Truyện dài - Thùy An

Để nhớ mãi một thời áo trắng
Thùy An - cựu giáo sư PTGĐN

 

CHƯƠNG BỐN


Trước khi nghỉ Tết, một vị giáo sư người Anh từ Sài Gòn ra Huế giảng một loạt bài về ngành “Động vật có xương sống”. Chúng tôi ghi bài khá vất vả, nhưng đỡ hơn thầy Thọ ở chỗ là Giáo sư có cours quay ronéo phát cho sinh viên. Chỉ có điều đáng lo là ông bắt mỗi sinh viên phải làm một bộ xương để cuối năm lấy điểm thực tập. Muốn được công bằng, ông tổ chức bốc thăm. Thu Tâm, Minh Hiền may mắn bốc trúng bộ xương cá và ếch, riêng tôi và Đoan Trinh trúng ngay phóc hai bộ xương… mèo.

Tôi về nhà lo sốt vó. Không phải tôi không biết làm, nhưng thật sự tôi không dám làm. Tôi không đủ can đảm bắc nồi nước sôi lên để thả vào đó một con mèo còn sống như tôi đã từng học trong lý thuyết. Ôi, loài mèo vốn dễ thương dịu dàng như một cô gái đẹp, tôi nỡ lòng nào! Châu đến tìm tôi:
- Khanh yên tâm đi, anh sẽ làm cho em một bộ xương mèo tuyệt đẹp.

Ban đầu tôi mừng, rồi sau lại thắc mắc:
- Mèo đâu anh có? Đừng giết mèo nhà anh nghe, tội chết.

- Khỏi lo. Tụi trong phòng Động Vật xách túi đi bắt trộm mèo thiếu gì, anh sẽ xin cho Khanh một con.

- Thôi, Khanh không dám luộc đâu.

- Anh sẽ luộc và làm hết cho Khanh.

Sáng chủ nhật, tôi đạp xe vô nhà cô Sâm. Chị Diệu Hương đang đổ bánh bèo. Tôi sà xuống:
- Hấp dẫn quá.

Chị Diệu Hạnh vớt tôm hấp ra rổ, bảo tôi:
- Khanh lột tôm giùm chị với.

- Chị làm tôm chấy hả, để em giã cho.

- Ừ, để chị đi rửa cái cối đã.

Cô Sâm từ nhà trên xuống:
- Phương Khanh qua chơi đấy à. Ở lại ăn bánh bèo nghe cháu.

- Dạ.

Cô đi ra vườn rồi quay trở vào, vẻ mặt đăm chiêu. Chị Diệu Hương bảo:
- Nó đi mất tiêu từ hôm qua đến giờ, hơi đâu mẹ kiếm.

- Chắc là nó lạc đâu đó.

- Vậy thì nó sẽ về thôi.

Tôi hỏi chị Diệu Hạnh:
- Cô tìm ai thế?

- Con Minu.

Cô Sâm phân trần với tôi:
- Con Minu đi đâu không thấy về ăn cơm, đã hai ngày rồi. Cả thằng Phong cũng vậy, đi suốt đêm, đến giờ cũng biệt tăm biệt tích.

Minu là con mèo tam thể của cô tôi, nó bắt chuột rất giỏi nên cô thương lắm, bữa cơm nào cũng cho ngồi bên cạnh. Sự mất tích trùng hợp giữa anh Phong và con Minu, khiến tôi rùng mình. Chả cần thông minh tôi cũng đoán ra. Con Minu đã được anh Phong hóa kiếp tại nhà Đoan Trinh, vì đêm qua, nó đã sang nhà tôi mượn cái nồi lớn, có vẻ bí mật lắm.

Cô Sâm đến ngồi nơi tấm phản, thở dài:
- Còn cái thằng Phong nữa. Con với cái, đi không thưa, về không trình.

Chị Diệu Hương nói:
- Nó là con trai, hơi đâu mẹ lo.

Cô Sâm trợn mắt:
- Con gì cũng vậy, có nhà không ngủ, cứ đi ngủ lang, ai mà chịu được.

Chị Diệu Hạnh cười cười:
- Con biết hôm qua nó ở đâu rồi.

Cô Sâm thòng chân xuống, xỏ vào đôi dép:
- Ở đâu? Nói nghe coi.

- Ở nhà con bồ nó chớ ở đâu.

Chị Diệu Hương hỏi:
- Nhà con Đoan Trinh à?

- Chớ ai vô đó. Thứ đồ con gái thúi.

Tôi la lên:
- Chị Hạnh, Đoan Trinh là bạn em mà, sao chị lại nghĩ xấu cho nó thế.

- Em mà là bạn của Đoan Trinh kể cũng lạ thật. Em hiền quá, chơi gì lại với nó. Nó xỏ mũi thằng Phong cái một, thấy phát tức.

Chị Diệu Hương nhìn em gái:
- Chị không bằng lòng Hạnh nói như thế. Hạnh phải khách quan chứ. Chúng nó yêu nhau mà.

- Nhưng em không chịu nổi cái gia đình của Đoan Trinh. Thứ ăn cơm quốc gia thờ ma cọng sản.

Cô Sâm nạt:
- Mày im đi. Anh của mày cũng là cọng sản đấy. Mày có biết mẹ mày ngày đêm thương nhớ anh mày không.

- Vậy anh Hải thì sao? Con cũng phải biết thương nhớ chồng con chứ.

- Ai cấm mày.

Chị Diệu Hạnh vứt đôi đũa xuống mâm, bỏ đi lên nhà trên. Cô Sâm nhìn theo ngao ngán. Chị Diệu Hương bảo tôi:
- Mặc kệ nó, cứ làm tiếp đi em.

Tôi vừa giã tôm vừa lan man nghĩ đến sự đối cực giữa anh Trí và anh Hải, chồng của chị Diệu Hạnh. Anh Trí hiện đang ở hàng ngũ bên kia, trong khi anh Hải là sĩ quan phía bên này, năm tháng hành quân liên miên, rất ít có thời gian gần gũi vợ con. Mối tình giữa anh và chị Diệu Hạnh rất đẹp. Hồi đó tôi mới học lớp tám, thường theo anh chị đi chơi trên chiếc xe Jeep cà tàng, có khi lên tuốt trên đỉnh đèo Hải Vân.

Có tiếng máy xe quẹo vào sân. Anh Phong về, chạy ngay xuống bếp, ôm vai cô Sâm như không có chuyện gì xảy ra:
- Chà, hôm nay cả nhà mình ăn gì mà ngon thế. Bánh bèo tôm chấy à. Có làm chả không chị Hương?

Cô Sâm hất tay anh ra:
- Mày đừng có giả mù sa mưa.

Anh Phong buông vai mẹ:
- Có chuyện gì vậy mẹ?

- Mày đi đâu từ hôm qua đến giờ?

- Tưởng chuyện chi quan trọng, mẹ làm con hết hồn.

- Thôi đừng đánh trống lảng nữa. Mày đi đâu? Nói ngay.

Anh Phong cười ha hả:
- Con trực ở trường.

- Tối thứ bảy mà trực cái gì.

- Tối nào cũng là tối chứ, mẹ lẩm cẩm quá.

- Lẩm cẩm tổ cha mày.

- Con Phương Khanh nhìn kìa. Mẹ đừng ca cải lương nữa. Dị lắm.

Anh Phong nhổm dậy, đến cạnh tôi:
- Tay em yếu quá, đưa anh giã cho.

Tôi nói nhỏ vào tai anh:
- Anh hóa kiếp con Minu rồi phải không?

Anh để ngón tay lên môi tôi:
- Suỵt. Em đoán việc như thần.

- Chết anh! Cô đi tìm con Minu từ hôm qua đến giờ.

- Cứ xem như nó đi theo tiếng gọi của tình yêu. Em đừng nói với ai nhé. Phương Khanh, đêm qua anh với thằng Châu thức trắng đêm. Vui lắm.

Tôi tròn mắt:
- Hôm qua Đoan Trinh qua nhà mượn cái nồi lớn, em biết anh đang ở nhà nó. Anh ở đó đến giờ à?

- Bậy, anh xách nồi qua trường chớ. Luộc một lúc ba con mão.

Tôi rùng mình:
- Dễ sợ. Làm gì nhiều thế?

- Thì làm cho em, Đoan Trinh và thằng Khôi, học cùng lớp với em đấy, em biết nó không?

- Biết. Nó cũng bốc trúng bộ xương mèo như em. Nhưng mắc mớ gì anh phải làm cho nó?

- Tại Châu đấy. Nó gạ thằng Khôi cho nó một con mèo, nó sẽ làm giùm cho bộ xương. Thế là thằng nhóc xách túi đi bắt trộm.

Chị Diệu Hương nói:
- Khanh để cho Phong giã, lên nhà lấy cho chị chồng dĩa.

Cô Sâm đứng dậy:
- Để tao lấy cho. Em nó qua chơi một bữa, đừng sai nó nhiều.

Tôi rửa tay, vào phòng trong tìm chị Diệu Hạnh. Chị đang nằm trên chiếc ghế xếp, thẫn thờ nhìn ra cửa sổ.
- Chị Hạnh

Chị không quay lại:
- Phương Khanh đấy à. Lại đây em.

Tôi kéo cái ghế nhỏ, ngồi cạnh chị. Chị cầm tay tôi:
- Phương Khanh à, hình như chị hơi vô lý với mẹ chị. Phải không em?

- Cô rất nhớ thương anh Trí, chị Hạnh à.

- Chị biết. Nhưng anh ấy tàn nhẫn lắm. Ảnh nỡ dứt áo ra đi, bỏ mẹ, bỏ vợ con… Chị Thảo Sương năm đó mới hăm mốt, thằng cu Thanh còn đỏ hỏn.

Tôi im lặng, không biết nói gì. Ngày anh Trí đi tôi còn quá nhỏ để ý thức được việc làm của anh là đúng hay sai. Cả gương mặt anh Trí tôi cũng không còn nhớ, chỉ mường tượng một dáng người tầm thước, thường ôm cây đàn guitare cùng bạn bè hát hò sau vườn nhàanh. Hồi đó, vườn nhà cô Sâm rất rộng, từ mặt tiền đường Âm Hồn ra gần tới chợ Xép. Sau này vì sinh kế, cô cứ xén đất bán dần. Giờ chỉ còn một khoảng đất hẹp bao quanh ngôi nhà, nhưng cô không tiếc lắm vì đã giữ lại được cây nhãn trước sân, một kỷ niệm ghi dấu quãng đời thơ ấu của anh Trí.
- Phương Khanh biết không, mẹ chị thật bất công. Mỗi lần anh Hải đi hành quân, mẹ chị sợ ảnh đụng phải anh Trí, mẹ thắp nhang, đi chùa, van vái tứ phương, cầu cho anh Trí bình an, mà không đoái hoài gì đến anh Hải. Trong một trận chiến, phe bên này thắng thì bên kia phải thua, mẹ chị muốn anh Hải chết để anh Trí được sống…

Tôi ngắt lời:
- Chị lại nói bậy nữa rồi. Cô rất thương anh Hải.

Chị Diệu Hạnh ôm mặt khóc:
- Chị nhớ anh Hải, chị căm thù chiến tranh.

Tôi đặt tay lên vai chị:
- Chị không nên nằm đây một mình. Xuống nhà chơi với em.

Chị đứng lên, thở một hơi dài:
- Để chị đi đón bé Hạnh Hoa, nó ở bên bà nội.

- Em đi với chị nhé.
- Ờ, cũng gần đây thôi. Thấy dì Khanh, chắc bé mừng lắm.

*

Cây mai vườn nhà tôi nở muộn. Sáng mồng hai Tết mới hé những nụ hoa đầu. Ba nói mãi:
- Nhà có ba đứa con vô tích sự, biểu lặt lá từ hôm rằm mà có đứa nào thèm nghe đâu.

Mẹ bênh:
- Ông làm như ai cũng rảnh ấy. Gần Tết, tôi và con Phương Lan may hàng không kịp, con Phương Khanh và thằng Bách thì bận học hành.

- Học gì. Tụi nó nghỉ từ hôm đưa ông Táo.

Ba la cũng đúng. Từ lúc vị Giáo sư người Anh trở lại Sài Gòn, chúng tôi được chơi tà tà cho đến khi nghỉ Tết. Bộ tứ chúng tôi nay ở nhà đứa này, mai ở nhà đứa khác, bày ra mọi trò vui hát hò, đấu láo, đi chụp hình, xem xi nê…Và, có một lần, tôi lén tụi nó, đi chơi riêng với Châu. Đó là buổi sáng hăm chín Tết. Hai đứa đạp xe lên Ngự Bình ăn bánh bèo. Trong chiếc quán tranh dưới hàng bạch đàn, bên con dốc thoai thoải, Châu đã tâm sự cho tôi nghe về cuộc đời anh. Ba anh là người Hà Đông, vào Đà Nẵng lập nghiệp từ hồi Pháp thuộc. Ba gặp mẹ, hai người xây dựng gia đình được ba năm thì Cách mạng mùa Thu bùng nổ, khi đó anh vừa được hai tuổi. Ba anh đi theo kháng chiến. Mẹ đem anh về quê ngoại nương náu đợi chờ. Nhưng ba đi mãi, cuộc chiến tranh khốc liệt đã kéo ba vào cơn lốc triều dâng. Tuổi xuân của mẹ qua đi trong nhọc nhằn lam lũ, cuốc đất, trồng lúa… kiếm hạt gạo nuôi đứa con trai duy nhất bơ vơ. Ngày đình chiến, ba không về, thay vào đó là tấm giấy báo tử. Mẹ không còn nước mắt để khóc nữa. Nghe lời người chị ruột, mẹ dắt anh lên thành phố, kiếm việc làm nuôi con ăn học. Nhờ chịu thương chịu khó, mẹ dành dụm được một số tiền, mua căn nhà nhỏ, mở tiệm tạp hóa cho đến ngày hôm nay. Hiện anh sống với mẹ và dì, người chị ruột của mẹ anh.

Châu cầm tay tôi:
- Nếu mẹ và dì thấy em, chắc là họ thương lắm vì trông em thật dịu hiền.

- Em cũng bình thường như các bạn của mình thôi.

Châu cười:
- Ba cô bạn của em ấy à. Cho phép anh được phê bình nhé. Minh Hiền thì lém lỉnh khỏi nói, Đoan Trinh không thật lòng, chỉ có Thu Tâm là tạm được nhưng hơi tò mò.

Nghĩ đến tình cảm của Thu Tâm dành cho Châu, tôi hỏi:
- Nó tò mò gì thế?

- Anh ở trọ sát nhà Thu Tâm, thấy cô ấy cứ muốn biết đời tư của anh.

- Biết đâu nó có ý tốt.

Châu đẩy những chén bánh bèo trắng muốt về phía tôi:
- Thôi không nói đến nữa. Em ăn đi, bánh còn nóng nè.

Tôi nhìn hàng thông xanh mướt óng ánh nắng vàng:
- Khí hậu thật dễ chịu. Đúng là mùa xuân. Hy vọng mồng một trời không mưa.

- Rất tiếc là anh không được ăn Tết với em. Anh hẹn với mẹ hăm chín về mà giờ này còn ngồi đây. Chắc mẹ trông lắm.

- Anh nên vào chuyến xe trưa. Đừng kéo dài nỗi mong đợi của mẹ anh mà tội.

Suốt buổi chiều hôm ấy, tôi nghĩ mãi đến sự chờ mong cùng thân phận của những người đàn bà trong thời chiến mà nghe lòng xao xuyến không yên. Nỗi đợi đằng dặc vô cùng, niềm nhớ bảng lảng khôn nguôi. Bây giờ tôi mới thấy thấm thía mấy câu thơ của bà Đoàn thị Điểm:

Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu.
Ngàn dâu xanh ngắt một mầu,
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai.

Cô Sâm và chị Thảo Sương cùng mong ngóng một người đi. Họ nén buồn, hy vọng qua hai năm, anh Trí sẽ trở về. Nhưng không, anh đi năm Ngọ và bây giờ thêm một năm Ngọ nữa trôi qua, anh vẫn biền biệt phương trời. Thằng Thanh, con trai anh mới ngày nào còn bồng ngửa, giờ đã mười ba tuổi, chỉ biết mặt bố qua tấm hình nhỏ xíu trong album kỷ niệm. Chị Thảo Sương là một nàng dâu đáng nể phục. Ngày anh đi, chị hứa với anh sẽ săn sóc mẹ già em dại, và chị đã làm bổn phận vẹn toàn. Chị học nghề làm bánh mứt của cô Sâm. Các chị Diệu Hương, Diệu Hạnh lớn lên cũng theo nghề mẹ. Có một thời, hàng của cô Sâm bán chạy như tôm tươi. Nhà có của ăn của để. Nhưng rồi sau đó cô đau một trận thập tử nhất sinh, hết cả tiền bạc, phải cắt dần đất vườn bán mới chữa dứt được bệnh. Bây giờ, nhà cô vẫn còn làm bánh nhưng có nhiều chỗ cạnh tranh nên không còn đắt hàng như xưa nữa.Tuy nhiên, cô vẫn lo được cho các con một đời sống tương đối đầy đủ, không kể mỗi tháng phải đóng phần hụi chết cho anh Phong để anh được ở lại trường giảng dạy, khỏi đi lính, chết uổng thân. Vì anh Trí, cô Sâm không thích những người đi lính như anh Tùng, anh Hải. Hồi chị Diệu Hạnh yêu anh Hải, cô phản đối kịch liệt, sau có ba đứng về phe chị, kiên nhẫn thuyết phục cô, ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác… cuối cùng cô mới cho phép anh chị làm đám cưới. Ông trời cũng cay nghiệt, xui anh Hải rơi nhằm cái đơn vị gì mà cứ đi hành quân liên miên. Chị Diệu Hạnh cô đơn trong nỗi chờ mong da diết, không biết ngỏ cùng ai. Tôi đứng giữa, thương cô Sâm và các chị, thương cả anh Hải lẫn anh Trí, nên lúc nào cũng cầu mong cho họ được hạnh phúc bình yên.

Pháo nổ từ vườn nhà bên cạnh dòn dã vọng sang, kéo dài rất lâu. Chị Lan từ trong nhà đi ra:
- Đúng là dư tiền dư bạc đem ra đốt chơi.

Tôi nằm dài trên đi văng:
- Mai mốt đám cưới chị, ba đốt phong pháo dài năm thước.

- Ai nói em thế? Làm như nhà mình cao lắm ấy. Chỗ nào treo được phong pháo dài như vậy, chỉ chị coi nào.

- Em nghe ba bàn với anh Thành, và anh ấy gật đầu lia lịa muốn gãy cần cổ.

Chị Lan la:
- Phương Khanh, ngày Tết ăn nói phải giữ mồm giữ miệng chớ. Coi chừng… đó.

- Coi chừng chi? A, chị sợ em ê sắc phải không? Khỏi lo đi, ế càng khỏe. Ngó chị Diệu Hương và chị Diệu Hạnh, ai sung sướng hơn? Chị Diệu Hương sống độc thân khỏe re, còn chị Diệu Hạnh ngày nào cũng nhớ mong anh Hải, nhan sắc xuống dốc thảm hại, còn phải lo nuôi con nữa chớ, cả năm không xem được một phim hay.

- Lý luận như mày có ma nó nghe.
- Chị lại không giữ mồm giữ miệng rồi. Sao ngày Tết, chị nói đến chữ ma?

Anh Thành chở người em trai phóng xe vào cổng, dừng ngay dưới gốc mai, khiến gương mặt chị Lan tươi rói. Anh tắt máy, bỏ chìa khóa vào túi rồi bước vào nhà nhìn chị Lan, âu yếm:
- Ba mẹ đâu? để anh chúc thọ.

- Ba mẹ đi thăm bạn bè rồi. Anh và Hoài ngồi chơi, để em lấy mứt.

Nhìn qua tôi, anh nói:
- Chúc Phương Khanh năm nay thi đậu dự bị nhé.

Tôi vòng tay:
- Cám ơn anh Thành. Sao anh không mừng tuổi em?

- Có chứ - Anh rút trong túi áo ra một phong bao lì xì màu đỏ - Em không nhắc anh quên đấy.

- Sao anh quên khôn vậy?

Chị Lan tằng hắng, trừng mắt nhìn tôi. Anh Thành cười:
- Anh muốn nhường cho Hoài mừng trước, vì Hoài đã chuẩn bị từ lâu rồi.

Hoài vui vẻ bước đến bên tôi. Anh đặt vào tay tôi một chiếc hộp nhỏ bằng hai ngón tay ẩn hiện những đường vân như dợn sóng.
- Chúc Phương Khanh đạt được mọi ước mơ.

- Cám ơn anh Hoài. Em có thể mở hộp ra ngay bây giờ chứ?

- Phương Khanh cứ tự nhiên.

Quà tặng của Hoài là món trang sức cài áo có hình hoa hướng dương, nhụy mang những hột sa phia lấp lánh, cánh hoa làm bằng vàng 18K chạm trổ rất mỹ thuật. Hoài nói rất nhỏ:
- Phương Khanh là mặt trời, hãy cho phép anh làm hoa hướng dương nhé.

Anh Thành kéo chị Lan đi đâu mất tiêu. Tôi bối rối:
- Anh Hoài, anh… ăn mứt đi.

Hoài ngồi xuống, tự nhiên cầm một hạt mứt sen bỏ vào miệng:
- Mứt ngon quá. Phương Khanh làm phải không?

Tôi đã lấy lại bình tĩnh:
- Đâu có. Em chỉ biết nếm thôi.

Hoài gật gù:
- Nếm cũng là một nghệ thuật đấy.

Hoài cầm một miếng mứt bí đao tỉa hình rẽ quạt lên ngắm nghía:
- Đẹp quá. Chắc là tác phẩm của cô Sâm?

- Sao anh biết?

- Hồi còn nhỏ, cô Sâm đã nổi tiếng làm bánh mứt khéo nhất thành phố Huế, ai mà không biết.

- Cô em bây giờ già rồi, nên truyền nghề lại cho mấy người con gái.

- Tháng trước theo anh Thành vào thành nội thăm cô, anh có gặp các chị ấy. Hình như chị Diệu Hương có một lần được giải nhất cuộc thi nữ công gia chánh? Anh đã thấy hình của chị trên báo.

- Dạ, hồi năm ngoái, vào dịp lễ Hai Bà Trưng. Chị ấy khéo tay lắm.

Tiếng pháo nổ từ xa râm ran…
- Khanh đã xuất hành chưa?

- Sáng qua em đã đi chùa.

- Vậy hôm nay anh mời em, chúng ta đi dạo một vòng nhé.

Tôi ngập ngừng:
- Em ghét ra đường ngày Tết lắm, tụi con nít đốt pháo quăng loạn xạ, cứ giật mình hoài.

- Vậy thì chúng ta đi xi nê. Ở Châu Tinh đang chiếu một phim Pháp hay lắm, Catherine Deneuve đóng vai chính.

- Em… đi không được, em phải ngó nhà.

Giọng Hoài trở nên buồn:
- Phương Khanh, sao lúc nào em cũng từ chối mọi đề nghị của anh vậy. Em ghét anh lắm phải không?

Đôi mắt Hoài nhìn tôi thật tội nghiệp. Tôi nói:
- Nhà không có ai, em nói thật mà.

Chị Lan từ ngoài vườn đi vào:
- Hai em đi chơi đâu cứ đi. Chị trông nhà cho. Sáng nay anh Thành và chị ở nhà chờ ba mẹ về.

Chị nhìn tôi với ánh mắt đồng tình, khích lệ. Chị cũng như anh Tùng, ba mẹ, kể cả cô Sâm đều mong muốn tôi trở thành bà bác sĩ. Còn tôi thì không. Tôi chỉ yêu Châu. Dù Châu học thấp và không được hào hoa phong nhã như Hoài, nhưng tâm hồn chúng tôi có chung một tần số rung cảm. Gần Châu, tôi thấy rất vui, một ngày không gặp Châu, tôi nhớ nhung ray rứt. Từ chiều hăm chín Tết đến nay, tôi cảm thấy như thiếu hụt một cái gì. Chúng tôi không còn thở chung bầu không-khí-Huế nữa, Châu đã vào Đà Nẵng ăn Tết với gia đình. Còn lại mình tôi, hết ra lại vào, giúp mẹ và chị Lan vài công việc lặt vặt như nấu nước, pha trà… để quên đi nỗi buồn xa Châu.

Chị Lan dục:
- Phương Khanh, vào thay đồ đi.

Không thể từ chối được, đành phải đi chơi với Hoài thôi. Tôi chọn chiếc áo dài lụa hồng in hoa mai lan cúc trúc. Chị Lan khen:

- Mầu áo thiệt hợp với nước da của Khanh.

Anh Thành đứng nơi ngưỡng cửa, trầm trồ:
- Chùm hoa bích đào ngoài kia đang ghen tức với Phương Khanh đấy.

Hoài đến cạnh tôi:
- Anh sẽ đưa em đi một vòng thành phố.

Tôi lắc đầu:
- Mình đi bộ loanh quanh đây thôi.

Chị Lan nói:
- Hay là hai người ra chùa Diệu Đế xin xăm đi. Xem thử tình duyên gia đạo ra sao.

Tôi đỏ mặt, ngúng nguẩy. Hoài bảo:
- Vậy mình đi xi nê nhé.

Chị Phương Lan đi ra sau, gọi:
- Phương Khanh, chị nhờ cái này coi.

Tôi theo chị vào bếp. Hai mắt chị trợn dọc vì tức giận:
- Mày hành hạ thằng em của tao vừa thôi chứ. Tao lạy mày, mày đừng làm tao mất mặt với anh Thành.

- Ai biểu chị chọc em.

- Đi ra mau, cô nương.

Trong rạp xi nê, tôi cố tỏ ra vui vẻ với Hoài, nhưng nhất định không cho anh cầm tay tôi.

đọc tiếp

Chương 1, 2, 3, 4, 5 ,6, 7