tức, xách roi đi tìm. Mẹ can:
- Thôi, ông là công chức, không nên chường mặt ra ngoài.

Thắng Bách được thể, rong chơi liên miên. Có lần nó bảo tôi:
- Em thấy anh Châu đi với chị Đoan Trinh.

Đêm đó tôi đã âm thầm khóc và mơ thấy Châu. Châu đang tan loãng vào không gian mịt mù bão tố. Đôi mắt anh nhìn tôi xa cách, lạnh lùng.

Buổi sáng, tôi và chị Phương Lan theo mọi người tụ tập trên sân thượng, cùng nhìn về phía cầu Gia Hội để cùng hãi hùng khi thấy ở đó, khói lửa cuồn cuộn bốc lên cao. Cậu Khuê nói:
- Chắc nhà cửa trên chợ Đông Ba và đường Trần Hưng Đạo cháy hết rồi.

Cậu Khương lắc đầu ngao ngán:
- Tình hình càng lúc càng rối nùi, chẳng biết ra làm sao.

Đến tối, ba nghe đài BBC, mới biết cầu Tràng Tiền đã gãy. Tin này làm cho mọi người bàng hoàng, không ai nuốt nổi cơm. Riêng tôi, trong giấc ngủ, những kỷ niệm lại tràn về. Tôi nhớ Châu, nhớ buổi sáng mưa to gió lớn, hai đứa gặp nhau trên cầu và những chiều nắng đẹp, biết bao lần hai đứa đã cùng sánh bước bên nhau. Mấy nhịp cầu cong soi mình trên mặt nước sông Hương, ghi dấu bao kỷ niệm, giờ cũng đã tan hoang như mối tình thơ trẻ, biết chúng tôi còn gặp lại nhau không?

Chị Phương Lan lại mất ăn mất ngủ, chị sợ không có cầu Tràng Tiền, anh Thành không về với chị được. Cậu Khuê trấn an:
- Cháu đừng lo, thế nào công binh cũng làm cầu nổi cho dân chúng đi chứ.

- Cậu ơi, bao giờ thì tình hình trở lại như cũ?

- Không lâu đâu cháu.

Những ngày ở nhờ nhà bà Thị, tôi nhận thấy cậu Khuê là người lạc quan nhất. Cùng một bản tin, mới nghe qua ai cũng tái mặt, nhưng khi được cậu giải nghĩa, phân tích, đặt ra nhiều tình huống hợp lý, thì mọi người thở phào nhẹ nhõm, rũ hết mọi lo âu. Bởi vậy, cứ mỗi chiều cơm nước xong, chúng tôi lại quây quần bên “nhà” của cậu. “Nhà” ở đây cũng là một tấm chiếu hoa dành cho cậu và mợ, còn ba đứa con trai của cậu mợ ở chung “nhà” với bà Thị, bà nội của chúng. Với chiếc radio chạy bằng pin khá tối tân, cậu nghe đài VOA, đài BBC… chăm chú theo dõi tình hình. Nụ cười luôn nở trên môi cậu thay cho câu nói “không có gì mà ầm ĩ”. Các con của cậu thường hỏi:
- Ba ơi, lúc nào thì tụi con đi học trở lại?

- Sắp rồi đấy, chuẩn bị sách vở là vừa.

Thằng Bách lo xa hơn:
- Cậu ơi, không biết nhà này trúng pháo kích có sập không hở cậu?

- Sập thế nào được, có đụng cả trăm quả cũng không hề hấn gì.

Mỗi lần nghe cậu “nổ”, mợ Khuê chỉ mỉm cười lườm chồng:
- Thôi ông ơi, đừng cho tụi nhỏ ăn bánh vẽ nữa.

Mấy người bạn già của bà Thị thì chả thèm để ý gì đến tình hình chiến sự. Suốt ngày, các bà làm bạn với bác thằng bần. Mỗi “nhà” đều có một sòng: tứ sắc, tài bàn, mạt chược… Riêng bà Tham Quế không chơi. Từ sáng đến chiều, bà ngồi xếp bằng niệm Phật, tới bữa ăn, mợ Khuê trộn cơm và thức ăn vào cái chén kiểu, đút từng muỗng cho bà. Mợ nói với mẹ, vì vòng vàng đeo suốt hai cánh tay, nên bà cử động rất khó, không thể tự ăn được. Mẹ đưa tay che miệng, thì thầm với ba: “Nhiều vàng quá cũng chẳng sung sướng gì” Ba nói: “Trên đời này, cái gì cũng tương đối thôi. Nghèo quá cũng khổ mà giàu quá cũng mệt.”

Ban đêm, thành phố chìm vào bóng tối. Để tiết kiệm dầu, cả một diện tích rộng lớn tầng dưới nhà bà Thị chỉ được soi sáng bởi hai cây đèn bỏng nhỏ xíu. Hỏa châu rơi liên tục phả làn ánh sáng nhợt nhạt xanh xao vào khe cửa, vẽ những đường sọc buồn bã trên nền gạch hoa.

Hai mươi ngày trôi qua, mọi người bắt đầu sốt ruột. Riêng gia đình tôi có rất nhiều nỗi lo. Ba lo cho cô Sâm và các anh chị, không biết trong thành nội hết đánh nhau chưa? Mẹ cứ nhắc mãi anh Tùng, thấp thỏm như đang ngồi trên đống lửa. Chị Phương Lan còn thảm hơn, ngày nào chị cũng khóc lóc, rồi leo lên sân thượng hướng về phía Vỹ Dạ mịt mù hơi sương. Còn tôi, tôi nghĩ về mối tình mong manh của mình với cõi lòng muối xát kim châm.

Khu Gia Hội vẫn tiếp tục tan nát vì đạn pháo, cả ngày lẫn đêm, khiến trái tim mọi người luôn luôn giật thót, xất bất xang bang. Nhiệt tình của cậu Khuê xẹp dần như quả bóng xì hơi, cậu trở thành nhà hiền triết trầm ngâm. Các bà già cũng thôi đánh bạc, noi gương bà Tham Quế, tụng kinh niệm Phật nhức cả đầu. Chỉ có tụi nhỏ như thằng Bách và mấy đứa con của cậu Khuê, cậu Khương là điếc không sợ súng. Mặc cho đạn pháo nổ rền trời, chúng nó vẫn lén chui ra cổng sau đi chơi, có khi chúng xuống tận Bể Dâu xem Văn công biểu diễn rồi về khoe ầm nhà khiến bà Thị hết hồn, ra lệnh cho cậu Khuê quất cho mỗi đứa ba roi quắn đít.

Một buổi sáng mưa lâm râm, trời còn lờ mờ, cậu Khuê thận trọng đi qua đám người nằm ngủ ngổn ngang, đến tận “nhà” tôi. Cậu thầm thì:
- Anh Thông, anh Thông… họ rút rồi.

Ba mẹ cùng ngồi bật dậy:
- Cậu nói thật hay giỡn?

- Anh chị cứ ra đường là biết liền. Hồi khuya, BBC có loan tin nhưng tôi vẫn bán tín bán nghi.

** *

Việc đầu tiên của ba là vào thành nội xem gia đình cô Sâm ra sao. Ông bảo mẹ:
- Bà có nóng ruột thì cùng mấy đứa trở về nhà trước đi. Tôi chạy một vòng, sẽ về trước buổi trưa.

Chị Phương Lan níu tay ba tôi:
- Ba ơi, ba qua chỗ anh Thành giùm con.

Ba vuốt tóc chị đầy thương yêu:
- Cầu Tràng Tiền đã gãy, nhưng nhất định ba sẽ qua được Vỹ Dạ báo tin cho chồng con yên tâm.

Không khí trong nhà rộn ràng hẳn lên. Mọi người xếp chiếu, thu dọn đồ đạc, nói cười ầm ĩ.

Có tiếng thằng Bách hét lớn:
- Anh Tùng, anh Tùng, mẹ ơi, ba ơi, anh Tùng!

Tôi và chị Lan cùng sững sờ khi thấy một người lính đen nhẻm từ cửa sau chạy ùa vào, ôm chầm lấy mẹ:
- Mẹ ơi, con ghé nhà thấy nhà bị pháo, con đứng cả tim. May có mấy người hàng xóm chỉ ra đây.

Mẹ run rẩy bá lấy cổ anh, vò đầu tóc anh đến rối nùi:
- Tùng ơi, con về luôn với mẹ phải không?

- Dạ không. Con chưa được nghỉ phép. Nhân hành quân qua đây, con ghé thăm nhà một chút.

Mẹ bàng hoàng:
- Con không ăn được cùng gia đình một bữa cơm sao?

Anh Tùng nắm chặt bàn tay mẹ:
- Thưa mẹ được. Con có thể ở bên mẹ đến chiều. Ba đâu rồi mẹ?

- Ba con ra ngoài. Sẽ về ngay.

Gương mặt mẹ sáng ngời rạng rỡ, bà dục chị em tôi mau đi nấu cơm. Anh Tùng bảo:
- Còn sớm mẹ ạ. Để con nói chuyện với các em con một lát. Lâu quá không gặp, thằng Bách trông lớn hẳn,

Phương Khanh đẹp ra, còn Phương Lan thì sắp làm mẹ. Thời gian qua mau quá.

Anh đi ra ngoài, dẫn vào một người bạn:
- Đây là Khánh, bạn của con, hiện đang làm ở Quân Tiếp Vụ.

Mợ Khuê đi ngang, dừng lại, nhìn Khánh:
- Anh Khánh làm ở Quân Tiếp Vụ à? Ở đó còn gạo không?

- Thưa bác, còn rất nhiều.

- Nhà cũng sắp hết gạo rồi, anh có thể mua giùm cho chúng tôi vài tạ được không?

- Dạ, cháu rất sẵn sàng, nhưng phải đóng tiền trước mới xuất kho được.

Mọi người xúm lại:
- Gạo hả? Gạo hả? Cho tôi mua với.

Không những gia đình mợ Khuê, mà còn có cả gia đình tôi và hầu hết những người có mặt hôm ấy, đều đóng tiền cho anh Khánh, hy vọng được mua gạo giá rẻ. Anh Khánh hứa:
- Các cô bác ghi địa chỉ vào đây cho rõ ràng, ba ngày nữa, cháu sẽ cho xe chở gạo đến tận nhà.

Anh Tùng và anh Khánh giúp ba mẹ thu dọn trở về nhà cũ. Tôi bồi hồi ra thăm lại vườn xưa. Mai vàng rụng đầy mặt đất lạnh ướt, tàng cây bụi cỏ xơ xác tiêu điều… Tôi thẫn thờ tựa lưng vào chiếc cổng rào xiêu vẹo, ngắm nhìn những chùm hoa bích đào sắc thắm phôi pha, những ngọn lá thon dài đong đưa nỗi buồn trong gió. Chợt tôi chú ý đến một mảnh giấy được treo trên cây, lớn bằng cỡ bàn tay, có bốn dòng chữ viết bằng mực đỏ:

Khứ niên kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong

Tôi nhận ra nét chữ quen thuộc của Châu. Vậy là trước khi ra đi, Châu đã dừng lại bên vườn xưa lối cũ, mong tìm gặp tôi lần cuối. Anh định nói gì với tôi? Bất giác, tôi để tay lên má, màu hồng đã phai nhạt sau một tháng trời suy nghĩ lo âu. Tôi có còn xinh đẹp như cô gái của anh chàng Thôi Hộ, tác giả bốn câu thơ trên không? Kỷ niệm lại đưa tôi về một buổi sáng mùa xuân, Châu từ Đà Nẵng ra, đem đến cho tôi bao nhiêu là bánh kẹo. Nghe tiếng Châu, tôi chạy ra vườn đón anh. Chúng tôi cầm tay nhau dưới những chùm bích đào nở rộ, Châu đã sững sờ nhìn tôi:
- Phương Khanh, mầu hoa trên má em mới đẹp làm sao!

Tôi nhìn lên cao:
- Bích đào nhà em mới đẹp chứ.

Châu lắc đầu:
- Không có cánh đào nào đẹp bằng mầu hồng trên má Phương Khanh.

Vậy là anh đã ra đi. Anh từ giã em bằng một bài thơ của người khác, và ý nghĩa bài thơ cũng khác hẳn tình yêu của chúng ta. Ngày xưa, Thôi Hộ về vườn cũ tìm người yêu để cùng sum họp, còn anh, anh tìm em để làm trái tim em càng buốt giá nỗi chờ mong. Mùa xuân này em tròn hai mươi tuổi, em còn quá trẻ để chịu đựng những niềm đau không đáng có. Em yêu anh nhưng em sẽ quên anh.

Tiếng chị Lan gọi:
- Phương Khanh ơi.

Cả nhà chờ tôi bên nồi cơm bốc khói, tô canh rau dền vườn nhà nấu với tôm khô và dĩa nước mắm kho quẹt. Anh Tùng xoa hai tay vào nhau:
- Lâu quá mới có được một bữa cơm gia đình.

Mẹ nhìn ra cửa lóng ngóng. Đôi mắt mẹ sáng lên khi thấy ba quẹo xe vào nhà. Sự có mặt của anh Tùng không làm cho ba vui lên. Ba gieo người xuống ghế, hai tay ôm đầu, giọng ba đẫm đầy nước mắt:
- Con Diệu Hương… chết rồi,

Một luồn hơi lạnh chạy dọc sống lưng tôi. Mẹ buông rơi chiếc vá múc cơm xuống bàn:
- Trời ơi, ông gặp chị Sâm rồi à? Tại sao Diệu Hương lại chết? Ông nói rõ ra đi.

Ba không đáp. Ông bật người ra duỗi dài trên ghế, nét mặt già hẳn đi:
- Ôi, tôi không thể tưởng tượng con cháu ruột của tôi, đẹp người đẹp nết…

Tôi rót ly nước lọc đem đến cho ba, ông đỡ lấy uống cạn một hơi, rồi cầm tay tôi:
- Phương Khanh, chị Diệu Hương của con bị đạn lạc, chết hơn nửa tháng nay rồi.

Mẹ gục đầu lên vai anh Tùng:
- Cháu ơi, sao cháu chết tức tưởi, chết không thấy mặt cậu mợ và các em.

Ba ngồi nhổm dậy, nói chậm rãi:
- Bà đừng khóc nữa. Từ sáng đến giờ nghe chị Sâm khóc, tôi đã nẫu ruột lắm rồi. Nín đi, rồi tôi nói rõ đầu đuôi cho mà nghe. Trong thành nội, họ đến rồi họ đi chứ không như khu Gia Hội mình. Vì vậy mà chị Sâm cứ chạy theo họ hỏi cho được tin tức thằng Trí. Lớn tuổi, gặp mưa dầm gió lạnh, chị ngã bệnh phải nằm nhà, nhưng tối ngày cứ vật vã gọi tên thằng Trí. Thế là mấy đứa kia phải thay chị đi hỏi thăm tin tức. Chiến tranh mà, trời kêu ai nấy dạ, con Diệu Hương bị một mảnh pháo lạc trúng ngay tim. Nó mất hôm rằm, chính tay thằng Phong đóng hòm. Mộ chôn ngay trong vườn. Tôi đã thắp nhang cho nó rồi.

Ba đập tay xuống bàn:
- Cũng tại chị Sâm hết, con gần không thương, đi thương đứa bỏ cha bỏ mẹ.

Mẹ để tay lên vai ba:
- Ông đừng nói thế mà tội. Bây giờ, chị Sâm là người đau khổ nhất.

Ba bỏ vào phòng nằm. Mẹ nói:
- Để cho ba ngủ. Phương Lan nhớ để dành cơm cho ba.

Chị Phương Lan như người mất hồn. Chị đứng im, nước mắt chảy vòng quanh. Anh Tùng ôm vai chị:
- Phương Lan, bình tĩnh lại đi em.

Chị nắm tay anh:
- Anh Tùng ơi, em sợ quá, đến giờ này mà vẫn chưa thấy anh Thành qua với em.

Anh Tùng vuốt tóc chị:
- Ở Vỹ Dạ bình yên lắm, em đừng lo. Sở dĩ anh Thành chưa qua được là vì cầu nổi chưa bắc xong.

Anh Khánh thấy không tiện ngồi lại nên đứng dậy từ giã. Mẹ nhìn anh:
- Xin lỗi cậu vì gia đình tôi đang có chuyện buồn.

- Thưa bác, không sao ạ. Ba ngày nữa cháu sẽ chở gạo đến cho bác.

Anh Khánh đi rồi, chị Phương Lan nói:
- Sao mẹ dễ tin quá. Biết anh ấy là ai mà gửi tiền cho ảnh.

- Nó là bạn của anh Tùng mày. Tùng ơi, Khánh là bạn thân của con phải không?

- Hồi xưa, nó học Quốc Học với con, không thân lắm nhưng tính nó thiệt thà, mẹ yên tâm đi.

Tôi cũng nói vào:
- Bà Thị gửi tiền mua đến hai tạ, mình có mấy chục ký mà lo chi không biết.

Thằng Bách hét vang ngoài vườn:
- Anh Thành, chị Phương Lan ơi, anh Thành qua.

Chị Phương Lan chạy bổ ra. Anh Thành quăng chiếc xe đạp vào khóm hoa lài, dang rộng tay đón chị vào lòng. Anh hôn tới tấp lên mặt, lên tóc chị:
- Phương Lan ơi, em vẫn bình yên chứ?

Anh quì xuống, áp má vào bụng chị, vòng tay ôm ngang lưng chị, giọng đầy cảm xúc:

- Lần sau, em không được chạy nhanh như vậy nữa nhé, chúng ta sắp có tí nhóc mà, em quên rồi sao?

Tôi đứng sau màn cửa, lặng lẽ ngắm nhìn hạnh phúc của anh chị. Biết bao giờ tôi mới có được một tình yêu tuyệt vời như thế? Tôi để tay vào túi áo, vò nát tờ giấy ghi những dòng chữ của Châu. Tôi không cần những lời khen bóng bẩy, má Khanh hồng làm gì, mắt Khanh trong làm gì, khi anh như một cánh chim giang hồ bỏ Khanh mà đi biền biệt. Em chỉ cần anh.

Mẹ đi ra, thấy anh Thành, bà mừng rỡ:
- Ủa, con qua rồi đó à. Con đi đường nào vậy?

- Thưa mẹ, con qua đây bằng đò. Phải đợi từ sáng sớm đến giờ, người ta tranh nhau qua đông lắm. Ba con đâu rồi ạ?

- Ba con đang ngủ trưa. Thôi, con vào phụ với anh Tùng và em Bách dọn dẹp nhà cửa giùm cho mẹ với.

- Anh Tùng có về hả mẹ. Lâu quá, anh em con chưa có dịp gặp nhau.

đọc tiếp

Chương 1, 2, 3, 4, 5 ,6, 7, 8